Nhận diện vấn đề
Giảng dạy và học tập bậc đại học là
một trong những lãnh vực quan yếu và nền tảng nhất của giáo dục và đào
tạo đại học, bởi chính đây là cơ sở để xác lập bản chất và tính đặc
thù khác biệt giữa giáo dục cấp học Phổ thông và Đại học. Các Học viện
Phật giáo Việt Nam là những trung tâm giáo dục và đào tạo cấp đại học
của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do vậy, giảng dạy và học tập bậc đại học cũng là một vấn đề cốt lỏi quyết định tính đại học của các Học viện.
Tình hình giảng dạy và học tập bậc đại học tại các Học viện Phật giáo Việt Nam
Cũng như nền giáo dục đại học Việt Nam nói chung, giáo dục đại học ở
các Học viện Phật giáo Việt Nam đang gặp phải những tồn tại do lịch sử
để lại. Những tồn tại đó có thể tóm lược trong 3 nội dung lớn sau đây:
1. Phương pháp giảng dạy và học tập không hiệu quả : giáo
thọ/giảng viên quá phụ thuộc vào các bài giảng và ít sử dụng các kỷ
năng học tích cực; Tăng Ni sinh viên thì có xu hướng tiếp tục thói quen
học ký ức, thụ động; lớp học thì sĩ số quá đông, và quá nhiều Tăng Ni
sinh viên không tham dự đủ thời lượng ở lớp; Tăng sinh viên mất quá
nhiều thời gian học ở lớp mỗi ngày và học quá nhiều môn trong một học
kỳ, và sau giờ học, hầu hết Tăng Ni sinh viên không có thời gian để làm
bài tập có thể được cho về nhà làm.
2. Chuyên môn nghiệp vụ không được nâng cao : Giáo
thọ/giảng viên không hoặc ít có cơ hội và điều kiện để nâng cao nghiệp
vụ chuyên môn, giáo thọ/ giảng viên và Tăng Ni sinh viên thiếu hiểu biết
cơ bản về giáo dục và đào tạo, thiếu nhấn mạnh đến sự phát triển các
kỹ năng thông thường và nghề nghiệp; thiếu hiểu biết về mối tương quan
giữa việc sử dụng phương pháp dạy hiện tại với chất lượng và mức độ
tiếp thu của sinh viên; và thiếu sự chuẩn bị cho các giáo thọ/giảng
viên trong các lĩnh vực: Phương pháp sư phạm, thiết kế và phát triển
giảng dạy nhằm hướng đến cải tiến các môn học và chương trình đào tạo,
và phát triển chuyên môn nghiệp vụ.
3. Cơ sở tổ chức hạ tầng, lạc hậu, không phù hợp : Thư
viện, học liệu, phòng học, cũng như trang thiết bị, nhất là trang thiết
bị điện tử phục vụ cho giảng dạy và học tập còn nghèo nàn, lạc hậu,
không bắt kịp nhịp tiến bộ của xã hội và công nghệ khoa học trong giáo
dục.
Có nhiều lý giải khác nhau cho những tồn tại trên đây, nhưng tựu trung, thường được quy cho 2 chữ "lịch sử".
Hai chữ này có một nội hàm với những chiều kích khá rộng khác nhau, có
thể bao hàm: một triết lý giáo dục truyền thống mang tính lịch sử
(người thầy là tất cả, lời thầy là kim vàng thước ngọc, và học viên
tiếp nhận thụ động kiến thức từ người thầy một cách trung thành), một
cơ chế giáo dục (được thiết kế với nhiều môn học, nhiều học phần hay
tín chỉ trong chương trình đào tạo nhằm cung cấp cho học viên nhiều
kiến thức rộng), và những con người (chủ thể giáo dục và đối tượng giáo
dục) còn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi hoàn cảnh giáo dục lịch sử.
Quan niệm mới về giảng dạy và học tập bậc đại học
Trong nền giáo dục hiện đại, một trong những vấn đề then chốt của
giáo dục là phương pháp giáo dục, bao gồm phương thức truyền đạt của
giáo viên và phương thức thu nhận của học viên ở cả 2 hoàn cảnh giáo dục
là trong lớp học và ngoài lớp học.
Phương pháp giáo dục, như chúng ta biết, nói chung có 3 hình thái hiện nay vẫn còn đang ngự trị. Đó là:
1. Phương pháp giáo dục người thầy đóng vai trò trung tâm (Teacher
centered method). Đây là phương pháp giáo dục truyền thống: người
thầy – giảng viên - chủ động truyền đạt kiến thức, còn học trò, học
viên đóng vai trò tiếp nhận thụ động. Người thầy ở đây là tất cả, có vị
trí tối thượng, có vai trò quyết định tro ng cả phương thức trao
truyền cũng như loại kiến thức trao truyền. Kiến thức mà người thầy
trao truyền là kim chỉ nam, luôn đúng, và người học trò chỉ việc cúi
đầu ghi chép, ghi nhận và tiếp thu. Phương pháp này có thể được biểu
diễn bằng biểu đồ đơn giản sau: Thầy -> Trò.
2. Phương pháp giáo dục học viên đóng vai trò trung tâm (learner centered method):
Phương pháp này đã được cỗ súy ở Âu Mỹ vào khoảng thập niên 70 – 80
của thế kỷ trước, đặc biệt là ở trong môi trường giáo dục bậc đại học
và trên đại học. Triế t lý của phương pháp giáo dục này là rằng đối
tượng của giáo dục không phải người thầy mà chính là học viên, do đó
học viên phải là người có vai trò trọng tâm trong việc quyết định hướng
giảng dạy, phương thức trao truyền và tiếp thu. Như thế, trong phương
pháp này vai trò trọng tâm giữa thầy và trò được đảo ngược: người thầy
tuy vẫn có chức năng truyền trao kiến thức, nhưng sự trao truyền theo
hướng 'tùy theo nhu cầu' của học viên. Học viên có quyền đòi hỏi và
người thầy phải đáp ứng; họ hoàn toàn chịu trách nhiệm việc học của họ,
chủ động và quyết định loại kiến thức cũng như kỹ năng mà họ cần. Bấy
giờ biểu đồ của phương pháp này có thể là: Thầy->Trò.
3. Phương pháp giáo dục tương tác (interactive
method): Đây là phương pháp đương đại đang được áp dụng trong hầu hết
các nền giáo dục. Trong phương pháp này, thầy và trò cùng tương tác
nhau trong truyền đạt và tiếp thu kiến thức. Người thầy chủ động truyền
đạt kiến thức mang tính khái niệm, cơ bản và theo hướng gợi mở, luôn
có ý thức chừa những khoảng không gian cần thiết cho học trò phát triển
tư duy sáng tạo, cũng như chủ động thiét kế chương trình, hoạt động và
kiểm tra và hướng dẫn học viên những nguồn học liệu thích hợp. Học
viên chủ động tham gia vào quá trình giáo dục trong lớp cũng như ngoài
lớp: chủ động tiếp thu kiến thức bằng cách tham gia phát biểu ý kiến,
tranh luận trong lớp, cũng như nghiên cứu thêm ngoài lớp, dưới sự gợi ý
và điều phối của người thầy. Biểu đồ sẽ là: Thầy<->Trò.
Cả ba phương pháp giáo dục được đề cập trên, mỗi phương pháp đều có
những giá trị lịch sử, cũng như những tính ưu và khuyết của riêng nó.
Chẳng hạn, đối với cấp tiểu học, trung học thì phương pháp giáo dục thứ
nhất phần nào đó có lẽ là phương pháp khá thích hợp trong việc hình
thành nhân cách ổn định về mặt đạo đức xã hội, cũng như xây dựng nên nền
căn bản trong kiến thức của các em nhỏ; còn phương pháp thứ hai và thứ
ba tỏ ra ưu trội và phù hợp hơn ở các cấp học đại học và sau đại học
bởi tính kích thích phát triển nhân cách độc lập và tư duy sáng tạo cần
thiết nơi học viên.
Ở Việt Nam ta, vì do ảnh hưởng nặng nền giáo dục Nho học, nên phương pháp giáo dục người 'thầy là trung tâm' và
học viên chỉ là tiếp nhận thụ động vẫn đang là một phương pháp giáo
dục phổ biến ở mọi cấp giáo dục. Tuy nhiên, trước xu hướng hội nhập, và
toàn cầu hóa, ngành giáo dục Việt Nam đang cổ vũ phương pháp giáo dục 'học viên là trung tâm' và phương pháp giáo dục 'tương tác' trong các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, được đặc biệt chú trọng là phương pháp giáo dục 'tương tác,
một phương pháp giáo dục hiện đại vừa phát huy vị thế của người thầy,
vừa nhấn mạnh vai trò sáng tạo trong tư duy của học viên.
Các trường Phật học Việt Nam ở mọi cấp, đặc biệt là cấp đại học, và
học viện, nên chăng cần phải hòa vào dòng chảy của nền giáo dục quốc
dân và đi t heo những phương pháp giáo dục hiện đại này?
Phương pháp giảng dạy và học tập tại các Học viện Phật giáo Vi ệt Nam – một đề xuất
Một triết lý giáo dục đại học hôm nay đang được cổ vũ và rộng rãi chấp nhận là:
"Giáo dục đại học không phải trang
bị cho người học một lượng kiến thức càng nhiều càng tốt, giúp người
học có một kiến thức nền tảng vững chãi khi ra trường để sống và hành
nghề lâu dài, mà cần cung cấp cho người học những khái niệm căn bản với
những kỹ năng xử lý vấn đề đặt ra trong cuộc sống hơn là tập trung vào
việc làm đầy kiến thức đã có sẵn."
Do đó, tự thân câu hỏi trên đây đã hàm trỏ một câu trả lời. Đó là,
các Học viện Phật giáo Việt Nam - những trung tâm giáo dục bậc đại học
của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – không thể cưỡng lại xu thế phát triển
tất yếu của lịch sử. Điều này nói rằng phương pháp giáo dục 'tương tác' nên được nỗ lực tiến hành áp dụng tại các Học viện.
Phương pháp giáo dục 'tương tác' này, trên bình diện hoạt
động, nói chung, có ba mảng phân biệt nhưng lại hàm tính giáo thoa. Đó
là, hoạt động giảng dạy, hoạt động học tập, và hoạt động thực hành. Ba
mảng hoạt động này có mối quan hệ hữu cơ với nhau, và luôn có những
hoạt động tương tác giữa giảng viên và học viên.
A. Hoạt động giảng dạy: Giảng viên đóng vai trò chủ đạo, thường gồm những hình thái sau:
- Giảng bài (lectures): trình bày về một chủ đề thuộc học phần nào
đó ở môi trường lớp học. Trong hoạt động này, người thầy có nhiệm vụ
trình bày và nhiệm vụ của học viên là lắng nghe và ghi chép. Dĩ nhiên,
một sự tương tác nhất định giữa giảng viên và học viên vẫn thường được
thực hiện trong khi bài được giảng.
- Thuyết trình (seminars): thường là sự trình bày của một học
viên hay một nhóm học viên về một chủ đề hay một tài liệu dưới sự điều
phối của giảng viên ở môi trường lớp học.
- Hướng dẫn (tutorial): Trong hoạt động này, giảng viên cho học
viên những phản hồi, nhận xét hay hướng dẫn thêm về bài làm hay học tập
của học viên. Hoạt động hướng dẫn có thể được thực hiện chung ở môi
trường lớp học, nhưng thường xảy ra một cách riêng tư hơn ở môi trường
ngoài lớp học.
- Thảo luận (workshop): Bàn thảo hay luận bàn một cách không
chính thức về một đề tài hay vấn đề cụ thể nào đó giữa học viên và
giảng viên hay với một chuyên gia.
B. Hoạt động học tập: Chủ thể của hoạt động này là
học viên. Học viên được yêu cầu chủ động trong việc học tập của bản
thân, học ngoài lớp học, ngoài bài giảng, thảo luận hay hướng dẫn của
giảng viên trên lớp, có thể bao gồm:
- Đọc tài liệu: Học viên đọc tài liệu do giảng viên cung c ấp hoặc
gợi ý, chuẩn bị trước khi vào lớp học, hoặc để mở rộng thêm kiến thức
sau lớp học.
- Ghi chép: Trong lớp học, giảng viên giảng bài, chốt những điểm
quan trọng trong thảo luận, học viên lắng nghe và ghi chép những điểm ý
tưởng chính. Ngoài lớp học, họ c viên cũng cần thực hiện thao tác ghi
lại những điểm quan trọng từ tài liệu, hoặc những ý tưởng có thể lóe
lên trong quá trình đọc tài liệu.
- Tư duy: Tư duy phê phán luôn là tinh thần cốt lỏi của đại học.
Giảng viên cần tạo điều kiện và khích lệ tinh thần tư duy phê phán nơi
học viên.
- Lập kế hoạch: Để việc học tập có kết quả mong đơi, giảng viên cần
hướng dẫn học viên những thao tác lập kế hoạch học tập và nghiên cứu
hiệu quả.
- Nghiên cứu: Nghiên cứu gắn liền với đại học; giá trị của đại
học một phần rất lớ n được xác lập qua giá trị của nghiên cứu. Giảng
viên cần cung cấp và hướng dẫn học viên những kỹ năng nghiên cứu, và
gợi ý những đề tài nghiên cứu cho học viên, và học viên cần luôn có
tinh thần sẳn sàng tham gia nghiên cứu.
- Viết báo cáo: Theo cùng kỹ năng nghiên cứu là những thao tác viết
báo cáo. Viết báo cáo khoa học luôn đòi hỏi những chuẩn mực nhất định
về thể thức, cấu trúc, văn phong, trình bày. Sinh viên đại học cần nắm
vững và thành tạo thao tác viết báo cáo khoa học.
C. Hoạt động thực hành: Chủ thể hoạt động này cũng
là những sinh viên đại học dưới sự hướng dẫn cố vấn của vị giáo sư
hương dẫn. Hoạt động này có thể gồm:
- Làm việc nhóm: Tinh thần và kỹ năng làm việc cộng tác, tập thể cũng cần được nhấn mạnh ở bậc đại học.
- Thực hành thí nghiệm: Sinh viên đại học, nhất là những sinh
viên của các chuyên ngành khoa học tự nhiên, cần nắm vững những kỹ
năng, quy trình và thao tác bắt buộc tại phòng lab – phòng thí nghiệm.
- Thực tập thực địa: Thực tập thực địa luôn là một phần bắt buộc
trong chương trình đào tạo đại học của bất kỳ ngành học nào. Ở các Học
viện Phật giáo, phần quan trọng này vẫn đang còn bị bỏ trống.
Ba mảng hoạt động trong giảng dạy và học tập theo phương pháp giáo dục 'tương tác' vừa được trình bày có thể được biểu diễn bằng biểu đồ sau:
Như biểu đồ trên cho thấy, cả ba mảng hoạt động giảng dạy, học tập
và thực hành được trình bày trên đây vừa có tính phân biệt độc lập vừa
có tính giao thoa tương tác: giao thoa trong hoạt động và tương tác
giữa giảng viên và sinh viên. Trong đó, học viên và sinh viên là chủ
thể trung tâm của mọi hoạt động học tập và thực hành và người thầy -
giảng viên – là chủ thể trao truyền kiến thức, giảng dạy, và hướng dẫn.
Sự tương tác giữa người thầy – giảng viên và học viên bao gồm cả môi
trường lớp học lẫn môi trường ngoài lớp học.
Ngày nay, với sự hỗ trợ của tiện nghi công nghệ thông tin,
internet, điện thoại vô tuyến, sự tương tác giữa thầy và trò, giữa
giảng viên và sinh viên rất thuận lợi và dễ dàng.
Giải pháp hướng đến phương pháp giáo dục 'tương tác'
Nhằm hướng đến một phương pháp giảng dạy và học tập hiệu quả rất
đại học như được trình bày trên đây, các Học viện Phật giáo Việt Nam,
người viết thiết nghĩ, cần thực thi hai việc sau đây:
1. Cải thiện thiết chế tổ chức: chương trình đào
tạo cần phải được thiết kế lại sao cho thời lượng học tại lớp được giảm
tải, nâng thời lượng làm việc ngoài lớp, cũng như sao cho chất lượng
mang tính chiều sâu hơn là chiều rộng; cải tiến và nâng cao cơ sở hạ
tầng: thư viện, phòng học và trang thiết bị giảng dạy và học tập theo
hướng công nghệ hóa, tin học hóa.
2. Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ: đội ngũ giảng
viên và đội ngũ quản lý điều hành học viện cần được tạo điều kiện để
nâng cao nghiệp vụ sư phạm và chuyên môn, chẳng hạn như mở các khóa bồi
dưỡng nghiệp vụ sư phạm, quản lý giáo dục , hợp tác giáo dục với các
trung tâm đại học khác cả trong nước và ngoài nước để nâng cao trình độ
chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, hạn chế tối đa những nhiệm vụ ngoài
lề để giảng viên, nhân viên có được thời gian tập trung cho việc giảng
dạy, nghiên cứu và điều hành. Một điều quan trọng nữa là cần có cơ chế
lương bỗng, và tưởng thưởng thích đáng ổn định tâm lý và kích thích
tính phấn đấu nơi mỗi giảng viên và nhân viên học viện.
Kết luận
Trong giai đoạn mới của giáo dục đại học, mục tiêu, nội dung và
phương pháp giảng dạy cũng có nhiều biến đổi. Và theo đó, cũng có nhiều
góc độ nhận diện vấn đề và cách thức tiếp cận để giải quyết vấn đề.
Những gì vừa được trình bày trên đây cũng chỉ là một trong những góc độ
nhận diện và tiếp cận.
Rõ ràng các Học viện Phật giáo Việt Nam tuy đã và đang phải đối
diện nhiều khó khăn khách quan và chủ quan của lịch sử và hoàn cảnh
nhưng vẫn luôn đã và đang trong ý thức tự nâng mình lên để bắt nhịp với
bước tiến của thời đại. Đành rằng, con đường giáo dục là một con đường
dài thật dài, nhưng chân trời chắc chắn sẽ mỗi hé sáng theo từng bước
chân đi tới.
TT.TS. THÍCH NGUYÊN ĐẠT - Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Huế
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Doyle, K.O.(1983), Evaluating Teaching, San Francisco: New Lexington Press, USA.
2. Lê Ngọc Oánh (2006), Thư viện góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập ở bậc đại học, Bản tin thư viện – công nghệ thông tin.
3. Ngô Tứ Thành (2008), Giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy ở các trường đại học ICT
hiện nay, Tạp chí khoa học ĐHQGHN, Khoa học xã hội và Nhân văn 24 (2008) 237 – 242.
4. Shahida Sajad (2010), Effective teaching methods at higher education level, Department of special education, University of Karachi, Pakistan.
5. Teaching methods at college and university, www. palgrave.com.
Theo: PTVN