Kiến trúc - Nghệ thuật
Khám phá 5 ngôi đền, chùa kỳ lạ nhất thế giới
24/04/2014 01:48 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Ở ngôi đền rắn (Malaysia), nếu như không biết trước, nhiều người sẽ chết ngất khi thấy vắt vẻo trên đầu mình là những con rắn đủ chủng loại. Còn đến đền Karni Mata (Ấn Độ), người ta sẽ phải giật mình bởi đây là nơi trú ngụ của hơn 20.000 con chuột.

Ngôi đền rắn, Malaysia

Ngôi chùa này được xây dựng năm 1873, nằm ở Kluang trên đảo Penang, Malaysia. Cái tên chùa rắn bắt đầu xuất hiện sau khi công trình này hoàn thành, đã có rất nhiều rắn lục, một loại rắn độc đến cư ngụ. Đặc biệt, hàng năm cứ độ xuân về, nhà chùa khai hội, số lượng rắn bò về chùa ngày một nhiều hơn.


Rắn có mặt ở khắp mọi nơi trong ngôi đền

Mới bước vào chùa, nếu không biết trước, nhiều người sẽ chết ngất khi thấy vắt vẻo trên đầu mình là những con rắn đủ kích cỡ, màu sắc, chủng loại. Nhưng trong suy nghĩ của những người dân Malaysia, những “ngài” rắn này chính là hóa thân của Hộ pháp để bảo vệ chùa và giữ gìn sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.

Chùa Todaiji, Nhật Bản

Ở Nhật Bản có một ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới. Đó là chùa Đông Đại hay tiếng Nhật là Todaiji. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 743 và hoàn thành vào năm 751.

Chùa Đông Đại tồn tại gần 1.500 năm. Cổng chùa có 18 cột trụ chống đỡ, mỗi cái cao 20 mét, với đường kính hơn 1 mét.


Tượng Đại Phật bằng đồng cao 30m (kể cả bệ)

Là một trong những ngôi chùa cổ lớn nhất ở Nhật Bản, chùa Đông Đại sở hữu rất nhiều bảo vật rất có giá trị về văn hóa, lịch sử. Chùa hiện có 20 pho tượng Phật và tác phẩm nghệ thuật được xếp loại di sản quốc gia. Đặc biệt, chùa có hai pho tượng hộ pháp được ghép từ 3115 miếng gỗ cao gần 8 mét, có tuổi thọ trên 800 năm.

Ngoài ra, chùa còn lưu giữ được những bức chạm trổ rất tinh xảo, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc gỗ Nhật Bản, những bức tượng cổ bằng đồng cùng hàng trăm di vật, cổ vật quý hiếm.

Đền Karni Mata, Ấn Độ

Đền Karni Mata ở Deshnoke, bang Rajasthan (Ấn Độ) có lẽ là một trong những ngôi đền kỳ lạ nhất thế giới bởi đây là nơi trú ngụ của hơn 20.000 con chuột. Đặc biệt hơn, chuột chính là loài được tôn thờ ở đây và có uy quyền hơn cả… con người.


Những con chuột tại đây được cho ăn rất cẩn thận với đủ các loại hoa quả, thực phẩm khác

Ở đây, người ta gọi những con chuột là “Kabbas” và tôn thờ chúng như những vị thánh. Được thoải mái “rong chơi” khắp chốn và được cho ăn hàng ngày, chính bởi vậy, đàn chuột tại ngôi đền này đã lên tới hơn 20.000 con. Đã có rất nhiều người vượt ngàn trùng xa xôi đến đây cũng chỉ để làm lễ bái chúng.

Khi vào đền, chẳng may làm chết một con chuột, du khách sẽ phải trả giá bằng một con chuột được đúc từ vàng khối!

Nhà thờ Basilica , Đức

Nhà thờ Basilica ở thị trấn nhỏ Waldsassen, Đức có chứa 10 bộ xương mặc trang phục hoàng gia và được phủ đầy trang sức, đá quý có giá trị.


Hàng năm, rất nhiều tín đồ ở muôn phương đổ về đây để cầu nguyện trước vị cứu thế "không tay" này.

Người ta cho rằng, 10 bộ xương trong nhà thờ Basilica là của những tu sĩ tử vì đạo Kito giáo. Người ta đã khai quật những bộ xương này từ hầm mộ ở Rome trong khoảng thời gian từ năm 1688 - 1765. Để tưởng nhớ các tu sĩ trong nhà thờ đã tử vì đạo nên người ta đã quyết định mặc cho họ những bộ quần áo hoàng gia lộng lẫy và phủ kín cơ thể họ với nhiều đồ trang sức, đá quý có giá trị.

Nhà thờ Basilica còn nổi tiếng thế giới khi là một trong những nhà thờ lớn nhất được xây dựng theo phong cách kiến trúc baroque.

Đền Wat Khunaram, Thái Lan

Wat Khunaram là ngôi đền tại đảo Koh Samui ở Thái Lan. Mặc dù wat Khunaram không phải là một trong những ngôi chùa đẹp và hùng vĩ nhất của Thái Lan, nhưng là nơi rất đáng để mọi người đến hành hương, chiêm bái vì nơi đây có thờ nhục thân bất hoại của một vị Tăng sĩ - ngài Loung Pordaeng.

Hình ảnh nhục thân bất hoại của ngài Loung Pordaeng(1894 - 1973)
Hình ảnh nhục thân bất hoại của ngài Loung Pordaeng (1894 - 1973)

Những người đến Wat Khunaram đều thăm xác của nhà sư Luang Por Daeng. Khi sinh thời, Luang Por Daeng là người nổi tiếng về dạy kỹ thuật thiền.

Đối với người dân Thái Lan nói riêng và người Phật tử nói chung, mọi người rất kính trọng nhục thân của bậc chân tu, được chiêm bái nhục thân của các vị là một diễm phúc, là phước báo lớn. Và họ quan niệm rằng, chết là một cơ hội tốt để được tái sinh vào kiếp sau và có một đời sống tốt lành hơn.


Nhữ Trang (tổng hợp)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch