Quán chiếu vào cuộc sống chúng ta thấy mọi khổ đau, phiền não
mà từng giây từng phút chúng ta tạo ra cho nhau không ngoài tham lam,
nóng nảy, bộp chộp, thiếu hiểu biết và thiếu giáo dục công dân lẫn giáo
dục bản thân.
Đi chùa lễ Phật, ở nhà ăn chay, tụng kinh niệm Phật, ra ngoài
đời hoạt động thiện nguyện, đóng góp cho xã hội là sinh hoạt nền tảng
cần có của một Phật tử chân chính. Những hoạt động trên có tác dụng rất
lớn khiến bản thân thanh tịnh, tâm hồn hướng thượng, gia đình hạnh phúc,
vun trồng cội phúc cho mình và cho con cháu. Song đó chỉ là những điều kiện cần
nhưng chưa đủ. Tại sao nói chưa đủ? Gần đây có một bải viết nói rằng
nhìn ra ngoài xã hội hôm nay, biết bao nhiêu tội phạm kinh thiên động
địa như thủ tiêu, giết người cướp cửa, cướp giật trên đường phố, đâm cha
chém chú, đầu độc chồng, giết vợ, giết con, giết bà nội vì cần tiền
chơi Games, gian dâm, lường đảo cả nhà nước lẫn người đời, buôn bán
chuyển vận xì-ke ma túy, nhậu nhẹt lu bù, gây lộn rồi đâm chém nhau và
chém cả nhân viên công lực, thác loạn trong những phòng trà ca vũ…. Mà
tất cả những tội phạm này lại xảy ra trong một đất nước mà chúng ta
thường tự hào 80% là Phật tử! Bài viết cũng nêu lên câu hỏi phải chăng
Đạo Phật không có tác dụng nhiều trong việc xây dựng một nền tảng đạo
đức cho dân tộc?
Tôi không hoàn toàn đồng ý với bài bình luận nói trên nhưng cũng
không bác bỏ những vấn nạn tác giả nêu ra. Rõ ràng không phải tất cả
những người phạm tội nói ở trên họ đều là Phật tử. Nhưng chắc chắn trong
những người phạm tội đó có những người đã từng đi lễ chùa, gia đình có
thờ Phật hoặc truyền thống gia đình vốn theo Tam Giáo (Phật-Lão-Khổng).
Nhìn vào các quốc gia như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Kampuchia, Lào
mà Phật Giáo là quốc giáo thế nhưng nhà tù vẫn đầy người, chứng tỏ một
quốc gia dù Phật Giáo là nền tảng tâm linh đi nữa, mỗi cá nhân vẫn còn
phải được trang bị thêm những giá trị ngoài đời khác nữa mới có thể hoàn
thiện, bản thân không gây khổ đau cho chính mình, cho người khác và cho
xã hội. Tôi còn nhớ Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một cuộc phỏng vấn của CNN
Hoa Kỳ đã nói rằng Đạo Phật chỉ giúp một phần nào chứ không thể giải
quyết mọi vấn đề của con người. Rõ ràng Đạo Phật không thể giải quyết
được nạn thất nghiệp, suy thoái kinh tế, nạn đầu cơ tích trữ tăng giá
giả tạo, nạn tắc nghẽn xe cộ trong giờ cao điểm, nạn gái mại dâm, nạn
xì-ke ma túy, băng đảng, xả rác bừa bãi, tàn phá núi rừng cây cỏ, nạn
tham nhũng v.v… Muốn giải quyết vần đề này cần phải có các yếu tố khác
như luật pháp, chính quyền, sự tham gia của các đoàn thể, giáo dục học
đường và nhất là giáo dục bản thân. Ngoài giáo lý của Đức Phật, mỗi cá
nhân, kể cả các Phật tử thuần thành, cần phải được trang bị thêm những
giá trị mà những giá trị này không liên quan gì đến bất kỳ tôn giáo nào.
Đó là những giá trị phi tôn giáo đi bên cạnh những giá trị phát xuất từ tôn giáo, chẳng
hạn như phép lịch sự, lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm, sự nhường
nhịn, lòng tu ố (biết xấu hổ), lòng yêu nước, biết tôn trọng luật pháp
và của công…
Quán chiếu vào cuộc sống chúng ta thấy mọi khổ đau, phiền não mà từng giây từng phút chúng ta tạo ra cho nhau không ngoài tham lam, nóng nảy, bộp chộp, thiếu hiểu biết và thiếu giáo dục công dân lẫn giáo dục bản thân.
Ngoài ra, phim ảnh bạo lực, dâm ô, lối sống thác loạn của Tây Phương đã
góp phần quan trọng trong việc phạm tội của giới trẻ. Tôi không phải là
một nhà đạo đức hay một giảng sư thuyết pháp mà chỉ là một Phật tử
mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé vào sự an lành của xã hội. Bản thân
tôi trong quá khứ và gần đây nhất- như ngày hôm qua chẳng hạn - cũng có
nhiều lầm lỗi và vẫn còn phải huân tập, sửa chữa.
Theo tôi, một Phật tử thuần thành chưa đủ. Kinh kệ, giáo lý, đi chùa
tụng kinh niệm Phật chưa đủ, mà chúng ta cần phải được trang bị thêm
những kinh nghiệm đời, những kiến thức ngoài đời,
phải học tập lề thói cư xử văn minh, nhã nhặn, có văn hóa, có giáo dục,
có trách nhiệm nữa. Có như thế chúng ta mới có thể giữ gìn thân-tâm an
lành (Trú dạ lục thời an lành) cho mình, cho người và cho xã hội. Dưới
đây là những kinh nghiệm học hỏi qua tuổi đời chồng chất và cũng do nhờ
sinh sống trong một xã hội Mỹ cực kỳ văn minh - dù chưa hoàn hảo và vẫn
còn nhiều điều chướng tai gai mắt:
1) Phải biết nói lời xin lỗi: Người Phật tử phải hiểu rằng “cái ngã”
(cái Tôi) của chúng sinh dù là một chúng sinh nghèo hèn - còn cao hơn
cả Núi Tu Di. Chạm vào tự ái (cái Ngã) của người ta thì muôn chuyện – dù
rất nhỏ- có thể dẫn tới gây gổ, đả thương, đâm chém và có thể đưa nhau
ra tòa. Do đó người Phật tử khôn ngoan là phải biết nói lời xin lỗi.
Chẳng hạn mình mở một cánh cửa vô tình đụng phải người ta, chưa biết lỗi
về ai, nhưng nếu mình lên tiếng “ Xin lỗi ông/bà/anh/chị” thì
mọi chuyện sẽ vui vẻ. Chẳng hạn mình ngồi trong nhà quăng chén nước ra
đường làm ướt áo người ta, nếu biết chạy ra, vui vẻ nói “ Ấy chết! Tôi vô ý quá. Xin lỗi ông bà/anh chị
v.v.. thì dù người bị thiệt có căn nhằn chút ít, mọi chuyện cũng sẽ
qua. Nếu mình cố biện minh, chối cãi thì câu chuyện trở nên căng thẳng,
rắc rối…và không biết sẽ đi tới đâu. Khi mình viết một bài báo xúc phạm
tới ai hoặc loan tin thiếu trung thực, phải có can đảm đăng lời xin
lỗi. Lời xin lỗi khiến chúng ta trưởng thành và chín chắn hơn trong nghề
nghiệp và trong cuộc sống. Khi mình nghịch ngợm phá phách làm cha mẹ,
thầy/cô buồn lòng. Sau phút nông nổi, và trong lúc riêng tư chỉ có mình
và cha mẹ, thầy/cô, mình phải biết nói lời xin lỗi. Lời xin lỗi khiến
cha mẹ cũng như thầy/cô cảm động và còn thương mình hơn nữa và dĩ nhiên
sẽ bỏ qua lỗi lầm đó.
2) Luôn luôn khiêm tốn: Người Phật tử
hiểu đạo thì chữ Nhẫn và chữ Khiên Tốn phải luôn luôn nằm lòng. Ngay Ô.
Obama – Tổng Thống Hoa Kỳ dù đắc cử với số phiếu khá cao, trong diễn văn
nhậm chức nhiệm kỳ II vừa rồi cũng phải tỏ ra hết sức khiêm tốn vì đất
nước đang ở trong tình trạng suy thoái, chia rẽ trầm trọng, khối cử tri
Cộng Hòa thấy mình bị thua đang hừng hực với lửa bất mãn, căm tức.
Người Phật tử phải nhớ rằng khiêm tốn không có nghĩa là hèn nhát. Cái
Tâm của chúng sinh rất kỳ lạ. Nó ưa thích sự khiêm tốn và ghét sự kiêu
căng. Do đó, người Phật tử dù thành công tột đỉnh ở lãnh vực nào đi nữa
như học hành, nghệ thuật, tu hành, làm ăn buôn bán, sự nghiệp chính
trị…phải luôn luôn khiêm tốn thì mới được lòng mọi người. Một lời nói
kiêu căng phách lối chưa chắc đã đưa ngôi vị hoặc sự nghiệp của mình đi
lên nhưng …kẻ thù ghét thì không biết bao nhiêu mà nói.
3) Biết nói lời cám ơn: Nếu bạn tới
đất Mỹ này, đi đâu bạn cũng nghe câu nói “Thank you”. Khi người ta làm
cho mình chuyện gì dù rất nhỏ cũng xin nói lời “Cám ơn”. Vợ chồng giúp
nhau chuyện gì cũng nói “Cám ơn”. Lên xe buýt, xe đò người ta nhường chỗ
cho mình, xin nói lời “Cám ơn”. Khi khách hàng trả tiền, cô thu ngân
cũng nói “Cám ơn”. Người hầu bàn đưa đồ ăn ra cho mình cũng xin nói lời
“Cám ơn”. Tới công sở, nhân viên đưa cho mình giấy tờ gì đó cũng xin nói
“Cám ơn”. Thậm chí thầy/cô thấy học trò ồn quá bèn nói “Im lặng!” Sau
khi học trò im lặng rồi thầy/cô cũng không quên nói “Cám ơn các em!”.
Khách hàng vào cửa tiệm của mình chi ngắm chơi mà không mua gì cả. Khi
khách ra mình cũng gật đầu chào nói lời cám ơn là đã ghé thăm. Lời “Cám
ơn” như mật rót vào lòng, làm mát lòng người nghe và chứng tỏ mình là
người khiêm tốn và có giáo dục. Thiếu vắng lời “cám ơn” là một xã hội vô
cảm và tàn bạo.
4) Luôn khen ngợi, bớt chê bai: Trong
suốt 45 năm hành đạo Đức Phật luôn luôn khen ngợi, khuyến khích, không
chê bai, không hù dọa, không làm quan tòa để kết tội ai. Thậm chí các
hàng đại bồ tát khi thưa hỏi những lời không chính đáng, Đức Phật cũng
vẫn khen ngợi là biết thưa hỏi để Phật có cơ hội giải đáp những gì còn
nghi ngoặc. Đức Phật là bậc thầy vĩ đại của các tâm lý gia ngày nay. Xin
nhớ cho lời khen làm mát lòng người nghe. Lời chê làm người nghe dễ nổi
điên dù là chê một câu văn, một cái áo, một lời nói, một bài hát, một
đôi giày, một kiểu tóc v.v.. Trong lúc hứng chí nói chuyện với bạn thân,
vô tình chê bai người nào đó. Người bạn cũng trong một lúc cao hứng lại
“ bật mí” nói cho người khác nghe. Thế là “ tai vách mạch rừng” lời chê tới tai người ta. Nhẹ thì giận hờn, nặng thì chửi bới đâm chém nhau. Thánh nhân xưa có nói “Họa thoát ra từ cửa miệng”.
Ngày xưa biết nhiều gia đình bị tru di tam tộc, quan to mất chức, đại
phú lưu đầy, phát vãng cũng chỉ vì lời chê bai vô tình thoát ra từ cửa
miệng. Không gì điên khùng cho bằng khi người ta mời mình tới nhà ăn
tiệc mà mình chê bai thức ăn của người ta, trong tiệc cưới bàn tán chú
rể cô dâu xấu đẹp. Do đó người Mỹ luôn luôn khen ngợi “Wonderful! Great!
Very Good!” Song cũng xin nhớ cho chê bai, dèm pha cá nhân khác với
chuyện xây dựng, góp ý thẳng thắn, nhã nhặn trên các diễn đàn hay trên
báo chí.
5) Nhận phần thiệt về mình: Người Phật
tử tương đối hoàn hảo không tranh giành lợi lộc với ai. Nếu phải phân
chia thì phần mình kém một chút cũng chẳng sao. Trong thương trường nếu
phải chia tiền lời, trong gia đình phải chia gia tài do cha mẹ để lại
thì nhường nhịn anh chị em một chút cũng được. Tranh giành gia tài, kẻ
hơn người kém là nguyên do máu mủ chia lìa, có khi đi đến giết hại nhau.
Câu chuyện ngụ ngôn “Ăn trái khế trả túi vàng” dạy chúng ta bài học nhường nhịn và không tham lam.
6) Nhìn lỗi mình trước, nhìn lỗi người sau:
Mọi chuyện xảy ra trên đời này đều có nguyên do. Nếu không do lỗi mình
thì ắt hẳn lỗi người. Nếu là lỗi người và nếu nhỏ thì ta nên bỏ qua. Nếu
là lỗi mình thì mình rút kinh nghiệm mà tu sửa. Chớ có khăng khăng kết
tội người, không nhìn lỗi minh thì oan khiên không sao giải được.
7) Chớ nói dối: Đây là giới cấm rất quan trọng của hàng Phật tử có quy y. Tại Hoa Kỳ câu nói mà chúng ta thường nghe là “ Human being mistake” tức - hễ là con người thì ai cũng lỗi lầm, giống như ngạn ngữ Việt Nam có câu “Vua chúa còn có khi lầm”.
Do đó người Hoa Kỳ dễ bỏ qua lỗi lầm. Thế nhưng phạm lỗi mà nói dối
thì họ không bao giờ bỏ qua. Một ông dù là tổng thống, tổng bộ trưởng,
thống đôc, dân biểu, thượng nghị sĩ mà nói dối thì cuộc đời tiêu tan.
Trong đời sồng hàng ngày, thậm chí ngay cả nơi thờ phượng…ai cũng có thể
phạm lỗi. Nguyên do của phạm lỗi có thể vì không biết, vô tình hoặc do
bị cám dỗ, mua chuộc v.v.. Nhưng khi phạm lỗi rồi mà nói dối hoặc đổ lỗi
cho người khác thì lại là chuyện khác. Tại Hoa Kỳ người ta không khiển
trách người phạm lỗi, họ chỉ giảng giải cách làm để lần sau làm đúng.
Thế nhưng khi khám phá ra bạn nói dối thì họ sa thải bạn ngay và hồ sơ
xấu sẽ theo bạn suốt đời với chữ “liar” (kẻ nói dối). Do đó tại
gia đình, trong công sở, chốn công trường nếu chẳng may ta phạm lỗi thì
cứ thẳng thắn nhận lỗi, đừng nói dối, đừng vu vạ, đừng đổ vấy cho người
khác để tránh một thảm họa còn lớn hơn cả chuyện lầm lỗi. Tại Hoa Kỳ
này người ta dạy cho học sinh từ bậc mẫu giáo, tiểu học sự thẳng thắn
nhận lỗi. Chúng ta và cả người Mỹ - ai cũng công nhận rằng thẳng thắn
nhận lỗi là một hành vi vô cùng khó khăn. Người biết nhận lỗi là người
can đảm và có tinh thần trách nhiệm rất cao. Một đất nước mà từ thứ dân
đến vua quan, làm lỗi biết nhận lỗi (để tu sửa) là một đất nước cương
thịnh và lần hồi trở nên vĩ đại. Một đất nước mà từ vua quan đến thứ dân
làm lỗi mà chối lỗi thì lần hồi sẽ diệt vong, không “thuốc” nào chữa được.
8) Biết xấu hổ: Khổng Phu Tử dạy rằng
kẻ mà còn có lòng tu ố (biết xấu hổ) thì còn giáo dục được. Do đó một
kẻ ăn mặc khiêu dâm hở hang quá đỗi (tiếng Mỹ gọi là ăn mặc Hot) mà
không biết xấu hổ, một kẻ nói năng thô bỉ trước đám đông mà không biết
xấu hổ, một kẻ bòn rút của công làm của riêng mà không biết mình sai
trái, một kẻ chuyên làm chuyện bẩn thỉu mà không biết ăn năn…đều là
những kẻ không thể giáo dục được nữa và sẽ tiếp tục lao vào con đường
hủy hoại. Lòng tu ố là sự phản tỉnh của lương tâm trước việc làm sai
trái của chính mình, tự ý thức mà không cần ai nhắc nhở. Lòng tu ố là
đặc hữu của con người. Chỉ loài người mới biết xấu hổ. Loài súc vật
không biết xấu hổ khi chúng nó trần truồng. Nhưng loài người thì cảm
thấy xấu hổ khi thân hình không mảnh vải, ngày xưa phải vội lấy lá che
thân. Một người đàn bà đứng đắn sẽ cảm thấy vô cùng xấu hổ nếu thân hình
của mình lồ lộ ra trước đám đông. Ngày xưa hình phạt lõa thể là hình
phạt ô nhục nhất của đàn bà. Do đó một kẻ ăn mặc khiêu dâm, hở hang quá
đỗi để chụp hình đăng báo, bán cho người ta xem mà không biết xấu hổ là
loại người không còn giáo dục được nữa. Trong một đất nước mà kẻ trộm
cắp, nói dối, lường gạt, thi cử gian lận, dâm ô, chen lấn không xếp
hàng, xả rác bừa bãi, nói năng thô bỉ mà không hề biết xấu hổ thì đó
chính là Địa Ngục mà Đức Phật mô tả trong Kinh Pháp Hoa. Chúng ta có thể
chê bai người Mỹ chuyện này chuyện kia nhưng mới đây một Đô Đốc Hải
Quân Hoa Kỳ đã tự sát khi báo chí khám phá ra ông đã đeo một huy chương
mà ông không hề được tưởng thưởng trong Chiến Tranh Việt Nam. Sự tự sát
(tự xử) này khiến người ta thương hại ông. Nếu ông không tự sát, người
ta sẽ khinh bỉ ông và cả gia đình có lẽ cũng không sống nổi với lỗi lầm
quá lớn của ông.
9) Chớ can dự vào chuyện tào lao:
Trong gia đình, ngoài xóm làng, nơi làm việc, trong trường học hoặc cả
nơi thờ phượng…chỗ nào cũng có rất nhiều chuyện tào lao. Xin nhớ chuyện
tào lao không đem lại lợi ích gì mà chỉ mất thời giờ và chuốc họa vào
thân. Người Phật tử tương đối hoàn hảo luôn luôn giữ gìn chánh niệm,
không để “tâm viên ý mã” chạy lang thang rồi dính vào chuyện không đâu.
Nhớ đừng chê bai, công kích, dè bỉu, bàn tán chuyện của người khác.
Người Hoa Kỳ có một tập quán hầu như không bao giờ dòm ngó vào chuyện
hàng xóm. Nhưng nếu khám phá thấy trong khu vực mình có gì khả nghi,
chẳng hạn như kẻ trộm, kẻ cướp, phá hoại v.v…họ sẽ dùng số 911 âm thầm
gọi điện thoại báo cho sở cảnh sát biết. Dĩ nhiên sở cảnh sát giữ bí mật
tên người mật báo. Đây là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ sự an lành cho
khu phố, thôn xóm. Không can dự vào chuyện tào lao, không dính líu vào
chuyện người khác tạo an lành cho xã hội và cho bản thân mình biết là
bao nhiêu.
10) Biết từ chối khéo: Trong cuộc sống này
không ai là không có bà con, bạn bè, đồng sự. Bạn bè, bà con giúp ta
cũng nhiều nhưng nhiều khi cũng hại cả đời ta. Chẳng hạn bạn bè rủ trốn
học, rủ ăn nhậu, rủ đi phòng trà ca vũ, bài bạc, đàn đúm, đồng nghiệp
cùng sở, cùng công ty rủ rê làm ăn bất chính v.v..mà từ chối thì mất
lòng, mất bạn, có khi gây thù oán. Vậy phải làm sao đây? Tại các trường
học Mỹ người ta đã dạy cho học sinh cách từ chối khéo gọi là “How to say No”.
Trong những hoàn cảnh khó khăn nói trên chỉ còn cách “cáo bệnh” hoặc
“nói dối” nhưng nói dối vô hại. Chẳng hạn, bạn cùng lớp rủ trốn học đi
chơi, chúng ta có thể nói “ Bạn ơi, tuần rồi bố tôi mắng tôi một
trận tơi bời vì điểm tháng này của tôi kém quá. Xin bạn miễn cho tôi lần
này. Khi nào điểm kha khá tôi sẽ đi chơi với bạn. Cám ơn bạn đã nghĩ
đến tôi. Lúc nào tôi cũng quý trọng bạn”. Còn khi mình vừa
đi làm về, cơm nước vợ đã dọn lên mà ông bạn cùng công ty tới rủ đi
nhậu. Nếu không đi thì ông bạn sẽ rêu rao “thằng này hèn”, “thằng này sợ vợ” v.v..Vậy phải làm sao đây? Khi đó chỉ còn cách cáo bệnh, giả ôm bụng nói “
Trời ơi! Hôm qua mới vừa đi bác sĩ vì loét bao tử lúc nào không hay.
Bác sĩ dặn từ nay không được uống rượu nữa nếu muốn nhìn mặt vợ con.
Xin anh/ông miễn cho tôi lần này. Khi nào bao tử bớt tôi sẽ mời anh/ông
lại nhà tôi ăn nhậu một bữa thât phủ phê. Cám ông anh/ông rất nhiều.”
Tuy nói vậy nhưng người Phật tử chân chính phải biết phân biệt
chính-tà, phải có can đảm và dứt khoát xa lìa những người bạn xấu. Không
có gì quý giá cho bằng có người bạn tốt, nhưng cũng không có gì nguy
hại cho bằng giao du với bạn xấu. Biết bao nhiêu tội phạm ngày hôm nay
xảy ra cũng chì vì giao du với bạn xấu, cao hơn là băng đảng và xã hội
đen.
11) Tránh khoe khoang: Khoe khoang về thành tích, của cải, tài năng, nữ trang, xe cộ, con cái là “rước giặc cướp vào nhà”.
Khi mình khoe khoang như thế khiến kẻ giam nổi lòng tham, người bình
thường thì ghen tị. Tâm lý người đời thường khinh ghét những kẻ “trưởng
giả học làm sang”. Thường tình, hễ giàu sơ sơ thì hay khoe, còn giàu như
tỉ phú Bill Gate thì chẳng cần khoe vì ai cũng biết rồi. Người xưa dạy
rằng hễ giàu có thì phải năng làm chuyện phước thiện, giúp đỡ người
nghèo khó và phải tỏ ra bình dị, khiên tốn. Năm xưa Thạch Sùng đời nhà
Tấn giàu có thuộc loại “phú gia địch quốc” cuối cùng chết thảm cũng chỉ
vì của cải. Riêng trong đời tôi đã từng nghe nói, từng chứng kiến bao
triệu phú thời đại chết không có chiếu mà chôn hoặc chết đói trong tù.
Vậy thì của cải, danh vọng chưa chắc đã đem lại an toàn hay hạnh phúc
cho bản thân và gia đình. Đây là kinh nghiệm thực tiễn chứ không phải
nói chuyện ngụ ngôn dạy đời.
12) Tuyệt đối tôn trọng luật lệ giao thông:
Tại Hoa Kỳ theo thống kê, mỗi năm có khoảng 40,000 người còn tại Việt
Nam năm 2012 có khoảng 10,000 người chết vì tai nạn giao thông. Những
cái chết này thật đáng thương và đáng lý ra có thể tránh khỏi. Là người
Phật tử tương đối hoàn hảo chúng ta phải hiểu rằng luật lệ giao thông
đặt ra không phải để bảo vệ nhà nước mà nhằm bảo vệ mạng sống của chính
người dân. Ngồi lên trên một chiếc xe, bất kể loại xe gì chúng ta phải
hiểu rằng chúng ta có thể gây tai nạn cho người khác và chết chóc cho
chính mình hoặc người thân của mình ngồi chung trên xe. Do đó khi ngồi
lên xe gắn máy, kể cả xe đạp chúng ta phải: đội mũ an toàn cho mình và
cho con cái (không được miễn từ trong bất cứ hoàn cảnh nào), nếu là xe
hơi, xe khách thì phải nịt giây an toàn, không được lái xe quá tốc độ
quy định, không được vượt đèn đỏ, không được vi phạm làn đường, không
được lạng lách vì khi lạng lách khó điều khiển xe khiến gây nguy hiểm
cho mình và cho người khác, phải mở đèn khi trời tối hoặc sương mù,
không được lái xe khi đã uống rượn, nếu cảm thấy mệt mỏi - nhất là tài
xế xe vận tải đường dài cần tắp vào khu vực nghỉ ngơi rửa mặt cho tỉnh
táo, thấy khỏe rồi mới tiếp tục đi, nếu thấy mặt đường trơn trượt hoặc
mưa to gió lớn, nên báo cho cánh sát giao thông biết và dứt khoát tắp
vào lề đường nghỉ ngơi đợi thời tiết tốt mới đi. Đi bừa, đi ẩu là đi tới
nghĩa địa. Khi nghe tiếng xe cảnh sát, xe cứu hỏa, xe cứu thương hú còi
phải tắp ngay vào lề để nhường đường. Khi xe chết máy trên đường, trên
cầu, trong đường hầm v.v..phải mở đèn nháy khẩn cấp để báo cho phía sau
biết. Mới đây một xe vận tải chết máy trên Cầu Cần Thơ lúc chiều tối đã
không bật đèn nháy khẩn cấp báo cho phía sau khiến một bà mẹ lái xe gắn
máy cùng hai con nhỏ tông vào, ba mẹ con cùng chết thảm. Luật lệ lái xe
xứ nào cũng vậy luôn luôn quy định người lái xe hơi, xe gắn máy phải
nhường và dành ưu tiên cho khách bộ hành, người đi xe đạp, học sinh,
người mù, người tàn tật băng ngang đường. Nếu bạn không nhường và lái xe
một cách nguy hiểm, xe đi sau có thể gọi điện thoai báo cảnh sát và coi
chừng bạn sẽ lãnh môt giấy phạt cả trăm đô-la. Muốn biết luật lệ lái xe
tại Hoa Kỳ được thi hành nghiêm ngặt như thế nào thì bạn cứ qua đây rồi
sẽ biết. Vào lúc canh khuya, đường phố vắng hoe không người qua lại mà
các xe vẫn phải ngừng lại khi có đèn đỏ và chờ đèn xanh mới được đi. Nếu
bạn đi ẩu, vượt đèn đỏ mà máy chụp hình ghi được thì bạn có thể bị thu
hồi bằng lái xe, phải đi học một khóa về luật lệ lái xe, rồi phải “lao
động cải tạo” như quyét dọn đường phố, lượm rác v.v.. và bỏ ra khoảng
500 đô-la để đóng tiền phạt. Bạn đã thất kinh hồn vía chưa? Còn nếu bạn
lái xe khi nồng độ rượu trong máu ở mức 0.08 thì bạn có thể bị tù. Xin
nhớ cho tự do ở Mỹ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm.
13) Không chen lấn: Xếp hàng chờ tới phiên
mình là văn hóa lớn của các quốc gia văn minh. Trẻ em lớp mẫu giáo ở Mỹ
đã học cách xếp hành chờ tới phiên mình, học nhìn đèn xanh đèn đỏ để
dừng lại hay băng ngang đường. Tại bất cứ cửa hàng buôn bán, dịch vụ,
văn phòng chính phủ nào, nếu bạn chen lấn thì cô thư ký hoặc người tính
tiền sẽ không phục vụ bạn và yêu cầu bạn phải xếp hàng. Lúc đó bạn có
nước độn thổ! Xin nhớ cho xếp hàng chờ tới phiên mình còn là thể hiện
tính công bằng, trật tự xã hội và tự trọng .
14) Không xả rác bừa bãi: Không xả rác bừa
bãi là một thói quen có tính tự giác và cần phải được huân tập. Một
thành phố đầy nhà chọc trời cùng những khu thương mại tráng lệ mà rác
rưới đầy đường thì chẳng còn ra cái thể thống gì nữa. Rác rưởi làm mất
vẻ mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường (hôi thối), lây lan bệnh tật, làm
chết những dòng sông, những con kênh tươi mát đang cung cấp nguồn nước
và tôm cá. Do đó giáo dục người dân không xả rác bừa bãi là trách nhiệm
lớn của đất nước. Phải dạy dỗ con em giữ gìn vệ sinh - không xả rác
bừa bãi từ trong nhà ra tới trường học rồi tới công sở, trại lính cùng
các nơi thờ phượng. Trước khi đề cao những đức tính cao đẹp của dân tộc,
hãy chứng tỏ người dân của mình biết giữ gìn vệ sinh đường phố trước
đã. Thói quen xả rác bừa bãi giống như một cố tật rất khó sửa chữa. Hiện
nay vẫn đề bảo lãnh gia đình, du lịch qua Mỹ tương đối dễ dàng. Vào các
khu thương mại của người Việt như Thành Phố San Jose chẳng hạn, chúng
ta sẽ bắt gặp những người mới định cư vài năm hoặc qua chơi. Họ thản
nhiên quăng mẩu thuốc lá hoặc hộp thuốc lá xuống đất mà không thấy ngai
ngùng gì cả. Điều này khó thấy ở những người đã định cư lâu đời hoặc
thanh thiếu niên trưởng thành ở Hoa Kỳ. Ngày nay, thói quen hút thuốc lá
gần như “tuyệt chủng” tại Hoa Kỳ nhưng sắc dân hút thuốc là nhiều nhất
lại người Việt Nam.
15) Giữ gìn vệ sinh chung: Chúng ta phải
giữ gìn vệ sinh từ buồng ngủ, nhà tắm, phòng ăn ra tới công sở, đường
phố và tất cả mọi nơi. Nếu ăn uống chung như tiệc tùng, đám cưới, đám
giỗ v.v…thì phải dùng muỗng nĩa chung để gắp đồ ăn, không dùng chén
muỗng của mình. Khi ho thì phải bị miệng lại. Tuyệt đối không khạc nhổ
xuống đất dù bất cứ ở đâu. Nều muốn khạc nhổ, ta kín đáo nhổ vào một
mảnh khăn giấy hay khăn mùi-soa rồi bỏ chiếc khăn giấy ấy vào túi. Về
nhà chúng ta vứt mảnh khăn giấy ấy vào thùng rác có đậy nắp và giặt khăn
mùi-soa. Ngoại trừ nhà hàng có hầu bàn dọn dẹp, tại các tiệm bán “đồ ăn nhanh”
(fast food) như McDonalds hoặc cà-phê Starbucks… sau khi ăn uống xong
chúng ta phải tự gom tất cả những gì còn thừa bỏ vào thùng rác. Không
được để lại trên bàn hoặc ném xuống sàn bất cứ vật gì. Khi đi vệ sinh
xong nhớ rửa tay và chùi khô bằng khăn giấy. Giữ gìn vệ sinh chung là
bổn phận của tất cả mọi công dân và cần được giáo dục ngay từ thuở ấu
thơ, từ gia đình tới học đường.
16) Lịch sự, không nói năng ồn ào chỗ đông người: Lịch
sự có nghĩa là: cử chỉ nhẹ nhàng, nhường bước, không chen lấn, không
tranh giành trong khi xếp hàng mua vé, trên xe buýt, nơi công sở hoặc
khi mua sắm và tuyệt đối không nói năng ồn ào. Còn đối với các buổi lễ,
hội thảo, thuyết pháp phải tuyệt đối giữ im lặng để tôn trọng người khác
và để chứng tỏ mình có văn hóa. Trong đám đông, nếu có gọi điện thoại
cầm tay thì phải nói với âm lượng vừa phải. Trong khi xếp hàng nhớ đừng
đứng sát người ta quá mà phải giữ một khoảng cách vừa đủ. Nhớ không nhìn
chăm chăm vào mặt người ta hoặc nhìn soi mói làm người ta khó chịu.Nếu
có người nào đó đứng gần mình tỏa ra mùi hôi thì cố mà nhịn hoặc âm thầm
bỏ đi, chớ làm bất cứ cử chỉ, lời nói nào tỏ ra khó chịu hoặc khinh bỉ.
Trong một xã hội văn minh người ta tránh mọi hành động cử chỉ, lời nói
hạ thấp phẩm giá người khác.
17) Mỉm cười và chào hỏi: Mỉm cười và chào
hỏi là biểu hiện của thân thiện và hòa bình. Nụ cười và lời chào hỏi
không mất tiền mua nhưng gây thiện cảm với tất cả mọi người và tạo cho
quanh mình một không khí an lành. Tại Mỹ, trong công sở, trường học,
hãng xưởng người ta luôn luôn chào hỏi nhau để tạo không khí an vui cho
môi trường lao động. Nếu buổi sáng bước vào sở làm, bạn lầm lầm lì lì
không chào hỏi ai thì mọi người chung quanh bắt đầu lo ngại. Thế nào
cũng có người thân tới vỗ vai hoặc ôm lấy bạn hỏi, “Are you OK?” (Bạn có
sao không?) Người Mỹ rất sợ phải làm việc trong một môi trường mà không
khí nặng nề giống như… trái bom nổ chậm. Sự thân thiện không những có
trong công sở mà còn lan ra ngoài đường phố. Chẳng hạn bạn đang chạy bộ
trong một công viên, người chạy ngược chiều với bạn, dù không quen biết,
khi gặp bạn họ cũng thường lên tiếng chào, “ Hi, how are you? (Chào
ông chào bà). Thậm chí gặp một em bé đi xe đạp họ cũng chào như vậy.
Trong một đất nước mà xóm làng, đường phố, công viên tràn ngập tiếng
chào nhau là đất nước thanh bình, thân ái, đoàn kết. Nhìn tượng Phật Di
Lặc chúng ta thấy an vui vì ngài cười. Nếu tượng Phật Di Lăc mặt khó
đăm đăm (nghiêm và buồn) hoặc nhăn nhó khổ đau chắc chúng ta chẳng ham
đến gần hoặc chiêm bái ngài làm gì. Nụ cười đem lại niềm vui cho tâm hồn
còn hơn cả liều thuốc bổ.
Kết Luận:
Là người Phật tử, chúng ta lấy giáo lý của Đức Phật làm nền tảng,
cộng thêm với những giá trị rất thế tục của một xã hội văn minh, cùng
nhau huân tập và cùng giúp người khác tiến lên để hoàn thiện xã hội.
Hoàn thiện xã hội có nghĩa là làm cho xã hội, đất nước này mỗi ngày mỗi
trở nên tươi đẹp. Khi đất nước và con người trở nên tươi đẹp thì đó
chính là Cực Lạc Tại Thế. Hoàn thiện xã hội còn có nghĩa là “hằng thuận vì lợi ích chúng sinh”. Mà “hằng thuận vì lợi ích chúng sinh”
là cúng dường chư Phật. Năm xưa Đức Phật nói rằng, “ Ta là Phật đã
thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” thì ngày nay chúng ta có thể phát
nguyện:
“Chúng ta sẽ là những Phật tử hoàn thiện”.
Sau hết, một đất nước cường thịnh, tươi đẹp - giống như sự tu hành-
không phải là phép lạ từ trên trời rơi xuống mà đòi hỏi sự hy sinh, gian
khổ. Không tự giác, không ý thức, không kỷ luật, không giáo dục bản
thân thì đừng nói tới chuyện tươi đẹp./.
Đào Văn Bình
(Mùa Phật Đản 2557/2013)