Hàng ngũ cư sĩ thuộc bất cứ tổ
chức, hệ phái Phật giáo nào đã là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tất đều có
vai trò trách nhiệm của mình trong Giáo hội. Nói đến vai trò là nói đến nhận
thức và hành động, là nói đến nhiệm vụ và tác dụng, thấy rõ chỗ đứng thực tế và
có cách nhìn chính đáng; khỏi có sự lúng túng mà đem lại sự hòa hảo, bổ ích
trong sinh hoạt của giới mình.
Thứ nhất là về nhận thức
Phật tử chúng ta chân thành qui
ngưỡng Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng. Ðức Phật đã giác ngộ hoàn toàn là vì con
người, giúp con người tiến lên con đường giác ngộ với cuộc sống đầy đủ ý nghĩa
nhất của con người. Ðạo Phật trên 25 thế kỷ tồn tại cũng vốn chỉ là một đạo
pháp phục vụ con người với ý nghĩa quang vinh của tên gọi này. Cho nên chúng ta
học Phật là học làm những con người mang tính chất nhân đạo, nhân ái, biết giải
tỏa mọi xiềng xích tiềm ẩn ràng buộc thân tâm để tự giải phóng cho mình và cùng
với mọi người phát huy những phẩm chất tốt đẹp nhất của mỗi bản thân có sẵn, để
tạo lấy cho nhau một đại đồng an lạc. Chính vì chủ nghĩa nhân đạo chân chính đó
mà người Phật tử luôn luôn ý thức dứt khoát rằng nhân đạo đâu phải là một danh
từ mỹ miều rỗng tuếch, một cách nói suông; càng không phải là thái độ yếu kém
dễ dàng buông thả, mà chính xác là mang tính chất trung thực và quyết tâm hành
trì thực hiện.
Từ ngàn xưa, Ðức Phật với lòng
thương yêu và quí trọng con người, đã thuyết pháp hóa đạo và nêu gương hành
động suốt cả cuộc sống đại từ đại bi. Vì không tự giác không thể giác tha, và
phải biết tự độ chính đáng mới có thể độ tha chính đáng. Ðạo Phật chỉ có một
phẩm vị, một mục đích là sự giải thoát đem lại hạnh phúc cho tất cả. Ðức Phật
là đích sáng (Giác) cho Phật tử chúng ta hướng đến con đường (Chánh) đưa chúng
ta đến đích rạng rỡ của Phật tính, được Ðức Phật vạch ra những đạo lý xuyên
suốt (Kinh) phù hợp với mọi căn cơ, trình độ lãnh hội - là pháp bảo dành cho
chúng ta tu dưỡng bước dần tới đích. Với các bậc chân Tăng không nhiễm trước
(Tịnh) có đủ đức tính tiêu biểu cho giáo pháp của Phật, chúng ta có bổn phận
cung kính thân gần (cận sự) ủng hộ, để mình được nâng đỡ; bước đúng theo con
đường chánh pháp, dẫn tới đích chánh đạo. Tự trau dồi, thực nghiệm bản thân
(thân chứng) là điều chủ yếu của người học Phật chân chính. Chỉ có cái biết
chân thật mới thể hiện được cái hành động chân thật, cũng như mọi xu hướng tốt
đẹp được đánh giá chính xác, đều phải căn cứ vào thực tiễn hành động tốt đẹp.
Thứ hai là về hành động
Cư sĩ chúng ta là số người
thuộc trong số đông quần chúng nhân dân lao động, khoa học, trí thức, gắn liền
với sự nghiệp đóng góp thiết thực, thích nghi vào cuộc sống xây dựng đất nước.
Cho nên với điều kiện và thời giờ tranh thủ có được, chúng ta trong tình cảm
tôn giáo của mình, nên tập trung vào mặt tu thiện và hành thiện, phù hợp với
phạm vi tu học thực hành của giới cư sĩ. Ý nghĩa tu hành này là không tách rời
ý thức trách nhiệm hiện nay của chúng ta đối với xã hội. Việc hộ pháp hộ đạo
của cư sĩ chúng ta là việc bảo tồn phẩm chất tín ngưỡng trong sáng nơi cảnh
thiền môn, đồng thời là việc phát huy tác dụng của đạo pháp vào cuộc sống nhân
văn thăng tiến. Tụng niệm, lễ bái, tiếp thụ giáo lý là để cải hóa thân tâm,
tăng cường trí dũng - phát xuất từ tính Phật đại hùng đại lực - để có khả năng
kết hợp với tình hình đất nước phát triển, dân tộc thăng hoa, tạo được nhiều
cống hiến đích thực. Trong khí thế vươn lên của xã hội đại chúng ngày nay, đừng
bao giờ quên mình là một nhân tố tự hào của mọi mặt tăng gia phát triển tốt
đẹp.
Tu thiện và hành thiện của cư
sĩ Phật tử hôm nay cũng bao hàm ý nghĩa thực tiễn của cái thực chân, làm tỏa
rộng tươi sáng cuộc sống nhân gian, xóa sạch mọi hình thái tàn dư độc hại và mê
hoặc, mượn danh Phật giáo vào những mưu đồ bất chính. Kinh điển chúng ta tìm
đến là kinh điển chứa đựng ý nghĩa đầy đủ, rốt ráo và bao quát, từ kim khẩu của
Phật truyền đạt. Ðó là liễu nghĩa kinh mà Phật tử chúng ta tham cứu, đem hết
tinh thần học hỏi cầu tiến, và phải dựa vào sức tinh luyện của mình.
Thứ ba là nhiệm vụ và tác dụng
Cung cách tùy thuận tùy duyên
của đạo Phật là không ngoài sự nhận thức được chân lý Diệt đế, không xem khổ ải
là trở ngại để trốn tránh, cũng chẳng cầu thụ chứng cảnh giới xa vời đâu khác
ngoài thực tại thế gian, không tách rời đồng ưu cộng lạc với đại chúng quần
sinh. Bao nhiêu của cải xuất phát mà ta thọ dụng là gia sản do hàng ngàn hàng
vạn bàn tay ân nhân trong hiện tại và của nhiều đời trước tổng hợp điều kiện
mới làm ra được. Bởi vậy, con người từng được nuôi dưỡng hằng ngày cả thể xác
lẫn tinh thần là nhờ xã hội có sự sáng tạo ra của cải vật chất. Trên thực tế,
số đông đã động não, đã nỗ lực vì mình, tất nhiên mỗi chúng ta phải vì mọi
người mà ra sức đáp đền ơn nghĩa. Ðó là sự thể hiện một cách cụ thể trong bốn
trọng ân (Tứ ân) đạo Phật đã dạy chúng ta. Chính lao vào công việc và hòa hợp,
đoàn kết sinh hoạt với đồng đạo, đồng bào thì tài đức chúng ta mới có môi
trường, cơ hội nẩy nở, và được đánh giá đúng tác dụng của pháp Lục hòa, Tứ
nhiếp của nhà Phật. Và có như thế đạo pháp mới biểu thị thông qua người chánh
tín Phật tử bằng hành động thực tiễn. Từ đó góp phần phúc lợi đại chúng, đẩy
mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong gia đình, giáo dục con cái, trong giao
hảo bạn bè cùng tập thể hội đoàn. Và đối với sự phát triển của Giáo hội thì mới
nói lên được là chúng ta đang giữ đúng vai trò xúc tiến nhất định không thể
thiếu vắng của giới mình.
Như trên đã nói, hàng cư sĩ
Phật tử là giới đông đảo của Phật giáo nằm trong quần chúng nhân dân lao động
về nhiều mặt. Chúng ta đang sống cuộc sống đồng bộ của số đông, thì nếp sống
đạo của chúng ta là nếp sống đạo nhập thế của pháp môn Nhân thừa, là một thực
thể của xã hội có nhiều năng động tạo niềm vui lẽ sống trong sáng, vốn là chủ
trương thực tâm của người Phật tử biết chan hòa tình thương nhân bản, thích
nghi vào mọi quan hệ cộng đồng xã hội phát triển, làm lẽ sống thanh cao kết hợp
với tinh thần Phật giáo. Chỉ có việc làm đúng đắn của người Phật tử tại gia đạo
đời trọn vẹn mới xác minh được cụ thể vai trò của mình.
***
Trong quá trình chấn hưng Phật
giáo trong cả nước, gắn bó với nền văn hóa dân tộc, làm rạng rỡ lịch sử Phật
giáo VN, giới cư sĩ Phật tử đã từng tự hào với vai trò của mình.
Thơ, văn, ca nhạc, hội họa,
điêu khắc, nhất thiết đều có sự đóng góp không nhỏ của những nhân sĩ, trí thức,
nghệ nhân thấm nhuần Phật học. Phong cách thờ tự, trang trí, lối sinh hoạt luận
đạo, viết báo viết sách, mở trường đưa vào thế học, Phật học cho Tăng Ni ngày
nay mở mang không ít trong Giáo hội, phần lớn đã xuất phát từ những đạo tâm
công phu liên tục vững vàng của giới cư sĩ thuần thành, trung kiên với Ðạo
pháp.
Ngày nay, Giáo Hội Phật Giáo VN
sinh hoạt trong khối đoàn kết dân tộc, là do vận hội đất nước có đủ nhân duyên,
điều kiện hơn cả, để Tăng Ni và cư sĩ Phật tử chúng ta vận dụng hết các mặt
tinh hoa của đạo lý thành hành động hài hòa với lý tưởng tiến bộ, văn minh thời
đại, nâng cao phục vụ xây dựng, bảo vệ quê hương yêu quí của chúng ta, vì hòa
bình bảo tồn sự sống tốt đẹp của loài người.
Những khó khăn trước mắt là
những khó khăn chung nhất định mà chúng ta đã biết thì hẳn có phương cách khắc
phục. Ðạo Phật cũng đã nhận định không có khả năng thì không có tiến bộ và phát
triển, không có phiền não thì không có Bồ đề chiếu diệu thành hạnh phúc cực
lạc. Quy luật biến đổi những cái cũ lỗi thời đem lại những cái mới tân kỳ, tuyệt
diệu là điều tất yếu, tất nhiên của qui luật phát triển lịch sử và phát triển
xã hội. Chính vì không chấp nhận cái khổ đè nén con người mà Ðức Phật vạch ra
con đường diệt khổ, làm sáng giá cuộc sống.
Vậy với hạnh tu trì quyết tâm
thực hiện, người Phật tử tại gia xem mọi khó khăn là điều kiện để trưởng thành.
Trưởng thành trong cuộc sống mới, mỗi ngày mỗi mới, vừa ích mình lợi người,
phục vụ quốc tế dân sinh. Với hạnh hoan hỷ của nhà Phật, chính là đức tính lạc
quan phấn đấu của người chánh tín Phật tử trong mọi trở ngại chủ quan hay khách
quan, để thúc đẩy chúng ta cùng đồng đạo, đồng bào phát huy hết khả năng giành
nhiều thắng lợi cho Ðạo pháp, cho đất nước ngày nay.
Nguyệt San Giác Ngộ 29