Văn hóa Phật Giáo
Tôn trọng người là tự trang nghiêm chính mình
Nguồn: phutsuyngam.com
01/12/2016 14:32 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Là người, ai cũng có nhu cầu được người khác tôn trọng, và ngược lại bản thân mình cũng phải là người biết tôn trọng người khác. Người ta thường bảo với nhau rằng "Tôn trọng người là tự trang nghiêm chính mình". Điều này quả thật không bao giờ sai khác. Sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu một câu chuyện có thật về cách ứng xử thật thiện lành, khéo léo của một con người thiện lương, nhân hậu.




Rằng thì vào một ngày nọ, có một ông lão ăn mày quần áo rách tả tơi, đầu tóc bù xù, trên người bốc ra một mùi hôi khó chịu đứng trước một cửa tiệm bánh ngọt náo nhiệt. Những vị khách mua hàng đứng bên cạnh đều bịt mũi, nhíu mày, tỏ rõ thái độ ghét bỏ và khó chịu với ông ấy. Nhân viên bán hàng quát to: “Đi ngay! Đi ngay đi!”. Người ăn mày lập cập lấy ra mấy đồng tiền lẻ bẩn thỉu và nói: “Tôi đến mua bánh ngọt! Loại nào là nhỏ nhất?”.

Ông lão chủ tiệm bánh ngọt đi đến, niềm nở lấy ra một chiếc bánh ngọt nhỏ và đẹp đẽ từ trong tủ kính đưa cho người ăn mày, rồi cúi người thật sâu xuống, nói: “Cảm ơn quý khách đã mua hàng! Hoan nghênh lần sau lại tới!”. Người ăn mày vẻ mặt thất kinh rời khỏi cửa tiệm, dường như anh ta chưa từng được đối xử tôn trọng đến như vậy ở trong đời… Cháu trai người chủ tiệm bánh thấy lạ liền hỏi: “Ông nội! Sao ông lại niềm nở với người ăn mày bẩn thỉu đó như vậy ạ?”. Chủ tiệm bánh giải thích: “Mặc dù đó là một người ăn mày nhưng cũng là khách hàng. Ông ấy vì để ăn được bánh ngọt của chúng ta đã không tiếc tiêu những đồng tiền khó khăn lắm mới kiếm được. Thực sự là rất khó có được! Nếu ông không tự tay phục vụ ông ấy thì sao có thể xứng đáng với phần ưu ái của ông ấy giành cho chúng ta đây?”. Cháu trai lại hỏi: “Đã vậy thì sao ông lại còn thu tiền của ông ấy ạ?”. Người chủ tiệm bánh nói:“Ông ấy hôm nay đến đây là khách chứ không phải là đến ăn xin đâu cháu ạ! Đương nhiên, chúng ta phải tôn trọng ông ấy chứ! Nếu như ông không thu tiền của ông ấy, thì chẳng phải đã vũ nhục ông ấy rồi sao? Nhất định phải nhớ kỹ, phải tôn trọng mỗi một khách hàng của chúng ta, cho dù đó là một người ăn mày. Bởi vì hết thảy những thứ chúng ta có đều là do khách hàng cấp cho”.

Cậu bé nghe xong có phần hiểu nên gật gật đầu. Ông chủ tiệm bánh này chính là ông nội của nhà kinh doanh, tỷ phú Nhật Bản – Yoshiaki Tsutsumi. Tỷ phú Tsutsumi từng nói: “Năm đó, mỗi cử động của ông nội đối với người ăn mày đó đều khắc sâu vào trong tâm trí của tôi”. Về sau, Tsutsumi đã kể lại rất nhiều lần câu chuyện này cho nhân viên của mình nghe để họ học tập cách tôn trọng khách hàng.

Câu chuyện này sau đó đã được lan truyền rộng khắp trên các trang mạng xã hội, và thế là những tiếng lời bình luận bắt đầu vang vọng lên. Người thì bảo rằng cần phải làm cho mọi người tin vào luật nhân quả, gieo thiện lành sẽ gặt quả tốt đẹp, gieo bất thiện lành sẽ gặt quả đắng cay, khi tin vào nhân quả, người ta sẽ không buông lời sỉ vả, nhục mạ người khác, thấy người khác xấu về ngoại hình, người ta sẽ không chê bai khinh khi vì làm như vậy họ sẽ tạo nghiệp không tốt cho chính bản thân, thấy người thiểu năng về mặt trí tuệ, người ta sẽ không khinh khi, cười mỉa mai, vì làm như vậy họ sẽ tự mình làm tổn hao phước báu, một xã hội ai cũng tin nhân quả thì trong xã hội đó, người ta sẽ sống thật thiện lành, biết tôn trọng sự sai khác của nhau, biết hướng tới những giá trị tốt đẹp của chân thiện mỹ mà không phải là chạy theo những thứ phù phiếm bên ngoài, không phải chỉ coi trọng những người giàu sang, ăn vận, phục trang lộng lẫy, mà còn coi trọng cả những người gian khó, những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh. Hy vọng rằng những ai khi hay biết câu chuyện trên sẽ thể đổi thay thái độ, và cách hành xử để có được một cuộc sống bình yên, và hạnh phúc.

Cuộc đời là vậy, nhưng dù cuộc đời có như thế nào đi nữa, mỗi người chúng ta cũng đều cần đến một sự tỉnh giác nhất định nào đó để có được thái độ, và cách hành xử hợp tình hợp lý nhất có thể. Và để có được điều này có lẽ là chúng ta cần phải có được nhận thức đúng đắn về cái tôi. Cái tôi chỉ là do vô vàn các yếu tố khi đủ duyên thì hội tụ thành, khi duyên tiêu tán thì tan biến mất, cái tôi chỉ là huyễn hóa, duyên hợp tạm bợ, cái tôi không thật có, thì cái gọi là của tôi cũng không thật.

Khi có nhận thức như vậy, chúng ta sẽ dần vơi giảm ái ngã, vốn dĩ là nguồn gốc của tham, sân, si, của mọi khổ đau trong cuộc đời. Khi có nhận thức như vậy, thì khi có những ý niệm, hay xúc cảm lăn xăn hiện lên trong tâm tư, chúng ta chỉ cần nhìn, nhìn, và nhìn thẳng vào chúng, chỉ nhìn mà không tham đắm, không đè nén, không diệt trừ, không lãng tránh, cũng không mong cầu bình yên, nhìn để thấy được các tiến trình sinh khởi, lan tỏa, tăng giảm cường độ, và dần tan biến mất của chúng.

Trong khi tọa thiền, chúng ta nên chú tâm vào một điểm trước mặt, có thể chọn một điểm trên chóp mũi. Trong khi chú tâm như vậy, nếu vọng tưởng, xúc cảm thị phi, và cơn đau có khởi lên nhè nhẹ, chúng ta có thể thản nhiên bỏ qua chúng, đừng để ý đến chúng, vẫn tiếp tục chú tâm tại một điểm trên chóp mũi, chúng có hiện lên rồi sẽ tự tan, nhưng khi vọng tưởng, xúc cảm thị phi, và cơn đau khởi lên quá mãnh liệt, thì lúc này, chúng ta có thể lùi về một góc chuyển sang theo dõi hơi thở vào ra một cách tự nhiên nơi mũi, đừng bận tâm đến chúng, hoặc chúng ta có thể chuyển sang nhìn thẳng vào chúng, rồi chúng cũng sẽ tan.

Khi vọng tưởng thuộc về thế giới nhị nguyên phân biệt đối đãi giữa có không, được mất, hơn thua, phải quấy, trong ngoài, đẹp xấu, thiện ác, vui buồn, thương giận… tan mất, khi đó chỉ còn lại duy nhất niệm vi tế tại chóp mũi, chúng ta cần nên buông xả cả niệm vi tế này, cần thêm một bước vượt qua tâm thái này, nhà thiền gọi là đầu sào trăm trượng cần phải một bước nhảy qua, như khi trèo lên cây một trăm thước, khi trèo lên là còn có cây để trèo, trèo tới đầu sào chót ở trên, phải nhảy qua khỏi mới được, nhảy khỏi cho tan nát tâm phân biệt, chấp trước vi tế, để không rơi vào không, năng giác sở giác đều không, mọi thứ đối đãi dứt bặt, nhảy qua khỏi liền thể nhập vào bản tâm hằng thanh tịnh, rỗng rang, và sáng tỏ, thường hay biết mọi sự vật, hiện tượng nhưng không khởi ý phân biệt. Từ tâm thái này chúng ta sẽ thể phát khởi ra những ý nghĩ, lời nói, và hành động đúng đắn đem đến lợi lạc chân chính cho không chỉ bản thân mà còn cho cả mọi chúng hữu tình xung quanh.
 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch