Hai chân khoanh hình chữ ngũ, lưng thẳng như đặt vào điểm
tựa, đôi mắt nhắm dần đi vào thinh không, thiền sư Thích Minh Thủy chọn
cho mình thế ngồi kiết già quen thuộc. Ông tu hành trên mỏm đá cao nhất
của đỉnh Thị Vải (núi Thị Vải, xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Vũng Tàu),
giữa bốn bề chỉ có mây và gió núi.
Vị sư này tự hào ví đấy là điểm nối giữa hai múi trời và đất, nơi
chưa thoát trần thế nhưng cũng chớm đến cảnh tiên. Quanh năm, sư Thích
Minh Thủy chỉ cần một dải áo cà sa màu nghệ vắt lên thân hình xương xẩu
nom khổ hạnh. Người ta bảo, nếu muốn đạt được dung mạo như thế chỉ có
những ai chưa từng vấy bụi trần, thành tâm. Thế nhưng, sư Thích Minh
Thủy lại như một ngoại lệ. Trước khi trở thành vị chân tu, ông từng là
một kẻ giang hồ chọc trời khuấy nước, gây bao tội lỗi.
Đào ngũ vì thèm ma túy
Thầy Thích Minh Thủy có tên khai sinh là Phạm Văn Hưởng, xuất thân
trong gia đình truyền thống nho giáo ở Thái Bình. Cha là ông là một thầy
đồ. Gia đình có chỉ có hai chị em. Tuy không phải thành phần giàu có
nhưng so với các gia đình khác thì nhà thầy Hưởng cũng thuộc dạng có của
ăn của để. Cha ông luôn tỏ ra nghiêm khắc và rất ý thức cho con cái học
hành đến nơi đến chốn.
Đặc biệt, Hưởng là con trai độc nên luôn là niềm kỳ vọng của cả gia
đình. Sinh thời, người cha luôn quan niệm, bằng mọi cách phải dạy Hưởng
những khuôn phép mẫu mực của đạo Nho. Ông hy vọng cậu con trai của mình
sẽ trở thành một người hoàn thiện nhất.
Tuy nhiên, từ nhỏ Phạm Văn Hưởng đã là đứa trẻ nghịch ngợm. Gia
đình càng bắt học bao nhiêu, cậu lại tỏ ra chống đối bấy nhiêu. Thay vì
chuyên tâm mài dùi kinh sử, Hưởng chỉ vờ vâng dạ trước mặt cho qua
chuyện. Sau đó, “nghìn lẽ một kế “ chuồn để tụ tập đám bạn, thỏa chí ăn
chơi. Việc ham chơi bời khiến Hưởng học hành giảm sút. Năm lên lớp 10,
Hưởng đã biết bỏ nhà ra đi bụi.
Năm 1970, ngày trường tổ chức kỳ thi tú tài (để lên lớp 12 ngày
nay), cậu bé bỏ nhà đi chơi mấy ngày. Lời cha dặn trước khi nhắm mắt,
phải học thành người, giờ đây Hưởng quên sạch. Không lâu sau, có lệnh
tuyển quân của chính quyền bên kia chiến tuyến, Hưởng nộp đơn tham gia
với ý nghĩ: Vào quân đội được dùng súng tự do, được học võ để đánh
người.
Vào hàng ngũ lính không lâu, Hưởng đã nghiện bạch phiến. Đây là thứ
mà binh lính Mỹ mang sang Việt Nam dùng rất phổ biến lúc bấy giờ. Đến
bây giờ, sư Thích Minh Thủy nhớ lại: “Tôi chính thức nghiện hút từ năm
đầu tiên nhập ngũ ở Nha Trang, lúc 17 tuổi. Cuộc đời tôi bắt đầu trượt
dài trong bóng đêm tội lỗi từ đó”.
Ngày cha mất, Hưởng có quỳ lạy trước mặt, hứa sẽ vâng lời chị gái,
sẽ gắng học hành thành tài. Thế nhưng sau đó không lâu, hắn như chim sổ
lồng, phá luôn rào cản khuôn phép tam cương, ngũ thường mà cha mình ngày
trước ràng buộc.
Vào thời điểm này, phong trào Hip-pi (phong trào ăn chơi trụy lạc,
hưởng thụ theo Chủ nghĩa Hiện sinh) từ Mỹ du nhập vào lối sống của giới
trẻ miền Nam Việt Nam, Hưởng là số thanh niên “thức thời” và hưởng ứng
một cách nhiệt thành. Tuy trong môi trường quân đội nhưng thực chất
Hưởng vẫn được ăn chơi thỏa thê. Các quán bar, vũ trường nơi nào có
khách Tây, hắn đều lui tới. Nhưng thời gian quân dịch không kéo dài được
lâu. Hưởng lại gây chuyện đánh nhau, phá phách rồi cuối cùng đào ngũ.
Từ người ăn học trở thành kẻ cướp
Sau khi mãn án một năm tù treo, chính quyền lại tiếp tục triệu tập
hắn vào quân ngũ. Chị hắn phải mang bán những khâu trang sức cuối cùng
để lo thẻ căn cước (chạy tuổi trốn quân dịch) cho em mình. Người chị hi
vọng rằng được ở nhà, hắn sẽ tu chí làm. Tuy nhiên, Hưởng ra sức phá
phách rồi chuyển sang nghề buôn ma túy để thỏa mãn cơn nghiện của mình.
Từng sống ở các căn cứ quân đội Mỹ nên hắn biết ở đó nhu cầu dùng ma túy
của lính Mỹ rất cao. Anh ta nghĩ: “Nếu có nguồn cung cấp thì đó sẽ là
món lợi kếch sù”. Qua một người bạn, Hưởng tìm được mối tiêu thụ ở căn
cứ hải quân ở Rạch Sỏi (Rạch Giá, Kiên Giang).
Một tuần 2-3 lần, hắn dùng xe máy riêng của mình trực tiếp lấy hàng
ở Tam Hiệp (Đồng Nai). Những chuyến đi lời một gấp đôi, tiền bạc trong
túi Hưởng luôn rủng rĩnh. Dĩ nhiên, kiếm được bao nhiêu Hưởng đều “đốt”
theo làn khói trắng. Nhớ lại khoảng thời gian trụy lạc, sư Minh Thủy cho
biết: “Khi ấy, thực sự không thứ gì mà tôi không nhúng vào. Nếu những
người nghện họ chỉ dùng chuyên một thứ thì tôi dùng gấp 3-4 lần”. Vừa
rượu chè, vừa ma túy, vừa gái nên hắn sớm thân tàn ma dại.
Những năm cuối thập kỷ 80, Hưởng đã là một con nghiện nặng. Ký ức
hãi hùng thời đó bây giờ sư Thích Minh Thủy vẫn chưa thể quên được. Có
tiền, Hưởng lại lên đường đi ăn chơi và ra về khi thân hình xiêu vẹo.
Nhìn người em chìm trong guồng quay ma túy, người chị bao lần khóc đến
cạn dòng nước mắt. Chị gái Hưởng quyết định mai mối cho em trai một tấm
vợ với hi vọng, có gia đình hắn sẽ tu tính nên người.
Nói là lấy vợ, nhưng thực ra, Hưởng chỉ gật đầu cho qua chuyện. Vợ
hắn là một cô gái hiền lành, chịu thương chịu khó. Thế nhưng, ngựa lại
quen đường cũ. Năm lần bảy lượt vợ khóc hết nước mắt khuyên răn, Hưởng
đều gạt phắt. Hắn còn tuyên bố rằng: “Con mày sinh ra mày nuôi, hơi sức
đâu tao lo”. Nói xong, Hưởng đứng dậy, bỏ nhà ra đi với hai bàn tay
trắng.
Những cơn nghiện ngày đêm dày vò thể xác khiến hắn phải nghĩ kế
kiếm tiền. Ngày đó, Hưởng có người bạn tên là Phước (nay đã chết vì
nghiện) ở Hóc Môn (TP. HCM). Người này cũng thuộc hạng tù tội, phá
phách. Gia đình Phước không chịu đựng được nên từ mặt. Hai con nghiện
gặp nhau như cá gặp nước, cùng bày mưu tính kế dọa người cướp tiền.
Phước bán luôn chiếc xe máy của nhà rồi mua một khẩu súng côn (Con - 9
của Pháp) và hai băng đạn 30 viên với giá hai cây vàng.
Sư Thích Minh Thủy nói chuyện với PV
Hưởng là người từng tham gia quân ngũ nên được phép giữ súng. Sau
một hồi ngẫm nghĩ, Phước thủ thỉ, trong ấp có một đôi vợ chồng suốt ngày
đi gom tiền hụi. Cứ vào tờ mờ sáng họ đều ngang qua khu vực vòng xuay
An Sương ghé lại thu tiền. Sau khi nghiên cứu kỹ địa bàn, một kế hoạch
được hai tên nghiện vạch ra. Hưởng sẽ là người cầm súng. Khi đoạt được
túi, lấy được xe, Phước sẽ có nhiệm vụ lái để cả hai cùng tẩu thoát.
Sáng 13/7/1981, cả hai quyết định hành động. Trước khi đi, cả hai
cùng lên động ma túy quen thuộc ở Hóc Môn làm một tép lấy dũng khí. Khi
đã phê thuốc, cả hai cùng nhau đi bộ đến địa điểm đôi vợ chồng kia vẫn
hay đi qua. Hưởng lận súng vào quần cùng Phước ngồi bên góc đường nín
thở chờ mồi. Một lúc sau, đằng xa có ánh đèn pha xe máy đang đi tới.
Hưởng dụi mắt nhìn rõ, đích thị là đôi vợ chồng đang mang bịch tiền thu
hụi về đang từ xa tiến lại.
Hai vợ chồng vừa dừng xe, Hưởng nhanh chân bước tới. Một tay rút
khẩu súng dấu dưới áo, lên nòng dí vào lưng của người chồng, rồi miệng
uy hiếp. Hắn nhanh tay cướp bọc tiền còn Phước lao vào dắt xe nổ máy.
Thế nhưng, nhân tính không bằng trời tính, chiếc xe máy vừa chay
được khoảng 10m thì khựng lại vì hết xăng. Cũng đúng lúc này, đôi vợ
chồng hô hoán cầu cứu. Hai tên cướp lúng túng vứt xe chạy thục mạng vào
làng tìm chỗ trốn. Đúng lúc này có hai anh công an đang đi tuần, thấy
vậy lao vào khống chế. Bị dồn vào bước đường cùng, Hưởng liền rút súng
nhằm vào hai đồng chí công an bóp cò, nhưng rất may lại nhằm phải viên
đạn thối.
Thấy cướp có súng, hai người công an buông ra tránh đạn. Cả hai
tiếp tục chạy thục mạng, vào làng thì bị bao vây, lúc này ma túy trong
người cũng tan hết, cẳng chân rũ rượi, người mềm nhũn. Thấy không thể
thoát, Hưởng liền ném súng xuống ao bèo phi tang, cả hai chấp nhận sa
còng.
Ngày tháng đoạn tuyệt với làn khói trắng
Bị cách ly hoàn toàn với những cám dỗ, năng tung kinh niệm Phật,
tâm của tên giang hồ dần bình lặng. Những cơn nghiện ma túy của vị sư
này cũng tự dứt.
Ít tai ngờ được vị sư này một thời là giang hồ
Một thời gian sau, ông vỡ òa vì mình đã đoạn tuyệt được làn khói
trắng sau hơn 20 năm nghiện ngập. Khi biết việc cai nghiện thành công,
sư Thích Minh Thủy âm thầm hạ sơn, báo cáo lại với sư phụ ở Tịnh xá Ngọc
Phật. Sư phụ quyết định cho ông dời nơi tu về hướng đỉnh núi phía Nam,
lập cốc (hang tu). Tại đây, ông tự tìm cho mình một hang núi nhỏ, vừa
thân người và một chiếc bàn thờ Phật tổ. Sư Thích Minh Thủy coi đó làm
nơi tụng kinh niệm phật cho mình.
Trên đỉnh núi dốc, không có nước, ông tự đi tìm những hốc đá có
chứa nước mưa và coi đó là giếng trời để uống. Khi hết gạo, vị sư này tự
mình xuống núi gùi lên để làm sao đủ ăn trong nhiều tháng. Những lần
leo núi, ăn chay, tịnh tâm, thể chất của một con nghiện năm nào được
thay bằng đôi chân bền dẽo và một tinh thần minh mẫn đến kỳ lạ.
Để đến nơi vị tu hành này, chúng tôi phải vượt qua hơn 1000 bậc
thang, hàng trăm lần nghỉ, mồ hôi hết đổ rồi lại khô, băng qua nhiều
trảng cây rừng, đá núi. Cuộc sống hoang sơ của vị sư ẩn dật khiến chúng
tôi không khỏi cảm động. Nhưng sư Thích Minh Thủy lại chiêm nghiệm bằng
tinh thần lạc quan.
Sư cho biết, khi đã gạt bỏ hết những ham muốn trần thế thì cuộc
sống hoang sơ hóa đầy đủ, quạnh quẻ hóa niềm vui. Lần đầu tiên có nhà
báo lặn lội lên núi đến thăm nên ông vồn vã, quý người lắm.
Điều mà sư Thích Minh Thủy hạnh phúc nhất là lấy lại niềm tin của
vợ con năm xưa. Những người từng một thời không thèm nhìn mặt, khi sư là
kẻ vào tù ra tội. Và điều quan trọng nhất là sau bao năm lầm lũi trong
bóng tối vô minh, Thích Minh Thủy đã tìm thấy cho mình lối về nẻo thiện
trên con đường đi đến ánh sáng Phật pháp.
Mỗi ngày chỉ ăn một bữa
Nhìn chúng tôi bằng ánh mắt
hiền từ, sư thầy chia sẻ về cuộc sống ngày thường: “Mỗi ngày sư chỉ có
ăn một bữa Ngọ (12 giờ trưa), còn lại thời gian, tất cả dùng cho tụng
kinh niệm Phật. Tuy nhiên, từ ngày lên núi, sư chưa một lần đổ bệnh.
Những người ghé thăm thường gọi sư Thích Minh Thủy bằng cái danh vui:
“Ông thầy hấp”. Sư cười giải thích: “Từ ngày tu, tôi chỉ có một chiếc
nồi nấu cơm. Sau khi cơm sôi nếu có rau củ, tôi bỏ tất cả vào để hấp. Có
lẽ vì thế mà người ta gọi tôi bằng ông thầy “hấp””.