Người tu sĩ
Tinh thần cứu thế của thanh niên Tăng
Pháp Sư Diễn Bồi- Thích Nhất Hạnh dịch
15/11/2014 15:16 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

   Hai quốc gia Việt Nam và Trung Hoa đều phụng hành đại thừa Phật Giáo, cho nên đối với cá nhân chúng tôi, chúng tôi rất cảm xúc sâu xa: trong thế giới gần gũi với sự hủy diệt hôm nay, Đại Thừa Phật Giáo cần thiết như thế nào! Các vị ở đây ai cũng là các bậc đại tâm đại sĩ. Đối với bi nguyện của Bồ tát, cố nhiên các vị đã thể nhận được ý nghĩa, tôi lẽ ra không cần nhắc lại làm chi, bất quá nghĩ rằng một lần đề khởi lại là một lần phát kiến thêm một cái gì mới.

     Thưa quý vị Thượng Tọa, Pháp Sư, các Pháp hữu,

     Chúng tôi đã hai lần đến quý quốc để hoằng pháp. Từ trước đến nay, hoặc thuyết pháp với các giáo hữu quý quốc, hoặc khai thị cho kiều bào chúng tôi tại đây, nhưng lần nào thính chúng cũng chỉ là cư sĩ. Hôm nay lần đầu tiên tôi lại được đối diện với toàn các vị xuất gia đồng đạo, nhất là với một số đông đảo các vị thanh niên xuất gia như thế này, cùng hội họp lại đây để cùng luận thuyết giáo pháp thâm yếu của Đức Phật. Thật là một điều làm cho chúng tôi sung sướng và cảm động.

blank

chùa Ấn Quang

     Tuy rằng chúng tôi đã ở trong biển Pháp đã trên hai chục năm, nhưng đối với Phật Pháp, thực ra chưa có được một kiến thức sâu rộng. Hôm nay, nhận sự thỉnh cầu của ban Liên Lạc Văn Hóa Học Tăng toàn quốc, chúng tôi đến đây để đàm luận Phật Pháp với các thanh niên học tăng đáng yêu đáng kính, nghĩ rằng chẳng có giáo lý gì thâm uyên để làm tác Pháp cúng dường chư vị, nên rất lấy làm hổ thẹn! May mắn hôm nay vì được gặp chư vị ở đây đều là các thanh niên ưu tú của Phật Giáo, nên chúng tôi xin trình bày đề tài: “Phật Giáo thanh niên ưng hữu vị thế, vị nhân đích bi nguyện”. Trong đề mục này, chúng tôi mong có thể cùng với các pháp hữu kính ái của chúng tôi đàm luận về bi nguyện và đại hạnh thực tiễn đối với công cuộc vị thế vị nhân để cứu khổ cứu nạn cho nhân loại và thế giới, xương minh bản hoài xuất thế của Đức Thế Tôn.

     Hai quốc gia Việt Nam và Trung Hoa đều phụng hành đại thừa Phật Giáo, cho nên đối với cá nhân chúng tôi, chúng tôi rất cảm xúc sâu xa: trong thế giới gần gũi với sự hủy diệt hôm nay, Đại Thừa Phật Giáo cần thiết như thế nào! Các vị ở đây ai cũng là các bậc đại tâm đại sĩ. Đối với bi nguyện của Bồ tát, cố nhiên các vị đã thể nhận được ý nghĩa, tôi lẽ ra không cần nhắc lại làm chi, bất quá nghĩ rằng một lần đề khởi lại là một lần phát kiến thêm một cái gì mới. Có bi nguyện rồi, chúng ta lại làm cho bi nguyện được bồi đắp tăng tiến, chưa có bi nguyện thì chúng ta nhân đó mà làm phát sinh, cho nên thiết tưởng chúng ta cũng cần phải lập lại ý nghĩa của bi nguyện độ sinh kia.

     Nhưng trước khi đề cập vấn đề, chúng tôi thiết tưởng nên đề cập đến những mỹ đức đặc biệt của người thanh niên và phong trào tân vận động thanh niên Phật Giáo đối với nền Phật Giáo hiện hữu.

     Những mỹ đức đặc biệt đầy đủ của thanh niên

    Trong một năm, thời gian tươi đẹp nhất vốn là mùa xuân, bởi vì một khi mùa xuân đến, tất cả thiên nhiên đều tươi sáng, gió xuân phơ phất, trăm hoa đua nở, muôn chim ca hát, đâu đâu cũng tràn đầy nhựa xuân. Xưa nay đã có biết bao nhiêu thi văn của các văn gia, thi sĩ dụng tâm ca ngợi mùa xuân. Trong một đời người, giai đoạn quý báu nhất là giai đoạn tuổi xanh. Bởi vì khi con người bước đến ngưỡng của thanh xuân thì cả thân lẫn tâm đều tràn đầy nhiệt huyết, khí sắc tươi nhuận và hùng tráng, do đó phát xuất một ý chí hùng mạnh làm cho người thanh niên mạnh dạn hướng về tương lai mà tiến bước.

     Thanh niên bất chấp rằng trên bước đường mình đi qua sẽ có bao nhiêu gian lao hiểm trở, cũng không nghĩ rằng giữa đường có thể bị đình đốn và quay đầu bước lui, cho nên xưa nay các bậc thánh hiền hào kiệt đều ngợi khen người tuổi trẻ. Đức Christ ở Tây Phương, cũng như Đức Lão ở Đông Phương cũng đã từng ca ngợi tuổi trẻ. Mạnh Tử của Nho gia cũng đã từng nói: “Đừng làm mất lòng con đỏ”. Đến như Phật Giáo, đặc biệt nhất là Đại thừa Phật Giáo lại càng tán dương tuổi trẻ. Điều đó, ta có thể tìm thấy trong kinh điển Đại Thừa. Do đây có người đã nói: “Thanh niên là mùa xuân của đời người”.

     Được ca ngợi dường ấy, vì người thanh niên đã có những mỹ đức nào? Chúng ta nên tìm hiểu. Nói đến mỹ đức của thanh niên thì nhiều lắm, ở đây chúng ta chỉ lược đàm một vài điểm:

    1. Chính nghĩa cao độ: Bất luận thời nào, ở đâu có phát sinh những sự tình trái chống với chính nghĩa nhân loại thì bao giờ thanh niên cũng đứng lên trước để phấn đấu cho chính nghĩa. Tinh thần thanh niên hiện hữu ở đâu thì ở đó chính nghĩa phải hiện hữu. Người thanh niên chỉ biết vì nhân loại mà bảo vệ chính nghĩa, mà ít nghĩ đến sự lợi hại của cá nhân mình. Điểm đáng quý nhất của thanh niên là ở tại đó.

    2. Tình cảm phong phú: Con người là một loài động vật có nhiều tình cảm, nhưng cảm tình của người thanh niên lại càng nhiệt liệt một cách đặc biệt. Danh từ “hữu tình” của Phật Giáo, theo Phạn ngữ là tát-đỏa. Tát-đỏa là tượng trưng tình cảm, quang minh, hoạt động. Người là loài có tinh thần và hoạt động, và đó chính là nguyên động lực của sinh mạng. Trong Kinh Bát Nhã, có những danh từ “Đại tâm”, “Khoái tâm”, “Dũng tâm”, “Kim cương tâm” để giải thích chữ “hữu tình”, để biểu thị rằng loài hữu tình có một thứ nhiệt tình nồng hậu vô hạn, thứ nhiệt tình ấy được biểu lộ một cách hết sức rõ rệt nơi người thanh niên. Chính vì người thanh niên có được bầu nhiệt huyết đó cho nên mới có thể nỗ lực bênh vực cho chính nghĩa.

     3. Lý tưởng cao đẹp: Ai cũng phải có lý tưởng, nếu không có lý tưởng thì cuộc sống trở thành vô nghĩa, và đời sống không còn giá trị. Nhưng lý tưởng ở người thanh niên lại có một sức dụ cảm hết sức vĩ đại. Cho nên, thanh niên phần nhiều thường hoài bão những lý tưởng quang minh vô hạn. Để thực hiện lý tưởng ấy, họ không kể chi gian lao nguy khổ.

    4. Thiện chân rõ ràng: Thanh niên rất thành thực, cần cười thì cười, cần khóc thì khóc, vì thế cái cười cái khóc rất là chân thật, không lẫn một tí gì giả dối. Ý nghĩa của con người chính là ở chỗ ấy. Nếu con người mà sống giả dối, cười giả dối, khóc giả dối thì thật là thương tâm không biết mấy mà nói.

         Vì thanh niên có đủ những mỹ đức như vậy, cho nên có rất nhiều người lớn tiếng bảo rằng “Tuổi thanh niên là đáng quý nhất”. Thậm chí có người nói rằng “Ở đâu có thanh niên thì ở đấy có sức sống”. Hiện tại ở các nước trên thế giới, không nước nào là không có phong trào trọng thị thanh niên và tranh thủ cho thanh niên. Thanh niên là cốt cán của quốc gia, là sức sống của dân tộc. Nếu không có mặt thanh niên, dân tộc sẽ thiếu sinh khí, và quốc gia sẽ không có thể hùng cường trên thế giới!

         Ở quốc gia đã vậy, thì ở tôn giáo cũng thế. Một tôn giáo được phát triển liên tục là một tôn giáo nhiếp thủ được giới thanh niên. Thanh niên tham gia vào một tôn giáo nào thì tôn giáo ấy tự nhiên phát khởi sinh lực, và được quảng đại nhân dân tín phục. Nếu không, tôn giáo ấy sẽ bị nhân quần bỏ rơi, bị bỏ rơi tức phải tiêu diệt.

         Phật Giáo là một tôn giáo, một tôn giáo hợp nhất Đức tin và Lý trí, một tôn giáo Tri Hành Hợp Nhất, thì rất xứng hợp cho giới thanh niên trí thức tiến phụng. Chúng ta cần nhiếp thủ giới thanh niên đầy bầu nhiệt huyết làm tín đồ trung thật của Phật Giáo, làm cho Phật Giáo trở thành Phật Giáo của thanh niên, làm cho Phật Giáo thành thanh niên và thanh niên thành Phật Giáo.

        Tóm lại, thanh niên đầy đủ những mỹ đức là sức sống của quốc gia, của xã hội, của tập đoàn, của tôn giáo. Chúng ta thường nghe nói rằng “thanh niên là chủ nhân tương lai của quốc gia”, câu nói đó chứng tỏ sự quan trọng của thanh niên như thế nào. Phật Giáo đã thể nhận sự thực ấy, và đã đặt thanh niên vào địa vị quan trọng. Như thế Phật Giáo có thể nêu lên khẩu hiệu “Thanh niên là chủ nhân tương lai của Phật Giáo”. Cho nên những bậc hữu tâm với giáo lý Phật Đà không thể không lưu tâm và trọng thị thanh niên. Về phía thanh niên, chúng ta lại càng phải nhận thức sứ mạng trọng đại của chúng ta, những mỹ đức sẵn có của chúng ta để tích cực xây dựng hưng khởi Phật Giáo!

          Thanh niên Phật Giáo và cuộc vận động Tân Phật Giáo

         Ý niệm hai danh từ “Phật Giáo thanh niên” có vẻ như là mới, nhưng kỳ thực rất cũ. Sau khi Phật thành đạo, trong giới xuất gia rất nhiều vị thuộc vào hàng thanh niên đứng vào hàng ngũ vận động tùng sự đạo Phật. Như năm vị Tì kheo, như năm chục vị thanh niên (con các vị trưởng giả Gia Xá) đều thuộc về giới thanh niên tráng kiện. Đạo Phật chính là tôn giáo tượng trưng cho thanh niên, không còn nghi ngờ gì cả. Nói tới đây, tôi thấy cần phải phác họa lại bối cảnh phát sinh của thanh niên Phật Giáo.

         Trước kia, nhân dân Ấn Độ sùng phụng Bà La Môn Giáo nhất, tôn giáo này trọng thị tế tự, cho đó là vạn năng, và bị ràng buộc trong hình thức truyền thừa, phân biệt ra bốn giai cấp, cho nên dần dần không thể thích ứng với xu hướng tiến bộ của xã hội thời đại. Một số tín đồ Bà La Môn vô tri lợi dụng đặc quyền công giáo, không biết dẫn đạo nhân quần, chỉ biết lo vinh thân phì da, nên dần dần Bà La Môn giáo trở thành hủ bại. Thêm vào đó, giáo lý thần bí bất khả trắc nghiệm của chú thực đã đưa Bà La Môn Giáo đến chỗ không thể phóng xả được. Sự xuất hiện của Đức Thế Tôn là do ở chỗ phủ nhận Phệ Đà (hay Vệ Đà)  để mà hưng khởi, Ngài đã sáng lập Phật Pháp một cách rực rỡ trên lưu vực sông Hằng. Sự xuất hiện của Phật trong xã hội Bà La Môn Giáo rạng rỡ không khác nào khi trăng lên thì sao lặn. Nền Phật Giáo trẻ trung do Đức Phật sáng lập nhất định là chứa đầy sinh khí hoạt lực, một tôn giáo chứa đầy sức sống tươi mạnh.

          Trong lúc đầu, ngoài các bậc lớn tuổi gia nhập Tăng đoàn ở Balenai còn có các vị như Anan, Nan Đà, La Hầu La, v.v. là những thanh niên Phật tử kiện tráng. Nhưng đến khi ba vị Ca Diếp và Đầu Đà Ca Diếp gia nhập tăng đoàn thì phái khổ hạnh theo họ, vốn là những người đứng tuổi, gia nhập rất đông. Thời ấy Phật là nguồn sống chính, cho nên vấn đề già trẻ chưa quan trọng. Già trẻ đều ngang nhau. Đến lúc Phật nhập Niết Bàn, quyền hành nằm trong tay Thượng Tọa Bộ. Bộ này giữ mãi tính cách bảo thủ, hình thức giáo điều, theo đường lối của độc thiện chủ nghĩa. Do đó, các vị đã đánh mất dần dần sức sống cần thiết cho sự nhiếp hóa nhân quần thời đại.

         Một trăm năm sau khi Phật nhập diệt, Phật Giáo bắt đầu phân hóa. Nguyên nhân phân hóa tuy nhiều, nhưng nguyên nhân chính vốn là khuynh hướng bột phát của Đại Thừa nhập thế. Phương thức phân hóa tuy không giống nhau, nhưng căn bản vẫn là sự chống nhau giữa khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến.

         Ở Thượng Tọa Bộ, đại đa số là các vị Trưởng Lão, chỉ nhắm đến một hướng giải thoát sinh tử cho cá nhân, còn đối với những khổ đau hiện thực của nhân gian thì bỏ qua. Vì thái độ lãnh đạo như thế nên xa dần nhân quần, lạc hậu sau thời đại, và đã biến thành đạo lý xuất thế Tiểu thừa. Trong Đại chúng Bộ, phần nhiều là các vị Tì Kheo thanh niên, nhận thấy Phật Giáo càng ngày càng chìm mãi xuống, và sự thật Phật Giáo tiêu thất trong nhân gian, cho nên mới tập họp đại chúng thanh niên, nỗ lực xiểng dương giáo lý tự hành và hóa tha, có xu hướng trọng thị về thời đại và nhân tâm, tích cực đưa Phật Giáo Đồ từ độc thiện chủ nghĩa đến hiện thực chủ nghĩa. Hiện tượng đó khởi mở như một nguồn sinh lực vĩ đại mới mẻ, Đại Thừa giáo từ đó phát triển đến một con đường mới, và Phật Pháp được lưu hành rộng rãi trong nhân gian.

         Như vậy, trên cột cao chót vót của sinh lực thanh niên, lá cờ Phật Giáo phất phới tỏa rạng, và Phật Pháp mới được phát triển, cống hiến cho nhân loại những kho tàng văn hóa vĩ đại. Có thể nói rằng đưa Phật Giáo đến con đường tích cực tiến thủ thích ứng với thời đại, đó là công trạng của thanh niên. Giả thử nếu không có lớp thanh niên đầy nhiệt huyết và sức lực kia thì làm sao mà Đại Thừa Phật Giáo có thể xuất hiện? Đại Thừa Phật Giáo xuất hiện ở nhân gian là do lực lượng của thanh niên Phật Giáo vậy!

        Không những chỉ một trăm năm sau Phật nhập diệt mới có hiện tượng thanh niên phát huy Phật Giáo mà suốt trong 2500 năm lịch sử, luôn luôn ta thấy mỗi lần Phật Giáo hưng thịnh là mỗi lần có những cuộc vận động Phật Giáo trong hàng tăng thanh niên. Nay ta hãy lấy ví dụ về Phật Giáo Ấn Độ: sự phân phái của Phật Giáo ban đầu chia làm hai Đại Bộ tuy là động cơ cho nền Phật Giáo Đại Thừa mới phát sinh, tuy nhiên trong vòng 500 năm, Tiểu Thừa Phật Giáo vẫn còn thịnh hành. Trong thời đại đó, sở dĩ Đại Thừa chưa hưng thịnh là vì trong tăng giới chưa xuất hiện các bậc xuất gia Bồ Tát, mà mới chỉ có các bậc xuất gia Thinh Văn. Đến 600 năm sau khi Phật nhập diệt, Thánh Long Thọ xuất hiện trong giới Phật Giáo Ấn Độ, mới đường đường chính chính nêu cao lá cờ Đại Thừa Phật Giáo. Kinh sách trong thời đó, dưới sự hoằng dương của Ngài đã phát sinh không biết bao nhiêu biến chuyển quan trọng. Lý do là các học giả Đại thừa trước Ngài tuy đã có phát huy giáo lý Pháp Tính Không Tịch, nhưng vẫn không dám có những nhận thức và lý luận cách mệnh. Đến khi Long Thọ ra đời, Ngài sáng lập Quán Pháp Tinh Nghiêm và Miên Mật, phê bình tất cả các học giả Thanh Văn Nhị Thừa, xác lập giáo nghĩa tam thừa cộng học, tách rời một cách phân biệt với học giả Thinh Văn. Vì vậy học giả đại thừa ở Ấn Độ đều tôn Ngài làm Đại Thừa Tỵ Tổ. Ở Trung Quốc, người ta cũng xem Ngài như là Tổ chung của Tám Tôn Phái Đại Thừa.

         Truyện ký chép: Thánh Long Thọ có ý chí cách tân Phật Giáo, từ Tăng đoàn Thanh Văn truyền thống mà biệt lập thành một Tăng đoàn Bồ Tát của Đại Thừa. Xướng xuất cổ súy vận động Đại Thừa với một bầu nhiệt huyết như thế, đương nhiên không phải là việc mà một ông già có thể làm được. Cho nên chúng ta có thể nhận định rằng Long Thọ Bồ Tát làm đại diện gương mẫu cho một tầng lớp thanh niên Phật Giáo có ý chí dũng nhuệ. Nếu không có tinh thần và ý chí ấy, làm sao Ngài có thể hoằng dương được đạo lý Duyên Khởi Tính Không của Đại Thừa Giáo? Ta còn nghi ngờ gì nữa, mà không đồng ý với nhau rằng trang thanh niên anh tuấn là Long Thọ ấy chính là nguồn gốc phát triển của cả nền Đại Thừa Giáo huy hoàng của chúng ta ngày nay?

         Trở về với lịch sử Phật Giáo Trung Hoa, ta thấy từ lúc du nhập đến nay Phật Giáo Trung Hoa đã có những thời đại hưng thịnh huy hoàng. Hưng thịnh nhất là ở cuối đời Thanh, và đặc biệt lại là lúc khởi đầu của chính thể dân chủ. Trong thời đại đó, vị lãnh tụ của cuộc Tân Vận Động Phật Giáo Trung Quốc là Thái Hư Pháp Sư, chủ trương lấy tư thái anh dũng của thanh niên Phật Giáo làm động lực phát khởi cuộc vận động. Giới xuất gia thanh niên Phật Giáo Trung Hoa hưởng ứng lời hiệu triệu của Người, chịu ảnh hưởng giáo huấn của Ngài rất là sâu đậm, và đã thành lập được các tổ chức “Tân Phật Giáo thanh niên hội” và “Phật Giáo Tân Thanh Niên Hội”, v.v. ủng hộ Thái Hư Pháp Sư để thực hành phong trào: “Công trình của con người – cuộc vận động tân tăng hóa của nền Phật Giáo”.

         Trong 8 điều khoản do thanh niên Phật Giáo đề xướng, điều thứ nhất là “bài trừ những tập khí hủ bại tích lũy từ ngàn năm của nền Phật Giáo già nua đã mất hết sinh lực, và phát huy tinh thần chân chính của Phật Giáo, của thế giới mới”. Do điều khoản ấy, ta có thể thấy được tinh thần vận động của nền Tân Phật Giáo Trung Quốc mãnh liệt biết chừng nào. Kế đó, vỏ xương Phật Học Viện và học hội chính thức triển khai phong trào vận động thế hệ tăng già mới.

         Từ cuộc vận động tân tăng trở đi, khí lực của nền Phật Giáo mới phát triển tận hang cùng ngõ hẻm, làm cho cả nền Phật Giáo trầm trệ của Trung Quốc tỉnh dậy vươn lên với sắc thái mới. Cho nên khi nói đến công cuộc vận động của nền Tân Phật Giáo Trung Hoa từ hồi thành lập chế độ dân chủ đến nay, ta phải nhớ đến Thái Hư Đại Sư, vị lãnh tụ mà công đức vô biên, vô lượng đã cổ võ nên một tinh thần đại vô úy biểu hiện nơi một thế hệ thanh niên đầy sinh khí hùng lực. Công đức ấy, rất đáng cho chúng ta ca tụng! Cận đại, Phật Giáo trong tình trạng chính trị cách mạng của Trung Quốc, đã không được tiến triển theo đà mong muốn, nhưng hiện vẫn còn nhiều tăng tài đang nỗ lực hoằng dương Phật Pháp. Các tăng tài ấy là kết quả đẹp đẽ của cuộc vận động mới của Phật Giáo thanh niên!

         Đạo Phật trẻ trung cần phải có mặt của người Phật tử trẻ tuổi, thanh niên Phật Giáo phải nhận thức sứ mạng mình trong công cuộc vận động nền Phật Giáo mới. Điều này đã được chứng minh bằng những sự kiện trong lịch sử Phật Giáo Ấn Độ.

        Hiện nay, Phật Giáo không còn ở trong giai đoạn quốc gia mà đã đi đến giai đoạn trở thành Phật Giáo quốc tế, thanh niên Phật Giáo toàn thế giới phải cổ võ tinh thần cố hữu của thanh niên, tiến hành công cuộc vận động liên hợp, để xúc tiến sự thực hiện nền Phật Giáo nhân gian, cứu vãn tình trạng khẩn trương của nhân loại.

        Tới đây tôi xin phác họa lại hình bóng người thanh niên Tăng kiểu mẫu trong giới Phật Giáo Thanh niên Tăng già. Người thanh niên kiểu mẫu trong giới thanh niên Phật Giáo, theo ý chúng tôi, phải được nhận định qua gương mẫu người thanh niên hồi Phật tại thế. Hồi Phật còn tại thế, thanh niên Phật Giáo rất đông, ta hãy chỉ lấy Ngài Anan (Ananda) làm ví dụ. Anan là em Phật, sinh sau ngày Phật thành đạo ít lâu. Lúc lên 20 tuổi, nghĩa là lúc niên phú lực cường, đã đi xuất gia cùng với một nhóm thanh niên khác trong đó có A-Na-Luật (Aniruddha). Sự xuất gia của ông Anan, đối với Giáo đoàn đương thời, đối với Phật Giáo ngày nay, nhất định là có những ảnh hưởng rất thâm thiết.

         Trong Tăng đoàn, Anan tuổi nhỏ hơn hết, nhưng trí nhớ lại bền bỉ hơn hết, tướng mạo cũng rất khôi ngô tuấn tú. Đức Văn Thù tán thán Anan như sau: “Tướng như trăng tròn mùa thu, mắt như bông sen thanh sạch, Phật Pháp rộng như biển cả đều lưu nhập trong con người Anan”, như thế ta biết Anan là nhân vật thế nào! Sau Phật thành đạo chừng 22 năm, nghĩa là vào lúc Ngài trên 50 tuổi, Anan được làm thị giả thường trực của Đức Phật, và không có lúc nào không làm vừa ý Ngài, vì chí cầu đạo của Anan rất thâm thiết và tinh tấn, nhưng vì phải hầu Phật cho nên chậm trễ trong công việc đoạn hoặc chứng chân.

         Cho đến khi Phật nhập diệt, Ngài Đầu Đà Ca Diếp được giao quyền mới khai hội kết tập Kinh tạng. Ban đầu không muốn đưa Anan vào trong Hội đồng kết tập, nhưng sau vì đại chúng ủng hộ Ngài Anan quá, nên phải gắng gượng mời vào tham dự, nhưng sau đó lại trách Anan “lục đột kiết la”, nói rằng Anan “không thấy tội tướng, kính tiến Đại đức, nay phải hối hóa mới được”. Vì đại sự, vì công việc kết tập diệu pháp mà Anan làm thinh nhẫn thọ sự trách nạn đó của Thượng Tọa Bộ để mà tụng đọc hết Kinh tạng. Đức nhu hòa từ nhẫn của Anan thật ít người có thể sánh kịp.

         Theo Đại thừa kinh, Anan bị nạn Ma Đăng Già dâm nữ, Phật sai Văn Thù đến cứu về, liền đứng trước Phật phát đại nguyện “như nhất chúng sinh chưa thành Phật thì con sẽ không chứng Niết Bàn ở đây”. Tinh thần vị pháp vị nhân ấy, những kẻ có chí lợi hành mấy ai bì kịp? Tóm lại, công trình làm thị giả, công trình cống hiến cho nền văn hóa Phật Giáo chứng tỏ Anan có đầy đủ cái mỹ đức “nhu hòa từ nhẫn”. Đó chính là con người mô phạm cho giới thanh niên Phật Giáo.

        Người thứ hai mà tôi thấy cần nêu lên là Thiện Tài Đồng Tử. Theo như lời giới thiệu ở phẩm Nhập Pháp Giới trong kinh Hoa Nghiêm, thì Thiện Tài Đồng Tử là người Phước Thành, bên bờ biển Mạnh Gia Lạp Loan. Cha tên là Phước Đức, trưởng giả, nhà cửa giàu có, nhưng đã muộn mới sinh Thiện Tài Đồng Tử. Thiện Tài lớn rất mau, tráng kiện, thông tuệ hoạt bát, chân thành. Trưởng giả rất sung sướng, quý như vàng ngọc. Có một điều khác thường là Thiện Tài không muốn làm một thương gia mua bán như thế gian mà lại chỉ muốn làm người sưu tầm chân lý, tìm tòi sưu tập các thiện tài Pháp Bửu, để cung cấp cho kẻ ưa thích chân lý. Một hôm, Văn Thù Bồ Tát du hóa Nam Phương, đến Phước Thành, diễn thuyết Pháp Âm ở Đại Tháp Tự cho quần chúng nghe. Thiện Tài nghe xong, tiếp nhận lời sắc lệ của Đức Văn Thù, lập tức phát Đại Bồ Đề Tâm, hành đại hạnh thực tiễn của Đức Phổ Hiền. Đức Văn Thù biết đây không phải là một Pháp khí tầm thường, liền khen Thiện Tài rằng: “Thiện Tài! Phát được Bồ Đề Tâm thật là một điều khó! Theo học tập Đại hạnh của Bồ Tát để hoàn thành chí nguyện tối cao thật là cái khó trên tất cả các cái khó”.

         Nhờ sự tưởng lệ của Đức Văn Thù, Thiện Tài liền sung sướng yêu cầu Ngài khai thị tất cả hạnh nguyện Phổ Hiền. Văn Thù liền chỉ cho Thiện Tài theo đòi tham khảo các thiện tri thức. Thiện Tài tham phỏng đến 53 vị Đại thiện tri thức, “Ngũ Thập Tam tham”. Tham phỏng không có nghĩa là đi du sơn du thủy như chúng ta đi hành hương hỏi đạo ngày nay mà là trải qua muôn vạn gian khổ hiểm nguy. Nhất là khi Thiện Tài đến tham phỏng Thắng Nhiệt Bà La Môn, thấy ông và những bạn đồng hành qua lại trong lưới lửa mãnh liệt, đi trên đỉnh núi đao nhọn, v.v.

         Kẻ khác thấy thế hẳn tiêu ma ý chí. Nhưng Thiện Tài đã không phải là một thanh niên mới phát tâm, con nhà giàu sang quen sống yếu đuối trong nhung lụa. Thiện Tài đã hăng say nhảy vào cải hóa kẻ ác tri thức, xông vào núi lửa, núi đao. Đó thật là dũng khí tinh tiến của Đại Bồ Tát. Thực ra núi đao và núi lửa đâu có, chính chỉ là hóa hiện của Bồ Tát để thử thách người thanh niên đó. Sự phát tâm của Thiện Tài là một sự phát tâm chân thành, nên khi xâm nhập vào lưới lửa liền thấy mình bước vào lâu các của Đức Di Lặc, thấy được cảnh giới của Ngài Phổ Hiền. Một trong thanh niên như Ngài Thiện Tài há chẳng phải là một gương mẫu cho giới thanh niên Phật Giáo sao?

         Một lần nữa trở lại Phật Giáo sử Trung Hoa, chúng tôi xin giới thiệu với Quý Ngài một vị có công nhất của Phật Giáo Trung Hoa: Ngài Tam Tạng Pháp Sư, người rất đáng làm gương cho thanh niên Phật Giáo chúng ta. Ngài Huyền Trang xuất gia năm 13 tuổi. Tuy còn nhỏ mà chí nguyện rất lớn. Khi chưa du học ngoại quốc, Ngài đã lão thông tất cả kinh sách Phật Giáo đang lưu hành tại Trung Hoa. Tuy vậy, Ngài vẫn chưa thỏa mãn và thấy cần phải tìm học cho đầy đủ hơn. Ngài liền lập đại nguyện sang Ấn Độ cầu pháp.

         Năm 26 tuổi, Ngài du học Ấn Độ với một tinh thần hăng hái, đến nỗi Ngài coi thường mọi sự gian lao nguy hiểm. Đối với việc hoằng dương chánh pháp ở Đông Phương, Ngài có những câu nguyện súc tích vĩ đại như: “Xả ngã kỳ thùy". Vì vậy, Ngài coi thường tất cả luật lệ mà chính phủ nghiêm cấm. Ngài không kể gì đến muôn ngàn nguy hiểm khi vượt biên thùy, miễn làm sao ra khỏi địa vức Trung Hoa là được. Ngài tập trung tất cả tinh lực trong việc phiên dịch tam tạng kinh điển. Sự nghiệp của Ngài không ngoài Phật Pháp. Ngài không để ý đến việc gì khác hơn là muốn cho Phật Giáo Trung Quốc được mở mang sáng tỏ, có một cơ đồ vĩ đại, vững chắc. Vì vậy Phật Giáo Trung Quốc mỗi ngày mỗi phong phú hơn lên. Trong công việc phiên dịch, Ngài tỏ ra rất chuyên cần, thường nhân chắc chắn không bao giờ làm được những chuyện vĩ đại như thế.

         Sách truyện ký còn cho chúng ta biết: mỗi đêm vào canh ba, Ngài đi ngủ và đến canh năm thì đã lo thức dậy dịch kinh. Khí hậu nóng lạnh có thay đổi nhưng sự tinh tấn của Ngài không bao giờ đổi thay. Ròng rã trong mười năm như một, Ngài không bao giờ bị mỏi mệt, chán nản, một lòng trung thành với nguyện lực của mình. Trong lịch sử Đông Tây xưa nay, thật chưa có người thứ hai nào như thế.

         Chẳng những như thế, đối với tất cả công danh phú quý ở thế gian không bao giờ làm cho Ngài bận tâm. Khi sang Ấn Độ, đi qua nước Cao Xương, Ngài bị vua nước ấy lưu lại tôn làm Quốc sư nhưng Ngài không mảy may ước muốn, Ngài lại cự tuyệt để tiếp tục cuộc hành trình. Trong thời gian ở Ấn Độ, có một vị vua danh tiếng là Vua Giới Nhựt khẩn thỉnh Ngài làm Quốc sư và tha thiết cầu Ngài ở lại truyền bá Phật Pháp cho dân Ấn lâu dài hơn. Nhưng Ngài chỉ thọ nạp sự cúng dường và lễ bái của Vua Giới Nhựt chứ không chịu ở lại. Ngài gấp rút trở về Trung Quốc để thực hiện công việc dịch kinh mà Ngài đã phát nguyện.

         Về đến Trung Quốc, vua Đường Thái Tôn, quần thần và dân chúng nghênh tiếp Ngài trùng điệp thành hàng 10 cây số và khuyên Ngài hoàn tục, làm tể tướng cho nhà Đường. Tưởng rằng Ngài sẽ nhận với tất cả sự vinh hạnh, nhưng Ngài cam chịu ở trong thất hẹp với ngọn đèn dầu trong cuộc sống đạm bạc. Lúc ở Ấn Độ, trong khi dân chúng có thiết lập những cuộc biện luận đại hội, Ngài đã đem thắng lợi về một cách vẻ vang. Vua 18 nước cúng dường cho Ngài vô lượng trân châu bảo vật nhưng Ngài không thọ nạp. Hành động của Ngài không vì cao vị và hậu lộc mà chịu nghèo khổ để giữ trọn chí đạo. Đông Tây sử xưa nay có ai sánh bằng?

         Các bạn! Chúng ta là thanh niên Phật Giáo và Phật Giáo ngày nay rất cần những bàn tay rắn chắc, những chí nguyện kiên hùng của tuổi thanh niên, của những người như Ngài Huyền Trang thuở trước. Do đó, chúng ta hãy theo gương tinh thần cầu pháp của Ngài Huyền Trang để răn nhắc khích lệ lấy mình luôn luôn hướng thượng. Phải theo gương nguyện lực hằng thường tinh tiến của Ngài Huyền Trang để bồi dưỡng đức tính kiên khổ của mình. Hãy theo gương sự không luyến nhiễm lợi lộc thế tục của Ngài Huyền Trang để trang nghiêm phẩm đức cao thượng của mình. Tóm lại, mỗi hành động, chúng ta hãy lấy Ngài Huyền Trang làm khuôn mẫu. Nghĩa là Ngài như thế nào chúng ta phải như thế ấy. Chỉ có tinh tiến không ngừng mới có thể nối gót Ngài Huyền Trang, mới có thể tự thực hiện nơi bản thân người thanh niên Phật Giáo của thời đại được.

         Theo gương các vị ấy, thanh niên Phật Giáo chúng ta cần phải có Đại Bi  Nguyện Lực

         Tôi từng nói: “Phàm là thanh niên Phật Giáo chân chánh, ai cũng phải để hết tâm ý vào việc hoằng truyền Phật Giáo mà rất hy vọng Phật Giáo được phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm trên thế giới, bằng cách mỗi người đều phải nhận lãnh nhiệm vụ của mình.

         Chúng ta phải thực hiện lý tưởng như thế nào? Phật Giáo ngày nay có thể có nơi không được phổ biến và phát triển vì các địa phương ấy ta thường gặp những trở ngại của ngoại đạo gây nên. Nếu không chống đỡ, chúng ta sẽ vô tình làm cho Phật Giáo suy đồi. Đối với tiền đồ Phật Giáo, là thanh niên chúng ta không nên thối chí nản lòng vì thanh niên Phật Giáo còn thì Phật Giáo sẽ có hy vọng phục hưng. Nghĩa là thanh niên Phật Giáo phải đảm đương gia nghiệp của Đức Như Lai, mà không bao giờ nhượng bộ trước ma lực. Nhưng làm thế nào để vượt khỏi những áp lực đang cố vươn lên để đè bẹp chúng ta? Đó là một vấn đề quan trọng. Tôi thiết tưởng vấn đề này rất trọng yếu.

         Thanh niên Tăng cần phải phát “Đại Bi Nguyện”. Muốn thế không gì hơn là phải thực hành những hạnh nguyện của các vị Bồ Tát. Là thanh niên Phật Giáo, nếu chẳng có hạnh nguyện thì những việc làm khó mà thành tựu. Bi là cứu khổ. Nguyện là mong cầu những gì cao đẹp. Cả hai chẳng khác hai bánh xe, nếu thiếu một thì không được. Trong kinh, Phật thường nhắc đến hai vị Bồ Tát. Đức Quan Âm và Đại Nguyện Địa Tạng tiêu biểu cho Bi và Nguyện. Mặc dù danh từ có hai nhưng trong tâm niệm mỗi Ngài đều có đủ hai đức ấy. Muốn rõ ràng hơn, chúng ta hãy tiếp tục phân tích và tìm hiểu. Bi nói cho đủ là “Từ Bi”, là căn bản của Phật pháp, là pháp môn trọng yếu nhất của đạo Phật. Nếu không có Bi Nguyện tất không có Phật và Bồ Tát. Và nếu chẳng có Phật và Bồ Tát thì không có Giáo Pháp. Trong kinh Phật có câu: “Đại Bi là trên hết” hoặc “Chư Phật đều dùng tâm niệm Đại Bi làm thể”

         Qua những chứng giải ấy ta thấy, từ bi được coi là yếu tố nòng cốt trong Đạo Phật. Hãy lấy Đức Giáo Chủ để làm tiêu chuẩn cho vấn đề. Khi còn làm Thái Tử, Ngài đã đi du hành và nhìn thấy tận mắt cái cảnh người vật xâu xé lẫn nhau, cảnh những nông phu đang lao mình vào công việc, phải tốn bao giọt mồ hôi để đổi lấy bát cơm. Ngài đã phát “Đại Bi Nguyện”, xuất gia tìm chân lý với một chí hướng cao đẹp là đưa mọi chúng sinh đến chỗ an lạc.

        Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là một vị đã thực hành triệt để Đức Đại Bi. Chẳng những Ngài đã tinh tấn thực hiện chí nguyện Đại Bi mà Ngài còn thực hiện công việc tự lợi, lợi tha một cách viên mãn. Đấy là khai thị chúng sinh thấu rõ chân lý. Đức tính Đại Bi cũng là hạnh nguyện duy nhất của Ngài. Tâm Đại Bi vốn sẵn có trong mọi người. Nhà Nho có câu: “Trắc cáp chi tâm nhân giai hữu chi”, câu nói này đã minh chứng được điều ấy. Tâm Đại Bi không phải do một ngoại duyên kích phát mà lại phát sinh tự lòng. Mục đích duy nhất của Đại Bi Tâm là giải tỏa mọi thống khổ của chúng sinh và đưa chúng sinh đến chỗ an lạc. Đấy là dùng Đại Bi Tâm để tu hạnh Bồ Tát.

         Khởi đầu của sự tu Đại Bi Hạnh thật ra không khó gì cho lắm, chẳng qua vì chúng ta chưa quen mà thôi. Khi chúng ta đã thấy một người bị tai nạn, không luận kẻ đó thân hay sơ, tâm thương xót của chúng ta tự nhiên sẽ bùng dậy trong cõi lòng một cách mãnh liệt. Chính trong phút tâm niệm chúng ta đã hoài mong người ấy thoát khỏi được cảnh khổ. Thường học hạnh đại bi như thế, tu tập trải qua một thời gian dài, tự nhiên ta thâm nhập pháp môn đại bi. Đến khi ấy, tâm đại bi đã ăn sâu vào cốt tủy thì chúng ta tự nhiên thấy cần phải vì sự khổ đau của nhân loại và nhất thiết chúng sinh mà sinh hoạt động. Kinh nói: “Đại Từ Bi Bồ Tát” tuy đối với tất cả được tự tại nhưng đối với Tâm Đại Bi không thể tự tại. Tâm Đại Bi khiến các người đến đâu thì quý vị phải đi đến nơi ấy, không thể để quý vị được tự do tự tại! Vì vậy chúng ta muốn vì người, vì đời, thì không thể không có lòng từ bi.

         Hiện tại, chúng ta đang ở trong thời kỳ khổ nạn; toàn thể nhân loại đang bị uy hiếp, tiêu diệt bởi bom nguyên tử. Đây chính là lúc những kẻ có bi tâm cần phải lo lắng, chính là lúc này thanh niên Phật Giáo chúng ta cần phải phát Đại Bi Tâm; nên chi tôi hy vọng toàn thể thanh niên Phật Giáo đều phát tâm Đại Bi, tu hành Đại Bi.

         Có Bi tâm chưa đủ, chúng ta lại cần phải có nguyện lực. Vì có bi mà không có nguyện thì không thể cứu khổ cho loài người được. Loài hữu tình trong địa ngục đang khổ, nhưng mà không nguyện xuống địa ngục để cứu rỗi họ thì “Bi” có ý nghĩa gì? Nên chi những thanh niên Phật Giáo phải phát Đại Bi Tâm, tiến lên một từng nữa, phải phát đại nguyện rộng như bể cả. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu thanh niên Phật Giáo xem thường Đại Nguyện, cái gì cũng nghe theo tự nhiên, thì sẽ không làm nên việc gì cả! Người thanh niên không có chí nguyện cao cả thì không thể thành công, ngay trong những công việc trong thế gian này người ấy cũng không thể thực hiện được. Vì vậy một thanh niên Phật Giáo cần phải lập chí thệ nguyện.

         Ngài Ngẫu Ích nói rằng: “Xuất thế trượng phu, dĩ Phật Tổ vi kỳ, dĩ tử hoằng vi uyển, dĩ lục độ vạn hạnh, vi gia trà phạn (cơm nước) dĩ tự lợi, lợi tha vi mục đích”. Như vậy không có hoằng nguyện thì không thể thành! Đặc biệt nhất là ở trong thời đại này, những sự nghiệp vì người vì đời, rất cần đến tuổi thanh niên của quý vị đảm đương. Để cứu bạt nỗi khổ đau của nhân quần, ta phải củng cố nền Phật Giáo hiện tại, đem lại hòa bình cho thế giới ngày mai. Những công việc vĩ đại ấy đều rất cần đến tuổi thanh niên của quý vị.

          Là thanh niên Phật Giáo phải có các nguyện lực cứng rắn: phải nỗ lực, không e dè, không trốn tránh trước sự nguy hiểm. Là người thanh niên Phật Giáo, ta mang bầu nhiệt huyết đem lại vinh quang cho Phật Giáo nước nhà mai sau! Ngày mai, chỉ có hạng thanh niên phát thệ sâu rộng như bể cả ấy mới có thể đưa Phật Giáo đến một giai đoạn quang huy thiết thực! Như vậy, người thanh niên Phật Giáo tuyệt đối không thể thiếu những nguyện lực kiên cố này!

         Đại thừa Phật Giáo nói đến các vị Đại Bồ Tát: các vị đều đã có đủ nguyện lực rộng lớn ấy. Sở dĩ các Ngài vào trong ác thú, không phải bị nghiệp lực dắt dẫn mà là do nguyện lực của các Ngài nguyện vào đó mà thôi. Đức Quan Âm Bồ Tát phát đại nguyện: “Phát Đại thanh tịnh nguyện, hoằng thệ thâm như hải…” Đức Địa Tạng Bồ Tát: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận, phương chứng bồ đề”. Những đại nguyện trên đều là gương cho Phật Giáo thanh niên chúng ta! Thanh niên Phật Giáo muốn học Phật một cách đứng đắn, trước tiên phải học Bi Nguyện của các vị Bồ Tát, do tâm Đại Bi Nguyện này, mới ủng hộ Phật Giáo, mới cứu độ nổi khổ ải của chúng sinh! Đến đây xin kết luận:

          KẾT LUẬN:

         Lực lượng thanh niên thật vĩ đại. Lực lượng của thanh niên tăng già Phật Giáo lại càng vĩ đại hơn. Thanh niên Phật Giáo ôm một hoài bão, một Bi Nguyện lớn lao, đoàn kết, đại hùng vô úy, dũng mạnh tiến tới, nhẫn nại lao khổ, vì Phật Giáo, vì thế giới, vì nhân loại mà làm nên sự nghiệp sáng rỡ cho nền đạo lý. Nhất là đối với những ác ma phản lại tôn giáo, chúng ta lại càng phải kiên cường phấn đấu đến cùng. Phật và Ma không thể cùng đứng chung, tà chính không thể cộng tồn, chúng ta phải kế thừa sự nghiệp Long Thọ và hoằng dương Đại Thừa Tánh Không, theo tinh thần Vị Pháp vong thân của Đề Bà Bồ Tát. Như vậy, ta không nên sợ đầu sợ đuôi, không nên tổn hợp với thế lực tà ác. Chúng ta nhất định theo chính kiến Phật Pháp, biến phá nhất thiết tà kiến, nêu cao ngọn cờ chánh pháp. Phật Giáo ngày nay là Phật Giáo của thanh niên. Thanh niên Phật Giáo phải vì nền đạo đức trẻ trung của mình mà nỗ lực phấn đấu! Xin cám ơn các Thượng Tọa, các Pháp Sư và các bạn thanh niên nam nữ học tăng kính ái.

    Bài giảng của Pháp Sư Diễn Bồi – người Trung Quốc
    Tại chùa Ấn Quang, ngày 13 tháng Chạp năm Canh Tý, tức ngày 29/1/1961

    (Làng Mai)

    Bao Hiem BSH
    » Video
    » Ảnh đẹp
    » Từ điển Online
    Từ cần tra:
    Tra theo từ điển:
    » Âm lịch