Nghệ thuật sống
Tu trong lúc đi học
06/12/2014 09:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

  Mục đích của việc học là để thành người với đúng ý nghĩa của nó, tức là một con người hoàn thiện về mọi mặt, tài giỏi và có nhân cách đạo đức nhằm làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân và dấn thân đóng góp lợi ích cho xã hội.

Trước tiên là nói việc tu của các em học sinh đang bận việc học hành thi cử, nếu biết cách tu vẫn đạt được kết quả tốt đẹp. Khi cắp sách đến trường, các em phải quan niệm rằng, “ta cố gắng học cho giỏi, để sau này trả ơn cha mẹ, có sự nghiệp và tương lai để làm tròn trách nhiệm bổn phận đối với gia đình người thân, đóng góp lợi ích cho xã hội và hoàn thiện chính mình”, đó là các em học sinh khéo tu.

tu_khi_hoc.jpg

Muốn lập thân cho đúng nghĩa của nó, các bạn trẻ phải chú tâm vào việc học để tiếp thu nền kiến thức phong phú và đa dạng, bằng sự hiểu biết chân chính. Học không có nghĩa là chỉ cần cắp sách đến trường và đọc nhiều sách vở, hay học được một nghề thật giỏi và kiếm thật nhiều tiền để hưởng thụ.

Mục đích của việc học là để thành người với đúng ý nghĩa của nó, tức là một con người hoàn thiện về mọi mặt, tài giỏi và có nhân cách đạo đức nhằm làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân và dấn thân đóng góp lợi ích cho xã hội.

Trước tiên, học là noi gương sáng của các bậc tiền nhân, vĩ nhân, tức là chúng ta bắt chước những việc làm ích nước lợi dân mà các bậc tiền bối xưa đã làm. Chúng ta học để phân biệt được phải trái, tốt xấu, đúng sai, hơn thua, thật giả.

Thấy điều tốt đẹp ta phải bắt chước làm theo. Thấy điều xấu ác làm tổn hại đến mình và người, thì ta phải tìm cách tránh xa hoặc không a dua theo. Người khôn ngoan sáng suốt là người biết học để tiếp thu cái tốt, biết loại bỏ cái xấu của người khác, đó là ta biết tu.

Từ những hiểu biết căn bản qua việc học trên ghế nhà trường, gia đình là môi trường trực tiếp để dạy các em biết được đạo lý làm người. Chúng ta không thể nào học suông lý thuyết mà cần phải tìm tòi, nghiên cứu, suy diễn, nghiệm xét và biết phân biệt tốt xấu, đúng sai. Chúng ta đừng quá tin vào sách vỡ mà hãy học cách suy gẫm, để tìm ra bản chất thật của nó để áp vào trong cuộc sống hằng ngày.

Ngoài ra, chúng ta phải cố gắng và có quyết tâm cao độ trong học hỏi thì mới mong đạt được kết quả tốt đẹp trong tương lai. Có cố gắng học hỏi như thế ngay khi còn nhỏ thì các bậc cha mẹ mới đem hết khả năng và những gì biết được để chăm sóc, dạy dỗ cho con em mình hầu giúp chúng, có ý thức trong việc học mà không phụ lòng cha mẹ.

Các em học sinh hãy nên nhớ rằng, nếu chúng ta không có ý chí tự lập thì sau này khó có cơ hội thành công. Những người như vậy dù cha mẹ có cố gắng quan tâm, lo lắng và giúp đỡ, cũng không thể nào giúp họ tiến thân. Cuối cùng, những người này chỉ ăn bám gia đình người thân bởi tâm ỷ lại, và không giúp ích gì cho xã hội.

Chúng ta học để biết cách làm chủ bản thân nhờ có suy nghĩ tích cực, tư duy quán chiếu nhận ra chân lý cuộc đời và học để biết cách chung sống với mọi người mà không làm tổn hại cho nhau. Đa số chúng ta hiện nay chỉ quan niệm học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm ổn định, đó là cách học để làm ăn.

Có một quan điểm khác rất quan trọng là học để nâng cao trình độ hiểu biết và biết cách hoàn thiện chính mình, thì hầu như hiện nay ít người quan tâm đến.

Chúng ta học nhằm để phát triển được hết năng lực của mỗi cá nhân, nhờ vậy ta biết cách làm chủ bản thân, biết được giá trị sống của đời mình mới chính là mục đích của việc học. Khi chúng ta đã biết cách phát huy tốt năng lực bản thân, thấy được giá trị thiết thực của cuộc sống là phải nương nhờ vào nhau mới phát triển tốt đẹp, do đó chúng ta cần phải có trách nhiệm yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Chúng ta học làm sao để làm người con hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Hiếu thảo là đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, là đạo lý chân thật không thể thiếu trong đời sống hằng ngày.

Cha mẹ là người sinh ra mình, săn sóc, nuôi dưỡng mình rất vất vả, nhọc nhằn và còn lo cho ta từ cái ăn tới việc học, đến khi khôn lớn lại dựng vợ gã chồng và còn chia gia tài cho ta nữa. Cha mẹ cũng chính là người thầy giáo đầu tiên dạy ta nên người. Công ơn cha mẹ được ví như trời cao biển rộng, không gì có thể sánh bằng. Chính vì vậy mà con cái phải biết thương yêu, kính trọng và biết ơn cha mẹ.

Lúc nhỏ, chúng ta chỉ cần thể hiện lòng biết ơn cha mẹ bằng cách nghe lời cha mẹ chỉ dạy, siêng năng chăm chỉ học hành và yêu kính cha mẹ. Khi khôn lớn trưởng thành chúng ta thể hiện lòng biết ơn cha mẹ bằng cách sống làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, ân cần săn sóc cha mẹ, kính trọng cha mẹ và giúp đỡ cha mẹ mỗi khi cha mẹ cần đến.

Chúng ta làm được như thế thì mới gọi là người con có hiếu và mới được gọi là người có học thức. Nếu chúng ta làm trái các điều này thì ta có thể bị liệt vào hạng người con bất hiếu.

Trong các tội đồ, tội lớn nhất là tội bất hiếu vì cha mẹ là người có ơn nghĩa cao cả mà ta còn không biết ơn và đền ơn thì huống hồ ta có thể giúp đỡ, sẻ chia cùng người khác. Con người một khi đã dính vào tội bất hiếu, thì không việc xấu ác nào mà họ không dám làm.

Qua chương trình tài trợ học bổng cho các em học sinh khó khăn vùng sâu, vùng xa của Hội Ấn Tống Từ Thiện Duyên Lành, do chúng tôi làm chủ nhiệm, chuyên tài trợ học bổng cho các em học sinh khó khăn, với chủ đề “Kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống”, chúng tôi muốn gửi gắm đến các em một thông điệp:

Học để các em nâng cao trình độ hiểu biết, tin sâu nhân quả và biết cách hoàn thiện chính mình, để làm tròn bổn phận đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.

Chúng ta cần phải chú tâm vào việc học ngay từ khi còn trẻ và tiếp tục học hỏi, trau giồi mãi cho đến khi già chết mới thôi. Việc học phải bao gồm từ khi nghe đọc, rồi nghiên cứu, suy gẫm, biết cách áp dụng thực hành từ ý nghĩ cho đến lời nói, hành động cũng phải học. Đó là các em học đúng cách theo lời Phật dạy là văn, tư, tu. Như thế, trong lúc đang học các em học sinh vẫn tu được.

 

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch