Tu học nhập môn
Hạnh nhẫn nhục
17/03/2010 21:35 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Xem hình

Trải qua hơn 30 năm tu học theo giáo pháp của Ðức Phật, con đã có phước duyên lớn lao vô cùng khi được quý chư Tôn đức Tăng Ni tận tụy dạy bảo, hướng dẫn các pháp môn tu học một cách tường tận, cũng như triển khai cho con yếu lý của giáo pháp Như Lai. Nhờ sự khai thị của quý Ngài, con mở mang được sự hiểu biết thâm sâu hơn về tinh ba Phật pháp theo cách quán sát ở nhiều khía cạnh khác nhau; đồng thời quý Ngài cũng giúp con xây dựng được cuộc sống hiện tiền an lạc cho bản thân, cho gia đình. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Những yếu nghĩa của các pháp mà chư tôn thiền đức đã từ bi truyền trao, con nhận thấy mỗi pháp đều tỏa hương thơm giải thoát, đều rất thiết thực hữu ích cho đời sống tu học của con. Tuy nhiên, con đặc biệt tâm đắc về pháp tu nhẫn nhục, vì con đã thực tập pháp tu này khá miên mật và đạt được những kết quả vô cùng lợi lạc. Hơn nữa, pháp nhẫn nhục là một trong lục độ ba-la-mật mà chư vị Bồ-tát cần phải thành tựu trên lộ trình tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Vì vậy, con xin phép được trình bày nhận thức về pháp nhẫn nhục mà con đã tổng hợp được qua sự giảng dạy của chư Tôn thiền đức Tăng Ni. Song song với sự hiểu biết về pháp nhẫn nhục trên phương diện lý thuyết, con cũng xin mạn phép trình bày một vài việc thiết thân thể nghiệm pháp hành này trong cuộc sống tu học của bản thân con và những kết quả vô cùng tốt đẹp trong việc tăng trưởng trí giác và phước báo cho hàng Phật tử tại gia chúng con.

I . ÐỊNH NGHĨA NHẪN NHỤC

Chữ nhẫn viết theo Hán tự gồm có chữ đao ở trên chữ tâm, có thể hiểu là nhẫn làm cho người ta cảm thấy đau nhói như con dao đâm vào tim. Ðó là nhẫn theo thế gian phải bị nhức nhối, bị bức bách, bị khổ đau khiến người ta cảm thấy “bị nhục” theo sau cái nhẫn. Sở dĩ người đời cắn rãng chịu nhẫn, chịu nhục, vì ở trong hoàn cảnh yếu thế hơn đối phưõng, không thể làm gì khác, cho nên họ phải nhẫn để được yên thân. Tuy nhiên, nếu thân được yên thì tâm cũng không chắc gì có thể yên, vì họ luôn bị tức tối, bị đau khổ với cái nhẫn bất đắc dĩ đó. Hành động nhẫn nhục như vậy của người thế gian được xây dựng trên nền tảng của bản ngã, của ngã chấp, ngã mạn, của mưu đồ tính toán hơn thiệt phát xuất từ lòng tham lam, vị kỷ, sân hận, v.v…

Vì thế, sau khi nhẫn nhục theo thế nhân, thường dẫn đến hậu quả là người nhẫn nhục luôn có thái ðộ căm ghét, sẵn sàng rửa nhục và trả thù bằng mọi cách khi có dịp. Lòng thù hận của con người mãnh liệt và vô lý đến mức độ người thế gian đã có câu : “Ghét ai ghét cả đường đi lối về !”

Pháp kham nhẫn theo đạo Phật tất nhiên hoàn toàn khác với nhẫn nhục của thế nhân. “Ðối với hành giả kham nhẫn, tâm vẫn luôn an tịnh dù có bất cứ sự hủy nhục, não hại nào từ bên ngoài đem đến. Theo Luận Du Già Sư Ðịa 57, nhẫn nhục bao hàm ba hành tướng là không sân hận, không kết oán thù và tâm không khởi niệm ác”. (Theo Từ ðiển Phật học Huệ Quang, HT.Thích Minh Cảnh).

Vì vậy, theo đạo Phật, nhẫn nhục, hay nhẫn nhịn, hoặc kham nhẫn là sự chấp nhận mọi hủy nhục, vu khống, hay đánh đập, bức hại …, nhưng không sanh tâm giận dữ, không hành động chống trả lại đối phương, mà vẫn vui vẻ, an nhiên như không có chuyện gì xảy ra đối với người bị hủy nhục hay bị bức hại. Lý do mà hành giả có thể đạt được tâm an nhiên tự tại như vậy sẽ được trình bày ở phần sau.

Nói đến hạnh nhẫn nhục, Ðức Phật đã dạy cho hàng Bồ tát trong kinh Pháp Hoa qua câu Phật ngôn nổi tiếng : Vào nhà NhưLai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai. Áo Như Lai là hạnh nhu hòa, nhẫn nhục. Và mẫu người có sức kham nhẫn tuyệt đối trên nhân gian này chính là Ðức Phật Thích-ca Mâu-ni.

Thật vậy, suốt 49 năm trải thân giáo hóa độ sanh ở Ta bà này, Ðức Phật đã cho chúng ta thấy Ngài có nhẫn lực siêu tuyệt và bằng đức nhẫn, Ngài đã vượt qua mọi hiểm nguy, ám hại. Một trong những sự việc điển hình được lịch sử ghi rằng có một người Bà-la-môn giết con rồi vùi xác sau vườn nhà, sau đó ông vu cáo cho Phật hiếp dâm và giết con gái của ông. Nhưng Ðức Phật vẫn nhẫn nhịn, an nhiên tự tại trước tình huống tệ ác của kẻ ngoại đạo. Vua Ba Tư Nặc ra lệnh điều tra để làm sáng tỏ vấn đề và thanh danh của Ðức Phật đã được bảo vệ; vì sự thật đã được phơi bày, người Bà-la-môn chính là kẻ thủ phạm giết con rồi vu cáo cho Phật.

Nhiều người hiểu lầm nhẫn nhục là chỉ cần nhịn đối phương thì mọi việc sẽ êm thắm. Như đã định nghĩa ở phần trên, nhẫn nhục không phải là sự cố gắng chịu đựng. Nếu sử dụng nghiệp thức của con người để phân biệt, nhịn chịu, đó là nhẫn nhục của thế nhân, không phải là đức nhẫn của Bồ tát, của Như Lai. Nhẫn nhục của Bồ-tát, của Phật có công năng khiến cho kẻ ác không còn khuấy phá được nữa, cho đến có năng lực chuyển hóa tâm trí và hành động của kẻ ác phải hướng thiện. Còn nhẫn nhục của người đời thì nhịn hoài, đối phương sẽ kiếm chuyện hoài. Ðến lúc không nhịn được, tâm ác của họ sẽ bùng phát dẫn đến thái độ trả thù càng dữ dội hơn.

Sự kham nhẫn theo Phật dạy ở mức độ thấp sẽ có năng lực tiêu trừ những chướng ngại làm hư hại tâm tốt lành của hành giả. Và nhẫn nhịn ở mức độ cao tột đỉnh gọi là nhẫn nhục ba la mật của Bồ tát và Phật thì không có gì phải nhẫn cả; vì mọi việc hủy nhục, hay ám hại xảy đến với các Ngài, đều được các Ngài sử dụng hoàn toàn tự tại như những phương tiện tốt nhất để hướng dẫn tha nhân trở về với đời sống đạo đức.

II. CÁC LOẠI NHẪN NHỤC

Hạnh nhẫn nhục được triển khai thành ba loại: Chúng Sanh Nhẫn, Pháp Nhẫn và Ðại Nhẫn. Thành tựu ba pháp nhẫn này một cách trọn vẹn mới đạt được hạnh nhẫn nhục ba la mật.

1. CHÚNG SANH NHẪN

Chúng Sanh Nhẫn là tâm luôn an tịnh đối trước sự giận dữ, mắng chửi, đánh đập của người đổ lên cho mình. Với phước đức và trí tuệ vô cùng, Ðức Phật và chư Bồ tát thành tựu chúng sanh nhẫn một cách đơn giản. Chúng sanh càng tệ ác, Phật và chư Bồ tát càng trải tâm từ bi đến họ.

Thật vậy, trên bước đường giáo hóa độ sanh, Ðức Phật thấu suốt tất cả căn cơ, hành nghiệp của chúng sanh, nên Ngài cảm hóa mọi người một cách dễ dàng. Chư Bồ tát cũng có vô số phương tiện để cứu độ chúng sanh. Phật và Bồ tát luôn kham nhẫn đối trước sự cang cường của chúng sanh để có thể gần gũi họ, để lần lần cảm hóa họ, chỉ dạy họ phương cách sống dứt trừ khổ đau và xây dựng được cuộc đời hạnh phúc, an lạc trong hiện tại và muôn kiếp về sau.

Còn những người bình thường như chúng ta thì làm thế nào thực hành pháp Chúng Sanh Nhẫn? Ðức Phật dạy chúng ta cần ý thức rằng ở thế giới Ta bà ngũ trược này, mỗi vấn đề đều luôn hiện hữu ở hai mặt tương phản. Vì vậy, khi chúng ta vâng lời Phật dạy, thể hiện mẫu người tốt trên cuộc đời thì chắc chắn chúng ta phải trở thành đối nghịch với người xấu, việc tốt của chúng ta chắc chắn sẽ làm thiệt hại đến quyền lợi của người ác. Không thể nào tránh khỏi điều này.

Tất nhiên chúng ta không thể ngay tức khắc nhẫn nhịn tất cả mọi người, tất cả mọi việc ác để thành tựu được pháp Chúng Sanh Nhẫn. Tuy nhiên, tu theo Phật, ở bước đầu, chúng ta có thể nỗ lực nhẫn nhịn một vài người xấu ác, hoặc một số việc xấu ác ở mức độ thấp. Và để có thể nhẫn nhịn được, không có cách nào tốt hơn là khởi tâm từ bi, hoan hỷ nhận chịu việc hung ác, tệ hại của người khác đổ lên cho mình, bằng cách tìm điểm tốt nhất, dễ thương nhất của họ để chúng ta nghĩ đến mà không khởi tâm sân hận và hơn thế nữa, có thể cứu giúp khi họ sa cơ thất thế. Ðó cũng là phương cách nuôi dưỡng điều thiện nhỏ nhoi của họ mà cũng là cách nuôi lớn tâm từ bi của chính chúng ta. Thiết nghĩ sống trên cuộc đời này, không ai hoàn hảo cả, bản thân ta cũng có lúc sai lầm; nhưng nếu biết nhìn ở mặt tích cực, ai cũng có một vài điểm tốt, ai cũng có một vài việc làm tốt. Nhớ đến điểm tốt của người khác, lòng chúng ta sẽ dịu lại, khiến chúng ta dễ tha thứ và dễ nhịn chịu hơn trước những việc bất như ý. Ðức Phật đã từng dạy Bồ tát Ðịa Tạng rằng đối với người đọa địa ngục tức là người cực ác, nhýng nếu họ làm được một điều tốt dù là nhỏ nhoi mỏng manh như một sợi tơ, cũng phải cứu vớt họ.

Hoặc với niềm tin sâu sắc về luật nhân quả mà Ðức Phật đã chỉ dạy, chúng ta luôn ý thức rằng mọi việc trên cuộc đời này không có gì tự nhiên xảy ra cả, việc gì cũng có nguyên nhân của nó và sẽ dẫn đến kết quả trong hiện đời hoặc đời sau, thậm chí có việc phải nhiều kiếp sau mới kết thành quả báo. Nhận thức sâu sắc về quy luật nhân quả, chúng ta sẽ dễ dàng kham nhẫn đối với những việc tệ ác xảy đến với mình. Khi quán sát thấy sự hủy nhục, hay phá hại của người khác đổ cho ta mà không phát xuất từ nhân duyên trong hiện đời, thì ta biết chắc chắn phải có hạt nhân xấu ác từ đời trước giữa ta và họ, mà đời này mới có đủ duyên để kết thành quả báo đến với ta như vậy. Tin lời Phật dạy rằng Bồ tát sợ nhân, không sợ quả, chúng ta dễ dàng chấp nhận “Túc nghiệp” đến với mình, thì sẽ kham nhẫn một cách hoan hỷ, chắc chắn việc xấu theo thời gian cũng trôi qua rồi chấm dứt. Ta kham nhẫn, chịu nhịn để trả cái quả mình đã vay, chứ không muốn làm kẻ quịt nợ, mà thật ra có quịt cũng không được !

Sở dĩ Ðức Phật cùng chư Bồ tát kham nhẫn với tất cả chúng sanh một cách tự tại và gặt hái được kết quả bất khả tư nghì, vì các Ngài kham nhẫn dưới sự soi sáng của trí giác. Vì thế, càng kham nhẫn, công đức của các Ngài càng tăng trưởng và quy tụ được quyến thuộc Bồ đề nhiều hơn. Ðiển hình như tiền thân của Ðức Phật Thích Ca là Bồ-tát Thường Bất Khinh đã thành tựu pháp nhẫn ba-la-mật với những người tăng thượng mạn từng phỉ báng và ném đá Ngài. Nhẫn lực của Bồ tát đã cảm hóa họ trở thành quyến thuộc Bồ-đề của Ngài, đời đời kiếp kiếp theo Ngài tu Bồ tát đạo.

2. PHÁP NHẪN

Ðối với tất cả các pháp hữu hình, vô hình, hữu vi, vô vi, Ðức Phật và chư Bồ tát đều kham nhẫn, thành tựu Pháp Nhẫn ba la mật. Riêng những người sơ cơ như chúng con đọc tụng kinh điển và nghe lời quý chư Tôn đức giảng dạy, nhận thấy những gì Phật và Bồ tát làm thì tập làm theo, những gì dễ nhẫn thì nhẫn trước.

Vì mang thân tứ đại nên chúng ta phải chịu sự chi phối của thân này, như phải đói, khát, già, bệnh. Ngoài ra, chúng ta còn chịu sự tác động của thiên nhiên là nóng, lạnh. Vì vậy, đối với pháp hữu vi như ăn mặc, ở, ngủ nghỉ, nóng lạnh, bệnh tật, chúng ta cần thực tập hạnh nhẫn nhục.

Ðể thực hành Pháp Nhẫn đối với thân nghiệp như vậy, Ðức Phật dạy hành giả nên giảm thiểu tối đa ba việc ăn, mặc, ngủ nghỉ. Chỉ ăn vừa đủ dinh dưỡng để sống, không để tâm và để mất thì giờ với việc ăn uống; còn đòi hỏi, khó khăn đối với việc ăn uống thì khó tu được. Ngoài ra, chỉ mặc đủ ấm, không cần mặc hàng đắt tiền. Và hạnh kham nhẫn thứ ba là làm chủ việc ngủ nghỉ. Vì không hoạt động cơ thể nhiều và biết điều hòa hơi thở, thì cơ thể của hành giả đã được nghỉ ngơi, nên không bị mệt mỏi, không cần ngủ nhiều. Không mất thì giờ cho việc ăn, mặc, ngủ, để dành thời gian thực tập Thiền quán, phát huy trí giác, tăng trưởng đạo lực. Ðối với thời tiết nóng lạnh, từng bước hành giả cũng phải điều hòa cơ thể chịu đựng được và thích nghi với quy luật tự nhiên. Không lệ thuộc đời sống vật chất, không bị ăn, mặc, ngủ nghỉ chi phối và có sức khỏe tốt, chịu đựng được thời tiết nóng lạnh, mới có thể tiến tu và thành tựu hạnh nhẫn của thân, một phần căn bản trong Pháp Nhẫn.

Ngoài Pháp Nhẫn của thân, hành giả cần thực hiện tâm nhẫn theo lời Phật dạy. Ðối trước mọi việc thuận nghịch xảy ra bên ngoài, hành giả luôn giữ tâm lắng yên, không cho sanh khởi vọng tâm. An trụ tâm thanh tịnh, giải thoát để có thể thâm nhập thế giới Phật.Và tiến đến quả vị cao tột như Ðức Phật, đối với tất cả các pháp vô tình hay vô vi, tức muôn loài trong Pháp giới và thiên nhiên, Ngài điều động hoàn toàn theo ý muốn, mà kinh điển thường diễn tả là Như Lai chuyển vật một cách tự tại để mang lợi lạc cho muôn loài; còn chúng sanh thì bị lệ thuộc các pháp, gọi là bị vật chuyển.

3. ÐẠI NHẪN

Khi đã thành tựu được Chúng Sanh Nhẫn và Pháp Nhẫn, nghĩa là chuyển đổi được chúng sanh muôn loài và tất cả các pháp, Ðại Nhẫn tự động sanh ra. Bấy giờ, Phật, tâm và chúng sanh trở thành một, là đồng nhất thể. Thành tựu Ðại Nhẫn, hành giả đạt đến quả vị Như Lai. Vì vậy, Ðại nhẫn thuộc về tâm chứng của Phật và chư Bồ tát, nằm ngoài sự lạm bàn bằng ngôn ngữ của hàng phàm phu chúng con.

Thành tựu Chúng Sanh Nhẫn, Pháp Nhẫn và Ðại Nhẫn một cách trọn vẹn là đạt được nhẫn lực ba la mật, tiến đến cứu cánh Phật quả.

III. SỰ TÁC ÐỘNG HỖ TƯƠNG GIỮA TRÍ GIÁC, TÂM TỪ BI HỶ XẢ, VỊ THA VÔ NGÃ VÀ HẠNH NHẪN NHỤC

Ngài Xá Lợi Phất, vị đại đệ tử được xếp vào hàng trí tuệ bậc nhất trong giáo đoàn của Ðức Phật đã thể hiện lòng kham nhẫn mãnh liệt qua câu chuyện sau đây. Một hôm, có một nhóm người kính quý và khen ngợi Ngài Xá Lợi Phất rằng Ngài có đức kham nhẫn cao tột đến mức độ bị lãng mạ, đánh đập mà Ngài không hề sân hận. Một người Bà-la-môn nghe vậy, không tin và tìm cách trêu chọc Ngài Xá Lợi Phất. Một buổi sáng nọ, ông ta đi sau lưng Ngài Xá Lợi Phất rồi bỗng nhiên đấm mạnh vào lưng Ngài. Tôn giả Xá Lợi Phất khẽ nói “Chuyện gì vậy” và Ngài tiếp tục thản nhiên đi khất thực, chẳng cần ngoảnh lại xem người kia là ai, tại sao lại gây sự với Ngài. Tâm từ bi và thái độ an nhiên, tự tại, hỷ xả của Ngài đã khiến ngýời Bà-la-môn cảm thấy hối hận về hành động ngu xuẩn của mình, bèn quỳ dưới chân Ngài, xin được tha tội. Vị trưởng lão dịu dàng hỏi : “Ông xin lỗi việc gì ?”. Người Bà-la-môn xấu hổ đáp rằng : “Tôi đã đánh Ngài để thử lòng kiên nhẫn của Ngài có đúng như người ta nói hay không”. Ngài Xá Lợi Phất mỉm cười nói: “Không sao đâu, tôi hoan hỷ”. Ông ta vui mừng, liền mời Ngài Xá Lợi Phất về nhà dùng cơm, nhưng những người bên đường trông thấy hành động vô lễ của ông, họ đã tức giận và định đánh cho ông này một trận. Ngài Xá Lợi Phất đã ngăn họ lại mà hỏi rằng : “Người bị đánh là quý vị, là tôi, hay là ông ấy”. Họ trả lời : “Thưa trưởng lão, chính là Ngài”. Ngài ôn tồn nói : “Nếu chính tôi bị đánh thì ông ấy đã xin lỗi tôi rồi. Mong quý vị hãy bỏ qua”.

Qua cách ứng xử nhẹ nhàng của Ngài Xá Lợi Phất, chúng ta thấy rõ với trí giác của một bậc Thánh giả, Ngài đã thấu suốt suy nghĩ và hành động của người Bà-la-môn khi đánh Ngài. Ðồng thời Ngài cũng biết rõ pháp đối trị là đức kham nhẫn sẽ có công năng khuất phục được tánh tình và hành động sai lầm của người này và chuyển hóa họ sống theo chánh pháp. Ngoài ra, bậc Thánh giả luôn an trụ trong bốn vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, xả và luôn sống với tinh thần vô ngã, vị tha, đã diệt sạch lòng sân hận; cho nên Ngài đã kham nhẫn được hành động sĩ nhục, trêu chọc của hàng ngoại đạo một cách tự tại.

Vì vậy, khi còn bực tức, còn sân hận, phải tự hiểu rằng ta còn nuôi lớn “Cái tôi”, lòng từ bi hỷ xả của ta còn quá yếu ớt, nhỏ nhoi, hay lòng từ bi có điều kiện; cho nên chúng ta khó khoan dung, nhẫn nhịn được người khác.

Ðức Phật luôn khuyên dạy hàng đệ tử ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải khởi tâm thương yêu tất cả chúng sanh. Trong giáo pháp của Ngài không hề có dấu vết của lòng oán ghét, thù hận, vị kỷ, hay bất cứ ý nghĩ xấu nào. Vì vậy, bước theo dấu chân Phật, cần nỗ lực nuôi lớn tâm từ bi, thương yêu giúp đỡ mọi người, không chấp nhứt và sẵn sàng hỷ xả cho người vô tình hay cố ý hại ta. Vì theo lời Phật dạy, từ vô thỉ kiếp cho đến ngày nay, chúng ta và mọi người đều lang thang trong vòng sanh tử luân hồi vô tận, cho nên tất cả chúng ta đều đã từng là quyến thuộc của nhau dưới nhiều hình thức mà vì vô minh nên chúng ta không nhớ. Vì thế, không nên nuôi tâm thù ghét với người đã từng là quyến thuộc của ta ở những kiếp quá khứ.

Chánh niệm tĩnh giác như thế, thì lòng bực bội, oán hận, thù hằn không thể tồn tại trong tâm, giúp chúng ta vượt qua “Cái tôi” và trở nên dịu dàng, xả ly, tha thứ, dễ dàng nhịn chịu những tình huống tệ ác đến với mình. Và cũng nhờ đó, thanh tịnh hóa được tâm mình và tu tạo được công đức, cũng như có thể chuyển hóa được người xấu trở về đường tốt.

Có thể nhận thấy rõ dưới sự soi sáng của tuệ giác, nhẫn nhục chịu ảnh hưởng của từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha. Chẳng hạn như khi ta biết tha thứ, hoan hỷ, mỉm cười là ta đã nhẫn nhịn được và ngược lại, ta nhẫn nhịn được là nhờ nuôi dưỡng tâm từ bi, lòng khoan dung, lòng hoan hỷ. Ðó là sự tác động hỗ tương lợi lạc giữa tâm từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha và hạnh nhẫn nhục.

IV. NHỮNG KẾT QUẢ TỐT ÐẸP MÀ CON ÐÃ GẶT HÁI ÐƯỢC TRÊN BƯỚC ÐƯỜNG THỰC TẬP HẠNH NHẪN NHỤC THEO PHÁP PHẬT

Con nhớ lời Hòa thượng Tôn sư thường nhắc nhở rằng chúng con cần phải thực hiện mật hạnh, không nên khoe khoang những gì mình làm được, còn bên ngoài thì sống bình thường.

Tuy nhiên, con viết ra những thành quả mà con thể nghiệm được, không có ý kể lể khoe khoang, mà chỉ nhằm minh chứng rằng tinh ba của pháp Phật để lại cho chúng ta ngày nay vẫn có giá trị tuyệt đối, dù chúng ta sống cách Phật đến hơn 25 thế kỷ. Và sự ứng dụng pháp Phật nói chung, hạnh nhẫn nhục nói riêng, đã mang lại lợi ích thiết thực vô cùng tốt đẹp cho cuộc sống của người đệ tử Phật.

Trước khi tu học theo Phật, con chưa từng ăn chay. Có thể việc ăn chay trường không có gì khó khăn với những người khác, nhưng đối với một người kén ăn như con thì đó là ðiều không đơn giản chút nào. Nhưng may mắn thay, chỉ ba tháng sau khi được Hòa thượng Tôn sư giáo hóa, con đã thay đổi việc ăn uống một cách mau chóng và dễ dàng, mặc dù Hòa thượng chưa từng bắt buộc hay bảo con phải ăn chay trường. Trong giai đoạn đầu ăn chay rất đạm bạc, thường xuyên chỉ có tương chao với cơm thôi, mà trong lòng con vô cùng vui sướng, nhờ được hưởng hương vị giải thoát. Ðối với bản thân con, đó là một “kỳ công đột phá” trong việc khắc phục được thân nghiệp của mình một cách gọn nhẹ ! Dưới sự chỉ dạy của Hòa thượng, ở đâu cũng được, không còn đòi hỏi tiện nghi, ngủ đâu cũng được, không còn đòi nệm ấm chăn êm, tự động thức khuya dậy sớm công phu, không còn cái nghiệp “ngủ nướng” và ăn mặc gì cũng không kén chọn nữa. Chính con cũng không ngờ mình có thể thực tập được sự kham nhẫn của thân đối với ba việc ăn mặc, ở, ngủ nghỉ một cách đơn giản, đúng theo nếp sống đạo đến như vậy. Ðiều này khiến con liên tưởng rằng mình đã được ở trong Hóa Thành của Hòa thượng Tôn sư nên thân tâm mới được an trụ trong niềm hỷ lạc của chánh pháp mà dễ dàng vượt qua những đòi hỏi của thân nghiệp do tập quán nhiều đời cũng như hiện đời kết tụ lại.

Tuy thân tướng bất toàn, nhưng con rất may mắn được cha mẹ và anh chị em trong gia đình dành trọn vẹn sự yêu thương, chăm sóc thật đặc biệt đến nỗi con không hề cảm thấy mình bị thua thiệt gì với đôi chân bại liệt từ thuở bé. Ðến khi đi học và đi làm “Cuộc đời luôn là màu hồng đối với con”, vì mọi việc đều thuận chiều mát mái cho con, vì con được ấp ủ trong tình thương vô điều kiện. Có thể có người cho rằng con nói láo vì làm đứa con gái tật nguyền thì có gì vui sướng đâu chứ. Nhưng không sao, như Ðức Phật đã dạy nước uống lạnh hay nóng đến cỡ nào, chỉ có người uống mới biết.

Tuy nhiên, chuyển sang bước đường tu học, mang thân nghiệp bất toàn, con thường bị rủa sả là “Con què”. Trong tâm con thật sự ngạc nhiên vì con chưa làm gì hại người chế nhạo con, thậm chí chưa có ý nghĩ xấu về họ. Con nhớ lời của Hòa thượng Tôn sư thường nhắc nhở rằng việc oan ức hay điều tệ hại nào xảy ra cho con, mà con không có lỗi, thì phải biết đó là lỗi của đời trước, là nghiệp của đời trước, gọi là oan gia trái chủ gặp lại. Tại sao họ không rủa sả người khác mà lại rủa sả mình. Như vậy có thể đời trước con cũng từng nói lời ác độc với họ, nên đời này họ mắng trả lại. Sau khi quán sát luật nhân quả như vậy, nhẫn nhịn câu chửi này đối với con coi như gió thoảng mây bay. Viết đến đây, con cũng dừng lại một chút để hồi hướng công đức xin hóa giải oan nghiệp này nếu nó còn. Con tự nghĩ mình may mắn được thấm nhuần pháp Phật nên không bị khổ tâm với ba cái chuyện lặt vặt của thế giới Ta bà này, con đang sống an lạc trong nhà Phật pháp ở hiện đời và chắc chắn sẽ thãng hoa đến thế giới an lành sau khi mãn nghiệp thân này. Lại nhớ đến lời Hòa thượng Tôn sư thường khuyên rằng việc còn nhiều mà đường còn xa, phải ráng lo thoát khỏi nhà lửa tam giới này cho kịp trước khi lửa táp cháy mình !

Từ khi tu hành cho đến ngày nay, giữ dược thân tâm an lạc và miệt mài công quả, một lòng vì đạo, trải qua thời gian dài 34 năm, hăn một nửa đời người, không phải là điều đơn giản đối với con. Trên con đường tu tập của bản thân con trong đời này, gặt hái được hoa thơm trái ngọt rất nhiều, nhưng bị gai độc đâm chảy máu cũng không ít. Trên đời này chẳng có gì cho không chúng ta cả. Tuy nhiên, con đã nhờ vào sự nhẫn nhịn, nhẫn nhịn thật nhiều, nhẫn nhịn tháng này qua năm nọ, nhẫn nhịn từ việc nhỏ xíu cho đến việc khó nhẫn, nhẫn nhịn với đứa con nít cho đến những bà lớn tuổi, nhẫn nhịn trong công việc quét dọn cho đến nhẫn nhịn những việc đầu óc. “NHẪN NHỊN VÀ NHẪN NHỊN” giờ này con mới còn được sống trong nhà Phật pháp và còn được vinh dự tham gia Hội nghị Nữ Phật giáo Thế giới lần thứ 11, được phước duyên đóng góp sở đắc nhỏ nhoi của mình bên cạnh những bậc tôn đức Ni và quý cư sĩ Phật tử từ khắp thế giới về đây.

Con thầm nghĩ rằng nếu không có sự gia hộ của Phật, Bồ-tát, Ðức A Nan, Hộ pháp thiện thần, cũng nhý sự giáo dưỡng Hòa thượng Tôn sư và sự khuyến khích của quý Tăng Ni hữu duyên, bản thân con không thể nào kham nhẫn nổi nhiều chướng duyên trên đoạn đường dài như vậy. Cứ mỗi lần ngả quỵ, chán nản, thì sau những thời lễ lạy sám hối, tụng kinh, thiền quán, con lại thấy Ðức Phật xoa đầu an ủi con, Ðức A Nan mỉm cười khích lệ con và quý thiện hữu tri thức trợ lực, để con tiếp tục lộ trình Phật đạo.

V. GIÁ TRỊ CỦA NHẪN NHỤC

Nhẫn nhục là phương cách tốt nhất có tác dụng ngăn chận được tội ác ngay từ điểm khởi xuất, làm cho các ác nghiệp tiêu tan trước khi nó trở thành hành động, lời nói. Vì vậy, là đệ tử Phật cần phải tinh tấn thực tập hạnh nhẫn nhục cho thuần thục thì dù bất ngờ bị vu oan giá họa, nhẫn nhục sẽ lưu xuất một cách tự nhiên, không đắn đo suy nghĩ.

Mọi việc xảy ra trên cuộc đời này nếu biết giải quyết trên nền tảng của sự kham nhẫn, chắc chắn chúng ta sẽ từng bước tháo gỡ được những vướng mắc, hiểu lầm, hay ác ý. Nhờ đó, tâm hồn chúng ta sẽ thanh thản an vui, không bị phiền muộn, oán giận dày vò mình và không hành động sai lầm.

Nhẫn nhục có giá trị rất lớn lao, chẳng những đem lại sự thanh thản dịu mát cho tâm trí của chính hành giả, nhờ đó hành giả có được những quyết định đúng đắn, những hành động đúng chánh pháp, mà còn tác động lợi lạc đến nhiều người khác. Nếu đức nhẫn của hành giả ở mức độ cao sẽ cảm hóa được mọi người liên hệ nhận chân được tinh ba Phật pháp nói chung và hạnh kham nhẫn nói riêng rất cần thiết cho việc xây dựng cuộc sống hạnh phúc, an lạc, tự tại giải thoát đối với mỗi cá nhân và còn xây dựng được nền hòa bình an vui cho cả thế giới.

Sau đây là sáu năng lực mà Bồ tát đạt được khi tu hạnh nhẫn nhục ba la mật, gọi là nhẫn nhục lục chủng công đức lực.

1. AN TĨNH TRƯỚC NHỮNG LỜI MẮNG CHỬI

Bồ-tát chứng đắc “Như hưởng bình đẳng trí lực”, tuy bị ngýời mắng chửi, nhưng vẫn an nhẫn, không sân hận trả thù (Như hưởng là như trống đáp tiếng vang).

2. AN TĨNH KHI BỊ NGƯỜI ÐÁNH ÐẬP

Bồ-tát chứng đắc “Cảnh tượng bình đẳng trí lực”, tuy bị người đánh đập, nhưng vẫn an nhẫn, không có ý trả thù.

3. AN TĨNH TRƯỚC SỰ BỨC NÃO

Bồ tát chứng đắc”Như huyễn bình đẳng trí lực”, tuy bị người não hại, nhưng vẫn an nhiên nhẫn chịu, không có ý trả thù.

4. AN TĨNH TRƯỚC SỰ TỨC GIẬN

Bồ-tát chứng đắc “Nội thanh tịnh bình đẳng trí lực”, tuy bị người tức giận la mắng, nhưng vẫn an nhiên nhẫn chịu, không có ý trả thù.

5. TÂM BẤT ÐỘNG ÐỐI VỚI TÁM PHÁP

Bồ-tát chứng được “Thế pháp thanh tịnh bình đẳng trí lực, cho nên không bị tám pháp: Lợi, suy, khen, chê, đề cao, hạ thấp, khổ và vui của thế gian làm động tâm.

6. KHÔNG NHIỄM PHIỀN NÃO

Bồ tát chứng được “Tập nhân duyên bình đẳng trí lực”, cho nên tất cả phiền não không thể làm nhiễm ô. (Theo Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang – HT. Thích Minh Cảnh)

KẾT LUẬN

Trên lộ trình tiến đến quả vị Vô thượng Bồ-đề, đối với tất cả hành giả tu tập pháp Phật, nhẫn nhục là một trong những pháp hành vô cùng quan trọng. Ðể có thể sống kham nhẫn, cần ý thức sâu sắc rằng phải tập giảm bớt ngã chấp cho đến phá bỏ hoàn toàn ngã chấp; vì bản ngã là hàng rào kiên cố luôn ngăn cản chúng ta tiến bước trên con đường thánh thiện và bản ngã luôn bảo vệ chính nó bằng những phản ứng giận dữ, cuồng si.

Vì vậy, trong các kinh Nguyên thủy, Ðức Phật từng dạy Ngài La Hầu La tu hạnh nhẫn nhục như là đất không bao giờ có phản ứng đối với bất cứ thứ gì đổ lên nó, người ta đổ đồ sạch, đồ dơ hay làm gì trên đất, nó vẫn thanh thản chấp nhận. Nhẫn nhục được Ðức Phật hình tượng hóa một cách sâu sắc như vậy để gợi nhắc chúng ta cần thực tập hạnh nhẫn nhục một cách miên mật và liên tục cho đến rốt ráo. Vì chỉ một niệm không tĩnh giác, chúng ta không thể nhẫn nhịn được và để cho cơn giận nổi lên, tác hại, vô số ác nghiệp sẽ theo đó kéo đến rất nhanh. Kết quả là một đốm lửa sân sẽ dễ dàng thiêu sạch một rừng công đức của chúng ta.

Ðức Phật là tấm gương sáng nhất thể hiện lực kham nhẫn tuyệt đỉnh, tức nhẫn ba la mật. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16 dạy rằng Ðức Phật Thích-ca Mâu-ni đã thành Phật từ vô lượng vô biên kiếp xa xưa về trước. Từ Pháp thân bao la điều động khắp Pháp giới mà Ngài kham nhẫn mang thân người hữu hạn là Phật Thích-ca Mâu-ni ở Ấn Ðộ, rồi trải qua suốt 49 năm cùng sống chung, đồng lao cộng khổ với Tăng đoàn, Ngài đi hoằng hóa độ sanh không mệt mỏi, đưa ra vô số phương cách chỉ dạy mọi người tận diệt khổ đau, tịnh hóa thân tâm trong từng phút giây của cuộc sống hiện tiền để đạt được Niết bàn trong hiện đời, tức Hữu dư y Niết bàn và sống an lạc vĩnh viễn nơi Vô dư y Niết bàn sau khi xả bỏ thân xác này.

Con đường Ðức Phật đi giáo hóa không phải nơi nào cũng trải thảm nhung đón tiếp Ngài. Nhưng đối với Ðức Phật, những người thuận hay nghịch đều là duyên để Ngài giáo hóa. Chắc chắn rằng chỉ duy nhất bằng tâm từ bi, vô ngã, vị tha, thương yêu tất cả chúng sanh mà Ngài kham nhẫn đến với mọi người để hướng dẫn họ đi về Niết bàn, về Tịnh độ mười phương và thành Phật, không vì lý do nào khác cả.

Trí giác và đại từ bi tâm của Ðức Phật luôn luôn được thắp sáng trên tinh thần vô ngã vị tha, là chất liệu cao quý nhất mãi mãi song hành cùng với đức kham nhẫn phi thường của Ngài trên lộ trình cứu giúp chúng sanh muôn loài. Ðức Phật đã kham nhẫn với tất cả mọi người, với tất cả hoàn cảnh ở thế giới Ta bà ngũ trược ác thế này. Phật thanh thản lắng nghe người ngoại đạo nói từ sáng tới chiều, Phật an nhiên trước lời hỗn xược của kẻ ác suốt cả ngày, Phật tự tại trước đàn voi say của vua A-xà-thế thả ra hại Ngài, Phật an định trước đám rắn độc của quốc sư Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp điều khiển để hại Ngài vì ganh tỵ, Phật khen ngợi Ðề-bà-đạt-đa là vị ân nhân khi ông này luôn tìm cách sát hại Ngài trải qua nhiều đời nhiều kiếp, Phật từ ái rửa mụt ghẻ cho vị Sa môn, Phật trải tâm từ đến bà lão mù lòa bên vệ đường và xỏ kim cho bà, Phật bế con nai què đi theo kịp nai mẹ, Phật độ cho Vô Não tỉnh cơn điên giết ngýời và hơn thế nữa, Ngài khai thị cho ông chứng đắc quả vị A-la-hán, v.v… Thật là cảm động vô cùng trước tâm từ bi và nhẫn lực vô bờ bến của Ðức Phật đối với tất cả chúng sanh trên cõi đời này.

Thiết nghĩ chúng con vô cùng may mắn khi sống trong thời mạt pháp, mà được quy y Tam Bảo, được quý chư Tôn thiền đức Tăng Ni giảng dạy, được sống trong nhà Phật pháp. Ðặc biệt là hằng tuần trong khóa tu Một ngày an lạc, được quý chư Tôn thiền đức triển khai yếu nghĩa Phật pháp, được sống trong cảnh già lam thanh tịnh, được thấm nhuần đạo lực giải thoát của quý chư Ttôn thiền đức, trí tuệ của chúng con thăng hoa theo sự giáo dưỡng của quý Ngài và thành quả này cũng giúp cho chúng con phần nào chuyển đổi được những gì không tốt trong gia đình trở nên hòa thuận, an vui hơn.

Nương nhờ Phật lực, Pháp lực và thanh tịnh lực của quý chư Tôn thiền đức, chúng con đã phát huy được trí tuệ, phước báu cho bản thân và gia đình. Con nguyện sẽ tinh tấn hơn nữa trong việc tu học Phật pháp để phần nào báo đáp gia trì lực của đức Từ phụ Thích-ca Mâu-ni Phật cùng chư vị Bồ tát, chư thiên, chư thiện thần, cũng như không cô phụ công ơn dạy bảo của quý chư Tôn thiền đức Tãng Ni./.

Theo PGVNN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch