Philippe Cornu là một học giả uyên bác, thông thạo tiếng Tây Tạng, tiếng Phạn, tiếng Pali, tiếng Hán… Ông viết bảo, dịch thuật rất nhiều kinh sách, và thường được mời thuyết giảng về Phật giáo trên đài truyền hình Pháp. Không những là một nhà nghiên cứu nổi tiếng về Phật giáo, ông còn là một Phật tử trung kiên, đã quy y hơn ba mươi năm nay và hiện là Chủ tịch Đại học Phật giáo Âu châu. Đây là bài viết của ông đăng trong một số ngoại lệ của tạp chí Le Point, số 6 (tháng Giêng và tháng Hai, 2006), với chuyên đề Ấn giáo, Phật giáo và Lão giáo.
Cách nay không lâu, quả thật không ai có thể ngờ được là một tôn giáo mang nguồn gốc Đông phương lại có thể bành trướng ở Tây phương, vốn là một mảnh đất vẫn thường tự cho là có sứ mạng quảng bá nền văn hóa về tín ngưỡng và khoa học của mình trên toàn thế giới – nhưng không phải là nơi sẵn sàng tiếp nhận một con đường tu tập tâm linh có nguồn gốc xa xôi. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cũng cần nên nhấn mạnh một điều là đối với người phương Tây: Lúc đầu, vào thế kỷ XIX, tư tưởng Phật giáo chỉ là những quan niệm hấp dẫn trên phương diện sách vở và trí thức. Ngày nay thì điều đó đã được thay thế bởi một niềm say mê thật sự về những lời giáo huấn của Đức Phật và lòng tin tưởng thiết tha rằng chính Phật giáo sẽ đem đến một cái gì đó cho cái thế giới mất định hướng này, một thế giới đã biến con người thành một thứ hàng hóa, nhắm vào kỹ thuật toàn năng, xóa bỏ mọi nền văn hóa địa phương để đồng hóa hoàn toàn, một thế giới đã đánh mất hết những định hướng về đạo đức và bán rẻ cả tương lai!
Một thông điệp toàn cầu và vị tha
Tuy nhiên, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là sự thất vọng của thế giới Tây phương có phải là động lực chính, đủ để giải thích hiện tượng thâm nhập của Phật giáo hay chăng? Thiện cảm, tính tò mò và kể cả lòng nhiệt tâm do con đường tâm linh Phật giáo mang đến có phải là những yếu tố đủ sức để bảo đảm cho Phật giáo được thiết lập bền vững và lâu dài trên miền đất mới hay không? Phật giáo có đủ sức đáp ứng những mong đợi của chúng ta không? Nói một cách ngắn gọn là “Có phải Phật giáo đã được tạo ra cho người Tây phương hay chăng?”. Đây quả là một câu hỏi thật vụng về, và có thể mang đến nhiều sự hiểu lầm.
Chúng ta cần nhớ lại rằng từ nguyên thủy thì giáo pháp của Đức Phật đã khởi đầu bằng những kinh nghiệm sống của chính Ngài. Đấng Giác ngộ ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, Ngài thuyết giảng một giáo lý về sự giải thoát trong các vùng miền Bắc và miền Trung Ấn Độ và từ đó Phật giáo đã nảy nở và hình thành trong lòng của nền văn hóa tín ngưỡng Ấn Độ. Tuy được thừa hưởng nền văn hóa sẵn có ấy, nhưng không phải vì thế mà Phật giáo đã không chứng minh được những tư tưởng lớn lao và độc đáo, với những lời giảng huấn vượt hẳn ra ngoài bối cảnh của Bà-la-môn.
Không như Thiên Chúa giáo đã được đưa vào Do Thái giáo, giáo lý của Đức Phật mang hẳn đặc tính phổ quát và toàn cầu, tạo ra một con đường tâm linh đủ sức vượt ra khỏi mọi biên giới văn hóa và xã hội. Căn cứ vào sự thực về khổ đau trong chính sự hiện hữu vướng mắc của chúng ta, giáo pháp (Dharma) đã đưa ra những phương thức tu tập phối hợp từ việc giữ giới, cho đến các phương pháp thiền định và cách quán thấy hiện thực, với mục đích giúp ta đối đầu với khổ đau. Là một phương pháp giải thoát cá nhân, lồng trong một mối quan tâm thực sự về lòng vị tha, Phật giáo không thờ một vị trời tối cao nào và từ nguyên thủy đã chủ trương một giáo lý “ngược chiều” với những truyền thống trên đất Ấn. Nếu như những lời giảng huấn của giáo lý ấy đã từng làm bối rối các nhà tư tưởng Ấn Độ thời bấy giờ, thì ngày hôm nay cũng đang làm cho những người Tây phương phải lao đao suy nghĩ.
Duy nhất nhưng đa dạng
Sau khi bị phân tách thành nhiều học phái khác nhau xuyên qua các cách diễn đạt giáo lý, Phật giáo Ấn Độ đã phát triển thành nhiều truyền thống và sau đó bành trướng ra cả bên ngoài lãnh thổ: Một trong những truyền thống bảo thủ nhất là Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), hiện nay rất thịnh hành trong vùng Đông Nam Á. Truyền thống canh tân gọi là “ Đại thừa” (Mahayana) hình thành vào thế kỷ thứ I sau Tây lịch, lan truyền nhanh chóng sang Trung Quốc theo con đường tơ lụa, trước khi đến Việt Nam, Triều Tiên và sau cùng là Nhật Bản (thế kỷ thứ VI). Sau đó, nền Đại thừa trên đây đã phối hợp thêm với thừa Tan-tra (Tantra) còn gọi là Kim Cương thừa (Vajrayana), để lan sang các nước Đông Dương, Indonesia, và Tây Tạng vào thế kỷ thứ VIII. Vì lý do đó Phật giáo trở nên hết sức đa dạng khi di chuyển từ lãnh thổ Ấn sang các nền văn hóa nước khác. Sự hội nhập của Phật giáo đôi khi cũng đòi hỏi khá nhiều thời gian, chẳng hạn như tại Trung Quốc, Phật giáo phải mất đến năm thế kỷ thích ứng để trở thành “Phật giáo Trung Hoa”. Tuy nhiên một điều mà mọi người đều công nhận là trên khắp mọi miền lãnh thổ, Phật giáo đã tự biến đổi để thích nghi với các nền văn hóa khác nhau, nhưng đồng thời vẫn bảo tồn được tính cách đặc thù và tinh túy căn bản của Phật giáo trong buổi ban đầu.
Người ta không thể bảo rằng có nhiều thứ Phật giáo khác nhau, mà tất cả đều công nhận là chỉ có một nền Phật giáo duy nhất nhưng đa dạng. Theo ý tôi, đó là bằng chứng không những cho thấy khả năng thích ứng của Phật giáo mà còn biểu dương cả sự vững chắc và đặc tính đồng nhất của giáo lý nhà Phật. Không bị gò bó trong một giáo điều, cũng không hề bị phân hóa trong suốt chuỗi dài lịch sử và trong những cuộc viễn du khắp châu Á, Phật giáo chỉ trở nên đa dạng dựa vào những biến đổi trong cách diễn đạt về một chủ đề chính yếu chung: Đó là sự giải thoát khỏi khổ đau bằng cách đạt được sự giác ngộ tâm linh. Vì lý do đó, không thể nói rằng Phật giáo chỉ được “tạo” riêng cho người Tây phương ngày nay, mà cũng chẳng phải là đã được “tạo”riêng cho các nền văn hóa Á châu như trước đây. Phật giáo đã vượt lên trên tất cả mọi hành vi văn hóa,và xem đấy chỉ là những cạm bẫy dễ gây ra hiểu lầm. Khác hẳn với các tôn giáo hữu thần, Phật giáo không hề tìm cách chi phối đời sống xã hội của chúng ta, mà chỉ cố ý trình bày cho thấy những sơ hở và khiếm khuyết trong cuộc sống này. Ngành tâm lý Phật giáo không nhắm vào việc tìm kiếm sự an lạc cấp thời và tạm bợ cho mỗi cá nhân con người, mà đã trỏ thẳng ngón tay để chỉ vào sự khổ đau nội tại nơi bất cứ một sự hiện hữu nào đang thèm khát một sự an vui riêng rẻ cho cái ngã của mình.
Chúng ta có thể hiểu như sau: Phật giáo không tự giới hạn trong phương cách tìm kiếm an lạc, cũng không phải là một phương thuốc ngoài da để xoa dịu những vết đau phát sinh trong cuộc sống thường nhật. Phật giáo cũng không hề đề nghị tạo dựng “một thời đại mới” mang tính cách dung hòa, hứa hẹn mọi sự sẽ tốt đẹp mà không cần phải thay đổi các thói quen sẵn có của chúng ta. Phương pháp thiền định của Phật giáo cũng không phải là một kỹ thuật để đi tìm sự thư giãn, và cũng không phải là một viên thuốc an thần giúp vượt qua những thực tế trong cuộc sống hàng ngày. Trái lại Phật giáo khuyên ta phải tự tìm hiểu từ nơi sâu kín nhất trong ta, xem những động cơ nào đã thúc đẩy hành vi của ta để tự hỏi là có nên thả lỏng những tham vọng cấp thời để cho chúng hoành hành và khống chế ta, hay là nên tìm kiếm một sự an bình thật sự cho tâm thức. Sự an bình đó chỉ có thể đạt được bằng sự quán thấy trong sáng và tuyệt vời về chính con người của ta và bằngcách nhìn thẳng vào sự hiện hữu với tấm lòng mở rộng không vướng mắc của ta?
Rơi vào cạm bẫy của cái “có” thì ta sẽ không bao giờ “ sống” thực, mà chỉ tự giam mình trong ngục tù tâm thần tạo dựng bởi thế giới vật chất của những hàng hóa tiêu dùng. Con đường tu tập sẽ giúp ta tự rút ra khỏi cảnh ngục tù, không phải là cách giúp ta cải thiện những tiện nghi trong ngục tù đó! Vì thế, Phật giáo không phải là một thứ quần áo may sẵn, chẳng hạn như các câu “hãy giữ bình tỉnh theo kiểu Zen” mà người ta thường thấy trên các tờ quảng cáo. Những sản phẩm phụ thuộc ấy, chẳng những không làm nhẹ bớt sự bất an từ bản chất của nó, mà chỉ để che kín thêm cho nó và kéo dài ảo giác, và đồng thời thu hẹp sự tu tập tinh thần trong giới hạn của một “kỹ thuật tìm kiếm an vui”.
"Sau khi xuất hiện từ Ấn Độ và chinh phục toàn thể Á châu, ngày nay Phật giáo đã làm say mê cả phương Tây. Tuy nhiên phải hiểu rằng thông điệp của Đức Phật không phải là một kỹ thuật đơn giản nhằm giúp con người đạt được bình an tâm thần, thông điệp ấy thật sự rất kiên quyết, đòi hỏi chúng ta phải trở về với chính mình để tự giải thoát khỏi mọi dục vọng."
Kinh nghiệm nội tâm
Trước thái độ kiên quyết và triệt để của Phật giáo, người Tây phương dường như vẫn còn do dự giữa hai thái độ: Quyết tâm bước vào con đường tu tập đích thực, hay chỉ hời hợt quan tâm vì bị lôi cuốn bởi hấp dẫn mới lạ cũng như tính cách thựcdụng của Phật giáo. Những ai bỏ hẳn tôn giáo gốc của mình để đón nhận Phật giáo nên cảnh giác vì họ có thể gặp nguy cơ thất vọng là sẽ không tìm thấy những gì mà họ mong đợi. Một số khác lại nhìn Phật giáo dưới khía cạnh hoàn toàn lý trí. Chẳng qua là vì họ đã quên rằng Phật giáo hướng vào những con người đang sống thực, dù là nam hay nữ, tất cả đều là những con người khơi động bởi lòng tin nơi Đức Phật, hoàn toàn tin tưởng vào sự vững chắc trong kinh nghiệm và những lời dạy của Đức Phật. Lòng mộ đạo chân thật ấy thật nổi bật trong Phật giáo, cũng giống như lòng từbi phổ quát và toàn cầu. Sống bằng sự tu tập của Phật giáo cũng không khác gì bước vào con đường vạch ra từ con tim để mở rộng vào không gian bát ngát của bản thể đích thực không vướng mắc của chúng ta. Quả đúng là người ta có cầu khẩn những vị giác ngộ và những vị Bồ-tát (Bodhisattva) để đón nhận sự giúp đỡ và khích lệ, tuy thế những thần linh Phật giáo không phải đơn thuần chỉ là những biểu đồ tượng trưng cho lý tưởng giác ngộ, mà đích thực họ là những con người đã giác ngộ, những con người đã tự mình đi suốt được con đường, và đưa lên tấm gương về những kinh nghiệm sống thực, hướng vào nội tâm của chúng ta để cho chúng ta soi. Chính vì thế mà Phật giáo là niềm hy vọng tái lập lại phúc hạnh cho thế gian này.
Trong một thế giới máy móc hóa mà tất cả đều được biến thành cụ thể cho đến nỗi chính sự tu tập tâm linh cũng được xem như một công cụ trong mục đích đi tìm sự thoải mái nhất thời, người ta không còn biết thế nào là việc đi tìm những kinh nghiệm thực sự qua con đường phát triển cá nhân để nhìn thấy chính mình và tự thực hiện lấy cho chính mình. Trong thời đại của những tư tưởng đã được áp đặt từ trước – giống như những thứ quần áo may sẵn – tất cả đều đã được tặng cho con người dưới hình thức sẵn sàng để tiêu dùng, và trong hoàn cảnh sống hoàn toàn phó mặc đó, con người đã đánh mất hết những kinh nghiệm quý báu của sự cảm nhận trực tiếp từ bản thân. Hiện trạng “trung gian hóa” này đã xóa mất quãng đường phải đi, trong khi đó tiến trình phát triển nội tâm mới thật sự là con đường nối liền một cách trung thực giữa chúng ta và mọi vật thể. Đấy là thách đố thực sự của Phật giáo trong thế giới Tây phương: Thúc giục ta phải quay về xây dựng lại sự hiện hữu của con người, bằng cách hướng ta vào con đường tìm lại chính mình. ■