Xuân
Mùa Xuân Trong Truyền Thuyết Hùng Vương
Vũ Anh Phong
20/01/2012 11:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách đây hàng ngàn năm, cha ông ta đã kiên cường, dũng cảm, khai sơn, phá thạch, cùng nhau gây dựng nên bờ cõi, non sông đất nước, lập nên một quốc gia độc lập, có chủ quyền đầu tiên của người Việt. Các Vua Hùng từ đời này qua đời khác, đã xây dựng nên nước Văn Lang với nền văn minh lúa nước, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, tạo tiền đề phát triển đất nước với nền văn hóa đồng thau Đông Sơn và một truyền thống nghệ thuật phong phú, độc đáo. Từ đó, đất Tổ Hùng Vương đã trở thành cội nguồn dân tộc, nơi đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ và vững bền của dân tộc Việt Nam.


Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được một kho tàng Truyền thuyết Hùng Vương khá dày và phong phú với truyền thuyết về Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, về Thánh Gióng, về Chử Đồng Tử - Tiên Dung, về sự tích Trầu - Cau... Đây không hẳn là những hư cấu ly kỳ thần thoại trong giai đoạn đầu tiên của dân tộc mà nó chính là bóng dáng đậm nét của một chặng đường lịch sử mà tổ tiên ta đã trải qua và tạo dựng nên. Trong đó, những truyền thuyết gắn liền với mùa xuân dựng nước của dân tộc có một ý nghĩa độc đáo. Chúng ta ai cũng biết rằng: Việt Nam là một nước nông nghiệp, mùa xuân là mùa bắt đầu của một năm làm ăn, một năm lao động sản xuất trên đồng ruộng với những công việc như trồng cây, gieo hạt, bứng gốc, chiết cành... Tổ tiên ta cũng vậy, ngay từ buổi khởi nghiệp, các vua Hùng đã lấy việc trồng cây lương thực làm công việc quan trọng đầu xuân.


Truyền thuyết "Vua Hùng trồng kê ra lúa" còn kể lại: "Một hôm các con gái vua Hùng theo dân đi đánh cá ven sông thấy từng đàn chim bay lượn khắp bãi, nhảy nhót trong đám lau cỏ, khiến các nàng rất vui thích. Có một nàng công chúa, mải ngắm đàn chim, dừng tay quăng lưới, chợt có con chim thả một bông kê rơi trên mái tóc. Công chúa mang bông kê về trình với Vua, Vua mừng, cho là điềm tốt lành, hạt này chim ăn được chắc người cũng ăn được liền bảo các Mỵ nương ra bãi tuốt các bông đó đem về. 


 Tới mùa xuân, Vua đem các hạt kê ra và phái các công chúa gọi dân đi quải. Nhân dân vui mừng rước Vua ra đồng. Trống mõ đi đầu rồi tới người rước lúa, rước kê. Tới bên sông, Vua xuống bãi lấy que nhọn chọc đất tra lúa và gieo kê trên bãi. Làm xong, Vua cắm một cành tre để chim sợ khỏi ăn hạt. Các Mỵ nương và dân đều làm theo".


Truyền thuyết này cùng với truyền thuyết "Vua Hùng dạy dân cấy lúa" đã chứng tỏ rằng ngay từ ban mai lịch sử, ông cha ta đã biết phát hiện ra những cách làm ăn mới phù hợp với vùng đất mình cư trú. Truyền thuyết "Vua Hùng dạy dân cấy lúa" kể rằng: "Thuở xưa, nhân dân chưa biết cày cấy làm ra thóc gạo mà ăn, chỉ sống bằng thịt thú rừng, rễ cây, quả cây và các loại rau dại, lúa hoang nhặt được. Các vùng đất ven sông hàng năm được phù sa bồi thêm màu mỡ. Vua Hùng thấy đất ấy tốt mới gọi dân đến bảo tìm cách đắp bờ giữ nước. Vua thấy lúa mọc hoang nhiều mới bày cách cho dân gỡ hạt, gieo mạ. Khi mạ lên xanh thì đem cấy vào các tràn ruộng có nước.


Lúc đầu dân không biết cấy, tìm hỏi Vua. Vua Hùng nhổ cây mạ lên, đem tới ruộng nước, lội xuống cấy cho dân xem. Mọi người làm theo, cấy tới khi mặt trời đứng bóng, Vua cùng mọi người lên gốc đa lớn nghỉ ngơi ăn uống". Mùa xuân của thời Hùng Vương là mùa xuân lao động với điểm khởi đầu là một nền kinh tế nông nghiệp lúa nước sơ khai. Hình ảnh một ông Vua lội xuống bãi, xuống ruộng mà cấy lúa với dân "đến khi mặt trời đứng bóng mới nghỉ tay" như truyền thuyết đã ghi thì quả là hiếm thấy trong lịch sử các dân tộc. Tục truyền rằng xã Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay chính là nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Xã này ngày trước có tên tục là Kẻ Lú. Hàng năm có lệ đến đầu mùa cấy, người dân đều làm lễ tế Vua Hùng. Trước đó xã cử một cụ già lội xuống ruộng cấy trước bốn cây mạ rồi mới làm lễ tế Vua, như vậy là để tái hiện lại hình ảnh Vua Hùng thuở xưa.


Ngay từ trước khi nhà nước Văn Lang ra đời với 18 đời Vua Hùng nối tiếp nhau, những cư dân nguyên thuỷ đã biết đến vai trò của thóc lúa. Những hạt thóc cổ tìm thấy trong tầng văn hoá tại di tích Đồng Đậu ở Phú Thọ và sau này là những vỏ trấu đã cháy thành than phát hiện được ở di chỉ Làng Cả, thành phố Việt Trì đã khẳng định sự gắn bó với nông nghiệp của người Việt cổ. Và có thể nói, đến thời Hùng Vương với nước Văn Lang thuở ấy, thông qua những truyền thuyết trên, chúng ta thấy lao động nông nghiệp được thực sự tôn trọng và khuyến khích, đúng như câu tục ngữ ngàn đời nay vẫn ghi "Dĩ nông vi bản". Nền văn minh sông Hồng và nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước cũng đã xuất phát từ đấy. 


Trên đỉnh núi Hùng còn gọi là núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét so với mặt biển, xa xưa, trước khi thờ Hùng Vương, đây là nơi thờ các thần tự nhiên. Đến nay, tại Đền Thượng vẫn còn có tên gọi là Kính Thiên Lĩnh Điện (tức điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Đồng bào địa phương vẫn kể rằng, trước đây, gần một thế kỷ, Đền Thượng vẫn còn thờ hạt lúa thần. Đó là hình tượng một hạt thóc bằng đá to như cái thuyền. Tục truyền rằng, Hùng Vương và các quan tướng thường đến đây làm lễ tế trời, thờ thần lúa, cầu mong cho giống nòi sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi. Đến nay, tục "Chọc lỗ tra lúa và gieo kê trên bãi ướt" vẫn còn tồn tại ở một số nơi thuộc vùng Lâm Thao. Và giờ đây, nếu ai có dịp đến xã Minh Nông, thành phố Việt Trì, ghé qua chợ Lú vẫn có thể bắt gặp không khí nhộn nhịp, náo nức của những người bán thóc, gạo đông đúc ở đây. Gắn liền với truyền thuyết "Vua Hùng dạy dân cấy lúa", chợ Lú bao đời nay vẫn là nơi buôn bán, trao đổi thóc gạo sầm uất có tiếng trong vùng. Như vậy, bắt đầu vào thời các vua Hùng cho đến ngày nay, lúa đã trở thành cây lương thực chủ yếu, được gieo trồng trên khắp đồng ruộng nước ta. Với những chứng cứ mà các nhà khảo cổ học, dân tộc học và sử học thu lượm được đã cho biết, nghề nông với đúng nghĩa của từ này, vào thời các vua Hùng đã là nghề sinh sống chủ yếu của cư dân Việt cổ. Chỉ như vậy thôi đã có thể thấy được rằng trạng thái kinh tế từ thời các Hùng Vương trên cơ bản đã thay đổi hẳn, khác về chất so với trước kia, đánh dấu thời kỳ mà con người vĩnh viễn thoát khỏi sự khống chế của tự nhiên. Và với lao động sáng tạo của mình, người dân thời đại Hùng Vương đã tạo ra nhiều của cải thoả mãn nhu cầu sống ngày càng tăng của chính mình. Đây chính là sự phát triển nền văn minh lúa nước của người Việt cổ mà truyền thống và mọi biểu hiện của nó dường như còn mãi đến ngày nay. Cùng với sự phát triển của nông nghiệp, thời đại Hùng Vương còn được đánh dấu bằng sự thăng hoa của những công cụ đồng thau, dấu ấn của nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ trên đất nước Việt Nam. Nhờ những công cụ bằng đồng, nhất là lưỡi cày đồng, nghề trồng lúa ở thời kỳ này đã chuyển sang bước ngoặt mới, đó là thời kỳ định cư và mở mang diện tích canh tác. Cư dân Lạc Việt lúc này đã thuần hoá được lúa nếp, lúa tẻ, các loại rau đậu, thuần hoá được một số loài gia súc để nuôi như lợn, chó, gà, trâu, bò... Từ sự vươn mình của hạt lúa Việt trên những thửa ruộng Lạc ngày ấy, kho tàng truyền thuyết Hùng Vương lại được bổ sung những câu chuyện mới.


Trong hành trình lên Đền Hùng mỗi dịp Giỗ Tổ, ai cũng có một lần dừng chân ở Đền Trung trên núi Nghĩa Lĩnh, nơi này hơn 2000 năm trước là nơi dựng quán nghỉ ngơi ngắm cảnh của Vua Hùng, đôi khi họp bàn việc nước cơ mật với Lạc hầu, Lạc tướng. Sau thời Hùng Vương, nhân dân lập miếu thờ các Vua Hùng gọi là "Hùng Vương tổ miếu" ở đây. Tương truyền đây cũng là nơi Hoàng tử Lang Liêu dâng bánh dày, bánh chưng lên cho vua cha trong dịp thử tài thuở trước. Truyền thuyết "Bánh chưng, bánh dày" kể rằng: "Sau khi đánh bại giặc Ân Vua Hùng thứ 6 đã già, muốn được nghỉ ngơi, bèn có ý định truyền ngôi cho một trong 24 người con trai. Ngài xuống Chiếu cho các hoàng tử mỗi người kiếm một lễ vật quý nhất để dâng lên tổ tiên. Lễ vật của ai tỏ được lòng hiếu thảo thì sẽ được truyền ngôi. 23 người anh sai người đi khắp nơi, tranh nhau tìm sơn hào hải vị. Riêng vợ chồng Hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu nghèo khó, không làm được như vậy nên rất buồn. Trong khi vợ chồng Lang Liêu không biết lấy lễ vật gì để dâng tổ tiên thì trong giấc mơ, có bà tiên đã mách bảo rằng: "Các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì quý bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình trời đất, rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ". Vợ chồng Lang Liêu nghe lời đã dùng gạo nếp để làm bánh dày và bánh chưng, tượng trưng cho trời tròn đất vuông. Vua Hùng ngợi khen là "bánh thì ngon, ý thì hay". Vua rất hài lòng với món lễ vật của con út và đã truyền ngôi cho chàng, Lang Liêu trở thành Hùng Vương thứ 7. Đến ngày Tết, Vua thường lấy bánh này dâng cúng cha mẹ". Đền Trung với sự tích Lang Liêu làm bánh chưng, bánh dày đã giải thích quan niệm trời tròn đất vuông cùng tục nấu bánh chưng của nguời Việt vào các dịp Tết. Truyền thuyết ấy đã được kể từ thế hệ này sang thế hệ khác, truyền mãi đến nay, qua biết bao thời gian mà vẫn giữ đựợc tính triết lý sâu sắc của người dân Việt cổ xưa... 


Mỗi khi Tết đến, xuân về, dù mọi nhà đều tất bật sắm sửa, lo toan cho một cái Tết đủ đầy, nhưng không ai quên việc chuẩn bị ít nhất là một cặp bánh chưng để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Nói đến bánh chưng xanh ngày Tết, hầu như người Việt Nam nào cũng biết câu chuyện cảm động về chàng Lang Liêu hiếu thảo qua truyền thuyết "Bánh chưng bánh dày". Từ đó, người Việt ở khắp các nơi, mỗi khi có tế lễ, hội hè, nhất là vào dịp Tết đều có phong tục giã bánh dày, gói bánh chưng để cúng tổ tiên. Trong mâm cỗ đón xuân ngày nay, khi nhìn những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn ta lại nhớ đến Lang Liêu thuở trước. Mâm cỗ mừng thọ Vua Hùng ngày ấy chính là những cặp bánh chưng như thế. Tổ tiên ta đã biết quý trọng từng giọt mồ hôi của mình đổ ra trên nương bãi, chắt góp nó lại để tạo ra hạt gạo trắng, chiếc bánh thơm dùng để liên hoan trong ngày xuân mới.


Do đời sống và kinh tế phát triển, dân cư thời Hùng Vương đã có những lễ hội và sinh hoạt văn hoá cộng đồng rất phong phú. Vào những ngày xuân lịch sử, cha ông ta có những sinh hoạt văn hóa như lễ hội hoá trang, đua thuyền, tục đâm trâu, giã cối... mà dấu ấn vẫn còn ghi đậm cho đến tận bây giờ. Nếu như người dân Kinh Bắc tự hào về những làn điệu dân ca quan họ, thì hát Xoan, hát Ghẹo của đất tổ Phong Châu cũng rất nổi tiếng. Theo các nhà nghiên cứu, hát Xoan chính là một làn điệu dân ca có từ lâu đời. Hát Xoan chính là hát Xuân, hát vào mùa Xuân. Gốc tích của nó có từ thời dựng nước. Truyền thuyết dân gian cho hay: "Ngày ấy vợ Vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sinh nở, đau bụng mãi mà không sinh được. Có một người hầu gái tâu rằng: Có một người con gái đẹp tên là Quế Hoa, múa giỏi hát hay, ở trong một làng tre xanh gần thành Phong Châu. Nếu đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được. Vợ vua nghe lời, Quế Hoa vâng theo lời triệu đến chầu vợ Vua. Bấy giờ bà đang lên cơn đau dữ dội. Quế Hoa đứng bên giường múa hát. Nàng đẹp lắm: môi đỏ, mắt đen, tóc dài, da trắng, giọng hát trong vắt khi trầm, khi bổng như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, chân dẻo như bún, ai cũng phải mê. Vợ Vua Hùng mải xem múa hát, không thấy đau nữa liền sinh được ba người con trai khôi ngô, tuấn tú. Vua hết sức vui mừng và khen ngợi Quế Hoa, liền truyền cho các Mỵ nương học lấy các điệu múa hát ấy. Vì lúc này nàng Quế Hoa hát chầu Vợ Vua là vào mùa xuân nên các Mỵ nương gọi hát ấy là hát Xuân (hay hát Xoan)". Sự tích hát Xoan còn được ghi lại trong chuyện kể nối đời của dân làng Cao Mại - Việt Trì với một vài chi tiết khác. Tuy nhiên, thông qua những truyền thuyết này, chúng ta cũng có thể hình dung được phần nào sinh hoạt múa hát đầu xuân của tổ tiên ta. Những "Sinh hoạt văn hoá cơ sở" ấy qua thời gian và sáng tạo, nhận thức thẩm mỹ của con người đã được trau chuốt thêm, làm giàu thêm để ngày hôm nay có được một làn điệu dân ca mà cả nước biết đến.


Phân tích của Tiến sỹ Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng Phú Thọ về Hát Xoan : "Hát Xoan chính là hát vào mùa xuân vì chữ Xoan chính là đọc chệch của chữ Xuân mà ra... Hát Xoan ra đời rất sớm, đặc biệt là hát Xoan ở vùng Kim Đức được coi là vùng đất gốc, hát Xoan gốc của cả nước vì ở đây có 4 làng chính: Kim Đức, Kim Đới, Thét, An Thái. Đây là điệu hát tương truyền có từ thời Hùng Vương, trong khắp cả vùng đều nói đến truyền thuyết này... Các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian cũng như những nhà sử học đánh giá rất cao hát Xoan... Người ta cho rằng hát Xoan có những tầng văn hóa cổ nhất vì qua nghiên cứu ngôn ngữ, nhiều nhà ngôn ngữ cho rằng một số những từ ngữ trong hát xoan còn giữ lại được những âm điệu rất cổ mà nhiều người cho rằng ở đó có những ngôn ngữ có từ thời Hùng Vương".


Đến làng Trẹo (xã Hy Cương, giáp chân núi Nghĩa Lĩnh), chúng ta còn được nghe các cụ già kể lại tục cầu hèm gọi là: "Rước chúa trai, chúa gái" và trò "Bách nghệ khôi hài", một trò vui đầu xuân có gốc từ thời Hùng Vương. Chuyện kể rằng: Mỵ nương Ngọc Hoa sau khi lấy Sơn Tinh, ở núi Tản được ít lâu thì về với bố mẹ ở thành Phong Châu. Ba năm sau vẫn chưa trở lại với chồng, Tản Viên phải về thành Phong Châu xin vua cha cho đón nàng về.


Ngọc Hoa ra khỏi cung điện, tới làng Trẹo thì nhất định không chịu đi nữa, Tản Viên dỗ thế nào cũng không nghe, chỉ cúi đầu, nước mắt chảy ướt má. Ngọc Hoa nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ nơi nàng đã sống không nỡ rời. Tản Viên không biết làm thế nào, mới vào trong thôn tìm người giúp. Dân làng mừng rỡ ra đón Ngọc Hoa, bấy giờ mọi người bầy ra các trò vui, để Ngọc Hoa nguôi lòng thương nhớ. Người thì múa nhảy, người kể chuyện cười. Các cô gái hát với trai làng. Công chúa vui vẻ cười và hát theo, mọi người rước Ngọc Hoa lên kiệu. Đám rước có người già làm kẻ đánh cá, đi săn, lại mang những dụng cụ nhà nông đã hư hỏng, vừa đi vừa nói những câu bông lơn cho công chúa cười. Ngọc Hoa trong lòng vui vẻ cùng với Tản Viên trở về quê chồng..."


Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương phân tích về trò bách nghệ khôi hài: "Nghi lễ rước thần lúa hay kèm theo trò bách nghệ khôi hài. Đây là một hình thức phối kết hợp giữa 2 nghi lễ: nông nghiệp, rước lúa và nghi lễ rước dâu... Nhưng tại sao lại kết hợp 2 điều này, đó là cái chất hài của anh nông dân".


Hội lễ là một phần trong cuộc sống của người dân Lạc Việt hàng nghìn năm trước, nói cách khác, sinh hoạt văn hóa tinh thần của thời Hùng Vương được biểu hiện tập trung trong các dịp hội lễ, nhất là trong dịp hội mùa của cư dân nông nghiệp. Qua nghệ thuật tạo hình Đông Sơn kết hợp với tư liệu lịch sử và dân tộc học, chúng ta có thể hình dung: Vào những ngày hội lễ, trong âm thanh hòa tấu rộn ràng của những dàn trống đồng, dàn chiêng cồng, của tiếng khèn, tiếng nhạc, tiếng sênh phách, dân làng ca hát, nhảy múa vui chơi và tiến hành các lễ nghi nông nghiệp cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, sinh sản thịnh vượng. Trong đó đáng chú ý nhất là tục lệ đánh trống đồng: hoặc do một nguời đánh hoặc hòa tấu từng cặp trống đực cái, người đánh trống bận lễ phục hình chim ở tư thế ngồi hay đứng... Ngoài ra, còn có những hình thức múa hát giao duyên nam nữ như Hội giã cối: từng đôi nam nữ cầm chày dài giã cối tròn tạo nên hình ảnh tượng trưng cho sự tín ngưỡng phồn thực. Lại có cảnh đua thuyền trên sông nước với những chiếc thuyền độc mộc mình thon, mũi cong, đuôi én. Mọi sinh hoạt trên đều gắn với điều cầu mong thiết thực của cuộc sống như mong mưa thuận, gió hòa, mong được mùa, mong sinh sản được nhiều. 


Bản Ngọc phả cổ truyền 18 đời Vua Hùng hiển thánh được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương được viết năm Hồng Đức nguyên niên 1470 còn ghi "... Từ nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa, ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công ơn gây dựng nước nhà của các đấng Thánh Tổ ngày xưa..."


Sau hàng trăm nghìn năm gian khổ lao động và sáng tạo, từ những công cụ bằng đá cũ thô sơ tiến đến sự phát minh ra kỹ thuật luyện kim và nghề nông trồng lúa nước, đời sống vật chất và tinh thần của con người nguyên thủy Việt Nam ngày càng được nâng cao, đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản trong lịch sử xã hội Việt Nam, mở ra một thời đại mới, thời đại dựng nước. Qua những truyền thuyết kể trên, có thể thấy thời đại Hùng Vương với những mùa xuân vui tươi, tràn đầy niềm lạc quan và hy vọng đã xác lập được một lối sống Việt Nam, một truyền thống Việt Nam, đặt cơ sở vững vàng cho toàn bộ sự tồn tại và phát triển của quốc gia - dân tộc Việt Nam sau này. Hoà mình vào mùa xuân mới của đất nước, của dân tộc trong thế kỷ mới, Phú Thọ hôm nay cũng đang gìn giữ, lưu truyền trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mình những truyền thuyết, những cổ tích thần thoại và những loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc để tạo nên một đời sống tinh thần phong phú của người dân đất Tổ. Tiếp tục công cuộc dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng, Phú Thọ chào đón mùa Xuân bằng Tết trồng cây, bằng ngày hội xuống đồng... và tiếng hát Xoan của nàng Quế Hoa, của các Mỵ nương thuở nào nay lại được các chàng trai, cô gái cất lên tươi mát, mượt mà, đầm ấm trong những dịp lễ hội ngày xuân. Sống trên vùng đất cội nguồn, kế thừa những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên để lại, Phú Thọ đang tiếp nối những nét đẹp của thời dựng nước trong quá trình đổi mới và phát triển của vùng đất Tổ ngày hôm nay. Nhất là khi hành trình ấy được soi rọi bằng ánh sáng trí tuệ - đoàn kết - dân chủ và đổi mới, bằng nội lực mạnh mẽ của đất nước và nhân dân để tiếp tục tiến nhanh trong thế kỷ 21. Thời đại Hùng Vương với những thành quả dựng nước và giữ nước ban đầu, với nền văn minh sông Hồng rực rỡ đã khẳng định vị trí của nó trong lịch sử dân tộc như một kỷ nguyên: Kỷ nguyên mở đầu sự nghiệp dựng nước và giữ nước, kỷ nguyên văn minh đầu tiên của dân tộc. Đây là một thời đại để lại dấu ấn rất sâu đậm trong ký ức của nhân dân Việt Nam với bao huyền thoại và truyền thuyết lưu truyền rộng rãi trong dân gian từ đời này sang đời khác. 


Một mùa xuân mới lại về, đón mùa xuân mới, con người Việt Nam hôm nay đang tràn đầy tin tưởng và quyết tâm phấn đấu, góp phần xây dựng đất nước mãi mãi là mùa xuân tươi đẹp của mọi người, mọi nhà từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đã được khởi nguồn từ thời Hùng Vương dựng nước. Tìm hiểu, nghiên cứu truyền thuyết thời Vua Hùng, chúng ta càng thấy yêu, thấy quý mùa xuân đất nước. Hàng ngàn năm đã qua đi, nhưng những cái "chất" quý giá của tổ tiên ta không hề rơi rụng trong các thế hệ nối tiếp. Từ thời đại Hùng Vương - thời đại mở đầu rực rỡ của dân tộc Việt Nam đến ngày nay rực sáng chiến công, người dân Việt Nam, những con Lạc, cháu Hồng, đời nọ nối tiếp đời kia đang ngày càng phát triển, nối dài theo sự trường tồn lịch sử.


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch