Nhớ thời tôi còn nhỏ, nhà có mấy anh chị em nhưng nhiều lúc cũng
tranh giành, tị nạnh nhau. Tôi bé nhất nên dễ lấy cớ để khóc vu vạ các anh chị có
lúc làm ầm ĩ cả nhà. Thấy cảnh đó ông nội tôi đã gọi mấy chị em tôi lại và hỏi:
- Các cháu có biết tác hại của việc tranh giành có hậu quả
thế nào không?
Mấy chị em tôi ấp úng, ông nội tôi đã nói:
- Để hiểu tác hại của việc tranh giành nhau, ông sẽ kể
cho các cháu nghe câu chuyện này. Rồi ông kể:
Ở một vương quốc nọ, có vị vua mắc phải chứng bệnh hiểm
nghèo. Triều đình cho mời rất nhiều danh y tới chữa trị nhưng họ đều bó tay. Rồi
bữa nọ có một vị thần y được triệu vào cung, ông ta tâu:
- Thưa đại vương, bệnh này chỉ có thể khỏi khi ngài uống được
một bình sữa sư tử.
Quốc vương liền hạ chỉ, thông báo cho toàn dân trong nước,
ai lấy được sữa sư tử đem đến hoàng cung dâng vua, sẽ được ban thưởng. Vì ham
muốn được phần thưởng vua ban, bao nhiêu người đã bỏ mạng, bao nhiêu sư tử đã bị
giết mà vẫn không có được bình sữa sư tử.
Vùng nọ, có một chàng trai rất thông minh lanh lợi, chàng
vào rừng, tìm đến tận hang ổ sư tử xem xét, rồi mỗi ngày mang một con dê đến đặt
trước cửa hang cho sư tử. Phải qua thời gian chàng gần gũi và thân được với sư
tử mẹ và cuối cùng, lấy được sữa sư tử một cách dễ dàng. Có được “bảo bối”
trong tay, chàng đi ngay tới hoàng cung. Dọc đường, các giác quan của chàng
nghĩ tới phần thưởng và tưởng tượng ra cảnh vui sướng khi được hưởng thụ nên
chúng tranh nhau, kể công loạn xị, ai cũng nghĩ và cho rằng mình có công nhất.
Đầu tiên, chân lên tiếng:
- Lấy được sữa sư tử, phải nói tất cả đều nhờ vào tôi! Nếu
như không có tôi chạy tới chạy lui vất vả thì một giọt cũng đừng hòng thu được!
Mắt trợn trừng:
- Nói thế mà nghe được à? Nếu không có tôi quan sát thì
phỏng anh có thấy đường mà chạy, không có tôi thì anh biết động sư tử chỗ nào
mà mò tới? Công tôi mới là đầu! Hiểu chưa?
Tay xua lẹ:
- Các anh nói sai rồi! Nếu không có tôi, chả lẽ các anh
dùng mắt dùng chân mà nặn sữa được ư? Rõ là không hiểu lý lẽ! Công tôi mới là
nhất!
Cuộc cãi vã nổ ra dữ dội, ai cũng cố bảo vệ, cố mà khoe
công mình to nhất, cơ hồ như chẳng thể nào kết thúc. Lưỡi chợt nói to lên:
- Đừng ầm ĩ nữa! Mọi người nghĩ kỹ xem, nếu không nhờ tôi
thì bao nhiêu kỹ năng tài nghệ của các anh đều hóa thành vô dụng…
- Lếu láo! Dám nói thế cơ à? Để “ông” dần một trận cho mi
bỏ cái tật huênh hoang, tay nói.
- Đúng là cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo! Mi
thì làm được trò trống gì nào?Chân lên tiếng.
- Trong cái công trình lấy sữa sư tử này, từ đầu tới cuối
mi có góp được tí tẹo công lao nào không, hử? Mắt hỏi.
- Chỉ giỏi khoác lác, khoe khoang. Mũi chỉ trích!
Lưỡi cô thế biết khó nói lại số đông, chỉ buông một câu:
- Ai quan trọng thì lát nữa khắc biết! Tôi chẳng hơi đâu
mà tranh cãi với các anh!
Nói xong lưỡi im ỉm, chẳng thèm tranh luận thêm nửa lời.
Chàng trai vào đến hoàng cung gặp quốc vương. Câu đầu
tiên vua hỏi chàng trai:
- Đây có đúng là sữa sư tử không?
Lưỡi đáp liền:
- Không! Không phải! Đây là sữa… chó!
Quốc vương nghe nói, giận đầy ruột, không cần phải hỏi
câu thứ hai, vua lập tức sai thị vệ lôi
chàng trai ra chém đầu vì tội hỗn xược.
Trước khi rơi đầu, các giác quan kêu khóc ầm ĩ, lưỡi đắc
ý nói:
-Giờ thì các anh đã rõ ai quan trọng, ai có giá chưa?
Lưỡi hỏi thế, nhưng lưỡi có biết rằng vì tranh giành và đẩy
mọi giác quan tới chỗ chết, lưỡi cũng nào còn tồn tại.
Kể xong câu chuyện, ông tôi nói:
- Nếu các cháu tranh giành nhau, khác gì các
giác quan trong câu chuyện trên tranh công nhau. Vì tranh công mà không nhường
nhau. Vì không biết nhường nhau, ghét nhau mà dẫn tới hại nhau. Đã hại nhau thì
cuối cùng mất hết và không ai được gì. Nếu biết nhường nhịn nhau, cùng nhau bảo
vệ thì ai cũng được hưởng lợi, ai cũng được yên ổn.