Tu học nhập môn
Làm sao thâm nhập Phật Pháp
Đại sư Tinh Vân
21/02/2011 16:12 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

altThuyết giảng tại Phật Quang Sơn, mùa hè năm 1997.

Kính thưa các vị quan khách, các vị pháp sư, các vị phụ đạo viên cùng tất cả học viên.

Hôm nay tại Phật Quang Sơn khóa trại hè lần thứ năm, dành cho lớp chuyên khoa Phật học được bắt đầu khai diễn, có hơn 250 vị học viên thuộc 50 học viện, trường học đã vân tập về đây nghiên cứu Phật học, tôi thay lời toàn chúng trong viện tán dương, hoan nghênh chúc mừng các vị.

Các vị học viên! Khi các vị đến Phật Quang Sơn nghiên cứu Phật học, trong lòng đã khởi lên những suy nghĩ gì? Tôi xin hỏi, các vị nên ứng dụng tâm niệm gì để nghiên cứu Phật học?

Khi đến với Phật Quang Sơn, chắc hẳn quý vị đối với Phật pháp đã có đủ lòng tin, bây giờ tôi sẽ trình bày cho các vị phương pháp nghiên cứu Phật học.

1. Dùng lòng tin thâm nhập Phật pháp

Dùng tín tâm nghiên cứu Phật học, học Phật chuyển hóa thân tâm chúng ta thanh tịnh, nhân cách được trau dồi , thân mạng được an ổn. Phật pháp là kim chỉ nam dẫn lối đời sống của chúng ta trên thế gian này. Đến với Phật pháp chúng ta có thể tìm được người chủ tâm linh của chính mình. Bởi vì, các vị đối với Phật pháp đã có lòng tin nên không quản khí trời oai bức, đường xa cách trở để đến Phật Quang Sơn nghiên cứu Phật học. Lòng tin rất quan trọng, Luận Đại Trí Độ ghi: ‘Phật pháp như biển lớn, chỉ lòng tin có thể vào.’ Kinh Hoa Nghiêm ghi: ‘Lòng tin là nguồn gốc của đại đạo, là mẹ sinh ra các công đức.’ Lòng tin nuôi lớn tất cả căn lành, thành tựu tất cả công hạnh. Sự quan trọng của lòng tin cũng giống như gốc rễ của cây cối. Ví dụ: Khi chúng ta làm việc gì nếu có đủ lòng tin thì không việc nào làm chẳng thành. Nếu không có đủ lòng tin thì dù một việc nhỏ làm cũng không xong. Lòng tin sinh ra sức mạnh.

Có một câu chuyện:

Anh chàng nọ bất cẩn sẩy chân rơi xuống giếng. Cái giếng cũ ấy ít người qua lại, lỡ lọt vào trong đó rồi làm sao trèo lên đây? Khi ấy anh chàng nhìn lên miệng giếng không một ý niệm nào khác, chỉ duy nhất một suy nghĩ: ‘Ước gì ta có khả năng khinh công hay phi thân thì may ra thoát khỏi hang giếng này.’ Anh chàng mải miết suy nghĩ như thế, do tinh thần tập trung cao độ, quả nhiên một nguồn sức mạnh vô hình giúp anh ta phóng một cái bay ra khỏi miệng giếng.

Lòng tin có thể sinh ra sức mạnh. Trong Phật giáo có một câu chuyện vui:

Ở một thôn làng kia, xưa nay chưa hề có một vị đại đức pháp sư nào đến thuyết pháp giảng kinh. Có một bà lão rất ham tu học Phật pháp nhưng không có ai truyền dạy cho bà. Về sau có một cư sĩ không thông hiểu Phật pháp lắm, thấy bà lão quá thành kính muốn tu học, vì thế nói với bà:

‘Tốt lắm! Tôi có biết một câu thần chú Phật giáo, nay xin truyền lại cho bà. Đó là sáu chữ chân ngôn ‘Úm ma ni bát di hồng’.

Nhưng vị cư sĩ đọc sai chữ ‘hồng’ thành chữ ‘ngưu’. Bà lão không hề hay biết, cứ đọc ‘Úm ma ni bát di ngưu’. Bà lão quy định mỗi ngày phải niệm đầy một lon hạt đậu. Tức là khi đọc một câu ‘Úm ma ni bát di ngưu’ liền bỏ một hạt đậu vào lon. Hành trì như thế xuyên suốt một thời gian, lúc này khi bà lão niệm câu chú ấy thì không cần lấy tay bỏ hạt đầu vào lon nữa. Mỗi lần đọc ‘Úm ma ni bát di ngưu’ thì hạt đậu tự nhảy vào lon.

Trải qua thời gian khá lâu, có vị pháp sư đến thôn làng này hoằng hóa. Bởi vì tin kính Phật pháp, bà lão thỉnh vị pháp sư về nhà, thiết lễ cúng dường rất thành kính và lưu ở lại nhà. Vào mỗi tối nghe bà lão miệng đọc câu ‘Úm ma ni bát di ngưu’, vị pháp sư vô cùng kinh ngạc, vì sao ‘Úm ma ni bát di hồng’ lại đọc thành ‘Úm ma ni bát di ngưu’ cho nên liền nói: ‘Bà ơi, bà đọc sai rồi. Đúng ra là ‘Úm ma ni bát di hồng chẳng phải ‘Úm ma ni bát di ngưu’.’ Bà lão nghe xong nói: ‘A, hỏng bét ! Tôi đã đọc sai bấy lâu nay.’ Sau đó sửa lại đọc ‘Úm ma ni bát di hồng’. Nhưng từ đó khi đọc câu chú, hạt đậu không tự nhảy vào lon nữa.

Qua câu chuyện, thật ra ‘hồng’ cũng tốt, ‘ngưu’ cũng tốt miễn là có lòng tin. Có lòng tin sẽ sinh ra sức mạnh. Thế nên các vị hãy ứng dụng lòng tin thành kính tha thiết nghiên cứu Phật học thì nhất định nguyện vọng của các vị sẽ được thỏa mãn.

2. Dùng tâm nghi thâm nhập Phật pháp

Tất cả các vị đến Phật Quang Sơn dùng tâm gì nghiên cứu Phật học? Khi chưa đến đây không ít người đã ôm cái tâm nghi lên núi: ‘Chẳng biết Phật Quang Sơn tầm vóc thế nào? Người xuất gia nơi đó tốt hay không? Phật pháp ở đó thâm sâu hay nông cạn. Dễ học hay khó học?’ Đây chỉ là những điều nghi thông thường. Điều tôi muốn nói đến, chính là tất cả các vị cần phải ứng dụng tâm nghi để nghiên cứu Phật học, dùng tâm nghi để thâm nhập Phật pháp.

Phật giáo và các tôn giáo khác không đồng. Phật giáo cũng nhấn mạnh đến tín ngưỡng, nhưng với một góc độ khác, đồng thời cũng chủ trương hoài nghi. Nhà thiền bảo chúng ta cần đề khởi nghi tình cái tâm ý của chính mình. Chủ trương này khiến cho các thanh niên học sinh cần phải nêu ra vấn đề. Có thể nói: ‘Tiểu nghi tiểu ngộ. Đại nghi đại ngộ.’ Phật pháp giống như cái chuông lớn, nếu các vị đánh nhẹ một cái thì tiếng ngân nho nhỏ. Nếu các vị đánh mạnh tay thì tiếng ngân rất lớn. Nếu các không đánh thì nó không ngân. Cũng vậy, nếu vấn đề có nêu ra thì chúng ta mới có thể đạt được đáp án. Trong Phật pháp không sợ nêu ra vấn đề. Kinh điển Phật pháp rất nhiều. 3 tạng 12 bộ kinh hơn 5000 quyển, do chúng đệ tử thưa hỏi đức Phật giải đáp, tất cả có nêu ra vấn đề mới có nói. Không nêu ra vấn đề mà tự nói, chỉ có một số ít kinh điển như kinh A Di Đà v.v... bởi kinh A Di Đà vi diệu khó tin. Mọi người không thể biết được nên đức Phật tự nói.

Các vị đã đến Phật Quang Sơn không phải băn khoăn lo ngại điều gì, trong lòng các vị có vấn đề chi? Hãy phá dẹp trừ bỏ để thưa hỏi đến cùng. Trong thiền đường Phật giáo suốt từ sáng đến tối riêng dạy mọi người cần phải tham, chính là đề khởi thoại đầu. Những vấn đề được nêu ra có thể nói là sâu xa không lường, không thể dùng lời giải đáp, cũng không thể đem kiến thức thông thường hiểu được. Những vấn đề cần phải tham trong thiền đường như: ‘Nói một câu trước khi cha mẹ chưa sinh?’ ‘Thế nào là bản lại diện mục?’ ‘Cái gì là ý Tổ sư Đạt Ma Tây sang?’ ‘ Niệm Phật là ai?’ Đó là những tâm nghi các vì cần đề khởi mới có thể thấu đạt lẽ thật.

3. Dùng tâm giác ngộ thâm nhập Phật pháp

Tất cả các vị nghiên cứu Phật học là nghiên cứu cái gì ? Phải chăng là cầu giác ngộ ? Như thế, các vị nên ứng dụng tâm giác ngộ đó mà nghiên cứu Phật học. Cái ngộ đó không phải là những kiến thức học hiểu được. Các vị đến trường học tập là để mở mang kiến thức, bây giờ nghiên cứu Phật pháp thì phải cầu giác ngộ, tức là thể nghiệm ngay nơi thân tâm chính mình. Cho nên cái ngộ đó như tâm hoa bừng nở hay bất chợt tỉnh ra. Trong quá khứ các vị không biết đạo, bây giờ đã biết đạo, bất chợt một hôm nào đó trong khoảng sát na hay cái chớp mắt, các vị la lên: ‘A, ta hiểu rồi! Ta thấu rõ rồi!’ Cho nên ngộ không phải là kiến thức học hiểu mở mang từ từ. Ngộ là ngay nơi đó bất chợt thấu hiểu, bất chợt nhận ra. Cảnh giới ngộ làm sao chúng ta làm sao thể đạt được ?

Thuở xưa có một vị sa di mới vào đạo đến thưa hỏi một vị thiền sư:

- ‘Con mới vào tùng lâm, mọi việc đều chưa thông hiểu, thỉnh thầy chỉ dạy cho con phương cách nào để thể hội Phật pháp?’

Thiền sư liền nói:

‘Ngươi có nghe con chim trên cành đang hót chăng? Con ve sầu đang kêu chăng? lại có thấy dòng nước dứơi khe đang chảy chăng? Trăm hoa đang đua nở chăng?’

Vị sa di đáp: ‘Vâng, có.’

Thiền sư lại nói: ‘Phật pháp liền từ chỗ đó mà vào.’

Tất cả các vị nên biết Phật pháp hoàn toàn chẳng phải huyền bí, chẳng phải tách rời cuộc sống, Phật pháp luôn hiển hiện trong đời sống chúng ta. Khi chúng ta nghe âm thanh dòng nước chảy, đó chính là tướng thuyết pháp từ tướng lưỡi rộng dài của đức Phật. Khi trông thấy muôn hoa đua nở, đó chính là pháp thân thanh tịnh Như Lai hiển hiện. Nếu chúng ta ngộ đạo thì mặc áo ăn cơm đều là đạo cho đến ngủ nghỉ, đi tiêu đi tiểu cũng là đạo. Đạo không xa vời. Đạo ở ngay trong đời sống mỗi con người. Đạo ở nơi tâm của mỗi vị.

Thiền sư Long Đàm lúc đến tham học với thiền sư Thiên Hoàng Đạo Ngộ, nhiều năm tháng trôi qua ông cảm thấy như chưa từng được chỉ dạy tâm yếu Phật pháp, trải qua một thời gian khá lâu nữa, đến lúc này ông không còn kiên nhẫn, liền đến trình với thiền sư Thiên Hoàng xin phép ra đi. Thiền sư Thiên Hoàng kinh ngạc hỏi: ‘À, ngươi muốn đi đâu?’

Long Đàm thưa: ‘Con muốn đến nơi khác để cầu học Phật pháp.’

Thiền sư Thiên Hoàng nói: ‘Thế à! Ta ở đây cũng có Phật pháp, đâu cần đến nơi khác cầu học.’

Long Đàm thưa: ‘Con vào đây đã rất lâu nhưng chưa từng được Hòa thượng nói cho con nghe qua một câu Phật pháp.’

Thiền sư Thiên Hoàng nói: ‘Khi ngươi dâng trà ta đưa tay tiếp lấy, ngươi dâng cơm lên ta tiếp nhận rồi thọ trai, ngươi chấp tay xá lui ta vì ngươi gật đầu. Ta lúc nào chẳng chỉ Phật pháp cho ngươi.’
Được nghe như thế ông liền cúi đầu suy nghĩ.

Thiền sư Thiên Hoàng nói: ‘Chớ khởi nghĩ. Khởi nghĩ là sai. Phải ngay đó thể hội, ngay đó nhận lấy.’

Ngay câu nói đó Long Đàm đại ngộ.

Xưa nay nhướng mày chớp mắt đều là Phật pháp. Một đóa hoa, một ngọn cỏ, một cội cây đều hàm chứa thiền cơ vô hạn. Lúc bình thường chúng ta không biết chân lý ở ngay nơi tâm mình, không biết muôn vật trong vũ trụ là muôn vật trong vũ trụ ở nơi tâm mình, không biết tất cả chúng sinh là tất cả chúng sinh ở nơi tâm mình, vì thế những điều học được chỉ xoay hướng ra bên ngoài tìm kiếm, càng tìm học càng xa. Phật pháp dạy chúng ta hướng vào nội tâm tìm cầu, nếu hướng vào bên trong tìm cầu thì đạo rất gần gũi, rất thân thiết với các vị.

Nói đến vấn đề ngộ, mặc dù khóa trại hè Phật học vỏn vẹn có hai tuần, tuy tất cả các vị được các pháp sư đến giảng giải Phật pháp, nhưng đó chẳng phải là Phật pháp chân thật. Phật pháp chân thật là chính mỗi vị tự thể ngộ lấy.

Thuở xưa có câu chuyện:

Người cha làm nghề trộm cắp, một hôm người con hỏi: ‘Cha ơi, cha già rồi, sau này con làm gì để sinh sống? Cha cần phải truyền cho con một chút bí quyết!’

Người cha nói: ‘Tốt thôi! Tối nay cha sẽ truyền lại cho con.’

Đến canh khuya vắng vẻ, người cha bảo đứa con theo mình ra đi. Hai cha con lần mò đến một ngôi nhà chuẩn bị ra tay trộm đồ đạc. Cha con tên trộm nhảy vào bờ tường, đột nhập vào bên trong, cạy khóa tủ, người cha liền bảo người con chui vào nấp trong tủ. Bất chợt người cha lớn tiếng la: ‘Quớ người ta, có trộm! Có trộm!’

Chủ nhà nghe tiếng kêu lập tức bật dậy xông ra truy đuổi, tên trộm cha chạy thục mạng thoát thân. Tên trộm con đang bị nhốt trong tủ, hắn suy nghĩ: ‘Cha ta thật há có lý này sao ? Sao đem ta nhốt trong tủ, lớn tiếng kêu la rồi trốn thoát, ta phải làm sao bây giờ?’ Lúc này tên trộm con không thể trông cậy vào ai khác, dù cha mình đi nữa, hắn tất phải tự mình tìm cách thoát khỏi nơi nguy hiểm đó. Tuy vậy trong tình thế cấp bách, trí chợt sinh, đồng với câu thơ ‘Núi cùng sông tận ngỡ hết lối. Liễu biết hoa tươi hiện thôn trang.’ Tức thời tên trộm con ở trong tủ nẩy ra ý nghĩ bắt chước tiếng chuột kêu chít chít, chít chít. Chủ nhà đang cầm đèn tìm trộm, chợt nghe tiếng con chuột kêu thì thở phào nhẹ nhõm: ‘Thì ra chỉ là tiếng chuột kêu. Tên trộm đã tẩu thoát rồi.’ Khi ấy mọi người trong nhà không đề phòng, tên trộm con bất thình lình tung cửa tủ xông ra thổi tắt ngọn đèn rồi tuôn chạy. Chủ nhà lập tức đuổi theo, tên trộm rất sốt ruột, tiêu rồi, mọi người đang truy đuổi. Anh ta chợt nghĩ ra một cách, khi chạy đến bên một giếng nước liền quăng xuống đó khối đá, chủ nhà dốc sức đuổi theo, bỗng nghe tiếng ầm phía trước, cười thích thú: ‘A ! Hôm nay nó toi mạng rồi!’ Nói xong trở về nhà. Như thế tên trộm con trở về nhà một cách an ổn.

Vào nhà liền oán trách người cha: ‘Hôm nay sao cha đánh lừa con như thế?’

Ngươi cha bảo: ‘Ta đâu đánh lừa con.’

Con nói: ‘Cha nhốt con trong tủ rồi hô to có trộm.’

Cha hỏi: ‘Thế làm sao con thoát được?’ Người con thuật lại đầu đuôi sự việc.

Người cha nghe xong vui vẻ bảo: ‘Ta đã có người thừa kế rồi! Con đã hiểu cách ứng xử tình huống, biết trông cậy vào chính mình tùy cơ ứng biến. Người khác hoàn toàn không thể truyền dạy cái gì được trong lúc đó.’

Các vị ở Phật Quang Sơn nên nỗ lực tinh tấn, cho dù các giảng sư có cái lưỡi rực rỡ như hoa sen, nói ra ngàn hoa bay lả tả, thì chính các vị ngay đó sao chẳng thể hội đi, chẳng thực hành đi. Nếu không, những Phật pháp được trình bày chỉ là một loại triết lý hay kiến thức để nói mà thôi. Mong rằng tất cả các vị đối với điều thứ ba này, hãy nên ứng dụng tâm giác ngộ để thể nhập Phật pháp.

4. Dùng vô tâm thâm nhập Phật pháp

Tất cả các vị đến Phật Quang Sơn là hữu tâm mà đến, có dấy khởi dự tính mà đến, nhưng học Phật pháp phải với tâm nào?

Điều thứ tư này tôi sẽ trình bày với các vị là nên ứng dụng vô tâm để học Phật pháp. Không dùng hữu tâm, bởi vì vô tâm mới là chân tâm. Hữu tâm là có phân biệt, là có động niệm, có trước sau sai biệt. Tôi được nghe có một số bạn sinh viên đại học, lúc mới vào học viện Phật giáo rất nhiệt tâm nhưng hai, ba năm sau thì thối tâm, giống như câu nói: ‘Năm đầu Phật hiện tiền, năm hai Phật lên trời, năm ba Phật về Cực Lạc.’

Dùng hữu tâm học Phật pháp thì tâm đó là tâm tính toán, tâm so sánh, tâm phân biệt. Dùng vô tâm học phật pháp đó mới là chân tâm. Thật ra chữ ‘vô’ này chẳng phải là chữ ‘vô’ với ý nghĩa có không thông thường. Thuở trước có người hỏi một vị thiền sư: ‘Kính bạch thiền sư ! Lúc bình thường ngài nhập định rất lâu, xin hỏi ngài hữu tâm nhập định hay vô tâm nhập định?’ Thiền sư đáp: ‘Tôi nhập định không phải hữu tâm cũng không phải vô tâm. Tâm tôi vượt ngoài đối đãi hữu vô.’

Vô tâm mà tôi đang đề cập là cái tâm lìa hữu vi, siêu vựơt có và không. Phật pháp không thể dùng tâm phân biệt tiến vào, nên dùng tâm không phân biệt để thâm nhập. Có phân biệt là kiến giải học hiểu, là kiến thức vay mượn. Không phân biệt là bát nhã, là trí tuệ.

Ví dụ một cái gương, ông Trương đến thì nó hiện bóng của ông Trương, ông Lý đến nó hiện bóng của ông Lý. Mặt gương hoàn toàn không phân biệt ông Trương hay ông Lý.

Bản lai diện mục của chúng ta cũng hoàn toàn không phân biệt. Tuy không phân biệt nhưng chẳng phải không biết lẽ phải điều hay. Thật ra người thông thường ở thế gian, cần phải có quan niệm phải trái một cách rõ ràng, phải có tư tưởng nhận định thiện ác, phải biết phân định thứ bậc tốt xấu của thánh và phàm. Đối với các sinh viên đại học ở đây, tôi muốn quý vị đề cao cảnh giới người học Phật, hãy dùng vô tâm so sánh hữu tâm, vô phân biệt so sánh có phân biệt, dùng trí bát nhã so sanh trí hiểu biết thông thường. Tất cả phải y cứ từ bản tánh để so sánh đối chiếu quan sát vậy.

Có một vị sa di hỏi thiền sư Quy Sơn: ‘Cái gì là đạo?’

Thiền sư đáp: ‘Vô tâm là đạo.’

Sa di thưa: ‘Con không hội.’

Thiền sư nói: ‘Ngươi đi tìm người hội đi.’

Sa di hỏi: ‘Ai là người hội?’

Thiền sư đáp: ‘Chẳng phải người khác chính là ngươi đó.’

Qua câu chuyện này tôi mong rằng mọi người hãy ứng dụng vô tâm để thể nhập Phật pháp qua bốn điều đã trình bày: Dùng lòng tin, tâm nghi, tâm giác ngộ và vô tâm để thâm nhập Phật pháp.

Trong thế giới ngày nay, sự ham muốn của con người như nước tuôn trào, biết bao người bị phiền não quay cuồng, bởi do đặt nặng giá trị vật chất không chú trọng giá trị tinh thần. Bây giờ trước tiên chúng ta cần phải vạch ra phương châm xây dựng tư tưởng, vạch ra định hướng trang bị tinh thần. Tư tưởng được xây dựng thì mọi việc có thể thành tựu. Tinh thần được trang bị thì muôn duyên sẽ đạt kết quả. Cuối cùng tôi có bốn điều mong mỏi đối với tất cả qúy vị:

- Ở Phật Quang Sơn, hy vọng từ dung nghi tượng Phật và hình dáng chúng tăng, các vị sẽ nhận được bản lai diện mục của mình.

- Ở Phật Quang Sơn, hy vọng từ đóa hoa, ngọn cỏ, gộp đá, các vị sẽ nhận ra bản tính thanh tịnh của chính mình.

- Ở Phật Quang Sơn, hy vọng từ nơi tĩnh tọa, nơi bái sám, các vị sẽ thể nhận sinh mạng vô hạn của chính mình.

- Ở Phật Quang Sơn, hy vọng từ ánh sáng huyền diệu của vầng trăng trong đêm tĩnh mịch, các vị sẽ nắm chắc tương lai vĩnh hằng của chính mình.

Tôi xin chân thành cảm tạ sự hộ trì của chư vị đại đức trong mười phương. Xin cảm tạ chư vị pháp sư chẳng ngại sự oi bức của tiết hè đã đến đây phát tâm giảng dạy. Xin cảm tạ các vị phụ đạo viên đã nhiệt tâm phục vụ khóa trại. Cũng xin cảm tạ các học viên đã đến đây tham dự khóa trại. Cuối cùng xin cầu nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho tất cả chúng sinh đều được an lành.

Trân trọng cảm ơn.

 

Đại sư Tinh Vân- Đạt ma Thuận Hùng – Đạt ma Phổ Huệ dịch

Theo thuongchieu.net 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch