Mỗi Phật tử đều có mục đích là đạt được trạng
thái giác ngộ của Phật. Phật quả này là sự phát triển và thành tựu khả năng của
mỗi người trong việc giải thoát tất cả chúng sinh hữu tình khỏi đau khổ.
Những người chưa đạt được Phật quả có nhiều
cảm xúc rất mâu thuẫn, ví dụ tham muốn, căm giận, ghen tỵ, mê muội và vô số xúc
tình vô minh khác. Tất cả những sự vô minh này đều xuất phát từ si mê; đó là trạng
thái không có trí tuệ và không nhận biết được bản chất thật sự của tâm. Sự si
mê này là nguyên nhân gây ra tất cả những rắc rối phức tạp và hỗn loạn trong
cõi luân hồi. Nhưng vô minh này không phải là vĩnh cửu. Nó có thể bị loại bỏ bằng
cách áp dụng những phương cách của trí tuệ. Bằng cách chuyển hóa vô minh thành
trí tuệ, người ta sẽ có khả năng thấu hiểu được sự thật. Điều này sẽ dần dần dẫn
ta đến trạng thái của giác ngộ. Do vậy, là một người Phật tử, mục đích quan trọng
nhất là phải phát triển trí tuệ và thông hiểu những giáo lý căn bản của Phật
pháp, như Tứ diệu đế, Bát chánh đạo; và sau đó thực hành con đường của Bồ Tát
và những phương pháp Kim Cương thừa. Hiểu được điều này sẽ giúp ta phát triển
được trí tuệ.
Bên cạnh việc thấm nhuần hiểu biết về
Pháp, áp dụng những giáo lý này cũng vô cùng quan trọng. Bất kỳ Pháp nào mà tâm
ta lĩnh hội được, ta đều phải áp dụng. Ví dụ, tất cả mọi người đều biết rằng
mình cần phải hào phóng. Nhưng hiểu về điều này là chưa đủ. Ta cần phải thực hiện
điều mình đã hiểu ấy và thực tập bố thí mọi lúc.
Tương tự như vậy, các phẩm hạnh cũng quan
trọng như vậy và ta cần rèn luyện thực hành. Chỉ bằng cách áp dụng những giáo
pháp vào thực tế, ta mới có thể đạt được đến trạng thái của tỉnh thức.
Chúng ta càng hiểu về Pháp, ta càng hiểu ở
đâu và khi nào thì nên áp dụng. Mỗi khoảnh khắc trong bất kỳ tình huống nào của
đời sống hàng ngày của ta đều là cơ hội để thực hành, để ta phát triển về mặt
tâm linh. Chúng ta trải qua những tình huống càng khó khăn, thì đó là cơ hội
càng lớn để ta thành công trong việc thực hành Pháp.
Ví dụ, ta có thể có một kẻ thù, người ấy
đã gây ra cho ta vô số những điều không như ý, căm hận và nguyền rủa ta. Nhìn
chung, đây là một tình huống tồi tệ, không ai muốn mình bị ghét bỏ và nguyền rủa,
điều này gây ra rất nhiều đau khổ. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh thực hành tâm
linh, đây là một thời điểm tốt để thử thách ta, nó mang lại cho ta cơ hội để
phát triển và củng cố thái độ tích cực của ta đối với Pháp. Sự nhẫn nhục là một
giáo lý quan trọng trong Phật pháp và ta có thể thực hành điều này trong mọi
tình huống. Đặc biệt là khi ta đối mặt với kẻ thù của mình, ta cần phải kiên nhẫn
và khoan dung. Nếu ta có thể áp dụng được những nguyên tắc này, ta sẽ thành
công trong việc thực hành pháp.
Đau khổ là con đường dẫn tới hạnh phúc. Về
cơ bản, ta trải qua càng nhiều khó khăn, thì kết quả mà ta đạt được càng lớn,
cũng giống như ta phải làm việc chăm chỉ để đạt được những kết quả tốt. Mặc dù
ta có thể gặp phải vô số thử thách, chướng ngại và cản trở, nhưng đó lại là con
đường dể dẫn tới thành công. Pháp rất quý giá, nó giúp ta vượt qua được tất cả
những thử thách, không kể đó là thử thách thực tế hay về tinh thần. Pháp thực sự
là bảo bối duy nhất dẫn ta tới thành công.
Do đó, là một Phật tử không có nghĩa là
lúc nào cũng có mặt ở trong chùa. Trong thực tế, một Phật tử thuần thành có thể
ở bất kỳ chỗ nào, ở nơi làm việc, ở trên phố hay trong nhà hàng. Nói cách khác,
khi nào ta vẫn còn áp dụng và thực hiện Pháp mọi lúc, thì ta là một Phật tử
chân chính. Một người tận dụng được tất cả những thời điểm trong những trải
nghiệm của họ để phát triển sự thực hành tâm linh của mình, đó là Phật tử chân
chính. Những người không thể áp dụng Pháp một cách hiệu quả nhưng luôn luôn ở
trong chùa, đó chỉ gọi là những Phật tử bề ngoài. Những người rèn luyện và thực
tập Pháp thường xuyên một cách đúng đắn, và đồng thời, cả đi chùa, đó là người
Phật tử rất tích cực và là một hành giả.
Những khi vô minh xảy đến, người hành giả
có thể nhận ra nó ngay lập tức. Sau khi nhận thức được nó là vô minh, ta sẽ áp
dụng trí huệ để thực hiện những pháp tịnh hóa vô minh và thoát khỏi những rắc rối
ấy. Như vậy, bất cứ những cảm xúc và vô minh nào xuất hiện, ta phải coi đó là một
thử thách và vượt qua nó, đó là phương pháp đúng đắn nhất mà ta phải làm theo.
Tuy nhiên, việc thực hành Pháp không dễ
như ta nghĩ. Việc nhận ra khi vô minh xuất hiện có thể trở nên rất khó khăn. Thậm
chí khi ta đã nhận ra nó, việc nhớ lại và dùng thuốc giải độc cũng rất khó để
thực hiện một cách hiệu quả. Sức mạnh của vô minh có thể là vô cùng lớn so với
phương thuốc để giải trừ nó, ta có thể không có khả năng để xóa bỏ vô minh một
cách nhanh chóng. Thật ra, tất cả chúng ta đều muốn tịnh hóa một số lượng lớn
những si mê của mình nhưng vô minh thì quá nhiều nên ta không thể vượt qua
chúng tất cả cùng một lúc. Sự nỗ lực kiên định và tinh tấn sẽ giúp ta đẩy lùi
chúng. Cuối cùng, nỗ lực của chúng ta sẽ trở thành một thói quen tích cực và một
ngày nào đó ta có thể thành công.
Ngày xưa có một thương gia Tây Tạng tên là
Norbu Zangpo, người ấy đã mất tất cả tiền trong việc kinh doanh. Vì sự thất bại
trong làm ăn, ông cảm thấy rất thất vọng, nản lòng và muốn rút lui. Rất buồn
chán, ông ta nằm xuống đất và đã nhìn thấy một chú kiến đang cố trèo qua một cọng
cỏ. Được nửa đường, nó lại ngã xuống. Nó lại cố trèo lần nữa và cứ như vậy, ông
ta đếm được 79 lần chú kiến ngã. Nhưng lần cuối cùng là lần thứ 80, chú kiến đã
trèo lên được đỉnh của ngọn cỏ. Đột nhiên, ông ta nhận ra nếu không có sự nỗ lực
bền bỉ, thì không thể thành công được trong bất kỳ điều gì. Từ đó về sau, ông
ta đã cố gắng rất nhiều và làm ăn chăm chỉ, ông đã thành công. Ông trở thành
thương gia giàu có nhất và thành công nhất ở Tây Tạng. Con côn trùng nhỏ bé đã
trở thành động lực cố gắng của ông.
Câu chuyện nhắc ta phải nỗ lực không ngừng
và không sợ thất bại. Trong quá trình ấy, dù ta không đạt được thành tựu từ lúc
đầu, ta cũng cần phải thực hành đến tận khi đạt được thành tựu. Chúng ta thiếu
sự tỉnh thức và sự nỗ lực lâu dài. Ta mong chờ một kết quả ngay lập tức mà
không cần cố gắng nhiều. Điều đó là không thể. Pháp là sự rèn luyện về tinh thần
mà không thể do ai khác mang đến hay chuyển sang cho ta được. Điều này rất đơn
giản nếu ta biết cách chuyển Pháp thành hành động, thành thuốc giải để tịnh hóa
vô minh. Nếu Pháp trở thành thứ gì đó khiến người ta tăng thêm danh vọng hay vô
minh, thì nó sẽ phát triển thành một mặt rất tiêu cực đối với chúng ta. Nếu
Pháp được thực hành một cách đúng đắn, ta có thể giảm bớt được vô minh như lòng
căm giận, si mê, tham muốn và tất cả những xúc tình khác.
Về cơ bản, thông qua tất cả những quá
trình này, ta sẽ có khả năng phân biệt được một người là Phật tử chân chính hay
không. Một Phật tử thật sự là người không chỉ hiểu về giáo lý mà còn thực hành
chúng và trải nghiệm được những kết quả mà điều đó mang lại. Không phải là một
Phật tử chân chính có nghĩa là ta không áp dụng được giáo pháp vào thực tế và
không bao giờ thay đổi được thái độ của mình trên con đường tâm linh. Thay vào
đó, người ta tự hào về sự hiểu biết của mình về Pháp và nhìn xuống những người
khác, điều này sẽ làm tăng những suy nghĩ tiêu cực của họ.
Việc lắng nghe giáo Pháp và suy ngẫm và
thiền định, đó là tất cả những việc cần rèn luyện. Ta cần cố gắng hiểu được những
giáo pháp của Phật, sau đó suy ngẫm và nghiên cứu về pháp. Sau khi đã tìm hiểu
về logic của sự thật, ta phải áp dụng và thực hiện tất cả những gì ta đã học và
thiền định về việc đó. Với những phương pháp này, việc thực hành Pháp của ta sẽ
trở nên có hiệu quả và ta sẽ có thể thành tựu giác ngộ.
Thiền định không có nghĩa là chỉ ngồi xuống
và đặt hai tay vào nhau. Thiền định có thể được thực hiện bằng rất nhiều cách
khác nhau như phát triển hạnh bố thí, nhẫn nhục và phẩm hạnh. Thực tế, tất cả
những thực hành này đều liên quan đến thiền định, nó đòi hỏi hiểu biết và trí
tuệ. Ví dụ, nếu một người đang nấu ăn và nói rằng anh ta đang thiền định, ta sẽ
không tin bởi ta nghĩ rằng thiền định không phải là như vậy. Làm sao anh ta có
thể thiền được khi đang nấu nướng? Tuy nhiên, nếu anh ta áp dụng những phẩm hạnh
của trí tuệ và hiểu biết vào quá trình nấu nướng, thì anh ta thực sự đang thiền.
Trong Kim Cương thừa, ta có rất nhiều bài
kinh, những nhạc cụ và rất nhiều loại ấn khác nhau v.v… Tất cả những điều ấy đều
là một phần của thiền định. Thông qua những thiền định này và sự thực hành, ta
có khả năng nhận ra được bản chất của tâm một cách hiệu quả hơn.
Kết lại, một Phật tử chân chính là người
áp dụng những giáo lý của Phật ở trong tâm và trong cả cuộc sống hàng ngày. Bằng
cách đó, ta sẽ tỉnh thức trong mọi suy nghĩ và hành động. Một khi ta đã có được
hạnh đó, ta sẽ không còn mắc sai lầm và sẽ tiếp tục phát triển được những suy
nghĩ tích cực cũng như công đức và trí tuệ. Khi ta đã có tất cả những hạnh đó,
niềm hạnh phúc an lạc bên trong ta sẽ lớn lên và ta sẽ được hoàn toàn thỏa mãn
và thành tựu được tất cả những mục đích của cuộc đời.
Bài pháp được giảng tại Đạo tràng Karma Kagyud, Singapore vào ngày 3
tháng 5 năm 1995 trước ngày Phật đản.
Nguồn: http://www.dhagpo-kagyu.org/anglais/science-esprit/fondements/general/true-buddhist.htm
Việt dịch: Quỳnh Anh – Nhóm Thuận Duyên.