Visakhã được sinh ra đời với một nhân duyên tốt: gia đình, dòng họ đều giàu sang, đạo đức, biết kính tin Phật pháp. Cô đẹp, duyên dáng ngay từ khi còn thơ ấu, với mái tóc đen mượt, răng trắng đều như hai hàng ngọc, môi đỏ hồng và làn da mịn màng như cánh sen. Năm lên 7 tuổi, trong dịp đức Phật đến bố thí pháp tại quê hương cô, Bhaddiya, thuộc vương quốc Anga, cô được ông ngoại là triệu phú Mendaka ưu ái cho 500 cổ xe cùng 500 nô tỳ đưa cô đến chào đức Phật. Đức Phật vô cùng khen ngợi tư cách trang nhã, lễ độ của cô. Sau thời pháp của Ngài, cô đắc quả Nhập lưu (Tu đà hoàn – quả vị đầu tiên trong tứ Thánh quả của hàng Thanh văn).
Năm lên 16 tuổi, nhân một ngày lễ theo tục lệ cổ truyền, cô cùng 500 nữ tỳ và bạn bè ra sông tắm, chẳng may, gặp một trận mưa to như trút nước, trong khi mọi người đều chạy tán loạn để tìm nơi ẩn trú, thì cô vẫn thong thả đi từng bước một trở về chỗ cũ. Phong thái đĩnh đạc, trang nghiêm này đã chinh phục ngay sự chú ý và lòng kính trọng của 6 vị Bà la môn đang đi tìm một thiếu nữ đẹp, đức hạnh cho thầy của họ; chàng Bà la môn triệu phú và đại đức Punnavaddhana. Sau đó, lễ cưới được cử hành long trọng, với của hồi môn là 500 xe chở đầy áo quần, châu báu, và 500 nữ tỳ đi theo để hầu hạ. Ngày đầu tiên về nhà chồng, nàng đã chinh phục cảm tình của bà con giòng họ nhà chồng vì vẻ đẹp trang nghiêm phong cách lễ độ, giọng nói dịu dàng, và nhất là tấm lòng rộng rãi bao dung.
Với một tấm lòng đầy nhân ái, thương yêu mọi người cho đến loài vật. Một đêm kia, bất chấp luật lệ phong kiến của gia đình chồng, nàng đã cùng cô nữ tỳ thân tín, đốt đèn ra tàu ngựa, chăm sóc cho con ngựa cái đang rên la vì sắp đẻ. Điều không may cho cô, cha chồng cô lại là một đệ tử trung kiên của giáo phái Ni kiền tử. Oâng thường mời các vị tu sĩ lõa thể về nhà để cúng dường. Cô thường phản đối niềm tin mù quáng của cha chồng; bằng cách cung thỉnh đức Phật đến thọ trai và thuyết pháp. Hôm đó, ông cha chồng đứng lén nghe sau rèm. May mắn thay, sau thời pháp của đức Phật, ông đắc quả Tu đà hoàn. Ông vô cùng cám ơn con dâu đã giúp ông trở lại chánh tín. Sau đó, mẹ chồng cô cũng được duyên lành nghe đức Phật thuyết pháp tại nhà và đắc quả Tu đà hoàn. Chẳng những là một người nữ đầy trí tuệ, xử sự khôn ngoan, cô còn được ca ngợi về tấm lòng nhân ái và rộng lượng qua câu chuyện sau:
Một ngày kia, cô cùng cô nữ tỳ đi chùa lễ Phật, nghe pháp, nhận thấy bộ quần áo đang mặc của cha ruột cho quá đắt tiền, đến những 5000 đồng tiền vàng và cũng quá rực rỡ, không thích hợp khi vào Tịnh xá, nên cô thay áo khác, và giao nữ tỳ gói lại cầm giữ. Sau khi nghe pháp xong, về đến nhà, cô mới hay nữ tỳ đã bỏ quên áo tại Tịnh xá. Cô cho nữ tỳ trở lại xem, nếu chưa ai lấy nhầm thì mang về, còn nếu đã có ai lấy thì thôi.
Nữ tỳ trở về cho biết đức Ananda cất giữ. Cô xin đức Phật cho phép bán chiếc áo đó, và cúng dường để làm phước báu. Vì không ai mua nổi, nên cô tự bỏ tiền ra mua, sau lại dùng tiền đó để kiến tạo một ngôi tịnh xá tuyệt đẹp, và đức Phật đã sáu lần nhập hạ nơi đây. Cô rộng lượng đến nỗi, thay vì la rầy cô nữ tỳ vô tâm, Visakhã lại chia nửa phần công đức, và cám ơn đã giúp cô có cơ hội làm việc tốt.
Là một nữ đại thí chủ bậc nhất thời đức Phật còn tại thế, Visakhã thực hiện 8 điều sau đây:
1. Cúng dường thức ăn cho chư Tăng đến thành Sãvatthi.
2. Cúng dường thức ăn cho chư Tăng rời thành Sãvatthi.
3. Dâng y cho chư Tăng trong mùa nhập hạ.
4. Cúng dường thực phẩm cho chư Tăng khi đau ốm.
5. Dâng thực phẩm cho những ai chăm sóc chư Tăng đau ốm.
6. Dâng thuốc men cho chư Tăng đau ốm.
7. Dâng lúa mạch cho chư Tăng.
8. Dâng y tắm cho chư Tỳ kheo ni.
Do khéo léo và tế nhị, bà đã từng được đức Phật giao cho việc hòa giải những bất đồng giữa các Tỳ kheo ni. Bà đã chinh phục cảm tình và sự kính trọng của mọi người do ở phẩm hạnh cao quý, phong cách trang nghiêm, ngôn ngữ lễ độ, giúp đỡ kẻ khốn cùng, và hết lòng vì đạo. Bà sinh nhiều con trai và con gái, tất cả đều hiếu thảo. Bà từ trần lúc 120 tuổi trong sự luyến tiếc của hàng vạn người, để lại một khoảng trống không sao lấp bằng được trong sinh hoạt Phật giáo thời bấy giờ.