Hoằng Pháp
Để Phật giáo không chỉ của phụ nữ, người già
Nguyễn Hữu Đức
23/08/2012 04:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Việc hoằng dương Phật pháp là trách nhiệm không chỉ của giáo hội mà của tất cả tăng ni Phật tử. Mỗi chúng ta là một chiếc đũa, cùng nhau đồng lòng, hợp sức sẽ thành bó đũa.


Vừa qua Trang phattuvietnam.net có đăng bài viết "Hòa thượng Bảo Nghiêm thuyết pháp tại chùa Xuân Lan". Buổi sáng tôi có gửi phản hồi như sau: "Xin thành kính tri ân công đức của thầy Bảo Nghiêm đã không quản ngại đường xá xa xôi để đem ánh sáng Phật pháp đến tận miềm biên viễn nơi địa đầu tổ quốc. Song nhìn hình ảnh của bài viết con có một thắc mắc nhỏ: Một buổi thuyết pháp của Hòa thượng Phó chủ tịch, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương mà thính chúng chủ yếu là người già và phụ nữ. Không biết Hòa thượng có suy nghĩ gì về thực trạng PGVN không?"

Buổi chiều tôi đã nhận được trả lời từ Thầy Bảo Nghiêm. Con xin phép đăng nguyên văn lời Thầy: “Vừa có người nói, thầy đã đọc phản hồi của con. Hữu Đức ơi, thầy cảm ơn câu hỏi này. Thầy trăn trở lắm nhưng bàn tay không che được mặt trời. Đi đâu giảng pháp thầy cũng khuyến cáo tất cả mọi tầng lớp đến chùa. Tri ân Hữu Đức”.

Nhân đây tôi xin bàn luận câu nói trên của Thầy, đứng trên quan điểm cá nhân để mọi người cùng suy ngẫm.

Thầy Bảo Nghiêm dù rất trăn trở và dấn thân hoằng pháp không biết mệt mỏi suốt những năm qua, gây dựng nhiều đạo tràng, gây dựng nhiều câu lạc bộ thanh niên Phật tử, không quản ngại gian khó, Thầy giảng pháp ở khắp mọi miền tổ quốc, nhất là những Pháp hội lớn đều không thiếu vắng thầy.

Thế nhưng Thầy chỉ có một báo thân mà không phải có 33 ứng thân như Bồ tát để có thể ứng hiện cùng một lúc tất cả các nơi đang cần Thầy. Thầy cũng chỉ có 2 bàn tay mà không phải là ngàn tay như Bồ tát để có thể che kín bầu trời.

Nói như thế để thấy rằng sự nghiệp hoằng pháp và chấn hưng PGVN cần có sự hợp sức của tất cả tăng ni phật tử VN.

Trách nhiệm của chư Tôn đức Tăng Ni

Tăng Ni là những bậc xuất gia, từ bỏ mọi ham muốn, cám dỗ vật chất, dục vọng tầm thường để bước vào con đường tu hành theo lời Phật. Do vậy người xuất gia phải quyết chí tiến tu để thành chính quả nếu không bỏ phí cả một đời một kiếp tu hành.

Giữ gìn giới đức, phẩm hạnh, oai nghi của người xuất gia: Người xuất gia nghiêm trì giới luật, sống cuộc đời đạo hạnh, giản dị thanh cao, không ham vật chất, danh vọng. Từng lời nói, việc làm đều toát nên vẻ từ ái khoan dung. Một bậc chân tu như vậy sẽ là tấm gương sáng ngời cho đạo hạnh, phẩm chất của người tu hành, có tác dụng cảm hóa được mọi người, lôi cuốn được  mọi người đến với đạo, được chính quyền và người dân nể phục.

Rất tiếc gần đây có một số thầy tu không giữ được giới luật, có những việc làm, hình ảnh gây phản cảm cho xã hội. Như vụ nhà sư Hàn Quốc đánh bạc, sư cô Đài Loan dùng hàng hiệu, sư Thái Lan tụng kinh nhảy híp hốp; ở Vn là nhà sư chụp ảnh xì - tin, nhà sư trang điểm xách váy cho người đẹp, sư hoàn tục trộm SH, bảo vệ của thầy Tâm Mẫn hành hung người.

Những sự việc đó tuy không nhiều nhưng con sâu làm giầu nồi canh, ảnh hướng đến uy tín của giáo hội, làm thối bồ đề tâm của hàng Phật tử, là cơi hội cho ngoại đạo công kích cải đạo tín đồ.

Nhân đây cũng xin kể thêm: những lúc ngồi nói chuyện với bạn bè, người thân hay đồng nghiệp đôi khi tôi cũng hay lồng ghép giáo lý nhà Phật vào câu chuyện để hoằng pháp một cách nhẹ nhàng nhưng có lúc nhận được phản hồi từ họ rằng “sư bây giờ đi tu như cái nghề, nhiều sư giầu lắm, có cả xe sang, điện thoại sành điệu, sư ăn cái này, uống cái kia, quát mắng thờ ơ với Phật tử, đi cúng lấy tiền cao, chỉ nhà giầu mới nhờ được…”.

Những thông tin như thế được truyền từ người này sang người kia làm cho xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm với đạo Phật và người xuất gia, rất khó khăn trong việc hoằng dương Phật pháp.

Cũng có lẽ vì thế mà bản thân tôi cũng thỉnh thoảng làm các chương trình từ thiện, nhưng thú thực vận động mọi người đóng góp ủng hộ bệnh nhân, người nghèo còn dễ hơn là vận động cúng dường chùa này thầy kia.

Hoằng pháp độ sinh: Các thầy xuất gia vinh dự được mang họ Thích, là dòng dõi của Như Lai thì hơn ai hết quý thầy nhận thức được vai trò của mình trong việc thay Phật hoằng truyền Phật pháp tại thế gian, là tận độ chúng sinh.

Người xuất gia không phải là người trông chùa hay là thầy cúng đơn thuần. Mà trong mỗi khóa lễ quý thầy nên giảng giải lời kinh ý Phật, lồng ghép các câu chuyện, các tình huống ở đời dưới quan điểm giáo lý Phật giáo, giảng giải các bài học đạo đức hiếu hạnh, hướng dẫn Phật tử sống có đức độ, từ bi yêu thương mọi người theo tinh thần Phật giáo. Chứ không phải mỗi khóa lễ các thầy chỉ tụng kinh xong rồi về thì Phật tử đi chùa biết bao giờ mới ngộ đạo và hiểu đạo.

Người xuất gia không phải lấy chùa làm trốn tránh đời hoặc đóng cửa một mình mình tu, sáng tối tụng hai thời kinh rồi cầu nguyện cho tất cả chúng sinh đều thành Phật đạo đã là xong mà phải biến cái lời cầu nguyện ấy bằng hành động.

Đó là quý thầy phải mở rộng cửa chùa tổ chức khóa tu cho tất cả mọi người cùng tu. Các thầy không có điều kiện tự tổ chức được thì có thể liên kết các chùa cùng tổ chức, các thầy không giảng đạo được thì mời thầy giảng sư về giảng đạo cho Phật tử.

Không chỉ tổ chức khóa tu mà còn tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, vui trung thu, mừng thọ, phát học bổng cho học sinh, tuyên dương gương Phật tử tinh tấn…

Mỗi khi Phật tử có nhu cầu tâm linh, hay gặp hoạn nạn xin đừng thờ ở bỏ mặc Phật tử mà kêu gọi mọi người cùng chung tay theo tinh thần lá lành đùm lá rách.

Có nhiệt huyết, có hạnh nguyện dấn thân: Những vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo; vùng tây bắc, đông bắc, tây nguyên, tây Thanh- Nghệ, tây nam bộ , những nơi đó Phật giáo còn trắng, còn thiếu và yếu cần lắm những bước chân hoằng pháp của quý thầy về đây gieo trồng Phật pháp. Vừa giữ yên phên giậu quốc gia vừa mở mang Phật giáo.

Nhưng rất tiếc PGVN còn chưa thực sự quan tâm chú trọng việc này, Những nơi đó không có chùa và không có sư, một số tỉnh miền núi tây bắc còn chưa thành lập được ban trị sự, rất ít các thầy dám dấn thân chịu đựng gian khổ về đó lập chùa tu hành, hoằng pháp  mà để vùng đất này cho Tin Lành Công giáo ra sức khai phá.

Những vụ tin lành Đề ga, vụ Mường Nhé vừa qua là bài học đắt giá cho việc chúng ta bỏ quên việc hoằng Pháp tại những vùng này .

Các thầy du học nước ngoài, học xong xin hãy về nước, các thầy tốt nghiệp ở các trường cao đẳng, học viện PG khi ra trường các quý thầy đem kiến thức và sức trẻ phụng sự đạo pháp và chúng sinh, các thầy không chỉ có tu và làm trụ trì ở các nơi có điều kiện như thành phố.

Các thầy tu học ở chùa Phật Quang, Chùa Hoằng Pháp, ở các thiền viện, ở Chùa Bằng khi đã trưởng thành về đạo lực rất mong thầy bổn sư và giáo hội cắt cử các thầy về trụ trì tại các chùa ở những nơi còn thiếu vắng Phật pháp để gây dựng phong trào tu học . Trong lịch sử đức Phật đã từng khuyên các đệ tử của mình mỗi thầy đi một hướng để giáo hóa chúng sinh.

Chúng ta đã có những tấm gương điển hình như câu lạc bộ hoằng pháp trẻ thành tp HCM, thầy Minh Đăng ở Cưm’ga, thầy Tâm Quán ở chùa Diên Quang, 6 thầy ở Khánh Hòa ra trụ trì tại Trường Sa, những thầy đó với sức trẻ, sự nhiệt tình và và tâm nguyện dấn thân các thầy đã đến những nơi xa xôi có điều kiện kinh tế khó khăn để hoằng truyền Phật Pháp . Kể từ ngày có thầy, Phật giáo tại nơi đã đó đơm hoa kết trái.

Giá như trong hàng vạn tăng ni trong cả nước hiện nay đều có hạnh nguyện dấn thân hoằng pháp như vậy thì quý biết mấy, thầy Bảo Nghiêm đã không phải thốt lên rằng: Một bàn tay không che nổi mặt trời.

Trách nhiệm của người Phật tử

Sự thịnh suy của Phật giáo không chỉ có trách nhiệm riêng của các thầy mà còn có trách nhiệm của người Phật tử.

Chúng ta nhìn thấy thực trạng PGVN mà chỉ biết thở ngắn than dài hoặc chỉ biết quy trách nhiệm cho giáo hội cho các thầy.  Không ai khác,chính chúng ta phải nhận trách nhiệm của mình trong đó và phải hành động và chứng tỏ mình là một phật tử chân chính. Một phật tử chân chính là một Phật tử:

Phật tử phải hiểu đạo: Phật tử là con Phật, con nhà tông không giống lông thì giống cánh, chúng ta nhận là con Phật mà chúng ta không hiểu Phật, không hiểu lời dậy của Phật, không hành trì theo lời Phật thì có được gọi là Phật tử không hay chỉ là giả Phật tử.

Hàng tháng chúng ta đi chùa không phải mê tín, van vái cầu xin Phật ban cho cái này cái kia mà phải xác định mục tiêu chính đi chùa là để cầu đạo và học đạo, học làm người, học nhân cách sống cao đẹp theo lời Phật dậy.

Để hiểu được đạo thì người Phật tử phải đến chùa học đạo, tham dự các lớp học giáo lý do các thầy thuyết giảng, tham dự các khóa tu do nhà chùa tổ chức. Đừng để tình trạng đi chùa mấy chục năm mà không hiểu đạo là gì?

Để hiểu đạo Phật tử có thể mua sách báo Phật giáo về đọc như cuốn sách Phật học phổ thông, mua băng đĩa thuyết giảng của các thầy như Bảo Nghiêm, Chân Quang, Chân Tính, Thanh Từ, Trí Quảng, Nhật từ, Phước Tiến.. hoặc các băng đĩa do các chùa Bằng, Chùa Hoằng Pháp, chùa Phật Quang, chùa Giác Ngộ phát hành.

Giới trẻ có thể vào các trang web Phật giáo để học. Bản thân tôi là một người trẻ, công việc tiếp xúc với mạng máy tính nhiều nên tôi thường xuyên vào các trang như phattuvietnam.net, thuongchieu.net,  Thư viện Hoa sen, Phật pháp ứng dụng, Pháp âm đạo phật ngày nay để đọc và nghe giảng Phật pháp. Tôi đến với Phật pháp là qua các trạng mạng như thế.

Người xưa có câu: thân người khó được, phật pháp khó cầu. Ấy vậy mà ngày nay, khi băng đĩa, sách Phật giáo in ấn rất nhiều mà chúng ta không chịu mua, không chịu nghe, không chịu đọc. Ngày nay các thầy đi giảng pháp cũng rất nhiều mà chúng ta có chịu đến chùa để nghe Pháp đâu. Một buổi thuyết pháp của thầy giảng sư tại chùa mà chỉ có mấy trăm hoặc mấy chục cụ già mà toàn phụ nữ nghe giảng. Chẳng lẽ đạo Phật đã biến thành đạo của người già và phụ nữ từ bao giờ.

Lỗi này tại ai? Tại các thầy ngăn cấm người trẻ, thanh niên đàn ông đến chùa hay tại chính quan niệm của chúng ta: đi chùa là để dành cho phụ nữ, trẻ vui nhà già vui chùa.

Đợi  đến lúc già mới đến chịu đến chùa học đạo lúc đó già rồi, sức tàn lực kiệt liệu tu học có còn kịp chăng?

Phải là tấm gương đạo đức nhân cách cho mọi người. Người Phật tử tại gia phải là người Phật tử thuần thành, giữ gìn được tam quy ngũ giới. Đã quy y là phải học và hành theo lời Phật dậy.

Trong gia đình là người ông, người bà mẫu mực, nhân từ, khoan dung. Là người chồng, người vợ thủy chung có trách nhiệm với gia đình, là người cha người mẹ yêu thương chăm lo cho con cái, là người con hiếu thảo ngoan ngoãn.

Là người bạn, người đồng nghiệp, người hàng xóm nhân đức, thân thiện, tôn trọng mọi người..

Chúng ta đi chùa học đạo là học đạo làm người, ta đi chùa thì phải là người sống có đạo đức nhân cách cao đẹp hơn hẳn người không có đạo. Chúng ta có thể tự hào rằng tôi là người tốt, người nhân đức do tôi là Phật tử, là do tôi đi chùa học đạo, sống có đạo. Chứ đừng để người thân và người khác nói rằng ông ấy bà ấy đi chùa rồi mà còn gian tham, ác độc, ăn điêu nói đặt, trộm cắp, văng tục chửi bậy…thật là vừa xấu hổ mà còn vừa làm xấu hình ảnh của người Phật tử.

Là người Phật tử, mỗi khi người khác nhìn vào đều yêu mến, cảm phục có như thế mới là tấm gương, là nguồn động viên, nguồn cảm hứng cho người khác vào đạo. Rằng ông ấy bà ấy từ ngày đi chùa đã sống tốt hơn, hoàn thiện hơn…

Là người hộ pháp và thực hiện Phật giáo hóa gia đình. Chúng ta đã biết đi chùa học đạo thì chúng ta sẽ hiểu đạo và khi đã hiểu đạo thì chúng ta sẽ thấy mình có trách nhiệm trong việc hộ trì Phật pháp. Người Phật tử sẵn sàng đóng góp công của cho giáo hội và nhà chùa để hoàn thành các Phật sự như: công đức xây dựng, cúng dường tăng ni, ấn tống kinh sách, tham gia làm tình nguyện viên cho các hoạt động như tổ chức khóa tu, thắp sáng niềm tin, tiếp sức mùa thi, các chương trình từ thiện của nhà chùa của giáo hội…

Là người giữ gìn cảnh quan, môi trường ngôi chùa mà mình hằng ngày tu học được sạch đẹp văn minh, không chen nhau lễ bái, không đốt vàng mã, không cài tiền lẻ..

Là người Phật tử phải có trách nhiệm trong việc Phật giáo hóa gia đình. Chúng ta phải có trách nhiệm khuyên bảo, khuyến khích con cháu người thân đi chùa học đạo. Đặc biệt là là cho con cháu đến chùa học đạo ngay từ khi còn nhỏ. Học Phật không bao giờ là sớm. Tuổi trẻ mà đã biết đạo thì có sức khỏe có trí lực, có điều kiện ứng dụng lời phật dậy vào trong cuộc sống, có thể đóng góp nhiều cho gia đình và xã hội.

Con trẻ như một tờ giấy trắng nếu ta tô hồng thành hồng, tô đen thành đen, đưa con cháu đến chùa học đạo ngay từ khi còn nhỏ là chúng ta tạo cơ hội cho con trở thành một người tốt, sống có ích, có con đường tâm linh thánh thiện. Trẻ chúng ta không uốn nắn theo giáo lý nhà Phật để khi chúng lớn nhiễm thói hư tật xấu ở đời lúc đó chúng ta có thể khuyên con cháu đến chùa được ko? Nhân gian có câu: trẻ không uốn, cả gãy cành là vậy.

Chúng ta là Phật tử có trách nhiệm Phật giáo hóa gia đình, đừng để mình biết đi chùa mà con cháu không biết đi chùa, đừng để bố làm thầy mà con đốt sách, mình là Phật tử mà con cái lại cải đạo theo đạo khác, lúc đó bàn thờ tổ tiên còn không giữ được chứ đừng nói đến bàn thờ Phật trong nhà.

Chúng ta đừng nghĩ vấn nạn cải đạo là việc của giáo hội phải giải quyết. Chúng ta đừng có nghĩ việc cải đạo nó chỉ xẩy ra ở nước này nước khác mà không phải ở Việt nam. Đừng nghĩ việc cải đạo chỉ xảy ra ở nhà này nhà kia mà không phải là con cháu nhà mình.

Chúng ta đừng có thái độ thụ động, trông chờ hay bàng quan như thế, việc cải đạo có thể đến với chính con cháu mình, nhất là cải đạo trong hôn nhân.

Chúng ta cho con đi chùa học đạo từ nhỏ là đã trang bị cho con một con đường tâm lính hướng thượng, là tạo cho con biết trân trọng và giữ truyền thống tâm linh của gia đình của dân tộc, là đã tạo cho con một sức đề kháng trước việc dụ dỗ cải đạo của tôn giáo khác.

Thiết nghĩ việc hoằng dương Phật pháp là trách nhiệm không chỉ của giáo hội mà của tất cả tăng ni Phật tử. Mỗi chúng ta là một chiếc đũa, cùng nhau đồng lòng, hợp sức sẽ thành bó đũa. Bó đũa ấy sẽ có nguồn sức mạnh to lớn để có thể chấn hưng Phật giáo Việt nam.

Theo: PTVN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch