trong tầm tay.
Thức ăn này là tặng phẩm đất trời và công lao tác... (Ảnh minh họa)
Tôi nhớ đến chuyện một vị vua ở xứ nọ, do ăn đến nỗi bụng no căng, ông cảm thấy khó chịu, rồi than thở. Thấy vậy, một hiền triết đã cho ông những lời khuyên sau: “Người giữ được thân tâm thanh tịnh, và biết ăn uống điều độ sẽ ít bệnh, sống lâu, tuổi thọ cao”. Nhà vua lo âu vì thể lực sút giảm, sức khỏe yếu, quán sát thấu đáo những lời khuyên của nhà hiền triết, và tự nhắc nhở mình về những lời này tại các bữa ăn, dần dần giảm được lượng thực phẩm mình tiêu thụ, nên chẳng bao lâu ông lại có được sức khỏe tốt.
Thực ra, đó là cuộc trao đổi giữa Đức Phật và vua Kosala hai ngàn năm trăm năm trước, nhưng nó đã để lại cho chúng ta một bài học giá trị mãi đến ngày hôm nay. Trên tất cả, đó là bi kịch của những con người nô lệ cho dục vọng của mình. Thân tâm chúng ta khó tránh xao động khi nhìn thấy tấm bảng “Mời ăn thỏa thích” treo trước cửa một nhà hàng, nên ta cũng giống như vị vua kia. Đúng ra, chúng ta cần biết lượng đồ ăn phù hợp với tuổi tác và sức khỏe của mình, và cẩn thận để đừng ăn quá nhiều ở mỗi bữa ăn. Trong câu chuyện này, Đức Phật dạy chúng ta cách sống cơ bản. Các nghiên cứu y tế sức khỏe gần đây cho thấy rõ ràng là một khẩu phần giản đơn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các nhà nghiên cứu cho rằng ở độ tuổi 50, người ta chỉ nên ăn đầy bụng khoảng 60 phần trăm, và ở tuổi 60 thì khoảng 50 phần trăm.
Khi thường ăn ít và giữ một khẩu phần đơn giản được coi là lành mạnh, thì việc làm những điều đó một cách thái quá cũng có thể đưa đến suy dinh dưỡng, vì thế những người ở độ tuổi 70 hay nhiều hơn cần phải cẩn trọng trong vấn đề này.
Tri ân trước mỗi bữa ăn
Trên đây tôi đã nhắc đến lời dạy của Đức Phật, “lúc nào cũng giữ... thân tâm thanh tịnh”. Muốn thế ta phải biết nhìn mọi thứ đúng đắn dựa trên trí tuệ và chấp nhận chúng với tâm rộng mở.
Như thế, chúng ta thấy gì khi nhìn thực phẩm bày ra trước mắt?
Trước tiên, ta thấy thực tại của việc tiếp nhận mạng sống của sinh vật và thực vật. Sau đó ta nhận thức đến công lao của những người đã tạo ra nguồn thực phẩm, chế biến và trao đến cho ta, cũng như ghi nhớ công lao của người nấu nướng. Ngày nay, nhiều người khi nhìn thấy một tô súp miso, lại nhớ đến người mẹ đã bỏ bao công sức để làm nước súp mỗi ngày, dù bà nghèo khó, để đảm bảo cho con mình có đủ chất nuôi dưỡng cơ thể đang tăng trưởng của chúng.
Có người khi nhìn thấy tô cơm trước mắt mình, lại tạ ơn vì có được sức khỏe nhờ nguồn năng lượng tự nhiên đó. Lại cũng có người sẽ nghĩ đến những người không thể có được một bữa ăn ngày hôm đó, nên cảm thấy hạnh phúc với hoàn cảnh hiện có của mình. Họ có thể nghĩ đến những gì họ có thể làm được để giúp đỡ người khó khăn hơn mình.
Khi chúng ta không ăn uống theo thói quen, mà thay vào đó là ngồi trước bữa ăn với thân tâm thanh tịnh, ta có thể đánh thức lòng biết ơn trong ta.
Rồi khi ta đã ý thức được những tai hại từ việc ăn những món ta thích nhiều hơn cần thiết, tự nhiên ta sẽ bắt đầu ăn vừa phải, để giúp ta giữ được sức khỏe. Dĩ nhiên, không cần phải nói thêm là lòng biết ơn sẽ khiến cho tâm ta thêm quý trọng cuộc sống, là điểm khởi đầu của việc phát triển một thân tâm lành mạnh.
Ở tu viện Rissho Kosei, trước khi bắt đầu ăn, chúng tôi chú nguyện “Hàm ân trước bữa ăn” là điều sẽ khiến cho chúng tôi, những phàm nhân, dễ bị cuốn theo tham dục, có cơ hội để nhắc tâm điều gì là quan trọng đối với mình.
Khi cùng nhau chú nguyện trước lúc ăn, “Chúng tôi xin cảm niệm ân đức của Đức Phật, của thiên nhiên, và nhiều người khác”, sẽ ổn định thân tâm ta, giúp ta có bữa ăn ngon. Vì ăn uống là việc chúng ta làm một cách tự nhiên hàng ngày, phát triển được thói quen lành mạnh này là điều rất quan trọng.
Nichiko Niwano
(Chủ tịch tu viện Rissho Kosei - Nhật Bản;
Chủ tịch danh dự của Tổ chức Tôn giáo vì Hòa bình)
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển ngữ theo Eat in Moderation for a Healthy Body and Mind,
tạp chí Dharma World, 4-6-2016)