Nghệ thuật sống
Sống hạnh phúc theo Phật giáo
18/01/2016 07:33 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Một số người đã mô tả Phật giáo như là một tôn giáo tiêu cực mà nó xem tất cả những điều chúng ta trải nghiệm là khổ đau và hoàn toàn không thừa nhận hạnh phúc. 


Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm. Sự thực rằng Phật giáo nói về hạnh phúc thường tình của chúng ta như là khổ đau của sự thay đổi. Điều này có nghĩa rằng loại hạnh phúc này là không thỏa mãn: nó không bao giờ kéo dài và chúng ta không bao giờ có đủ nó. Nó không phải là hạnh phúc thật sự.

Tuy nhiên, Phật giáo đưa ra nhiều phương pháp cho việc vượt qua những giới hạn của hạnh phúc thông thường của chúng ta, sự khổ đau của thay đổi này, để chúng ta đạt đến một trạng thái hỷ lạc bất diệt của một vị Phật. Tuy nhiên, bất chấp những hạn chế của hạnh phúc thông thường của chúng ta, Phật giáo cũng giảng giải những nguồn cho việc đạt lấy loại hạnh phúc đó. 

song hp 2.jpg

Phật giáo đưa ra lời dạy này bởi vì một trong những sự thật hiển nhiên rằng mọi người đều muốn hạnh phúc và không ai muốn khổ đau. Và, bởi vì mọi người đang tìm kiếm hạnh phúc và, là những chúng sanh bình thường, chúng ta không biết về bất cứ loại hạnh phúc nào khác ngoài loại hạnh phúc thông thường, Phật giáo dạy chúng ta cách đạt lấy nó. Chỉ khi mong muốn và nhu cầu cho hạnh phúc đó được hoàn thành ở nơi mức độ cơ bản nhất của hạnh phúc thông thường, chúng ta mới có thể tiếp tục nhằm đến những cấp độ sâu hơn, thỏa mãn hơn của nó với những thực hành tâm linh tiến bộ hơn.

Tuy nhiên, đáng tiếc, như vị Đại sư Phật giáo Tịch Thiên đã viết trong Nhập bồ-đề hạnh luận (Bodhicharyavatara: I.28):

Mặc dù có tâm mong muốn thoát khổ

Họ lại đâm đầu vào trong khổ đau.

Dù mong hạnh phúc, nhưng vì vô trí

Họ diệt hạnh phúc như diệt kẻ thù.

Nói cách khác, mặc dù chúng ta muốn hạnh phúc, chúng ta không biết về những nguồn của nó và vì vậy, thay vì tạo thêm hạnh phúc cho bản thân, chúng ta chỉ tạo thêm bất hạnh và sầu lo.

Hạnh phúc là một cảm thọ

Mặc dù có nhiều loại hạnh phúc, ở đây chúng ta hãy tập trung vào hạnh phúc thông thường. Để hiểu những nguồn của nó, chúng ta trước hết cần làm rõ về “hạnh phúc” muốn nói là gì. Hạnh phúc (sukha: lạc) này có phải là điều mà tất cả chúng ta muốn? Theo phân tích Phật giáo, hạnh phúc là một yếu tố tâm - nói cách khác, nó là một loại hoạt động tâm mà với nó chúng ta nhận biết một đối tượng theo một cách nào đó. Nó là một phần của một yếu tố tâm lớn hơn được gọi là “thọ” (vedana), thứ bao trùm một chuỗi rộng gồm cả hạnh phúc và khổ đau.

“Thọ” là gì? Thọ là một yếu tố tâm mà nó có bản chất trải nghiệm. Nó là một hoạt động của tâm trải nghiệm một đối tượng hay một tình huống. Không có một cảm thọ trong phạm vi hạnh phúc và khổ đau, chúng ta thật sự không trải nghiệm một đối tượng hay một tình huống. Một chiếc máy tính đưa vào và xử lý dữ liệu, nhưng bởi vì một chiếc máy tính không cảm nhận hạnh phúc hay bất hạnh trong khi làm điều này, nó không trải nghiệm dữ liệu. Điều này là sự khác nhau giữa một chiếc máy tính và một tâm thức.

Cảm thọ một mức độ của hạnh phúc hay khổ đau đi cùng với hoặc sự nhận thức về một đối tượng giác quan - một cảnh tượng, âm thanh, mùi, vị, hay một cảm giác vật lý chẳng hạn như vừa lòng hay khổ đau - hay sự nhận thức về một đối tượng tâm chẳng hạn như khi nghĩ về một điều nào đó. Nó không cần phải quá ấn tượng hay quá sâu sắc. Nó có thể ở mức độ rất thấp. Sự thực, một vài mức độ của cảm thọ hạnh phúc hay khổ đau đi cùng với mỗi khoảnh khắc đời sống của chúng ta - ngay khi chúng ta ngủ sâu với không mơ mộng, chúng ta trải nghiệm nó với một cảm thọ trung tính.

Định nghĩa hạnh phúc

Phật giáo đưa ra hai định nghĩa về hạnh phúc. Một được định nghĩa dưới dạng mối liên hệ của chúng ta với một đối tượng, trong khi cái thứ hai được định nghĩa dưới dạng mối liên hệ của chúng ta với trạng thái tâm của chính cảm thọ.

- Cái đầu định nghĩa hạnh phúc như là trải nghiệm điều gì đó trong một hình thức thỏa mãn, được dựa trên niềm tin rằng nó lợi ích cho chúng ta, cho dù nó thật sự lợi ích hay là không. Khổ đau là sự trải nghiệm điều gì đó theo một cách không thỏa mãn, khổ đau. Chúng ta nếm trải điều gì đó một cách trung tính khi nó ở trong một cách thức không thỏa mãn cũng không khổ đau.

- Cái thứ hai định nghĩa hạnh phúc là rằng sự cảm thọ mà, khi nó đã chấm dứt, chúng ta mong muốn nó trở lại. Khổ đau là cảm thọ mà, khi nó xuất hiện, chúng ta mong muốn thoát khỏi nó. Trong khi một cảm thọ trung tính là rằng cảm thọ mà khi nó xuất hiện hay chấm dứt, chúng ta không có cả hai mong muốn.

Hai định nghĩa có liên quan với nhau. Khi chúng ta trải nghiệm điều gì đó trong một cách thức thỏa mãn, sự trải nghiệm đối tượng thỏa mãn này, theo nghĩa đen, “đến tâm của chúng ta” (manapa) trong một cách thức vừa lòng. Chúng ta chấp nhận đối tượng đó. Điều này hàm ý rằng chúng ta cảm nhận sự trải nghiệm của mình về đối tượng là có ích đối với chúng ta: nó làm ta hạnh phúc; ta cảm thấy tốt. Bởi điều đó, chúng ta muốn lợi ích từ sự trải nghiệm này tiếp tục và, nếu nó chấm dứt, chúng ta muốn nó trở lại. Thông thường, chúng ta sẽ nói rằng chúng ta thích đối tượng và sự trải nghiệm nó.

Khi chúng ta trải nghiệm một đối tượng trong một hình thức khổ đau, sự trải nghiệm đối tượng khổ đau này, về nghĩa đen, “không đến tâm của ta” (amanapa) trong một cách thức vừa lòng. Chúng ta không chấp nhận đối tượng đó. Chúng ta cảm thấy rằng trải nghiệm của chúng ta về đối tượng là không có ích và, trong thực tế, nó làm hại ta. Chúng ta muốn nó chấm dứt. Thông thường, chúng ta sẽ nói rằng chúng ta không thích đối tượng đó hay trải nghiệm nó.

Sự phóng đại những đặc tính của một đối tượng

Khi chúng ta thấy bình thản trước một đối tượng, chúng ta chấp nhận nó như nó là, không dửng dưng, và không phóng đại hay phủ nhận những đặc tính tốt hay những khiếm khuyết của nó. Điều này đưa chúng ta đến thảo luận về những cảm xúc phiền não (klesha) và sự liên hệ của chúng với việc chúng ta trải nghiệm một đối tượng với hạnh phúc hay là khổ đau.

Một nhóm các cảm xúc phiền não là ham muốn, chấp thủ và tham lam. Với ba thứ này, chúng ta phóng đại những đặc tính tốt của một đối tượng. Với ham muốn, chúng ta muốn có đối tượng nếu chúng ta không có nó. Với chấp thủ, chúng ta không muốn mất nó khi chúng ta có nó; với tham lam, chúng ta muốn thêm nữa ngay cho dù chúng ta có nó. Với những cảm xúc gây não phiền này, chúng ta có khuynh hướng bỏ qua những khiếm khuyết của đối tượng. Đây không phải là những trạng thái hạnh phúc của tâm, bởi vì chúng ta không thấy đối tượng làm thỏa mãn. Điều đó có nghĩa là chúng ta không thỏa mãn với đối tượng. Chúng ta không chấp nhận nó đối với những gì nó là.

Ví dụ, khi chúng ta nhìn thấy người bạn gái hay bạn trai của ta mà chúng ta rất gắn kết, chúng ta có thể trải nghiệm cái nhìn với sự hạnh phúc. Chúng ta thỏa mãn khi thấy người ấy; chúng ta thấy điều đó làm thỏa mãn. Nhưng ngay khi sự chấp thủ của chúng ta xuất hiện, chúng ta phóng đại những đặc tính tốt của người ấy và của sự có mặt của ta với anh ta hay cô ta, và chúng ta phóng đại những đặc tính tiêu cực của sự hiện hữu của ta mà không có người này, thế rồi chúng ta cảm thấy không thỏa mãn và khổ đau. Chúng ta không chấp nhận tình huống nhìn thấy người ấy chỉ bây giờ và chỉ thích trong giây lát, mà chúng ta muốn thêm nữa và sợ người ấy đi xa. Kết quả, bấy giờ chúng ta trải nghiệm việc thấy người ta yêu với sự không thỏa mãn, lo lắng và khổ đau.

Nhóm cảm xúc phiền não khác là thù địch, giận dữ và căm ghét. Với những thứ này, chúng ta phóng đại những đặc điểm khiếm khuyết hay tiêu cực của đối tượng và muốn tránh nó nếu không có nó; chúng ta muốn tống khứ nó khi chúng ta có nó; và khi nó chấm dứt, chúng ta không muốn nó trở lại. Ba cảm xúc phiền não này thường hòa lẫn với sự sợ hãi. Chúng cũng không phải là những trạng thái tâm hạnh phúc, bởi vì chúng ta không thỏa mãn với đối tượng. Chúng ta không chấp nhận nó với những gì nó là.

Ví dụ, chúng ta đang nhổ răng. Đối tượng trải nghiệm của ta là một cảm giác đau đớn vật lý. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận nó vì những gì nó là, không phóng đại những đặc tính tiêu cực của nó, chúng ta sẽ không khổ đau trong suốt tiến trình nhổ răng. Chúng ta có thể có một cảm thọ trung tính như cách mà ở đó chúng ta trải nghiệm cơn đau: chúng ta chấp nhận rằng chừng nào thủ tục nhổ răng xảy ra, thì nó xảy ra, và vì vậy chúng ta không cầu nguyện cho nó được vượt qua nhanh chóng; và khi nha sĩ chấm dứt việc khoan nhổ răng, chúng ta không mong muốn ông ấy khoan thêm nữa. 

Chúng ta có sự bình tĩnh về cơn đau của việc khoan nhổ răng - không ghê sợ, không thích thú, và cũng không thờ ơ. Sự thực, trong suốt tiến trình nhổ răng, chúng ta có thể trải nghiệm hạnh phúc khi tập trung vào suy nghĩ rằng chúng ta đang ngăn ngừa cơn đau răng phát sinh lại trong tương lai.

Lưu ý rằng hạnh phúc hay thỏa mãn với điều gì đó không ngăn chặn việc muốn thêm hay muốn bớt đi điều gì đó, được dựa trên nhu cầu. Nó không làm cho chúng ta trì trệ để chúng ta không bao giờ cố gắng cải tiến sự việc, cải tiến bản thân, hay cải tiến những tình huống của mình trong cuộc sống. Ví dụ, chúng ta có thể chấp nhận, thỏa mãn và do đó hạnh phúc với tiến trình chúng ta đã làm về việc thực hiện một dự án tại nơi làm việc hay về việc phục hồi từ phẫu thuật. Nhưng dựa trên nhu cầu, chúng ta có thể vẫn muốn tiến trình xa hơn nữa mà không khổ đau với những gì chúng ta đã đạt được. 

Giống như vậy là trường hợp số lượng thức ăn ở trên đĩa của ta hay số tiền mà chúng ta có trong ngân hàng, nếu trong thực tế rằng chúng ta không có đủ và cần thêm. Không thổi phồng những khía cạnh tiêu cực của việc không có đủ thức ăn hay tiền ở trong ngân hàng, hay phủ nhận những lợi ích của việc có thêm, chúng ta có thể làm những nỗ lực để có thêm thức ăn hay tiền mà không khổ đau về nó. Nếu chúng ta thành công, điều đó tốt; và nếu chúng ta thất bại, điều đó cũng tốt. Chúng ta sẽ xử lý theo cách này hay cách khác. Quan trọng nhất, chúng ta cố gắng có thêm, nhưng không có sự rong ruổi của tâm về những trông mong cho sự thành công hay lo lắng về sự thất bại.

Tịch Thiên diễn đạt điều này rất hay trong chương về nhẫn nhục:

Nếu có thể cứu chữa

Thì sao phải khổ đau?

Nếu không thể cứu chữa,

Khổ đau có ích gì?

Hành xử có hướng xây dựng như là nguồn hạnh phúc chủ yếu

Về lâu dài, nguyên nhân chính cho hạnh phúc là hành xử có tính xây dựng. Điều này muốn nói đến việc xa rời hành động, nói năng, hay suy nghĩ chịu sự ảnh hưởng của những cảm xúc gây rối loạn chẳng hạn như ham muốn, chấp thủ, tham lam, ganh ghét, giận dữ, vô minh v.v.., không quan tâm đến sự ảnh hưởng lâu dài của hành xử của chúng ta đối với chính mình và đối với người khác. Hành xử tiêu cực, như là nguyên nhân chính của khổ đau, là không xa rời loại hành xử đó, mà thay vào đó là vướng vào nó. Ví dụ, với ham muốn mãnh liệt, chúng ta thổi phồng những đặc tính tốt của một vật dụng trong một cửa hiệu và phớt lờ những hậu quả pháp luật, chúng ta ăn trộm nó. Với giận dữ, chúng ta thổi phồng những đặc tính tiêu cực của một điều gì đó mà người đối diện với ta nói và, phớt lờ sự ảnh hưởng mà nó sẽ có đối với mối quan hệ của chúng ta, chúng ta hét vào người ấy và buông những lời thô lỗ.

Hành động, nói năng và suy nghĩ trong khi tránh bị tác động của những cảm xúc phiền não hình thành nên thói quen tránh bị sự tác động như vậy trong tương lai. Kết quả, nếu một cảm xúc phiền não xuất hiện trong tương lai, chúng ta không hành động dựa trên cơ sở của nó và, cuối cùng, sức mạnh của cảm xúc phiền não sẽ yếu đi và do đó cảm xúc phiền não sẽ khó xuất hiện. Mặt khác, chúng ta càng hành động dựa trên cơ sở những cảm xúc phiền não, chúng sẽ càng xuất hiện trong tương lai và chúng sẽ càng mạnh hơn.

Như chúng ta đã thấy, khi chúng ta trải nghiệm một đối tượng với hạnh phúc, chúng ta trải nghiệm nó mà không có những cảm xúc phiền não như vô minh, tham muốn, giận dữ, tham lam, ganh ghét hay giận dữ. Trải nghiệm của chúng ta về đối tượng được đặt cơ sở trên việc chấp nhận bản chất thật của nó như nó là, không phóng đại hay phủ nhận những điểm tốt hay xấu của nó. Cách trải nghiệm sự vật này, như vậy, đến từ thói quen hành xử có tính xây dựng với điều chúng ta hành động, nói năng và suy nghĩ được đặt cơ sở trên việc chấp nhận bản chất thật của người, vật hay tình huống, mà không phóng đại hay phủ nhận những điểm tốt hay xấu của chúng.

Những tình huống cho khả năng hạnh phúc chín muồi

Cách chúng ta trải nghiệm đối tượng hay những suy nghĩ - với hạnh phúc hay khổ đau - như vậy không được quyết định bởi chính đối tượng hay suy nghĩ. Như chúng ta đã thấy, nếu với hành xử lâu dài trước đó của ta, chúng ta đã xây dựng nên thói quen tránh việc thổi phồng hay phủ nhận những khía cạnh tích cực hay tiêu cực của những điều này, chúng ta có thể trải nghiệm ngay cả cơn đau của việc nhổ răng trong một tâm thái hạnh phúc. Quay trở lại định nghĩa hạnh phúc, chúng ta trải nghiệm tiến trình nhổ răng trong một hình thức thỏa mãn, được đặt cơ sở trên sự tin tưởng rằng nó có ích đối với chính chúng ta.

Mặc dù chúng ta có thể đã xây dựng nên thói quen không hành động, nói năng hay suy nghĩ chịu sự tác động của những cảm xúc phiền não và như vậy xây dựng khả năng trải nghiệm những đối tượng và suy nghĩ với hạnh phúc, vẫn có một vài tình huống là cần thiết cho khả năng đó thành thục ở trong một trải nghiệm hạnh phúc. Như chúng ta đã thấy, đối tượng trải nghiệm của chúng ta không tất yếu quyết định là ta có trải nghiệm nó với hạnh phúc hay khổ đau. Đúng hơn, việc trải nghiệm một đối tượng với hạnh phúc tùy thuộc mạnh mẽ hơn vào thái độ của ta về việc chấp nhận thực tại thực của những gì đối tượng là, bất kể đối tượng đó có thể là gì - cảm giác đau đớn vật lý của nhổ răng hay việc nhìn thấy một người thương yêu. Vì vậy, thái độ của chúng ta, trạng thái tâm của chúng ta, là then chốt cho việc chúng ta cảm thấy hạnh phúc hay khổ đau tại khoảnh khắc đó, bất kể đối tượng chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm hay suy nghĩ là gì.

Chúng ta cũng thấy rằng khi chúng ta chấp nhận thực tại của một điều gì đó và không thiếu hiểu biết về nó, thì chúng ta không phóng đại hay phủ nhận những đặc điểm tốt hay xấu của nó và vì vậy chúng ta không trải nghiệm đối tượng với ham muốn, hay tham lam, chấp thủ, hay ghê tởm, giận dữ. Do đó, những gì giúp  tạo nên sự chín muồi hạnh phúc tại bất cứ khoảnh khắc cụ thể nào là thoát khỏi sự thiếu hiểu biết.

Thiếu hiểu biết

Ở bất kỳ giây phút khổ đau nào, sự thiếu hiểu biết của chúng ta không tất yếu hạn chế là thiếu hiểu biết về đối tượng mà chúng ta đang trải nghiệm. Thiếu hiểu biết có một phạm vi rộng hơn nhiều. Nó cũng có thể được tập trung vào chính chúng ta. Khi chúng ta trải nghiệm một vấn đề với sự khổ đau lớn, khi ấy với sự thiếu hiểu biết chúng ta có khuynh hướng trở nên chỉ chú trọng vào chính mình và chúng ta có thể thậm chí nghĩ rằng chúng ta là người duy nhất trải nghiệm vấn đề này.

Lấy trường hợp mất việc làm của ta. Thực tế là rằng có hàng triệu người khắp thế giới mất việc và hiện đang thất nghiệp. Ví dụ, chúng ta có thể nghĩ về tình huống của chúng ta mà không thiếu hiểu biết về sự vô thường. Chúng ta nhớ rằng tất cả hiện tượng mà chúng sinh khởi từ những nguyên nhân và điều kiện sẽ chịu ảnh hưởng bởi những nguyên nhân và điều kiện xa hơn, và cuối cùng sẽ kết thúc. Điều đó có thể rất hữu ích. Nhưng thậm chí hiệu quả hơn là mở rộng phạm vi suy nghĩ của chúng ta thêm nữa để bao gồm không chỉ của riêng chúng ta mà cũng cả vấn đề mất việc làm của người khác, nếu điều đó đã xảy ra với họ. Chúng ta cần nghĩ, “Đây thật sự không phải là vấn đề của riêng tôi; nó là vấn đề của vô số người. Tôi không phải là người duy nhất cần một giải pháp; mọi người khác cũng cần một giải pháp. Mọi người cần vượt qua những vấn đề và khổ đau như vậy”.

Với cách nghĩ này, chúng ta phát triển tâm bi (karuna) với người khác, hơn là đắm mình trọng sự thương yêu tự thân. Tâm của chúng ta không tập trung hạn hẹp vào riêng mình nữa, mà mở rộng hơn vào suy nghĩ về tất cả người khác ở một tình huống tương tự. Với mong muốn giúp họ cũng vượt qua những vấn đề của họ, những vấn đề cá nhân của chúng ta giảm bớt tầm quan trọng và chúng ta phát triển can đảm và sức mạnh để giải quyết chúng trong một cách thức khách quan. Chúng ta chắc chắn không muốn mất việc làm, nhưng với sự trầm tĩnh chúng ta chấp nhận thực tại của tình huống và, nghĩ về người khác, chúng ta có thể thậm chí với suy nghĩ rằng bây giờ chúng ta có cơ hội để cố gắng giúp đỡ họ.

Mối liên hệ giữa từ bi và hạnh phúc

Từ bi, như vậy, là một trong những yếu tố then chốt cho việc tạo ra những khả năng của chúng ta để trải nghiệm một đối tượng hay một tình huống với hạnh phúc. Nhưng điều đó xảy ra như thế nào? Tâm bi là mong muốn người khác thoát khỏi khổ đau và nguyên nhân khổ đau của họ, thật sự giống như chúng ta muốn điều như vậy cho bản thân mình. Nhưng khi chúng ta tập trung vào khổ đau và bất hạnh của người khác, chúng ta tự nhiên cảm thấy đau buồn về điều đó, và rồi không có hạnh phúc. Hay chúng ta có thể có những cảm giác dửng dưng. Trong cả hai trường hợp, chúng ta không cảm thấy hạnh phúc về khổ đau của họ. Vì vậy, làm cách nào tâm bi tạo nên một trạng thái tâm hạnh phúc?

song hp 1.jpg

Để hiểu điều này chúng ta cần phân biệt những cảm thọ phiền não với những cảm thọ không phiền não. Ở đây, tôi đang sử dụng những thuật ngữ này không chính xác với định nghĩa của chúng, mà ở trong một hình thức không chuyên môn, thông tục hơn. Sự khác nhau là có hay không cảm thọ hạnh phúc, đau khổ, trung tính được trộn lẫn với sự thiếu hiểu biết và nhầm lẫn về chính cảm thọ. Nên nhớ, khi chúng ta phân biệt hạnh phúc khỏi đau khổ nói chung, sự thay đổi là chúng ta có thiếu hiểu biết về đối tượng mà chúng ta đang trải nghiệm hay không. 

Ở đây, ví dụ, ngay cả nếu chúng ta không phóng đại hay phủ nhận những đặc tính của một đối tượng mà chúng ta trải nghiệm với khổ đau, chúng ta có thể vẫn xếp cảm thọ khổ đau đó vào trong một loại “sự vật” rắn, thật sự hiện hữu, như một đám mây đen nặng treo trên đầu của chúng ta. Khi ấy chúng ta phóng đại những đặc tính tiêu cực của cảm thọ đó và tưởng tượng nó là, ví dụ, “một sự đổ sụp khủng khiếp” và cảm thấy bị giữ chặt bên trong nó. Trong trường hợp này, thiếu hiểu biết là không chấp nhận cảm thọ khổ đau như những gì nó là. Sau cùng, một cảm giác về đau khổ là điều gì đó mà nó thay đổi từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác như là sức mạnh biến đổi của nó: nó không phải là một thứ vật thể nguyên khối rắn mà nó thật sự tồn tại nơi chính nó, không bị tác động bởi bất cứ điều gì khác.

Chúng ta có thể áp dụng một sự phân tích tương tự khi chúng ta trải nghiệm cảm giác dửng dưng khi nghĩ về khổ đau của người khác. Trong trường hợp này, khi chúng ta phóng đại đặc tính tiêu cực của cảm giác lo buồn hay đau khổ, chúng ta sợ cảm nhận nó và vì vậy chúng ta ngăn chặn nó. Như vậy chúng ta trải nghiệm một cảm giác trung tính, không hạnh phúc cũng không khổ đau. Nhưng rồi chúng ta cũng phóng đại cảm giác trung tính đó, tưởng tượng nó là điều gì đó vững chắc, ngăn ta cảm thọ một cách đúng đắn bất kỳ thứ gì.

Để phát triển tâm bi, quan trọng là không phủ nhận rằng những tình huống khó khăn của người khác là đau buồn, có thể như là của chúng ta, chẳng hạn như việc mất việc làm của ta. Sẽ không lành mạnh khi sợ cảm nhận sự đau buồn đó và ngăn chặn nó. Chúng ta cần cảm nhận sự đau buồn này, nhưng không ở trong một hình thức phiền não, để có thể thông cảm với khổ đau của người khác, để phát triển mong muốn chân thành sâu sắc đối với người khác để thoát khỏi nó, và nhận một vài trách nhiệm để cố gắng giúp đỡ họ vượt qua nó.

Làm lắng dịu tâm

Để trải nghiệm cảm giác đau buồn trong một hình thức không phiền não, chúng ta cần làm lắng dịu sự rong ruổi và trì đọng của tâm chúng ta. Với tâm rong ruổi, sự chú ý của ta trôi dạt đến những suy nghĩ phiền não chẳng hạn như những suy nghĩ lấp đầy với lo lắng, nghi ngờ, sợ hãi, hay những suy nghĩ đầy với những mong chờ về những gì chúng ta hy vọng là điều gì đó vui thú hơn. Với sự ù lì của tâm, chúng ta rơi vào một sự mù mờ tâm thức và vì vậy trở nên thiếu chú ý đến mọi thứ.

Phật giáo có nhiều phương pháp cho việc rũ bỏ những trạng thái tâm rong ruổi và trì trệ của chúng ta. Một trong những phương pháp căn bản nhất là làm yên tĩnh bằng việc tập trung vào hơi thở. Với việc làm giảm sự rong ruổi và ù lì của tâm, tâm của ta tĩnh lặng và sáng rõ. Ở một trạng thái như vậy, chúng ta có thể dễ dàng làm lắng dịu bất kỳ sự phóng đại hay chán ghét nào, hay sự thờ ơ đối với những khổ đau của người khác và cảm giác của chúng ta về họ. Như vậy, ngay nếu chúng ta cảm thấy buồn, ta lại không phiền não.

Tuy nhiên, cuối cùng khi tâm của ta thư thái và điềm tĩnh hơn, ta tự nhiên cảm nhận một mức độ thấp về hạnh phúc. Trong một trạng thái tâm và cảm xúc điềm tĩnh, sự ấm áp và hạnh phúc của tâm trở nên biểu lộ. Nếu chúng ta đã xây dựng nên những khả năng đủ mạnh cho việc trải nghiệm hạnh phúc từ việc tham gia vào những hành xử có tính xây dựng, trạng thái tâm điềm tĩnh của ta giúp ta hạnh phúc hơn.

Phát triển lòng thương yêu

Tiếp đến chúng ta nhấn mạnh sự hạnh phúc này với những suy nghĩ thương yêu. Lòng thương yêu là ước mong cho người khác hạnh phúc. Mặc dù chúng ta cảm thấy đau buồn với khổ đau của người nào đó, chúng ta lại mong muốn một cách tích cực người đó hạnh phúc. Khi chúng ta ngưng suy nghĩ về bản thân mình và thay vào đó tập trung vào hạnh phúc của người nào đó, tâm ta tự nhiên ấm áp. Điều này một cách tự động mang chúng ta đến một cảm giác an vui nhẹ nhàng hơn và có thể tạo thêm những khả năng để cảm nhận hạnh phúc mà nó đã được xây dựng qua một thời gian dài bằng hành xử có tính xây dựng. 

Như vậy, khi tình thương là vô ngã và chân thành thì có một hạnh phúc êm ái đi cùng với tình thương đó, ta không có phiền não và buồn đau của ta biến mất. Giống như một người cha/mẹ đau đớn vì một cơn đau lại quên đi sự đau đớn trong khi dỗ dành đứa con bị bệnh của mình; tương tự nỗi đau buồn chúng ta cảm nhận về sự bất hạnh của người nào đó biến mất khi chúng ta phát ra những suy nghĩ thương yêu.

Tóm tắt

Tóm lại, nguồn hạnh phúc căn bản nhất theo Phật giáo là xây dựng một thói quen tránh hành động, nói năng hay suy nghĩ tiêu cực dưới sự tác động của những cảm xúc và thái độ phiền não chẳng hạn như ham muốn, tham lam, chấp thủ, ghê tởm và giận dữ, tất cả những điều này có gốc rễ ở nơi vô minh. Hành xử có tính xây dựng như vậy hình thành những khả năng cho việc trải nghiệm hạnh phúc trong tương lai. 

Chúng ta có thể tạo ra những khả năng đó bằng việc không thổi phồng hay phủ nhận những đặc tính tốt hay xấu của bất kỳ đối tượng hay tình huống nào mà chúng ta trải nghiệm hay ở bất kỳ mức độ hạnh phúc hay đau khổ nào mà chúng ta trải nghiệm nó - bất kể đối tượng hay tình huống có thể là gì. Không có vô minh, và như vậy sẽ không có chấp thủ, chán ghét, hay sự thờ ơ, do đó chúng ta cần làm trầm tĩnh tâm rong ruổi hay ù lì của mình. Chúng ta đặc biệt cần làm yên tĩnh tâm lo lắng và mong chờ của mình. Nơi trạng thái tâm trầm tĩnh và sáng rõ đó, chúng ta sẽ cảm nhận một mức độ thấp về hạnh phúc và tạo ra những khả năng mà chúng ta có thể có cho việc cảm nhận hạnh phúc lớn hơn.

Như vậy chúng ta mở rộng tâm mình bằng việc hướng sự chú ý của mình đến những vấn đề của người khác và cách họ có thể thậm chí ở trong những tình huống tồi tệ hơn chúng ta. Chúng ta ngưng suy nghĩ chỉ riêng cho bản thân. Chúng ta nghĩ thật tuyệt vời làm sao nếu tất cả những người khác có thể thoát khỏi khổ đau của họ, và thật vi diệu làm sao nếu chúng ta có thể giúp họ thực hiện điều đó. Lòng từ bi mạnh mẽ này tự nhiên đưa đến một cảm giác thương yêu - mong muốn họ được hạnh phúc. Suy nghĩ về hạnh phúc của họ giúp tạo ra thêm những khả năng của chúng ta cho việc đạt được hạnh phúc.

Với những suy nghĩ từ bi và thương yêu này, chúng ta như vậy có thể hướng suy nghĩ của mình đến chư Phật hay bất kỳ vị thánh nhân nào. Suy nghĩ về tấm gương của họ, chúng ta có được sự cảm hứng (adhisthana) để nhận trách nhiệm để cố gắng thật sự giúp đỡ người khác. Điều này giúp chúng ta đạt được sức mạnh và can đảm để giải quyết không chỉ vấn đề của người khác, mà cũng cả vấn đề của chúng ta - nhưng lặp lại, không thổi phồng chúng và không lo lắng về sự thất bại hay nhưng mong đợi thành công. n

Alexander Berzin - Đăng Nguyên dịch
(Nguồn: berzinarchives.com)

Theo: NSGN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch