Nghệ thuật sống
Bí quyết sống lâu của bà nội
24/02/2014 16:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đã bao năm cứ tối đến là bà nội và bố mẹ tôi lại ngồi bên nhau niệm Phật. Sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” hình như được bà niệm hàng tỷ lần. Để rồi những tháng cuối cùng máy niệm Phật luôn bật vang cùng bà.

Ngày xưa, con người chúng ta trải qua bốn bước trong cuộc đời mình: sinh, lão, bệnh, tử. Tuy nhiên thời nay, hình như do cách sống lệch lạc và môi trường quá ô nhiễm nên khá nhiều người chỉ kịp trải qua ba công đoạn của đời người: sinh, bệnh, tử. Họ không kịp già, chưa kịp trải qua tuổi già. 

Bà nội tôi là trường hợp duy nhất mà tôi được biết có cuộc đời thú vị khi chỉ trải qua ba giai đoạn khác hẳn: sinh, lão, tử. Thiếu ba tuổi nữa thì bà tôi sống tròn 100 tuổi.

Trong suốt cuộc đời, bà không bị ốm đau. Ít nhất trong mấy chục năm tôi chưa thấy bà đi viện bao giờ. Nếu bị ốm thì cũng chỉ là sổ mũi, nhức đầu, cảm cúm,… mà những bệnh ấy hoàn toàn có thể chữa được bằng lá cây và củ quả có sẵn ngoài vườn. 

Đặc biệt nhất là những tháng ngày cuối đời bà nội vẫn khỏe. Hai tháng trước ngày mất, bà giảm ăn. Sáu ngày cuối, bà không ăn nữa và qua đời. Bà vẫn tỉnh táo đến những giây phút cuối cùng. Trước khi lìa đời, em gái của bà hỏi chuyện bà vẫn có thể gật và lắc.

Trong lễ tang tôi xúc động nhất khi ông trưởng thôn đọc điếu văn. Ba “chức vụ” mà bà tôi có được là: thành viên hợp tác xã nông nghiệp xã Đông Hòa, thành viên hội phật tử chùa Phù Sa và thành viên hội người cao tuổi thôn Nghĩa Thắng.

Tôi đã giật mình khi nghe những lời này. Hóa ra bà tôi là một phó thường dân, không một chức vụ. Hóa ra bí quyết sống lâu, không bệnh tật là đây!
 Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Suốt cuộc đời tôi chưa thấy bà nóng tính bao giờ. Mà thực ra bà nội tôi chưa hề to tiếng với ai. Lũ cháu chúng tôi ngày xưa nghịch như quỷ sứ, luôn leo trèo cây cối, lội ao, bơi sông bì bõm, chạy nhảy mà theo cách gọi của bà là “như giặc”. Vậy mà, ngược lại với ông nội hay nóng tính và quát mắng lũ trẻ, bà chỉ nói nhẹ, nhẹ đến lạ thường. Bà hiền lắm. (Vậy là bà vẫn có uy với chúng tôi). Hóa ra bí quyết sống khỏe của bà là ở đây.

Bà tôi tiết kiệm lắm. Khi phơi lúa ra sân, cuối mỗi ngày, bà nhặt từng hạt lúa rơi vào các khe viên gạch hay bắn ra ngõ, ra vườn. Bà nhặt từng hạt cho vào lòng bàn tay. Nhờ bà nội mà tôi biết lúa gạo được gọi là ngọc thực. Bà không từng phí một hạt cơm nào: bà luôn vét đến từng hạt cơm cuối cùng trong nồi. Ít khi nồi cơm của bà còn hạt nào sót lại. Bà bảo, phí một hạt cơm là có tội. Phải chăng bí quyết sống vui đến cuối đời là đây.

Bà tôi hay cho quà các cháu lắm. Tiền chắt chiu được, bà luôn tặng quà các cháu. Tôi nhớ rằng hồi nhỏ, tiền mừng tuổi của ông bà ngày Tết luôn lớn nhất trong những khoản mừng tuổi của tất cả mọi người thân. 

Chiếc áo, cái quần bà mua cho từ ngày xưa tôi vẫn nhớ như in. Những chiếc bánh đa, quả táo, gói kẹo ngày nào vẫn như sống lại với tôi lúc này. 

Mỗi lần tôi về nghỉ hè hay Tết quay lại Hà Nội, bà không quên tháo thắt quần ra lấy ra một chiếc bao vải nhỏ và lôi từ đó ra ít tiền cho cháu. 

Không những tôi mà các cháu khác cũng vậy. Khi bà đã già, tôi đã lớn, tiền tôi biếu bà thường được bà cho các cháu khác nhỏ hơn và vẫn còn khó khăn thiếu thốn. Tôi cứ nghĩ, ít ai hay cho quà các cháu nhiều như bà nội tôi. Có lẽ bí quyết sống tuyệt vời như bà là thế này đây.

Bà tôi không biết chữ. Những gì cần đến pháp lý bà phải chỉ điểm bằng các ngón tay. Ấy vậy mà bà kể cho chúng tôi nghe đến thuộc lòng cả mấy chục câu chuyện cổ tích. Tôi cũng thấy ít ai thuộc nhiều chuyện cổ tích và kể hay như bà. Chắc hẳn đây cũng là một bí quyết để bà sống khỏe bên con cháu.  

Đã bao năm cứ tối đến là bà nội và bố mẹ tôi lại ngồi bên nhau niệm Phật. Sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” hình như được bà niệm hàng tỷ lần.

Để rồi những tháng cuối cùng máy niệm Phật luôn bật vang cùng bà. Để rồi một tháng cuối và suốt 49 ngày sau khi bà qua đời, tất cả con cháu quay quần tụng Kinh, niệm Phật cho bà. Đúng là bí quyết sống hạnh phúc này giản đơn thật. 

Bà tôi hay mặc quần áo rách lắm. Ngay cả khi kinh tế đã khá, con cháu đã mua cho bà nhiều quần áo mà bà vẫn để dành. Bà để ngày mai, để sau này sẽ mặc. 

Ngày bà mất, còn rất nhiều quần áo mới tinh, chưa một lần mở ra. Phải chăng bà dành hết cho con cháu hưởng. Còn phần cho bà ư? Bà hay nói, bà già rồi, mặc gì chẳng được. 

Cũng cần nói thêm, bà chưa hề ra khỏi quê. Bao lần tôi lên kế hoạch và tìm mọi cách đưa bà về thăm Hà Nội mà không được. Chiếc xe hơi của tôi đã lỡ hẹn với bà trọn cuộc đời!

Bà nội mất khi đã có 141 con, cháu, chắt. Đám tang bà có 6 chút thắt khăn đỏ. Còn chắt thắt khăn vàng thì nhiều lắm, cả mấy chục đứa. Ai cũng bảo đám tang bà to nhất làng.

Tôi gõ những dòng chữ này khi vừa bay về Sài Gòn từ nước ngoài và chuẩn bị cho một chuyến bay khác. Tôi thì khoác trên người bao bằng cấp và chức vụ, có bao tiền của và tài sản, đi hết nơi này đến nước khác vậy mà những gì tôi thật sự có còn thua bà rất xa. Tôi thiếu sự vui vẻ và thư giãn của bà. Tôi không có nụ cười hiền hậu và tâm hồn rộng đến vô biên như bà. Tôi cần học cả đời để có tài sản như bà: tình yêu thương con cháu, sự cảm thông sâu sắc, lòng vị tha như Phật Bà Quan Âm.

Hôm trước tôi đến dự một đám tang. Trong điếu văn, người mất có quá nhiều chức vụ, đến mức tôi không thể nhớ hết. Chỉ tiếc rằng ông mất quá trẻ và ra đi trong những cơn đau, khi bao dự án đang còn dở dang và con cháu sẽ phải mất công họp lại chia nhau những khoản tiền và tài sản mà ông để lại.

Tự nhiên tôi muốn buông tất cả những gì đang treo trên đôi vai để được như bà nội.

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng

Theo Phatgiao.org

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch