Mới đây, tôi có dịp vào thăm một cháu bé điều trị ở một bệnh
viện chuyên khoa lớn tại TPHCM. Điều ngạc nhiên là trên những chiếc tủ
nhỏ đầu giường bệnh, đều có đặt theo chiều đứng một quyển sách, bọc bìa
nhựa đã cũ, do có nhiều người xem.
Cầm lên, thì ra đó là một quyển sách tôn giáo. Nhưng không phải là sách Phật giáo, mà là sách của một tôn giáo khác.
Những chiếc tủ đầu giường bệnh khác đều có đặt những quyển sách của
tôn giáo khác đó, nhưng dường như có quyển khác với tựa sách mà tôi đang
cầm.
Phải nói, đây là một cách truyền đạo khéo léo, tế nhị và chắc chắn có hiệu quả!
Khi có bệnh, phải tìm đến bệnh viện, thì đó là lúc cả bệnh nhân lẫn
người nhà bệnh nhân có nhu cầu cao nhất đối với niềm tin tôn giáo. Chắc
chắn, điều họ cầu mong là được phù hộ tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu
trừ. Một quyển sách tôn giáo đặt trước mặt họ quả là một chiếc phao cứu
sinh trong hoàn cảnh bệnh tật bi kịch.
Bên cạnh đó, thời gian nằm bệnh viện là thời gian nhàn rỗi, cả đối
với bệnh nhân lẫn người nuôi bệnh. Do đó, hoàn cảnh này rất thuận lợi
cho việc đọc sách. Nay có sách để sẵn trước mặt, lại là sách phù hợp với
yêu cầu trong hoàn cảnh bệnh tật, thì khả năng bệnh nhân và người nuôi
bệnh đọc quyển sách tôn giáo được đặt sẵn bên giường là rất cao.
Người có thể đặt những quyển sách tôn giáo như vậy bên cạnh giường
bệnh nhân chỉ có thể là nhân viên bệnh viện. Sau khi quyển sách tôn giáo
đặt sẵn đã được bệnh nhân và người nhà nuôi bệnh đọc, tất yếu sẽ có
những hoạt động tiếp theo, mà có thể là đi đến trường hợp… một vị “Chân
tu cải đạo” như trong năm rồi.
Tôi nghĩ là việc đặt sẵn sách tôn giáo bên giường bệnh nhân như vậy
không phải chỉ có ở bệnh viện mà tôi vừa đến. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng
cũng có thể ở một bệnh viện nào đó các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý… nhân
viên bệnh viện là Phật tử, cũng đã đặt những quyển sách Phật giáo bên
giường bệnh để trợ giúp tinh thần người bệnh cũng như thân nhân của họ.
Mong rằng , điều này trở nên phổ biến đối với kinh sách của đạo Phật
ta. Đây là một hình thức bố thí pháp, đem lại nhiều công đức cho người
bố thí, cũng như lợi lạc, an ủi cho người được nhận pháp thí, đặc biệt
là trong hoàn cảnh ốm đau, bệnh tật nặng nề, phải nằm lại bệnh viện điều
trị dài ngày.
Trong hoàn cảnh bệnh nhân nằm viện, pháp thí là điều không gì có thể
so sánh được. Những bữa cơm, bát cháo từ thiện có thể là đáng quý với
những bệnh nhân khó khăn, nhưng pháp thí là đáng quý đối với tất cả mọi
người đang đau khổ vì tật bệnh.
Quyển sách của một tôn giáo khác mà tôi bắt gặp trong một bệnh viện
chuyên khoa được nói đến ở trên là một quyển sách lưu hành nội bộ, không
có giấy phép xuất bản. Nếu phổ biến sách Phật giáo trong các bệnh viện
với phương thức tương tự thì chắc chắn Phật giáo chúng ta sẽ thuận lợi
hơn nhiều, vì tuyệt đại đa số sách Phật giáo đều được xuất bản theo đúng
luật, đương nhiên được phép phổ biến rộng rãi ở mọi nơi.
Hơn nữa, gần đây, có một số tựa sách Phật giáo do các học giả có cảm
tình với đạo Phật biên soạn nhìn chung chuyển tải được các giá trị Phật
pháp, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản.
Nếu có gặp khó khăn nào đó trước vấn đề phổ biến sách tôn giáo, thì
điều đó chắc chắn không thể có đối với sách có nội dung Phật giáo do Nhà
xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản (tại TPHCM bán ở Chi nhánh Nhà
xuất bản Chính trị Quốc gia, 72 Trần Quốc Thảo, gần ngã tư Trần Quốc
Thảo – Võ Thị Sáu)
Kính mong Ban Hoằng pháp Trung ương và các địa phương, các tự viện,
tu viện quý tôn đức, Tăng Ni quan tâm nhiều hơn đến việc hoằng pháp đến
đối tượng bệnh nhân trong các bệnh viện, tổ chức biên soạn những tựa
sách giáo lý thích hợp thích hợp đối đối tượng này, có tác dụng an tâm,
cứu khổ, an ủi người bệnh và gia đình, vận động ấn tống với số lượng
lớn, để phục vụ hoạt động hoằng pháp, mà theo tôi nghĩ, là hết sức thiết
thực này.
MT (PTVN)