Từ khi loài người có mặt trên thế gian này, sống giữa trời
đất bao la với hiểu biết và việc làm còn giới hạn, nên thường lo lắng và
sợ hãi bởi những suy nghĩ cạn hẹp. Họ tưởng tượng ra có một đấng tối
cao toàn quyền ban phước, giáng hoạ; nhìn đồi núi chập chùng, cao vót,
họ tưởng ra vị thần núi; nhìn biển rộng bao la, mênh mông, họ nghĩ có vị
thần biển đang cai trị ở đó, và vô số vị thần có nhiệm vụ cai quản muôn
loài vật ở thế gian này. Đó là niềm tin của con người ở thời kỳ sơ
khai, tin vào thế giới thần linh một cách tuyệt đối và chấp nhận giao
phó số phận của mình, uỷ thác cho thần linh sắp đặt, định đoạt. Về sau,
loài người chúng ta thật diễm phúc khi có được nhân duyên tốt đẹp gặp
được Tam bảo, tức ba ngôi báu Phật-Pháp-Tăng trên cõi đời này.
Đức Phật dạy rằng, niềm tin là mẹ sinh ra tất cả công đức lành,
người không có niềm tin chân chính không tạo được công đức lâu dài. Do
đó, chúng ta tin như thế nào là niềm tin chân chánh để không rơi vào si
mê, cuồng tín. Ngài cũng tiếp thu những truyền thuyết đương thời trên
nền tảng có suy xét, chọn lọc, bằng sự tu tập của chính mình để khám phá
ra thế giới thần linh đúng như thật.
Niềm tin chân chánh được phát sinh sau khi có tu tập, chuyển hoá,
nên khác với niềm tin mê muội, tà dại. Ngày xưa, người ta sợ trời đánh
nên nghe tiếng sấm sét thì cho rằng có thần sấm sét. Người xưa vì phương
tiện để răn dạy những đứa con bất hiếu, ngỗ nghịch, không nghe lời cha
mẹ, nên nói rằng trời sẽ đánh kẻ bất hiếu, mục đích là để răn dạy con
người sống tốt hơn, biết được đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ
trồng cây. Ngày nay, khoa học đã phát minh ra được nguyên nhân sấm sét,
nên đã làm cột thu lôi ngăn chặn sét đánh; rõ ràng là chẳng có ông thần
sấm sét nào cả hiện thân trên cõi đời này.
Đức
Phật dạy rằng, niềm tin chân chánh là niềm tin có trí tuệ cân nhắc, soi
sáng. Vì thế, đức Phật khuyên chúng ta đừng nghe những gì người khác
nói dù đó là truyền thuyết có từ nhiều đời. Nghe điều gì ta cũng phải
nên suy nghĩ, tìm tòi, xem sự việc đó có thiết thực, lợi ích hay không.
Khi ta muốn tin điều gì mà không có trí tuệ suy xét, không chứng minh
được nguồn gốc của nó, thì dễ rơi vào mê tín, dị đoan. Đức Phật cũng dạy
chúng ta đừng vội tin những gì được nhiều người tin theo. Nếu họ là nhà
trí thức có đời sống đạo đức, nhân cách cao thượng, được nhiều người
quý mến, kính trọng, thì ta cũng phải suy xét cho kỹ càng giá trị, lợi
ích của họ. Niềm tin của chúng ta căn cứ trên những tiêu chuẩn như vậy
mới là niềm tin chân chánh.
Như chúng ta đã biết, niềm tin là mẹ sinh ra các công đức lành được
trải nghiệm qua đời sống hiện thực, nếu không chúng ta sẽ phạm phải sai
lầm đáng tiếc vì niềm tin mù quáng. Từ đó ta cũng sẽ bị người lợi dụng
niềm tin để làm các việc xấu ác. Khi niềm tin của chúng ta bị lợi dụng,
chúng ta trở thành người cuồng tín, si mê, dại dột, nên mặc tình giết
người vì nghĩ rằng sẽ được lên thiên đường hưởng phước báo tối cao.
Phước đâu chẳng thấy, chỉ thấy mang tội giết người và bị tù tội hoặc tử
hình, tạo ra bao mối nguy hiểm cho xã hội.
Trong mối quan hệ giao tế giữa con người với con người, lòng tin
tạo nên sự gắn bó thân thiết trong sự liên quan các mối giao dịch làm ăn
và củng cố uy tín cho chính mình đối với cộng đồng xã hội. Trong suốt
quá trình xây dựng lòng tin đối với mọi người, chính chúng ta cần phải
có sự kiên nhẫn và thành thật. Trong sinh hoạt gia đình, sự thương yêu,
đùm bọc, sẻ chia cho nhau đều bắt đầu từ lòng tin giữa cha mẹ, vợ chồng,
con cái, anh em, người thân và láng giềng. Lòng tin như một chất keo
luôn gắn bó con người với con người, và là một chất liệu kết nối yêu
thương để chúng ta thêm gắn bó và cảm thông với nhau lâu dài.
Ðức Phật dạy, tin là căn bản của sự thành công và là nguồn gốc để
phát sinh muôn hạnh lành; nhưng lòng tin của người Phật Tử không phải là
một lòng tin cuồng nhiệt, sôi nổi, bốc đồng, mà không có suy xét, kiểm
chứng qua sự thực hành. Ðức Phật đã từng nói, “ta chỉ là vị thầy dẫn
đường giúp cho mọi người đi đến con đường bình yên, hạnh phúc; ta không
phải là một vị thần linh hay một đấng tối cao có quyền ban phước, giáng
hoạ”. Người Phật tử tin Ngài là một con người giác ngộ và chúng ta cũng
là một con người, ai quyết tâm và kiên trì, bền bỉ thì sẽ biết cách
chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Do đó, sự thành
công của chúng ta không phải là một thứ mê tín. Một tín ngưỡng mù quáng
không xây dựng trên lý trí xét đoán là một nguy hại lớn cho đời sống của
mỗi con người, có thể làm cho chúng ta ỷ lại, lười biếng, mà dang tay
chờ đợi những giáo điều ngu ngơ, huyền hoặc.
Một đức tin hỗn tạp, thiếu căn cứ đều phát xuất từ lòng tham lam
của con người thường tin tưởng, nương nhờ vào một thế lực không có căn
cứ rõ ràng. Ðạo Phật truyền vào Việt Nam đã trên 2.000 năm, có những
thời rực rỡ, huy hoàng, chói sáng, nhờ vào sự sáng suốt của các nhà vua
như thời Lý, Trần; và cũng có những lúc lu mờ, tối tăm, bởi những ông
vua đam mê hưởng thụ quá mức chỉ biết cho riêng mình. Con người sống tốt
và có ý thức, hay suy thoái đạo đức là do niềm tin không chân chính làm
xáo trộn bởi sự hiểu biết sai lầm.
Một lòng tin chân chính phải đi theo với sự tìm tòi bằng sự quán
chiếu, xem xét, hiểu rồi mới tin, thì cái tin ấy mới là chánh tín. Ðối
với những ai tu theo đạo Phật tin mà không hiểu rõ ràng thì sẽ dễ lầm
đường, lạc lối, tạo sự mất tin tưởng cho người khác. Ðức Phật là một
người dẫn đường trong đám người lạc hướng, Ngài đã tốn rất nhiều công
sức mới khám phá ra chân lý cuộc đời. Chúng ta ngày nay được thừa hưởng
lời Phật dạy mà khỏi phải mất công tìm tòi cực nhọc, vất vã, vì đã có
sẵn trên tay tấm bản đồ. Ví như 6 người cùng đi rừng đều khác nước, một
người chỉ bỏ công ra tìm nước, khi uống thì 6 người đều hết khát; nhưng
người đi tìm nước phải chịu vất vã, cực khổ. Chúng ta bây giờ cũng vậy,
ta khỏi phải tốn thời gian, mất công, tổn sức, mà chỉ cần đi theo tấm
bản đồ đã hướng dẫn sẵn là có thể đến đích; như người có bệnh được vị
lương y cho thuốc nhưng sợ đắng nên không uống, bệnh không lành là do
lỗi người bệnh, không phải lỗi do thầy thuốc. Nếu Phật Tử không hiểu lời
Phật dạy, không thực hành theo những lời dạy của Ngài, thì Ðức Phật và
Tam tạng giáo điển đối với chúng ta không còn ý nghĩa gì nữa hết.
Đạo Phật là đạo của con người vì sự giác ngộ của chính mình và giúp
cho nhân loại cùng giác ngộ, giải thoát. Mọi sự mê tín dị đoan, thần
quyền đều không có trong đạo Phật; nhưng tại sao rải rác trong các bản
kinh lại có nêu ra các vị thần, như Thiên thần, Lâm thần, Thọ thần, Quỷ
thần, điều này có ý nghĩa và mục đích gì? Kinh điển Phật giáo tiêu biểu
như Kinh Địa Tạng cũng nêu ra rất nhiều loại Quỷ thần, nhằm nói lên
nghiệp cảm sai biệt của mỗi chúng sanh trong thế giới lục đạo luân hồi.
Đạo Phật không chấp nhận có Quỷ thần ban phước giáng hoạ, điều khiển,
sai khiến mọi người bằng một quyền năng vô hình như các truyền thuyết
khác. Thế gian này với thiên hình, vạn trạng, vô số chúng sinh đủ loại
màu sắc, hình dạng; sự sai biệt đó là do tạo nghiệp bất đồng mà thọ nhận
quả báo tốt hay xấu; có loài sống dưới nước như tôm, cá, lươn, cua…; có
loài sống trên không như chư Thiên; có loài sống ở đất liền như loài
người và các loài động vật, thực vật khác; như thế, Quỷ thần cũng là một
loại chúng sanh như vô số chúng sanh khác trong bầu vũ trụ bao la này.
Kinh Phật còn cho chúng ta biết thêm về thế giới quan, có chúng
sanh hữu tình, chúng sanh vô tình, có loài hữu hình, hữu tướng, có loài
vô hình, vô tướng. Tất cả đều tùy theo căn thức và nghiệp cảm mà có ra
vô số sự sai khác, không có một chúng sanh nào cai quản chúng sanh nào
mà tuỳ theo nhân tốt xấu để cho ra kết quả tương xứng trong hiện tại.
Chính vì vậy, Đức Phật không bao giờ khuyên dạy bất cứ ai cầu khẩn, van
xin nơi Quỷ thần vì Quỷ thần cũng chỉ là một chúng sanh và đang chịu sự
chi phối, vận hành của quy luật nhân quả.
Tóm lại, giáo lý nhà Phật có nói đến các loại Quỷ thần như là một
chúng sanh bị nghiệp cảm thọ báo mang hình hài, nghiệp thức trong loài
đó. Phật giáo không chấp nhận có một đấng quyền năng ban phước, giáng
hoạ dù là Nhất thần hay Đa thần giáo. Ðôi khi, người Phật tử chỉ biết
đặt niềm tin nơi đấng thiêng liêng nào đó để cầu nguyện, van xin, khấn
vái cho được tai qua nạn khỏi, cho được bình yên hạnh phúc mà không chịu
tìm hiểu rõ nguyên nhân thật giả, không chịu tìm hiểu cho chánh đáng,
không chịu học hỏi bằng tâm chân chính; nên một số người lợi dụng chỗ
yếu kém đó từ sự mê tín dị đoan, tin mà không hiểu, nên dễ gạt gẫm, dễ
lợi dụng, dễ sai khiến; hậu quả khó lường trước được.
Thế gian này là một chuỗi dài phiền muộn, khổ đau nhiều hơn là bình
yên, hạnh phúc. Cho nên, nhận định cuộc đời "khổ nhiều vui ít" là một
sự thực rõ ràng, nhưng ít ai dám mạnh dạn nhìn nhận. Con người do bộn bề
công việc vì mải mê đấu tranh, vật lộn với cuộc sống hằng ngày, nên
không có thời giờ để suy tư, tìm hiểu, nghiệm xét. Khi gặp hoàn cảnh khổ
đau hay những điều bất như ý, con người chỉ biết oán trời trách đất, đổ
thừa xã hội bất công hoặc trách cứ ông bà cha mẹ ăn ở bất nhơn thất
đức, nên con cháu bây giờ mới ra nông nổi này.
Lòng tin của chúng ta phải có cơ sở, mà cơ sở đó được trải nghiệm
qua sự quán chiếu, tìm tòi. Chính sự quán chiếu đó làm cho ta tăng
trưởng thêm sự nhận thức đúng đắn, nhờ vậy trong đời sống ta bớt âu lo,
căng thẳng hay phiền muộn, khổ đau. Chúng ta tìm thấy niềm vui và hạnh
phúc trong những phút giây làm việc để phục cho tha nhân và không phải
bận tâm lo lắng nhiều đến kết quả của nó. Lòng tin khi phát sinh trí tuệ
đã giúp chúng ta giải thoát được “cái tôi” dính mắc, cố chấp vào sự
hiện hữu của nó.
Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng đều phải hiểu rằng, không phải
lúc nào mọi việc cũng đều thuận lợi như ta mong muốn bởi sự thay đổi bất
thường trong cuộc sống. Để củng cố lòng tin, chúng ta cần phải sống có ý
chí, kiên trì, bền bỉ và thành thật. Khi gặp những chỉ trích, phê phán
ngược lại lòng tin của mình, ta vẫn bình thản, an nhiên mà không bị họ
làm lung lạc.
Như thời đức Phật còn tại thế, Ngài rất thận trọng khi nói đến lòng
tin. Trong kinh Nền Tảng Đức Tin, khi dân chúng Kalama hỏi đức Phật
việc phải tin theo ai trong số các bậc đạo sư thường đến giảng dạy tại
làng họ, Ngài đã chỉ cho họ cách để bảo vệ và phát triển lòng tin: “Này
các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư
và thể nghiệm; chỉ khi nào sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận
thấy lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người
trí tán thán; nếu sống và thực hiện các lời dạy này sẽ đưa đến hạnh
phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài, thì lúc ấy quý vị hãy đặt
niềm tin bất động và thực hành theo”.
Chính chúng ta trải nghiệm, kinh qua để thấy lòng tin của mình được
củng cố ra sao, vì giá trị vô giá của lòng tin ta không thể xem nhẹ
những trải nghiệm tự thân cần thiết này. Chúng đích thực là chất liệu,
là năng lực giúp mọi người duy trì để sống đời bình yên và hạnh phúc.
Chúng ta hãy tìm hiểu lại cuộc đời của đức Phật trước và sau khi Ngài
thành đạo bằng đôi mắt thiền quán của chính mình để có thể thấy được giá
trị của lời dạy chân chính ấy. Là Phật tử, tất cả chúng ta đều biết
rằng trước khi Phật thành đạo, Ngài có làm gì đâu, Ngài chỉ ngồi lặng
yên nơi cội Bồ đề để chuyển hoá những tâm tư vọng động, hư dối, thế mà
Thiên ma vẫn tìm đủ mọi cách để quấy phá sự thành đạo của Ngài.
Ngài đã thành tựu dưới cội Bồ đề nhờ biết cách buông xả, cho đến
khi Ngài thành đạo rồi nhưng chưa có ý định đi giáo hoá thì Thiên ma lại
yêu cầu Ngài nhập Niết Bàn. Trong suốt 49 năm hoằng hoá độ sinh, Thiên
ma luôn luôn đi theo đức Phật và tìm đủ mọi cách để khiến Ngài sớm nhập
Niết Bàn. Cuối cùng, khi Ngài đến xứ Câu Thi La, đức Phật nói với Tôn
giả A Nan là Ngài dự định 3 tháng nữa sẽ nhập Niết Bàn tại đây.
Sau khi đức Thế Tôn tuyên bố buông bỏ thọ mạng, đến lúc đó, ngài A
Nan mới nhận ra và vội vã đến thỉnh Phật tiếp tục trụ thế; nhưng Phật
dạy: ”Như Lai đã nói là làm, Như Lai đã tuyên bố buông bỏ thọ mạng. Bây
giờ đã có đủ 4 chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, có giới
luật rồi, có pháp của Như Lai rồi, đã đến lúc Như Lai nhập Niết Bàn!”