Thiền sư Nhất Hạnh nói: “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”. Thật vậy, có “lắng nghe” thì mới hiểu được thấu đáo, mà có hiểu thấu đáo thì bạn mới “có thể” đưa ra những nhận định, hoặc quyết định đúng đắn được.
Trong cuộc đời này, “dường như” ai cũng thích những lời khen ngợi, lời nói nghe bùi tai và thậm chí là “tâng bốc” quá đà. Ngược lại, những lời nói thẳng, nói thật hay có chút “chê bai” thì lại chẳng mấy ai ưa chuộng. Nhưng bạn hãy nên nhớ rằng, “thuốc đắng thì mới mau lành bệnh và lời nói chân thật thì mới tốt cho việc làm[1]”. Thế bạn muốn bệnh được mau khỏi hay cứ muốn “nằm dài” trên giường bệnh? Vậy bạn thích việc làm đạt được kết quả tốt hay chỉ làm cho qua loa xong chuyện? Tôi tin tưởng rằng, sự lựa chọn của bạn sẽ là chuẩn xác.
Có thể nói, việc biết “lắng nghe” những lời nói chân thật và chịu tiếp nhận những lời phê bình, hoặc khiển trách đến từ người khác là điều tương đối khó thực hiện đối với không ít người. Tuy nhiên, khi “thoạt nghe” những câu mà bạn cho là “chướng tai gai mắt” thì sẽ cảm thấy ấm ức, tức tối và thậm chí là còn lụng bụng…, nhưng một khi bình tĩnh và nghĩ lại thì bạn mới thấy được điều bổ ích ở trong những lời nói chân thật hay phê bình đó. Bởi vậy, các cụ nhà ta mới có câu: “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.
Vậy nên, cho dù là khen hay chê thì chúng ta cũng không nên “vội vui” hay “vội buồn”, mà hãy biết tĩnh lặng để “lắng nghe”, đồng thời phải nên nghĩ rằng “khen” là động lực để ta càng cố gắng và làm tốt hơn nữa, còn “chê” là cơ hội tốt để ta xem xét, suy ngẫm và sửa đổi những điểm yếu kém của mình. Có như vậy, chúng ta mới có thể tiến bộ được. Đức Khổng tử dạy rằng: “người bất thiện mà không biết sửa đổi, đó là điều khiến cho ngài rất đáng lo[2]”. Thật vậy, nếu biết sai mà chịu sửa thì “vàng” cũng chẳng sánh kịp đâu bạn ạ!
Có người cho rằng, “mũi to” (kiểu mũi sư tử) là biểu hiện của sự giàu sang và quyền lực… Chưa chắc đâu bạn ạ! Vì to vừa thì còn thấy đẹp và dễ nhìn, nếu như to “quá khổ” thì không những không đẹp mà có lẽ còn phải vào “thẩm mỹ viện” để chỉnh lại đấy! Nếu như bạn chỉ thích khen và khen, đặc biệt là những lời khen ngợi hay tâng bốc “thái quá”. Lúc đó, mũi của bạn sẽ phồng lên “to quá”, mà một khi mũi to “quá khổ” thì không những sẽ rất xấu mà lại còn bị che lấp mất tầm nhìn của mắt bạn. Bạn biết rồi đó, một khi mắt mà bị mũi che lấp thì còn nhìn được thấy chi nữa? Lúc đó, trời có trong xanh và hoa có đẹp đến mấy đi chăng nữa thì “chắc chắn” bạn cũng sẽ khó có thể thưởng thức hết được những vẻ đẹp của tự nhiên.
Chúng ta hãy cố gắng “rèn luyện” cho mũi của mình luôn giữ được ở vẻ đẹp tự nhiên, không nên để cho nó “phập phồng” nhiều quá. Bởi lẽ, lúc “bé quá” cũng sẽ khổ, mà khi “quá khổ” thì lại càng khổ hơn. Nếu như mũi của bạn luôn luôn giữ được ở trạng thái tự nhiên thì mới thấy đẹp, dễ hít thở không khí và càng đỡ tốn tiền đi “thẩm mỹ viện”, đồng thời cũng khiến cho mắt của bạn có được khoảng không gian quang đãng để chiêm ngưỡng những vẻ đẹp tự nhiên do thiên nhiên ban tặng.
Tóm lại, cho dù là ở môi trường nào đi chăng nữa, chúng ta nên luôn luôn biết “lắng nghe” và hãy dùng trí tuệ để phân biệt đâu là thực, đâu là hư. Bởi lẽ, những lời nói nghe bùi tai hay khen ngợi thái quá…, chưa hẳn đã được xuất phát từ đáy lòng của họ, cũng giống như những chiếc kẹo bên ngoài tuy được bọc bằng đường, nhưng “đôi khi” bên trong nó lại hàm chứa bằng thuốc độc cũng nên. Đức Khổng Tử cũng đã phải thốt lên rằng: “xảo ngôn lệnh sắc, tiển hĩ nhân[3]”. Tạm dịch: “lời nói mỹ miều - có phần xảo trá, nét mặt thì hớn hở - tỏ ra nịnh bợ, đó là người ít lòng nhân đức ”.
Nếu biết “lắng nghe” và “thấu hiểu”, thì chắc hẳn những lời chặc lưỡi như: “biết vậy…” hay “biết thế…” sẽ ít khi xảy ra đúng không bạn?
Taipei퍔ཾ>, mùa Phật đản năm 2011
TMQ
[1]《孔子家語.卷四.六本》:「良藥苦於口而利於病,忠言逆於耳而利於行。」
[2]《論語‧述而篇》:「…不善不能改,是吾憂也。」