|
Gần 100 người đã có mặt để tham gia chương trình. |
Theo thông báo của Học viện Lãnh đạo FPT (FLI), 18h chương trình mới diễn ra nhưng có vẻ chủ đề “Tiền bạc và Hạnh phúc” quá hấp dẫn nên từ 17h30, khán phòng tầng 13 đã gần kín người. Ngay trước giờ diễn giả đăng đàn, đội ngũ hỗ trợ của FLI phải tăng cường thêm khoảng 40 ghế ngồi so với dự kiến ban đầu.
Chị Nguyễn Lệ Hằng, Phó giám đốc FLI, hồ hởi: “Mình không nghĩ chương trình lại đông người dự thế này, vượt xa so với mong đợi của Ban tổ chức”.
Thượng tọa trụ trì Thích Chân Quang dù cả ngày bận rộn với lịch làm việc ở Hà Nội nhưng đã có mặt tại chương trình rất sớm. Dáng vẻ thanh tao, khuôn mặt đôn hậu, hiền lành, thầy ngồi khiêm tốn ở góc bàn tiếp khách và rủ rỉ trao đổi, nói chuyện trước với MC Vương Quân Ngọc.
Bằng lối dẫn dắt câu chuyện thông minh, hóm hỉnh của MC, thầy Thích Chân Quang đã mở đầu buổi nói chuyện bằng việc chia sẻ góc nhìn và quan điểm của mình về tiền bạc. Theo thầy, tiền giống như là cốt tủy của cuộc sống. Cái gì cũng cần đến tiền. Tuy nhiên, nếu suy xét một cách thấu đáo thì thực ra còn có một cái gì đó cao hơn cả tiền. Có những khi tưởng chừng không có tiền thì không sống nổi nhưng vượt qua những giai đoạn đó, con người ta vẫn sống bình thường, thậm chí sống tốt, vậy nên "tiền không phải là tất cả".
|
MC Vương Quân Ngọc có lối dẫn chuyện thông minh, hóm hỉnh và luôn đặt câu hỏi cho thượng tọa. |
Ví dụ từ chính bản thân thầy được lấy ra để minh họa cho quan điểm đó. “Trong đời thầy, đã có 3 lần phải cân đo, tính toán và suy nghĩ về tiền. Có khi, trong túi thầy chỉ còn 300.000 đồng, số tiền đó để nuôi sống hơn 10 đệ tử ở chùa. Nhưng đi đường, thấy người ta bán một con hoẵng, thầy phân vân và xót xa vô cùng, nghĩ nếu mình không mua, người kia nhất định sẽ bán cho người khác và cuối cùng nó sẽ bị làm thịt thì quá thương tâm nên thầy quyết định hỏi mua. Sau khi biết thầy mua để thả ra, người bán đã đồng ý bán cho thầy với giá 200.000 đồng. Chỉ còn 100.000 đồng trong túi mà chia cho 10 người, tưởng chừng không sống nổi và chết đói nhưng cuối cùng rồi mọi thứ cũng qua, thầy và mọi người vẫn bình an.
Trong nhiều hoàn cảnh, tiền còn là gánh nặng. Ban đầu, người ta tưởng có tiền là được thụ hưởng nhưng không phải vậy, thậm chí còn mang lại nhiều hệ lụy như phải lo cất giữ, chi tiêu sao cho hợp lý, khôn ngoan…Do đó, chưa chắc người giàu đã sướng hơn người nghèo và ngược lại. Họ cùng phải chịu đau khổ và hạnh phúc như nhau.
|
Lâu rồi FLI mới có một chương trình đông người tham gia và ngồi từ đầu đến cuối thế này. |
Khẳng định một lần nữa quan điểm của mình, thầy cho rằng, trong cuộc sống, tiền rất quan trọng nhưng ẩn sau đó vẫn có một điều gì đó cao siêu và lớn hơn tiền bạc và con người phải tin vào điều đó.
“Những ai làm được nhiều điều tốt, giúp đỡ được nhiều người sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Quan trọng hơn là phải tích phúc bởi cuộc đời này luôn có luật nhân quả”, thầy nói. "Khi làm một điều tốt là mình đã tích phúc cho cuộc đời mình, và phúc đó sẽ bảo đảm cho mình có thể lựa chọn điều mình mơ ước. Người có nhiều phúc sẽ có nhiều con đường, nhiều lựa chọn tốt đẹp hơn cho cuộc sống của mình".
Trước câu hỏi “Kiến tiền đến khi nào thì đủ” của người nghe, thầy vui vẻ nói: “Tiền bao giờ cũng đủ và bao giờ cũng thiếu. Có thể với ta số tiền đó là đủ rồi, nhưng trong cuộc sống vẫn luôn có những người cần ta giúp đỡ, như vậy là thiếu. Nếu có cơ hội thì hãy kiếm tiền một cách chân chính thật nhiều để chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh”.
|
Một khán giả đặt câu hỏi cho thầy về việc người tu hành khác người thường thế nào. |
Bàn về vấn đề hạnh phúc. Thầy cho rằng, hạnh phúc được chia ra làm 3 loại cấp độ. Hạnh phúc sơ khai nhất nằm ở điều kiện, hoàn cảnh cuộc sống như cơm ăn, áo mặc, được đi chơi, được học hành, làm việc…Ban đầu ta tưởng những điều đó mang cho ta hạnh phúc nhưng thực ra cảm giác mới mang lại hạnh phúc. Tuy nhiên, theo thời gian, cảm giác này có thể mất đi, hoặc điều chỉnh, rèn luyện được. Cuối cùng, cấp độ cao nhất của hạnh phúc đó là thiền định, bởi khi thiền sẽ tìm được sự bình an trong nội tâm.
Ví dụ, bỗng dưng nhận được một số tiền lớn từ trên trời rơi xuống, cảm giác của ta rất thích thú, hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng có một người, được cho số tiền tương tự nhưng chưa chắc họ đã cảm thấy vậy. Như thế có thể nói, cảm giác bên trong mới chính là hạnh phúc chứ không phải tiền.
Tuy nhiên, cảm giác này hay thay đổi nhiều lúc khiến ta cảm thấy đau khổ. Và khi ấy, chỉ có thiền định mới đưa người ta đến được với hạnh phúc thực sự.
|
Thượng tọa Thích Chân Quang đã đi tu được hơn 30 năm. |
“Khi thiền, ta có thể kiểm soát bản thân, tâm trở nên trong suốt, tĩnh sáng. Khi ta thiền, nếu một người nào đó chuẩn bị gọi điện thoại cho ta, ta cũng có thể biết. Khi xem một bộ phim hay, ta có thể nhìn ra kết thúc của nó. Khi thiền, ta còn biết mọi người xung quanh đang buồn hay vui. Dù thiền là tĩnh đấy nhưng thực ra lại rất động. Khi thiền ta có thể lắng nghe và cảm thụ cuộc sống này được nhiều hơn”, thầy nhận định.
Trong thiền, phải chú ý đến việc kết hợp hài hòa giữa thân và tâm. Lắng tâm để không còn thấy thân. Mục tiêu của thiền không phải để đạt được năng lượng mà để có được những phẩm chất tốt đẹp khác.
Kinh nghiệm của thầy là nên thiền trước và sau khi ngủ. Buổi sáng thiền sẽ cảm thấy một ngày mới bắt đầu thật thú vị, còn thiền buổi tối sẽ giúp trút bỏ hết mệt nhọc sau một ngày dài.
Ngoài những chia sẻ về tiền bạc, hạnh phúc, thượng tọa còn dành thời gian trả lời những câu hỏi, thắc mắc của người tham gia các vấn đề xung quanh đạo phật và tu hành.
Nhiều khán giả thắc mắc: “Làm thế nào để kìm chế sự nóng giận của mình khi bị người khác chơi xấu hoặc chọc ngoáy?", thầy cho rằng, khi người ta chọc mình, người ta chỉ tốn một vài calo hay lời nói nhưng ngược lại, mình bị mất rất nhiều, thậm chí hủy hoại bản thân. Chính vì thế, phải bình tâm và kiềm chế sao cho những lời đó như gió thoảng mây trôi, không để ý gì đến họ, thì tự khắc mọi thứ sẽ yên bình và trở về như vốn có.
Trước câu hỏi “Cuộc sống của người tu hành khác với cuộc sống người thường thế nào?”, thầy từ tốn cho rằng, với những người đi tu thực sự thì cuộc sống của họ khác rất xa với người thường. Người tu hành luôn cẩn thận và nâng niu, làm tốt mọi chuyện ở những điều nhỏ nhất. Những người không có lý tưởng tu thì cho rằng điều đó là gò bó, nhưng người tu hành quan điểm thế mới là điều đáng sống, là hạnh phúc của họ.
Chậm rãi nhấp hết ngụm nước trong cốc, thầy nhẹ nhàng: “Ngay ở chuyện uống nước cũng vậy. Người tu hành bao giờ cũng uống hết nước trong cốc, trong chai, không bao giờ bỏ thừa. Những người bỏ thừa nước, bỏ thừa thức ăn là tội lỗi vô cùng”.
Những câu hỏi về luật nhân quả, về tiền kiếp cũng được thầy giải đáp và khiến người FPT bị chinh phục hoàn toàn bởi trí tuệ uyên thâm và cốt cách. Phần trả lời của thượng tọa đều được dựa trên sự lập luận logic, dễ hiểu, do đó hầu như cứ sau mỗi câu trả lời, cả khán phòng đều vỗ tay tán thưởng. Đây là điều chưa từng xảy ra ở một chương trình FLI Club nào.
Chăm chú nghe từ đầu đến cuối, Phạm Văn Tùng, BU16 - FSU1, FPT Software, nhận xét, buổi nói chuyện có sự logic và nhiều ví dụ mang tính thực tế cao chứ không phải lý thuyết suông. Phong cách nói chuyện của thầy cũng rất vui vẻ, dễ hiểu. "Qua chương trình, mình biết thêm được nhiều điều về hạnh phúc và có thể áp dụng nó cho cuộc sống sau này", anh nói.
“Mình rất chú ý tới những chia sẻ của thầy về thiền. Trước đó, mình đã có ý định tập thiền nhưng chưa có động cơ/ Sau buổi hôm nay, nhất định sẽ tìm hiểu thêm để áp dụng, để tìm thấy hạnh phúc đích thực của nó”, Phương Minh (FPT Telecom) chia sẻ.
Diễn ra hơn 2 giờ, chương trình thu hút được gần 130 người tham gia và để lại nhiều bài học, quan điểm sâu sắc về tiền bạc và hạnh phúc.