“Những nhà sư xuất gia tu hành tức là đã rời xa đời
sống thế tục. Vì vậy, không khí chuẩn bị và đón Tết cũng có nhiều nét
khác biệt so với người ngoài đời” - Sư cô Thích Nữ Diệu Pháp (Hà Nội)
tâm sự.
Tết
đến xuân về, đến chùa thành tâm lễ đầu xuân là một truyền thống lâu đời
và trở thành nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt. Trong
khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới, nhất là đêm giao thừa khiến người
ta cảm thấy vui và hạnh phúc khi được sum vầy bên gia đình.
Còn đối với người xuất gia, chốn thiền môn chính là ngôi nhà của mình.
Theo đó, giống như những người tại gia, nhà sư cũng “bận bịu” chuẩn bị
cái Tết sao cho trọn vẹn trong niềm vui hỷ lạc của mùa xuân.
Sư thầy và các chư tăng ni chùa Đình Quán (Từ Liêm, Hà Nội) đang gói bánh dành tặng các bệnh nhân nghèo. Ảnh: Hồng Cảnh
Bởi trong tâm tưởng của mỗi nhà sư đều mong khách thập phương đến chùa
lễ Phật lòng cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái, những giờ phút này gánh nợ
đời oằn oại đôi vai bỗng dưng như mất hẳn. Đây chính là động lực tỉnh
ngộ thúc đẩy người học Phật trong tinh thần cố gắng vươn lên, để gây
dựng, cội phúc cho mình, cho gia đình, cho những người chung quanh một
ngày mai sáng đẹp.
Vì vậy, ngay từ đầu tháng Chạp, tùy vào từng điều kiện của mỗi chùa mà
có sự chuẩn bị khác nhau. Nhưng giữa tháng Chạp có lẽ là thời gian bắt
đầu bận rộn nhất ở các chùa. Nào là công việc phục vụ tín ngưỡng của
người dân như đăng ký giải sao (đây là phương tiện độ sinh - PV), cầu an
rồi đến công việc của chùa như bao sái lại tượng, cửa; vệ sinh khuôn
viên chùa…
Và đối với mỗi nhà sư, từng công việc chuẩn bị cho những ngày Tết mặc
dù mệt nhưng đều mang lại những niềm vui và sự an lạc, mang đậm chất cửa
Thiền. Đầu tiên phải kể đến việc bao sái tượng, tức là lau tượng ở
những nơi khác nhau trong chùa như Chánh điện, nhà Mẫu, nhà Tổ sao cho
sạch sẽ.
Bao sái là công việc mất nhiều thời gian và nhân lực nhất. Vì vậy, có
nhiều chùa không đông quý sư nên các nhóm sinh viên hoặc các Phật tử
phát tâm đến chùa để giúp các sư. Do đó, những ngày bao sái, ngôi chùa
thêm rộn ràng.
Không gian đầy mùi hương phảng phất, khói trắng cuộn từng vòng mờ ảo,
trước dáng vẻ uy nghi của những bức tượng Phật sơn son thếp vàng, cùng
tiếng chuông mõ ngân theo lời kinh của nhà sư. Tất cả hòa quyện vào nhau
tạo nên một bầu không khí yên ả, thanh tịnh trong tâm hồn mỗi người.
Sau khi xong công việc bao sái, mọi người lại tất bật trong việc trang
trí Thiền môn. Khuôn viên chùa sẽ được treo những câu đối hay câu kệ để
khách thập phương đến lễ chùa cảm nhận được ý nghĩa của mùa xuân, của
Tết cũng như những lời Phật dạy. Những chiếc đèn lồng được treo ở các
hành lang của chùa, tối được thắp điện tạo nên sự ấm áp trong lòng mỗi
người khi đến chùa, lễ Phật.
Tuy nhiên, vui nhất vẫn là việc gói bánh chưng. Đây là công việc không
thể thiếu ở chùa trong dịp Tết. Từ khâu rửa lá, vo gạo, trộn nhân, đến
việc gói và luộc bánh chưng, tiếng cười lúc nào cũng “nở hoa”. Những lần
gói bánh chưng, ngoài sự có mặt của nhà sư, còn đông các vãi, Phật tử,
hoặc sinh viên tình nguyện đến phụ giúp.
Trong lúc làm việc, mọi người cùng nhau chia sẻ những câu chuyện vui
của nhà Phật, của người tại gia. Chốc chốc lại có tiếng cười, không khí
đón Tết nhộn nhịp hẳn lên. Gói xong, tất cả đều ngồi bên nồi bánh chưng,
sưởi ấm, uống trà và hàn huyên trò chuyện, thêm vào đó là mùi thơm của
bánh, ai cũng cảm thấy mùa xuân đang đến gần.
Công việc chuẩn bị cuối cùng ở mỗi chùa là đi chợ hoa Tết. Gần như mỗi
chùa đều có quất, đào, hoa cúc, hoa lan…, các loại hoa đua nhau khoe sắc
trong sự yên bình ở Thiền môn. Mỗi loại hoa, đều được các nhà sư nâng
niu, chăm sóc và đặt vào các vị trí thích hợp để cho mọi người đến chùa
tiện “chiêm ngưỡng”.
Đến khoảnh khắc giao thừa, mỗi chùa sẽ làm khóa lễ cầu an. Nhằm cầu
nguyện cho quốc thái, dân an, thế giới được hòa bình. Làm lễ xong, nhà
sư sẽ tiếp đón những phật tử đến lễ chùa đầu năm mới. Đây là một nhu cầu
trong sinh hoạt văn hoá, tinh thần của người Việt.
Người già thường cầu mong sức khỏe và bình an cho con cháu. Người buôn
bán cầu một năm mới an khang, thịnh vượng trong việc làm ăn. Giới trẻ
cầu chúc đủ thứ, tiền tài, may mắn, sự nghiệp và tình duyên… Những hình
ảnh quen thuộc này đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt
Nam.
Ngoài những ngũ hương cúng dường chư Phật thì những người xuất gia luôn
mong muốn mỗi người phật tử cũng đừng quên tập sống và thực hành theo
tinh thần: Từ, bi, hỷ, xả mà Đức Phật Thích Ca đã làm.