Khi Đức Phật còn hiện hữu cõi Ta-bà, chúng đệ tử xuất gia sống thanh tịnh, hòa hợp thành một thể thống nhất, cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau tu học trong môi trường phạm hạnh; tất cả đều tự giác tuân thủ hành trì theo giáo pháp và những nội quy do Ngài đề ra. Tuy nhiên, sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, hội chúng Tăng đoàn bắt đầu có sự mâu thuẫn, chống đối, bất hòa với nhau. Qua thời gian, trong hệ thống Tăng đoàn bắt đầu có sự phân chia giáo phái. Các giáo phái đều tuân thủ theo những gì Đức Phật đã định nhưng cũng tồn tại một số dị biệt giữa họ do lập trường tư tưởng, quan điểm khác nhau. Trong số các bộ phái ấy có Theravāda và Dharmaguptaka. Hai bộ phái này có hai bộ luật riêng. Theravāda có bộ luật Pāli còn Dharmaguptaka có bộ luật Tứ phần. Ở bài viết này, người viết dựa vào vào hai bộ luật vừa nêu để so sánh phương thức xuất gia giữa hai bộ luật của hai truyền thống Phật giáo, xem xét những điểm tương đồng và dị biệt được nêu ra trong đó.
Điểm tương đồng
- Đối với bậc Vô lậu
Thời Đức Phật còn tại thế có nhiều vị Thánh tăng xuất hiện. Và đối với những bậc thiện căn thiện trí, chỉ qua một vài lần nghe pháp được Đức Thế Tôn thuyết giảng, họ có thể giác ngộ, chứng đắc Thánh quả. Với những bậc này, Đức Thế Tôn chỉ đơn giản nói lời xác nhận sự xuất gia của họ. Điểm này có sự tương đồng giữa luật Tứ phần và Luật tạng Pāli.
Với Luật tạng Pāli, câu nói xác quyết “Này các Tỷ-kheo, hãy đến. Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau”1 có mặt khắp trong bộ luật. Trong Tứ phần luật, Đức Phật dạy: “Hãy đến đây, Tỷ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu Phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ”.2Khi Đức Phật cất lên lời này, vị thiện nam dứt sạch các trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, tự thân đạt được quả chứng, phát tâm xuất gia, muốn tu Phạm hạnh trong giáo pháp của Đức Như Lai. Ngoài ra, câu nói ấy còn là sự xác quyết vị Tỷ-kheo kia đã được thọ giới Cụ túc. Ở đây chúng ta thấy rằng, quá trình xuất gia tu học và thọ giới Cụ túc (tu lên bậc trên - theo cách diễn đạt của Luật tạng Pāli) của các vị này hầu như diễn ra trong cùng một lúc. Trước đó còn đang là một vị thiện nam nhưng sau khi nghe lời thuyết giảng từ Đức Phật, tức thì giác ngộ và trở thành một Tỷ-kheo như pháp, đắc Thánh quả sau khi Đức Thế Tôn xác quyết bằng câu nói trên.
Nói cách khác, vào thời Đức Phật tại thế, khi Ngài xác quyết, khuyến tấn một vị xuất gia (như trên đã trình bày) là đồng nghĩa vị ấy đã liễu sinh thoát tử, chứng đắc Thánh quả. Thọ giới Cụ túc chính là vị ấy đã là Thánh tăng. Đây là điểm khác biệt rõ ràng giữa xuất gia - thọ giới của các bậc Vô học và phàm phu Tăng.
- Độ phàm tăng xuất gia
Sau khi Tăng bảo hình thành kể từ lúc Tăng đoàn được thành lập, lúc ấy nhiều người ở nhiều xứ sở khác nhau muốn xuất gia đã theo các Tỷ-kheo đến xin Đức Thế Tôn cho phép được xuất gia. Như thế, dù ở bất cứ địa phương nào, nếu muốn xuất gia thì những vị này phải đến nơi Đức Phật đang cư trú. Đức Phật nhận thấy “Trong trường hợp ấy, chính các vị Tỷ-kheo, luôn cả những người có ý muốn xuất gia đều mệt nhọc”3 nên Ngài cho phép từ đó về sau, các Tỷ-kheo ở mọi trú xứ, mọi địa phương, khi có người khởi tâm muốn xuất gia thì chính các vị Tỷ-kheo ấy được phép làm lễ xuất gia cho họ. Pháp xuất gia được Đức Phật dạy như sau:
Trước tiên, nên cho cạo bỏ râu tóc, cho choàng lên các tấm vải màu hoại sắc, cho đắp thượng y một bên vai, bảo đảnh lễ ở chân các vị Tỷ-kheo, bảo ngồi chồm hổm, bảo chắp tay lên, và nên bảo rằng: “Ngươi hãy nói như vầy: Tôi đi đến Đức Phật là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Phật). Tôi đi đến giáo pháp là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Pháp). Tôi đi đến với hội chúng là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Tăng).” (Lần thứ hai và thứ ba đều đọc như vậy).4
Và theo Tứ phần luật, Đức Phật đã dạy người phát tâm xuất gia phải như sau: “…Như pháp sau đây: Cho cạo tóc, dạy mặc ca-sa, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: ‘Con là… quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng Tỷ-kheo. Con ở trong pháp của Như Lai xuất gia học đạo. Đức Như Lai là bậc Chí chân, Đẳng Chánh giác của con!’”.5 (Lần thứ hai và thứ ba đều đọc như vậy).
Như vậy ở điểm này, về cơ bản cả Tứ phần luật lẫn Luật tạng Pāli đều tương đồng nhau. Hay nói cách khác, ở cả hai bộ luật này, một người muốn xuất gia trước hết phải cạo sạch râu tóc, mặc áo ca-sa, đến trước đại chúng ba lần đọc lời phát nguyện nương tựa vào ba ngôi báu. Đó là pháp xuất gia cơ bản.
Bên cạnh đó, khi Đức Thế Tôn ngự tại thành Kapilavatthu, ở tu viện Nigrodha, vào buổi sáng, Ngài đã mặc y, cầm bát vào cung điện của vua Tịnh Phạn (Suddhodana). Mẹ của Rāhula bảo con mình đến xin phần thừa kế từ Đức Thế Tôn và Rāhula đã làm theo lời mẹ mình chỉ dạy. Khi ấy Đức Phật đã dạy Tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) làm pháp xuất gia cho hoàng tử Rāhula. Và cũng từ việc độ Rāhula xuất gia, Đức Phật quy định người muốn xuất gia phải có sự đồng ý của cha mẹ, nếu không có cha mẹ thì phải có sự đồng thuận từ người bảo hộ. Đây cũng là điểm giống nhau thứ hai giữa cả hai truyền thống luật.
Ngoài ra Đức Phật còn quy định rằng người bị khuyết tật, thiếu căn, hay kẻ tội đồ bị truy nã… đều không được xuất gia, nhằm tránh việc người không có tín tâm sinh lòng bất kính đối với Tam bảo. Đây là điểm tương đồng thứ ba giữa hai hệ thống luật về việc xuất gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại vài điều dị biệt giữa hai bộ phái này.
Điểm dị biệt
Chúng ta có thể tóm tắt các điểm dị biệt của hai truyền thống luật ở bảng sau:
Nhận xét: Tứ phần luật có phần khai thoáng hơn, có thể cho phép người khác xuất gia dù không đủ Tăng, chỉ cần đến từng phòng rồi thưa cho các vị ấy biết có người xuất gia là được. Trong khi với Luật tạng Pāli, muốn độ người xuất gia thì nhất thiết phải tác pháp giữa đại chúng rồi mới được làm lễ xuất gia.
Như vậy, pháp xuất gia được Đức Phật chỉ dạy rất đơn giản. Điều tiên quyết nhất vẫn là phải phát tâm quy y, xin trở về nương tựa vào Đức Phật, giáo pháp và Tăng chúng (Phật - Pháp - Tăng). Người khởi tâm muốn vào cửa đạo, sống đời cắt ái ly gia thoát tục phải có niềm tin sâu sắc và tôn kính đối với Tam bảo; cơ thể lành lặn, đầy đủ các căn; không phải là người mang tội bị lệnh truy nã, và quan trọng phải có sự chấp thuận của cha mẹ hoặc người bảo hộ, được như vậy mới độ cho họ thế phát xuất gia tu học và thọ giới lên bậc trên.
Tựu trung lại, xuất gia dù ở thời đại nào, không gian và thời gian nào đều là việc làm từ chính sự phát tâm với tâm nguyện hoài bão muốn trở về tu học trong giáo lý của Phật-đà, bước đầu đặt chân trên đạo lộ tiến về giác ngộ, giải thoát. Người phát tâm xuất gia là đã xác định hướng đi cho chính mình ở hiện tại và tương lai gần, chấp nhận mọi thử thách trên bước đường mình đã chọn. Từ đó, tâm thái và oai nghi được hình thành, nương tu tập thọ trì giới pháp mà trở nên oai nghi, giới đức tỏa sáng, cảm hóa người cùng huân tu.
(1) Xem Đại phẩm, tập 1, chương Trọng yếu, Indacanda dịch, NXB.Tôn Giáo, 2017.
(2) Xem Luật Tứ phần, tập 3, chương Thọ giới, HT.Thích Đỗng Minh dịch, NXB.Phương Đông, 2013.
(3) Đại phẩm, tập 1, Indacanda dịch, NXB.Tôn Giáo, 2017, tr.37.
(4) Sđd., tr.38, 39, 160, 161.
(5) Luật Tứ phần, tập 3, HT.Thích Đỗng Minh dịch, NXB.Phương Đông, 2013, tr.1223.
(6) Xem Đại phẩm, tập 1, Indacanda dịch, NXB.Tôn Giáo, 2017, tr.176-178.
(7) Xem Luật Tứ phần, tập 3, Thích Đỗng Minh dịch, NXB.Phương Đông, 2013, tr.1213-1220.
(8) Đại phẩm, tập 1, Indacanda dịch, NXB.Tôn Giáo, 2017, tr.153.
(9) Sđd., tr.1228.
(10) Luật Tứ phần, tập 3, HT.Thích Đỗng Minh dịch, NXB.Phương Đông, 2013, tr.1225.