Nghệ thuật sống
Sống ngu, sống khôn....
Tuệ Phương
17/11/2014 10:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

    Khôn ở đây có nghĩa là cái khôn của thế gian, là sự tính toán chi ly, chí lý trong cuộc sống. Chi ly ở đây không phải là chi ly tiền bạc, mà là một sự chi ly trong hành động, trong suy nghĩ. Nói cách khác Khôn ở đây có nghĩa là sự tính toán hoàn hảo.

     Khôn ở đây có nghĩa là cái khôn của thế gian, là sự tính toán chi ly, chí lý trong cuộc sống. Chi ly ở đây không phải là chi ly tiền bạc, mà là một sự chi ly trong hành động, trong suy nghĩ. Nói cách khác Khôn ở đây có nghĩa là sự tính toán hoàn hảo.
     Người ta khôn để làm gì? Họ khôn để họ đạt được những dự định, những mục đích của bản thân mình trong cuộc sống, đôi khi họ khôn vì tiền, đôi khi họ khôn vì cái tiếng, cái danh.
 


Hình minh họa
 
    Để đạt được mục đích này, mục tiêu khác họ phải bắt tay người nọ, làm quen người kia, họ phải lân la những chỗ họ cần đến, họ phải gồng mình lên để lựa lời nói năng, sắc sảo, họ tính toán từng suy nghĩ để nói và hành động cho phù hợp..vv. Số người khôn như vậy thành công cũng nhiều, nhưng thành công lâu dài hay có hệ quả gì không thì tôi không biết.

    Không biết tôi có phải là ngu không nữa, mà cũng chắc là ngu đó. Ai nói chuyện với tôi một chặp rồi tôi cũng thấy họ thánh thiện lắm, để rồi nhiều khi tôi chia sẻ những điều không đáng để chia sẻ, những điều mà tôi canh cánh trong lòng. Nhưng mà tôi chia sẻ những thứ mà liên quan đến họ thôi, chứ tôi không chia sẻ chuyện của một người nào đó ở ngôi thứ 3 mà không liên quan đến họ.

    Có những lời nhắc nhở tôi rằng phải cẩn thận! Cẩn thận với người này, cẩn thận với người kia, nhưng rồi tôi cũng quên hết, có khi tự dưng tôi quên, cũng có khi cố tình tôi quên. Tôi nghe ai nói điều không tốt về một người nào đó, lúc đó thì tôi nhớ, tôi nghĩ tôi phải dè chừng thế này thế nọ, nhưng sao khi gặp họ, tôi lại thấy họ thánh thiện, và rồi tôi lại quên mất những lời nhắc nhở kia. Vì tôi ngu nên bị họ đánh lừa cảm xúc, hay vì tôi thấy được cái thánh thiện của họ mà tôi mềm lòng?

    Có những lời nhờ qua gửi lại cho tôi, chắc chắn là những lời không đẹp không hay thì người ta mới nhờ, mới gửi qua gửi lại, chứ những lời đẹp, lời hay thì người ta đã gửi thẳng rồi. Tôi cũng nghe, nhưng nghe rồi cố tình tôi quên, tôi nói với tôi rằng khi nào người ta nói thẳng với mình thì cả hay, cả tin sự thật nó là như vậy. Còn bây giờ, cứ tạm thời cho rằng sự thật đó là không có đi. Nghĩ như thế không phải vì tôi không tin tưởng người thân cận mang những lời gửi gắm về cho tôi, mà đơn giản vì tôi không muốn tự làm khổ chính tôi bằng những lời không hay, không đẹp đó. Tôi nghe để tôi biết thôi, biết để nhìn lại bản thân mình xem như thế nào mà để người ta nói như vậy. Biết vậy để thấy mình sai thì sửa, thầm tri ân họ vì đã góp ý cho mình hoàn thiện, còn không sai thì coi như“nước đổ lá môn” cho khỏe người.

    Cái tính tôi nó thế đấy, chẳng biết có phải ngu không nữa, nhưng mà ngu hay không ngu – tôi nghĩ không phải là vấn đề, vấn đề nằm trong tư tưởng, trong tâm trí.

    Gặp ai cũng thấy người ta thánh thiện, thấy người ta thánh thiện thì tôi lại bày cái khúc mắc của lòng mình ra, thế là mấy người thánh thiện ấy họ ngồi với nhau, họ đưa cái khúc mắc của tôi ra và rồi họ cho tôi là ba phải! Tôi biết cái tính tôi có sao nói vậy, nghĩ là nói chứ không khôn để mà tính toán rằng thì là nói ra cái này, nói ra cái kia làm người ta mất lòng. Nghe họ nhờ một người khác nói lại là tôi ba phải thì tôi cũng buồn, có khi buồn lắm nữa! Mỗi khi nghe vậy là tôi buồn, tôi buồn xong rồi tôi lại rà soát lại tôi, mình có làm sao thì họ mới nói chứ, không có lửa làm sao có khói. Rồi tôi chợt nhận ra rằng, do tôi sân si quá, không chịu nghe lời Phật dạy để mà sống như dòng sông, chuyện gì đi qua không biết để nó đi theo con nước, mà cứ giữ trong lòng, để rồi thấy ai thánh thiện với mình lại đem ra mà bày tỏ! Cái vấn đề nó nằm ở đây, tôi phải tập sống như dòng sông, để cho mọi chuyện đến đi, như con nước của sông vậy,...

    Có người nói tôi, sao có cơ hội thân cận người này, quen biết người kia để giúp trong công việc mà không thân cận, không quen biết. Tôi cười trừ, ậm ừ cho qua chuyện! Người ta biết tôi theo đạo Phật, nhưng biết vậy thôi chứ phần nhiều chả biết bên trong đạo Phật có thứ gì cả, họ chỉ thấy mấy Thầy, mấy Sư bận áo vàng, áo nâu tụng kinh gõ mõ, biết Đạo Phật là vậy thôi. Họ đâu có biết rằng trong Đạo Phật cũng có chữ “duyên”, mà cho dù có biết đi chăng nữa thì họ cũng đâu có biết rằng“duyên” trong đạo Phật không chỉ đơn giản là nợ! Thành công hay thất bại đâu phải do thân cận người này, quen biết người kia, thành không hay thất bại do nơi cái tâm, cái trí. Tâm tưởng thì sự thành, ông cha ta cũng chẳng đã nói vậy sao? Mà thành công hay thất bại trong cuộc sống này nó cũng mập mờ lắm, có khi thành công để thất bại, có lúc thất bại lại để thành công, hơn thua ở cái tâm, cái trí nghĩ gì, biết gì mà thôi. Cuộc đời này là mối nhân duyên chằng chịt, lấy tất cả các sợi chỉ của tất cả các màu sắc chằng qua chịt lại thì cũng chẳng tả hết được mối liên hệ nhân duyên trong cõi này. Tôi biết vậy để tôi dặn lòng mình không lạm dụng và lợi dụng những thứ gọi là thân cận, gọi là quen biết. Cái gì đến sẽ đến, đến rồi nó sẽ đi!

    Nhưng rồi cuộc sống chẳng dễ dàng để an lạc chút nào, nhiều khi tôi chìm đắm trong những tiếng khen chê, những sự hiểu lầm hay lời qua tiếng lại không hay, những khúc mắc trong những mối quan hệ, hay những rắc rối của công việc, tôi lại thầm an ủi tôi: “Mình sống sao thì có chư Phật biết, chư Bồ tát biết!” – nghĩ vậy thôi cũng vơi đi sự nặng nề trong thân tâm nhiều lắm rồi…

    Con nước ròng rồi lại con nước lớn, đến đến đi đi...

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch