PG & Khoa học
(NCS. Phạm Hoài Phong)
Lịch sử và xu hướng nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo (kỳ II)
30/12/2021 19:38 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

So với Trung Quốc đại lục, việc nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo ở Đài Loan bắt đầu sớm hơn và những khám phá liên quan đã đi vào chiều sâu từ giữa những năm 1990, trong đó có những nghiên cứu tiêu biểu và có sức ảnh hưởng lớn. Chẳng hạn như chủ trương “Bảo vệ môi trường tâm linh” của Hòa thượng Thánh Nghiêm và chủ trương xây dựng sinh thái học tầng sâu của Phật giáo nhân gian của Dương Huệ Nam.

NGHIÊN CỨU TƯ TƯỞNG SINH THÁI PHẬT GIÁO Ở TRUNG QUỐC 

So với Trung Quốc đại lục, việc nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo ở Đài Loan bắt đầu sớm hơn và những khám phá liên quan đã đi vào chiều sâu từ giữa những năm 1990, trong đó có những nghiên cứu tiêu biểu và có sức ảnh hưởng lớn. Chẳng hạn như chủ trương “Bảo vệ môi trường tâm linh” của Hòa thượng Thánh Nghiêm và chủ trương xây dựng sinh thái học tầng sâu của Phật giáo nhân gian của Dương Huệ Nam.

Các nghiên cứu liên quan trong giới học thuật Trung Quốc đại lục bắt đầu vào cuối những năm 1990. Ba hội thảo Hội nghị giao lưu hữu nghị Phật giáo Trung – Nhật – Hàn được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 1998, Hội diễn giảng “Phật giáo và bảo vệ môi trường” do Hội Phật giáo Trung Quốc tổ chức tại Phổ Đà Sơn năm 2001, Hội thảo khoa học “Phật giáo và văn minh sinh thái” do chùa Phật Ngọc ở Thượng Hải tổ chức năm 2008, đã trực tiếp thúc đẩy việc nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo ở Trung Quốc đại lục [1]. Bắt đầu từ năm 2007, với sự phản biện của các học giả có liên quan trong lĩnh vực này, việc nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo trong nước đã dần đi vào chiều sâu. Liên quan đến vấn đề này, chúng ta có thể đại khái chia nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo ở Trung Quốc đại lục thành hai giai đoạn trước và sau năm 2007. Giai đoạn đầu chủ yếu bắt đầu từ các chủ đề tư tưởng liên quan đến văn hóa sinh thái nhằm khám phá nguồn tư tưởng mà Phật giáo có thể cung cấp cho tư tưởng sinh thái. Các chủ đề quan tâm của nó là thế giới quan liên hệ đến tư tưởng Duyên khởi, Bất nhị của Phật giáo và giá trị quan, sinh mệnh quan liên hệ đến tư tưởng “tất cả chúng sinh đều có Phật tính”, “vô tình hữu tính” và quan điểm sinh thái lý tưởng có mặt trong quan điểm Tịnh độ của Phật giáo. Mặc dù vậy, có thể thấy ở giai đoạn này, các nghiên cứu vẫn chưa hình thành nên ý thức lý luận trong việc xây dựng tư tưởng sinh thái mang đặc điểm riêng của Phật giáo. Ở giai đoạn sau, từ năm 2007 trở đi, một số học giả mới bắt đầu phản biện một cách nghiêm khắc các phương pháp nghiên cứu trước đó, đồng thời cố gắng xây dựng một hệ thống tư tưởng sinh thái Phật giáo dựa trên nền tảng theo đuổi các giá trị và quan điểm riêng của Phật giáo.

Nhìn chung, so với các nghiên cứu về tư tưởng sinh thái Phật giáo ở Âu – Mỹ, nghiên cứu liên quan ở Trung Quốc khởi đầu khá muộn và chủ yếu chỉ tập trung vào việc khẳng định giá trị tích cực của nó, trong khi đó những nghiên cứu mang tính phản biện, chất vấn còn ít ỏi. Trong quá trình phát triển, nhìn chung các nghiên cứu đã trải qua hai giai đoạn tương tự như phương Tây, từ chỗ đơn thuần tìm kiếm nguồn tư tưởng sinh thái trong Phật giáo đến ý thức xây dựng hệ thống tư tưởng sinh thái đặc thù của Phật giáo. Về chủ đề và nội dung nghiên cứu, các nghiên cứu liên quan cũng tương đối toàn diện.

2.1. THÀNH QUẢ NGHIÊN CỨU CHỦ YẾU Ở ĐÀI LOAN 

Chủ trương “bảo vệ môi trường tâm linh” của Hòa thượng Thánh Nghiêm là việc giải thích sinh thái từ quan niệm “Tùy vào sự thanh tịnh của tâm mà thế giới của chư Phật thanh tịnh” phản ánh trong kinh Duy Ma Cật. Về cách thức thực hiện việc bảo vệ môi trường sinh thái, Hòa thượng Thánh Nghiêm cho rằng chúng ta nên bắt đầu từ hai khía cạnh: Một là bảo vệ môi trường vật chất và hai là thanh lọc, tịnh hóa tâm thức. Trong đó, Hòa thượng Thánh Nghiêm nhấn mạnh vị trí cốt lõi của việc “bảo vệ môi trường tâm linh” và cho rằng việc bảo vệ môi trường vật chất là phương pháp chữa bệnh tạm thời, trong khi việc thanh lọc tâm hồn mới là cách chữa trị tận gốc bệnh tật. Xoay quanh việc bảo vệ môi trường sinh thái, Hòa thượng Thánh Nghiêm cũng đề xuất chủ trương “bốn loại bảo vệ môi trường” sinh thái tự nhiên thông qua việc điều chỉnh các quan điểm về giá trị và hành vi lệch lạc của chúng ta bằng cách bảo vệ môi trường tâm linh; đảm bảo cuộc sống trong sạch, thanh đạm và tiết chế bằng việc bảo vệ môi trường sống; nâng cao phẩm giá nhân cách bằng việc bảo vệ môi trường lễ nghi hoặc phép tắc; bảo vệ môi trường tự nhiên nhằm bảo vệ môi trường sinh thái bền vững [2]. Cần khẳng định rằng tư tưởng “bảo vệ môi trường tâm linh” của Hòa thượng Thánh Nghiêm là nỗ lực xây dựng lý luận tư tưởng sinh thái Phật giáo trên nền tảng tư tưởng Phật giáo truyền thống, trong đó cũng bao gồm nội hàm triết học sinh thái. Chỉ có điều, nói một cách tương đối, chủ trương “bảo vệ môi trường tâm linh” của Ngài đã chú ý hơn đến thực tiễn hành vi bảo vệ môi trường trong thực tế, và không đưa ra những luận chứng mang tính lý luận sâu sắc và hệ thống đối với tư tưởng bảo vệ môi trường này.

Giáo sư Dương Huệ Nam của Đại học Quốc gia Đài Loan đã chỉ trích tuyên bố của Arne Naess về việc thiết lập hệ sinh thái tầng sâu của Phật giáo từ quan điểm của chủ nghĩa duy tâm chân thường và phê phán chủ trương “bảo vệ môi trường tâm linh” của Hòa thượng Thánh Nghiêm xem trọng khuynh hướng bảo vệ môi trường tâm linh và đánh giá thấp việc bảo vệ môi trường vật chất, chủ trương xây dựng sinh thái học tầng sâu trên nền tảng lý luận của Duyên khởi tính không, nhấn mạnh đến mối quan hệ chặt chẽ giữa con người và vạn vật trong môi trường. Giáo sư Dương Huệ Nam nhấn mạnh đến tính nhân gian của sinh thái học tầng sâu Phật giáo, đồng thời nhấn mạnh sự quan tâm đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái thực tế, đặc biệt là môi trường sinh thái địa phương. Về mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường tâm linh và bảo vệ môi trường vật chất, giáo sư Dương Huệ Nam cho rằng tâm giải thoát và cảnh giải thoát có mối quan hệ mật thiết với nhau và cần chú ý đến thực tiễn bảo vệ môi trường sinh thái thực tế. Ông cũng chủ trương thực tiễn bảo vệ môi trường của Phật giáo nên phá bỏ các hình thức nhặt giấy vụn, rác thải, hoặc thả chim hoang dã trong rừng núi và chú ý đến các khía cạnh chính trị – xã hội – kinh tế của thực tiễn bảo vệ môi trường sinh thái [3]. Nghiên cứu liên quan của Dương Huệ Nam có ý nghĩa tích cực trong việc khắc phục sự chú trọng của Phật giáo truyền thống về giải thoát tâm linh cá nhân và thúc đẩy Phật giáo quân tâm đến thực tiễn bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo. Tuy nhiên, về mối quan hệ của bảo vệ môi trường tâm linh và bảo vệ môi trường vật chất, giáo sư Dương Huệ Nam chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ môi trường vật chất mang tính thực tế, không nắm bắt được đặc điểm tư tưởng văn hóa Phật giáo coi trọng siêu việt tâm linh. Tác giả cho rằng, triết học sinh thái Phật giáo và giá trị thực tiễn của nó nên xoay quanh việc triển khai tìm kiếm giá trị của tự thân Phật giáo.

2.2. THÀNH QUẢ NGHIÊN CỨU CHỦ YẾU Ở GIAI ĐOẠN THỨ NHẤT Ở TRUNG QUỐC  

Nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo ở giai đoạn đầu (trước năm 2007) ở Trung Quốc đại lục được thực hiện cùng với việc phiên dịch và giới thiệu tư tưởng văn hóa sinh thái phương Tây. So với các chủ đề được thảo luận trong các tư tưởng văn hóa sinh thái phương Tây, giới học thuật và Phật giáo ở Trung Quốc đại lục chủ yếu tìm kiếm và chỉnh lý nội hàm cơ bản của tư tưởng triết học sinh thái Phật giáo từ quan điểm toàn diện của Phật giáo, thuyết vô ngã, sinh mệnh quan, thuyết giá trị nội tại, quan điểm từ bi, quan điểm Tịnh độ, và các thực hành đạo đức sinh thái Phật giáo truyền thống… Chẳng hạn bằng cách so sánh quan niệm tổng thể về chủ nghĩa nhân văn sinh thái trong tư trào văn hóa sinh thái để lý giải ý thức tổng thể chứa đựng trong thuyết Duyên khởi của Phật giáo; so sánh sự phê phán của tư trào văn hóa sinh thái đối với chủ nghĩa nhân văn, cho thấy giá trị của “thuyết vô ngã” của Phật giáo trong việc phê phán chủ nghĩa nhân văn; so sánh thuyết giá trị vốn có của thuyết giá trị tự nhiên với thuyết Phật tính; luận chứng tư tưởng bảo vệ động vật của tư trào văn hóa sinh thái từ thuyết lục đạo luân hồi và quan điểm từ bi của Phật giáo.

Trong bài nghiên cứu xuất bản vào năm 1991 có tựa đề “Sự cộng sinh của ánh sáng và bóng mây: Một khảo sát liên quan đến Phật giáo và bảo vệ sự cân bằng sinh thái” – vốn là bài báo Phật giáo đầu tiên về tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo được xuất bản ở Trung Quốc đại lục, tác giả Lưu Nguyên Xuân trình bày tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo từ ba phương diện: thuyết Duyên khởi, phát tâm Bồ-đề và cầu sinh Tịnh độ [4]. Bài nghiên cứu này thảo luận về những khía cạnh chính của tư tưởng sinh thái Phật giáo, nhưng nó không thu hút được sự chú ý của giới học thuật vào thời điểm đó.

Nghiên cứu “Quan điểm sinh thái Phật giáo” của Ngụy Đức Đông đăng tải trên tạp chí Khoa học xã hội Trung Quốc năm 1999 giải thích một cách có hệ thống cơ sở lý thuyết, các đặc trưng cơ bản, nội dung cụ thể và thực tiễn sinh thái của tư tưởng sinh thái Phật giáo. Nghiên cứu này cho rằng, thuyết Duyên khởi là cơ sở triết học của tư tưởng sinh thái Phật giáo, và thuyết tổng thể và thuyết vô ngã là những đặc trưng cơ bản của tư tưởng sinh thái Phật giáo. Nội dung chính của nó bao gồm: Quan điểm “vô tình hữu tính”, sinh mệnh quan chúng sinh bình đẳng, bất sát sinh, quan điểm lý tưởng trong việc tìm kiếm Tịnh độ [5]. Bài viết này trình bày một cách toàn diện nội dung cơ bản của tư tưởng sinh thái Phật giáo, là công trình tiêu biểu về nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo thời kỳ này và nó có ảnh hưởng không nhỏ trong lĩnh vực nghiên cứu này. Xuất phát từ những chủ đề mà tư tưởng sinh thái quan tâm, phương pháp nghiên cứu của công trình này không liên kết tư tưởng sinh thái Phật giáo với việc tìm kiếm giá trị tự thân Phật giáo và tư tưởng cơ bản của tự thân Phật giáo, mà khảo sát nó trong hệ thống tư tưởng của tự thân Phật giáo.

2.3. THÀNH QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA GIAI ĐOẠN THỨ HAI Ở TRUNG QUỐC

Sự tiến bộ của những nghiên cứu liên quan ở giai đoạn nghiên cứu thứ hai (sau năm 2007) ở Trung Quốc đại lục chủ yếu thể hiện ở việc phê phán, suy ngẫm về thành quả nghiên cứu trước đó, và dần ý thức được xu hướng nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo kết hợp với việc tìm kiếm giá trị và hệ tư tưởng riêng của Phật giáo. Thành quả nghiên cứu theo hướng kết hợp văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc thiểu số từ góc độ nhân học văn hóa và xã hội học của giai đoạn này cũng tương đối nổi bật.

1. Suy ngẫm và xây dựng tư tưởng sinh thái Phật giáo

Thành quả tiêu biểu thứ nhất là các công trình được in trong kỷ yếu Phật giáo và văn minh sinh thái [6] do Hội thảo nghiên cứu khoa học “Phật giáo và nền văn minh sinh thái” tổ chức năm 2008:

Tác giả Đường Trung Mao phân tích một số hiểu lầm trong các cách diễn giải hiện đại trước đây về đạo đức sinh thái Phật giáo. Ông cho rằng việc giải thích này là một quá trình truyền tải mang tính “phổ quát hóa” các giá trị quan sinh thái, vì thế, bản thân việc giải thích này không thể hoàn toàn dựa vào tín ngưỡng Phật giáo mà cần phải căn cứ vào tư tưởng cốt lõi của đạo đức Phật giáo, đồng thời giải thích nó một cách sáng tạo trên nền tảng nỗ lực dung hợp thành quả tích cực của nền văn minh lý tính hiện đại. Tác giả của nghiên cứu cho rằng việc thảo luận hời hợt và cứng nhắc về tư tưởng sinh thái tổng thể của Phật giáo và về ý tưởng viên dung, tư tưởng bình đẳng của tất cả chúng sinh, hoàn toàn không phải là nhiệm vụ hàng đầu và quan yếu trong việc kiến tạo nền văn minh sinh thái hiện nay, mà cần suy ngẫm về mối quan hệ giữa tư tưởng văn hóa sinh thái với các lĩnh vực chính trị và kinh tế, suy ngẫm rằng trong tình huống nào tư tưởng sinh thái Phật giáo mới có thể thực sự được thực hiện một cách chân chính và phát huy hết giá trị tự thân của nó. Tác giả cho rằng, trong quá trình lý giải tư tưởng sinh thái Phật giáo, nên tránh việc tùy tiện dùng Phật pháp thay thế việc giải thích khoa học. Thay vì so sánh những điểm tương đồng giữa Phật giáo và khoa học, tốt hơn nên chủ động khám phá giá trị của Phật giáo trên bình diện nhân văn và tinh thần [7]. Bài báo này là một trong số ít các nghiên cứu mang tính phê phán trong lĩnh vực nghiên cứu này.

Tác giả Tống Lập Đạo đã so sánh sự khác biệt giữa đạo đức sinh thái phương Tây và đạo đức sinh thái Phật giáo, từ đó cho rằng nền tảng của đạo đức sinh thái phương Tây là thuyết quyền lợi tự nhiên, là sự mở rộng các quyền lợi đạo đức từ con người đến các dạng sống khác và giới tự nhiên. Nền tảng của đạo đức sinh thái Phật giáo là thuyết giải thoát mang tính tôn giáo; còn đạo đức sinh thái phương Tây sản sinh trên nền tảng khoa học tự nhiên đương đại và phương pháp luận của nó. Đạo đức sinh thái Phật giáo xuất phát từ thế giới quan và đạo đức quan của nó, tôn giáo này, trong khi đạo đức sinh thái là một hệ thống đạo đức hậu hiện đại. Việc nghiên cứu các tư tưởng sinh thái Phật giáo, không nên dừng ở cấp độ lý thuyết của đạo đức sinh thái mà cần tiến lên theo thời đại và cống hiến hết mình cho các hoạt động sinh thái của toàn dân ở cấp độ thực tiễn [8]. Bài viết này nhấn mạnh những đặc trưng của đạo đức sinh thái Phật giáo, nó phản ánh ý thức tự giác trong nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo.

Tác giả Vương Lôi Tuyền thì tìm kiếm cơ sở lý luận và cốt lõi tư tưởng sinh thái Phật giáo từ chính tôn giáo này. Xuất phát từ những luận điểm cơ bản của thuyết Duyên khởi và nghiệp báo, tác giả nhận định có hai nguyên lý cơ bản phù hợp với tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái: (1) liên hệ phổ quát, tính không vô ngã và (2) tư tưởng bất nhị, tự tha đồng thể. Hai nguyên tắc đó cũng tức là quan điểm từ bi và trí tuệ trong Phật giáo. Tác giả còn chỉ ra nguồn gốc khủng hoảng sinh thái đến từ “tâm thức” của con người, đồng thời cho rằng thực tiễn bảo vệ môi trường sinh thái Phật giáo cũng nên lấy “tâm thức” làm chủ chốt, mục tiêu xây dựng Tịnh độ nhân gian phải đặt trên nền tảng của tâm thanh tịnh “tâm tịnh thì quốc độ tịnh” [9]. Như vậy, việc nhấn mạnh vai trò của tâm thức trong việc bảo vệ môi trường sinh thái của nghiên cứu này cho thấy, nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo xem trọng xu hướng nghiên cứu thuyết đức hạnh.

Thành quả tiêu biểu thứ hai là công trình “Nghiên cứu triết học sinh thái Phật giáo” của tác giả Trần Hồng Binh [10]. Thông qua thuyết đức hạnh sinh thái Phật giáo, tác giả đã thảo luận một cách có hệ thống và chuyên sâu về giá trị quan sinh thái Phật giáo, lý thuyết đức hạnh sinh thái, tồn tại luận sinh thái và thực tiễn bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là chuyên khảo học thuật nghiên cứu triết học sinh thái Phật giáo đầu tiên xuất bản ở Trung Quốc.

Từ những kết quả tiêu biểu của nghiên cứu triết học sinh thái ở giai đoạn này, có thể thấy rằng nội dung của tư tưởng sinh thái Phật giáo khác với các tư tưởng khác và việc nêu bật những đặc điểm của thuyết đức hạnh trong triết học sinh thái Phật giáo là xu hướng cơ bản của nghiên cứu triết học sinh thái Phật giáo này. Vấn đề còn tồn tại là, các nghiên cứu liên quan chưa tiến hành một cách hệ thống và chuyên sâu về chủ đề đức hạnh xoay quanh của triết học sinh thái Phật giáo, chưa có sự triển khai tương ứng về sự tương quan của chủ đề liên quan của triết học sinh thái Phật giáo và thuyết đức hạnh Phật giáo.

2. Nghiên cứu nhân học văn hóa và xã hội học về tư tưởng sinh thái Phật giáo

Là những khía cạnh quan trọng của nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo. Thành quả nghiên cứu liên quan ở giai đoạn này đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là nghiên cứu về văn hóa sinh thái của các dân tộc thiểu số chịu ảnh hưởng của Phật giáo.

Các nghiên cứu liên quan phần lớn dựa trên thành quả nghiên cứu của Phật giáo Tây Tạng, nổi bật là công trình Đạo đức sinh thái Tây Tạng của tác giả Nam Văn Uyên; nghiên cứu “Tác động của văn hóa và đời sống của Tây Tạng đối với môi trường sinh thái” của tập thể tác giả Hướng Đoan, Triệu Khẩn Điền; công trình “Văn hóa dân gian và bảo vệ sinh thái Tây Tạng” của hai tác giả Ca Tạng Tài Đán và Châu Tháp; nghiên cứu “Sùng Núi tế Thần: Bàn về sự tác động khách quan của quan niệm về núi Thần của người Tây Tạng đối với việc bảo vệ sinh thái” của các tác giả Tần Mao Quân, Thang Minh Hoa,… Cần giải thích rằng, ý nghĩa bảo vệ môi trường sinh thái trong văn hóa và phong tục tập quán của người Tây Tạng không hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi Phật giáo Tây Tạng. Nhưng không thể nghi ngờ Phật giáo Tây Tạng đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát huy văn hóa, phong tục tập quán dân tộc này.

Công trình Đạo đức sinh thái Tây Tạng của tác giả Nam Văn Uyên thảo luận về đạo đức sinh thái thể hiện trong tư tưởng, văn hóa, phong tục tập quán và thực tiễn sản xuất, đời sống… của người Tây Tạng, cung cấp vô số tài liệu nhân học văn hóa phục vụ cho việc nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo [11]. Nghiên cứu “Sùng Núi tế Thần: Bàn về tác động khách quan của quan niệm về núi Thần của dân tộc Tây Tạng đối với việc bảo vệ sinh thái” của tác giả Tháp Chu thảo luận cụ thể về ý nghĩa của việc thờ núi trong văn hóa Tây Tạng đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Nghiên cứu này chỉ ra quan niệm núi Thần hiện nay của người dân Tây Tạng chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, sùng bái linh hồn, đạo Bon và Phật giáo Tây Tạng. Việc tôn thờ và kính sợ núi Thần biểu hiện thành nguyên tắc tôn giáo và cấm kỵ trong cuộc sống hàng ngày của người Tây Tạng. Những nguyên tắc và kiêng kỵ này ngược lại bảo vệ một cách khách quan hệ sinh thái Tây Tạng [12].

Ngoài ra, còn có một số nghiên cứu liên quan về tác động tích cực của văn hóa Phật giáo của những người du mục phía Bắc và các dân tộc thiểu số ở Vân Nam đối với môi trường sinh thái, chẳng hạn bài viết “Tư tưởng đạo đức sinh thái trong tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của tộc người du mục” của tác giả Tế Tú Hoa; “Sự hình thành và diễn biến của quan niệm sinh thái tự nhiên của người Mông Cổ trên Cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng” của hai tác giả Hàn Quan Khước Gia và Tân Phong; nghiên cứu “Vùng đất Thánh của tộc người Thái và ý nghĩa đa dạng sinh học của nó” của hai tác giả Diêm Lệ và Sử Vĩnh Nghĩa.

Nghiên cứu chung “Thánh cảnh của người Thái và hàm nghĩa đa dạng sinh vật của nó” của hai tác giả Diêm Lệ và Sử Vĩnh Nghĩa tập trung vào cảnh quan tự nhiên ở một địa danh gọi là “Long Lâm” của người Thái và thắng cảnh thiêng liêng mang tính nhân văn của Phật giáo, đồng thời thảo luận về ý nghĩa tích cực của việc bảo vệ sinh thái trong tín ngưỡng sùng bái thánh cảnh. Cái gọi là thánh địa ở đây nhằm chỉ một loại hình cảnh quan tự nhiên, đặc biệt nhận được sự tôn thờ, cấm kỵ và thái độ bảo vệ từ tín ngưỡng văn hóa truyền thống. “Long Lâm” là một khu rừng nằm phía sau làng, được người Thái xem là nơi ở của linh hồn tổ tiên, nơi sinh sống của các vị thần hoặc ma quỷ, từ quan niệm đó hình thành nên hàng loạt ý thức tín ngưỡng và cấm kỵ, nhờ đó động thực vật, đất đai và nguồn nước ở “Long Lâm” được giữ gìn một cách đầy đủ. Thánh địa nhân văn Phật giáo là chùa chiền thì hầu như có mặt ở khắp các làng quê, môi trường sinh thái và tài nguyên động thực vật ở những nơi này cũng rất đa dạng và nhận được sự quan tâm, bảo vệ tương đối tốt [13].

Nghiên cứu “Phân tích kỹ thuật bảo vệ môi trường Phật giáo – Trường hợp núi Nga Mi” của tác giả Đoàn Ngọc Minh lấy núi Nga Mi làm ví dụ và phân tích sách lược tôn giáo của Phật giáo trong việc xây dựng và duy trì môi trường sinh thái từ góc độ nhân học văn hóa. Với cách lựa chọn chủ đề mới lạ, nghiên cứu này có ảnh hưởng lớn trong giới học thuật. Nghiên cứu này chỉ ra việc bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo không chỉ cung cấp một ý tưởng hay quan điểm có giá trị mang tính phổ quát, mà các Tăng sĩ nhiều đời ở đây còn có nhiều hoạt động thực tiễn cụ thể, hình thành nên kỹ thuật bảo vệ môi trường hoàn chỉnh. Từ trường hợp bảo vệ môi trường sinh thái ở núi Nga Mi, có thể biết, cách thức vũ trụ hóa, lý giải thần thánh hóa và nghi thức hóa thao tác là ba loại kỹ thuật bảo vệ môi trường cơ bản và phổ biến nhất trong Phật giáo. Ở đó, cốt lõi của vấn đề là sử dụng nhiều phương pháp, cách thức khác nhau để khoác lên trên đối tượng chiếc áo choàng thiêng liêng, đồng thời tạo nên sự kính sợ và hình thành các quy tắc và cấm kỵ đối với công chúng. Có thể thấy, môi trường sinh thái của núi Nga Mi được bảo vệ một cách hiệu quả, phần lớn nhờ những kỹ thuật bảo vệ môi trường này của Phật giáo [14].

Nhìn chung, hướng nghiên cứu nhân học văn hóa có nhiều thành quả hơn so với hướng nghiên cứu xã hội học về sinh thái Phật giáo. Liên quan đến vấn đề này, hầu hết các kết quả nghiên cứu của nhân học văn hóa đều dừng lại ở việc nghiên cứu tư liệu, mà có rất ít các nghiên cứu chú ý đến việc khảo sát, điều tra xã hội tương ứng. Trong khi đó, muốn thúc đẩy sự tham gia tích cực của Phật giáo vào thực tiễn hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái thực tế, rõ ràng là không thể thiếu các nghiên cứu liên quan.

3. Sự phát triển hoặc mở rộng không gian nghiên cứu

Trên đây đã bàn về quá trình và thành quả nghiên cứu chủ yếu của các hướng nghiên cứu về tư tưởng và văn hóa sinh thái Phật giáo trong và ngoài nước. Ở đây, chúng tôi thử tìm hiểu để mở rộng hơn nữa các hướng nghiên cứu sinh thái Phật giáo.

Thứ nhất, nghiên cứu sinh thái Phật giáo ở Trung Quốc cần dựa vào một cách đầy đủ các kết quả nghiên cứu có liên quan về lĩnh vực này ở nước ngoài. Việc nghiên cứu tư tưởng và văn hóa sinh thái Phật giáo ở Âu – Mỹ bắt đầu sớm hơn ở Trung Quốc và quá trình đó đã hình thành nên năm phương thức nghiên cứu như thuyết Hộ giáo, thuyết phê phán, thuyết kiến tạo, thuyết đức hạnh và nghiên cứu văn hóa xã hội. Có khoảng 30 chuyên khảo và tập hợp các bài nghiên cứu liên quan đã được xuất bản. Không chỉ có nhiều thành quả nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu cũng đa dạng và từng bước đạt được tính khách quan và thuần thục. Chỉ trên cơ sở hiểu biết đầy đủ, tiếp thu dung hợp thành quả nghiên cứu ở Âu – Mỹ, thì các nghiên cứu liên quan trong nước mới có thể tránh đi đường vòng và kịp thời hướng tới tính khách quan và thành thục. Tuy nhiên, thực tế khách quan là các nghiên cứu liên quan trong giới hàn lâm trong nước hiếm khi dựa trên các kết quả nghiên cứu của nước ngoài. Ngoại trừ nghiên cứu giới thiệu “Tổng quan về các nghiên cứu về Phật giáo và sinh thái trong giới học thuật Âu Mỹ” của tác giả Tuyên Phương, có phần giới thiệu có hệ thống các kết quả nghiên cứu liên quan của giới học thuật Âu Mỹ, và “Nghiên cứu triết học sinh thái Phật giáo” của chúng tôi rút ra từ các thành quả nghiên cứu liên quan của giới học thuật Âu – Mỹ, ở Trung Quốc hầu như không có kết quả nghiên cứu nào dựa vào tư liệu nghiên cứu liên quan của giới học thuật ở Âu – Mỹ. Để học hỏi, tiếp thu và dung hợp thành quả nghiên cứu của giới học thuật Âu – Mỹ, việc biên dịch và giới thiệu các kết quả nghiên cứu sinh thái Phật giáo tiêu biểu của nước ngoài là điều rất quan trọng. Về vấn đề này, năm 2008, Nxb Giáo dục Giang Tô đã xuất bản kỷ yếu Hội thảo chuyên đề của Đại học Harvard “Phật giáo và sinh thái” do Hà Tắc Âm và cộng sự dịch; chúng tôi cũng đã hợp tác với Đỗ Học Hâm để dịch tác phẩm tiêu biểu nghiên cứu về lý thuyết đạo đức phản ánh những xu hướng nghiên cứu mới nhất trong nghiên cứu sinh thái học Phật giáo ở Âu – Mỹ; tác phẩm “Phật giáo, đạo đức và sinh thái” của Cooper và James thuộc Đại học Durham, Vương quốc Anh (cuốn sách này sẽ được xuất bản bởi Nxb Sách Cổ Thượng Hải). Đồng thời, việc giới thiệu tổng thể về lịch sử và thành quả nghiên cứu chủ yếu trong nghiên cứu sinh thái học Phật giáo ở nước ngoài cũng rất quan trọng. Ở phương diện này, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Thứ hai, tiến hành nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống về văn hóa tư tưởng sinh thái Phật giáo. Giới học thuật trong nước quả thực đã có những tiến bộ đáng kể trong nghiên cứu sinh thái Phật giáo trong những năm gần đây, nhưng khoảng cách cũng rất rõ ràng, điều này chủ yếu thể hiện ở rất ít kết quả nghiên cứu sâu sắc và có hệ thống về tư tưởng và văn hóa sinh thái Phật giáo. Nói tổng quát, việc nghiên cứu triết học sinh thái Phật giáo vẫn chỉ nằm ở rìa của nghiên cứu tư tưởng Phật giáo. Mặc dù đã có hơn 140 bài báo, nghiên cứu đã được xuất bản trong hai thập kỷ qua, nhưng rất ít tác giả đã công bố hai bài báo, nghiên cứu liên quan trở lên. Điều này cho thấy, có rất ít tác giả thực sự xem triết học sinh thái Phật giáo là hướng nghiên cứu chính. Chuyên khảo về sinh thái Phật giáo đã xuất bản chỉ có một công trình duy nhất là Nghiên cứu về triết học sinh thái Phật giáo của chúng tôi. Các học giả trong nước tỏ ra ít hiểu biết về các kết quả và xu hướng nghiên cứu liên quan của nước ngoài, thiếu các nghiên cứu có hệ thống và chuyên sâu về tư tưởng và văn hóa sinh thái Phật giáo từ các góc độ khác nhau. Vì vậy, việc nghiên cứu một cách có hệ thống và chuyên sâu về tư tưởng và văn hóa sinh thái Phật giáo là hết sức cần thiết.

Thứ ba, các tài liệu liên quan đến văn hóa tư tưởng sinh thái Phật giáo Trung Quốc cần được khai thác và chỉnh lý. Hầu hết các nghiên cứu về sinh thái của Phật giáo ở nước ngoài dựa trên Phật giáo Nam truyền ở Thái Lan, Tích Lan và tư liệu Thiền tông Nhật Bản. Việc sử dụng các tài liệu liên quan đến Phật giáo Trung Quốc để nghiên cứu sinh thái Phật giáo là rất hạn chế. Đồng thời, hầu hết các nghiên cứu sinh thái Phật giáo trong nước đều tập trung vào việc giải thích ý nghĩa sinh thái của tư tưởng Phật giáo, nhiều nhất là tư liệu thông thường về nghiên cứu Phật học trước đó, mà hiếm khi khai thác và chỉnh lý lại các tài liệu Phật giáo Nguyên thủy dưới góc độ các chủ đề sinh thái. Đặc biệt là cần phải khai thác và chỉnh lý các tài liệu thuộc về mảng văn hóa xã hội Phật giáo và thực tiễn xã hội. Có thể hình dung rằng phải có một không gian rộng lớn hơn cho các nghiên cứu liên quan.

Thứ tư, kết hợp nghiên cứu về thực tiễn xã hội trên cơ sở thực tiễn xây dựng nền văn minh sinh thái. Nghiên cứu triết học sinh thái Phật giáo cuối cùng đòi hỏi nó phải được thực hiện trong thực tiễn giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái và đời sống sản xuất. Các nghiên cứu liên quan của giới học thuật cũng đã đề cập đến ý nghĩa thực tiễn của văn hóa tư tưởng sinh thái Phật giáo, nhưng hầu hết chúng đều là những diễn ngôn thiếu thực tế và hiếm khi kết hợp chủ thể với mô thức vận hành Phật giáo ở nước ta để nghiên cứu phương thức và con đường tham dự của chủ thể Phật giáo và thực tiễn bảo vệ môi trường sinh thái. Khi nghiên cứu nội dung thực tiễn bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo, người ta thường giới hạn ở phương diện phương thức ăn chay để bảo vệ sự sống của giới sát sinh, việc tiết kiệm để tích phước, trong khi đó người ta lại rất ít chú ý đến việc tham gia vào các phương diện khác. Mở rộng khía cạnh thực tiễn xã hội của bản thân nghiên cứu sinh thái Phật giáo bao gồm nhiều khía cạnh. Chẳng hạn như, khám phá vai trò của các phong tục tập quán dân gian của Phật giáo truyền thống trong việc tuyên truyền, thực hiện đầy đủ và chắc chắn quan niệm bảo vệ môi trường sinh thái; tìm hiểu, nghiên cứu phương thức và con đường thực tiễn bảo vệ sinh thái mà từ thiện Phật giáo ủng hộ; làm thế nào để phát huy vai trò chủ thể Phật giáo khác nhau trong việc xây dựng nền văn minh sinh thái? Tiến hành các cuộc điều tra xã hội về ý thức sinh thái của các tín đồ Phật giáo Trung Quốc và các cách thức và con đường mà chủ thể này tham gia vào thực tiễn bảo vệ môi trường sinh thái; làm thế nào để thúc đẩy sự tương tác và hợp tác giữa Phật giáo và chính quyền các cấp, cũng như các lĩnh vực khoa học và giáo dục, thúc đẩy việc xây dựng nền văn minh sinh thái,…

NCS. Phạm Hoài Phong

 

Chú thích:

* Phạm Hoài Phong: NCS Tiến sĩ khoa Triết học, Học viện Nhân văn, Đại học Hạ Môn (Xiamen University), Trung Quốc.

** Nguyên tác tiếng Hoa: 陈红兵:〈佛教生态思想研究历程及趋势〉,《孔学堂》,2017年,第02期。

[1] Duy Thiện, “Khái lược về nghiên cứu quan điểm và thực tiễn bảo vệ môi trường sinh thái Phật giáo”, Tạp chí Pháp Âm, kỳ 3, 2011.

[2] Thích Thánh Nghiêm, “Bảo vệ môi trường tâm linh”, Tạp chí Nhân sinh, kỳ 194, 1999.

[3] Dương Huệ Nam, “Tín ngưỡng và đất đai: Xây dựng sinh thái học tầng sâu từ Duyên khởi tính không”, Nhân gian Phật giáo và đối thoại đương đại – Kỷ yếu Hội thảo lần 3 – Nghiên cứu thực tiễn và lý luận tư tưởng Đại sư Ấn Thuận, Tài đoàn pháp nhân Hoằng Triết Văn Giáo Cơ Kim Hội ấn hành, 2002, trang 1-35; “Xem xét lại quan niệm bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo Đài Loan đương đại – trường hợp uớc hẹn Tịnh độ nhân gian và và bảo vệ môi trường tâm linh”, Tạp chí Đương Đại, kỳ 104, 1994; “Từ cảnh giải thoát đến tâm giải thoát – Xây dựng sinh thái học Phật giáo bình đẳng tâm và cảnh”, Kỷ yếu Hội thảo mối quan tâm của Phật giáo và xã hội, Đài Loan Trung Hoa Phật giáo Bách khoa văn hiến ấn hành, 1993, tr.195-206.

[4] Lưu Nguyên Xuân, “Sự cộng sinh của ánh sáng và bóng mây: Một khảo sát liên quan đến Phật giáo và bảo vệ sự cân bằng sinh thái” Tạp chí Pháp Âm, kỳ 1, 1991.

[5] Ngụy Đức Đông, “Quan điểm sinh thái của Phật giáo”, Tạp chí Trung Quốc xã hội khoa học, kỳ 5, 1999.

[6] Giác Tỉnh (chủ biên), Phật giáo và văn minh sinh thái, Bắc Kinh, Nxb. Văn hóa Tôn giáo, 2009.

[7] Đường Trung Mao, “Cốt lõi lý luận của đạo đức sinh thái Phật giáo và chỗ sai lầm trong lý giải hiện đại của nó”, Tái Giác Tỉnh (chủ biên), Phật giáo và văn minh sinh thái, Bắc Kinh, Nxb. Văn hóa Tôn giáo, 2009.

[8] Tống Lập Đạo, “Thuyết đạo đức sinh thái phương Tây và đạo đức sinh thái Phật giáo”, Tái Giác Tỉnh (chủ biên), Phật giáo và văn minh sinh thái, Bắc Kinh, Nxb. Văn hóa Tôn giáo, 2009.

[9] Vương Tuyết Tuyền, “Phật giáo có thể cung cấp những nguồn tư tưởng nào để bảo vệ môi trường”, Tái Giác Tỉnh (chủ biên): Phật giáo và văn minh sinh thái, Bắc Kinh, Nxb. Văn hóa Tôn giáo, 2009.

[10] Trần Hồng Binh, Nghiên cứu triết học sinh thái Phật giáo, Bắc Kinh, Nxb. Văn hóa Tôn giáo, 2011.

[11] Nam Văn Uyên, Đạo đức sinh thái của người Tây Tạng, Bắc Kinh, Nxb. Dân Tộc, 2006.

[12] Châp Tháp, “Sùng Núi tế Thần: Bàn về tác động khách quan của quan niệm về núi Thần của dân tộc Tây Tạng đối với việc bảo vệ sinh thái”, Tạp chí Khoa học Xã hội Cam Túc, kỳ 3, 2010.

[13] Diêm Lệ, Sử Vĩnh Nghĩa, “Thánh cảnh của người Thái và hàm nghĩa đa dạng sinh vật của nó”, Quý Châu dân tộc nghiên cứu, kỳ 2, 2012.

[14] Đoàn Ngọc Minh, “Phân tích kỹ thuật bảo vệ môi trường Phật giáo -Trường hợp núi Nga Mi”, Tạp chí Khoa học xã hội Vân Nam, kỳ 1, 2009.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch