Như
kinh sách đã ghi, sau khi Phật tịch diệt được 7 ngày,
trên đường du
hóa trở về để an cư kiết hạ, đoàn du tăng do Ngài
Ðại Ca Diếp thống lãnh, được
tin nầy từ một đạo sĩ, nhiều tăng chúng u buồn, có một vị tỳ kheo trẻ
Subhadha phát biểu : ‘‘ Khi đức Thế Tôn còn
tại thế, mọi hành động
đều phải bó buộc trong phạm vi giới luật, mất quyền tự do. Ngày nay, đức Thế
Tôn đã diệt độ, từ đây trở về sau sẽ được
tự do hành động, không bị giới luật ràng buộc ‘’.
Tương truyền rằng đó
là nguyên nhân để Ngài Ðại Ca Diếp
triệu tập tăng
đoàn Kiết tập kinh điển lần thứ nhất.
Tư
tưởng ấy đã bày tỏ sự manh nha cách
tân, nhưng trong kỳ kiết tập nầy toàn bộ giới luật và những
lời Phật dạy đều được tôn trọng như lúc Phật còn
tại tiền.
Ðến khoảng 100 năm sau khi
Phật tịch diệt, tại thành Phệ Xá Lỵ (Vesaly) có chúng tỳ kheo Tỳ Xá Lỵ (Vrji),
ở phương Ðông áp dụng 10 điều luật mới, Trưởng Lão Da Xá (Yasas) ở phương
Tây đến, thấy
thế liền phản đối và vận động với giáo đoàn
khắp Ấn Ðộ, thỉnh được
700 vị tăng đến Vệ Xá Lỵ để nghị quyết về 10 điều luật mới ấy, kết quả hội
nghị do 8 vị Tỳ Kheo Trưởng Lão ở
phương Ðông và Tây đại
diện, phán quyết đó là 10 điều phi pháp. Nhưng phần đông
không chấp nhận phán quyết nầy, lại họp riêng một nơi khác, từ đó
giáo đoàn Phật Giáo chia làm 2 bộ phái
chính cho đến ngày nay, đó là Thượng Tọa bộ và Ðại Chúng bộ, trước tiên chỉ
phân liệt về giáo đoàn, chớ chưa có phân liệt về giáo nghĩa.
Sau
đó, Thượng tọa bộ hoạt động ở vùng Bắc
Ấn, còn Ðại Chúng bộ ở vùng Nam Ấn, về sau đến
triều đại vua A Dục (vùng Bắc Ấn), vua phái một đoàn truyền giáo thuộc
Thượng Tọa bộ sang Tích Lan, đó là
nguồn gốc Phật Giáo Nam Tông. Ðến khoảng thế kỷ 1 trước công nguyên, các
vị tăng thuộc Ðại chúng bộ ở Nam Ấn theo thuyền buôn sang nước ta (Giao Chỉ)
truyền đạo, từ Giao Chỉ đạo Phật cũng được truyền sang Trung Hoa, đến thế kỷ
thứ 13 vì đạo quân Hồi Giáo tiêu diệt
Phật Giáo trên đất Ấn nên Phật Giáo được truyền sang Tây Tạng,
hướng truyền nầy được
gọi là Phật Giáo Bắc Tông. Năm 1951, hội nghị Phật Giáo Thế Giới lần đầu tiên
ở Colombo (Tích Lan), ra quyết nghị chính danh Thượng Tọa bộ là Phật Giáo
Nguyên Thủy hay Phật Giáo Nam Tông, còn Ðại Chúng Bộ là Phật Giáo Phát Triển
hay Phật Giáo Bắc Tông. Ðể tránh hiểu lầm, chúng tôi mạnh dạn đề nghị chúng
ta nên dùng những danh xưng do quý đại biểu Nam và Bắc Tông Phật Giáo đã
chấp thuận trong Ðại hội nêu trên.
Ðảo sử Tích Lan ghi rất
chi tiết về cuộc Kiết Tập Kinh điển
do vua A Dục đề xướng triệu tập, nhưng các bộ phái đều không ghi về cuộc
Kiết Tập nầy, một số sử gia cho rằng việc ấy chỉ xảy ra tại Tích Lan, vì
dưới triều vua thứ sáu của nước ấy là Devanampiya, ông lên ngôi năm
250 TCN, đồng thời với vua A Dục ở nước Ma Kiệt Ðà,
tên hai vua nầy trong nguyên ngữ đều gọi là Devanampiya, do đó có sự nhầm
lẫn. Nhưng xét ra thì dưới triều đại
vua A Dục mới có đoàn truyền giáo sang Tích Lan, lần đầu do Trưởng Lão
Minhali là con trai của vua A Dục đã xuất gia, và lần sau con gái của vua A
Dục mang sang tặng Tích Lan một cây Bồ Ðề, lấy giống nơi cây Bồ đề
đức Phật đã thành đạo.
Cuộc Kiết Tập Kinh điển lần thứ hai, nguyên
nhân là do vua A Dục biệt đãi Phật Giáo, nên có nhiều người ngoại đạo trà
trộn vào, để
hưởng những biệt đãi đó. Nhưng họ lại áp dụng những giáo lý của ngoại đạo,
làm cho Phật giáo bị sai lệch, chính
vì lẽ đó vua A Dục muốn chấn chỉnh lại Phật Giáo, nên thỉnh ngài Mục Kiền
Liên Ðế Tử Tu đứng
ra triệu tập cuộc Kiết Tập Kinh điển lần thứ hai vào 236 năm sau khi Phật
Nhập Niết Bàn, nhằm
năm 308 TCN.
Có
một sự kiện được ghi lại ở Tỳ Bà Sa
Luận : ‘’ Ở nước Ma Thâu La (Mathura) thuộc Trung Ấn, có người con của một
thuyền chủ tên là Ðại Thiên (Mahadeva), tới tuổi trưởng thành đi tu, làu
thông tam tạng kinh điển,
chứng quả A La Hán, được đại chúng
kính nể, gặp ngày Bố Tát tại chùa Kê Viên (Kukkutarama), Ðại Thiên ở trước đại
chúng đọc bài kệ gồm có 5 việc :
Du sở dụ vô tri
Do dự tha linh nhập
Ðạo nhân thanh cố khởi
Thị danh chân Phật giáo ‘’.
Ðại khái nghĩa là mặc dù
chứng quả A La Hán, thân vẫn còn, sinh lý chưa dứt, những việc thế tục có
điều chưa biết hết, có bậc cao hơn ấn chứng mới biết mình đã chứng quả A La
Hán, đạo do nương vào âm thanh mà sinh khởi.
Và ở trước chúng ông nói :
‘‘ Khi Phật còn tại thế, chư Thiên và
tứ chúng nói ra điều chi được Phật ấn chứng mới gọi là kinh, nay Phật đã
diệt độ, nếu trong đại chúng có người thông minh, có tài thuyết pháp, cũng
có thể trước tác được kinh điển ‘’
Tựu trung, những sự việc
nêu trên người ta cho rằng, năm tân thuyết (ngũ sự) của Ðại Thiên cũng là
nguyên nhân của cuộc Kiết Tập Kinh điển lần thứ hai, sách Ðại Ðường Tây Vực
Ký của Biện Cơ có ghi chép sự liên hệ của vua A Dục với Ðại Thiên, cho nên
Tân thuyết cũng là nguyên nhân Kiết Tập và chính nó đã manh nha tư tưởng Ðại
Thừa, cũng từ
đó, đã phân biệt về giáo nghĩa Phật
Giáo. Nam truyền hay Thượng Tọa bộ giữ nguyên thủy Phật Giáo, Bắc truyền hay
Ðại Chúng bộ canh tân, phát triển Phật Giáo.
Sau
khi đã phân liệt Thượng Tọa và Ðại
Chúng bộ, trước tiên từ Ðại Chúng Bộ (Mahàsamghikàh) ở nước Ương Quật
Ða La (Angottara) khi nghiên cứu kinh điển,
đại chúng đã thuận và không thuận giáo
nghĩa, nên trước tiên phân ra hai bộ là Nhất Thiết và Thuyết Xuất Thế sau đó
là Kê Dận bộ.
Nhất Thiết Bộ (Ekavyavahàrikàh) : Bộ nầy chủ
trương tất cả các pháp chỉ ở sát na sinh diệt là thực, ngoài ra đều là giả
danh, không thực hữu. Họ chủ trương ‘‘ Tam thế chư pháp giả danh vô thể ‘’.
Thuyết Xuất Thế Bộ (Locottaravavàdinà): Bộ nầy chủ
trương do hư vọng mà có các pháp, nên các pháp là hư vọng, giả danh, chỉ có
các pháp xuất thế gian mới thật có, vì nó được khởi lên từ cảnh và trí chân
thật. Họ chủ trương ‘’ Tục vọng, chân thực ‘’.
Kê Dận Bộ (Kankkutikàh): Họ cho rằng Kinh và Luật
tạng là giáo lý do đức Phật phương tiện tùy căn cơ thuyết pháp, chỉ có Luận
tạng mới là giáo lý chân thật vì nó giải thích rõ ý nghĩa của Kinh và Luật.
Sau đó đến Ða Văn Bộ.
Ða Văn Bộ
(Bàhusrutiyàh) : Do ngài Tự Y Bì
(Yajnavalkya) khởi xướng, tương truyền rằng ngài xuất gia theo Phật, sau vào
Tuyết Sơn ẩn dật, khoảng 200 năm sau khi Phật nhập diệt, ngài xuất hiện ở
Ương Xà Quật, ngài cho rằng Tam Tạng kinh điển lưu truyền giáo nghĩa thô
thiển, nên ngài thành lập Ða Văn
Bộ để tuyên dương nghĩa lý thâm sâu
của Phật pháp.
Sau đó lại có Thuyết Giả Bộ.
Thuyết Giả Bộ
(Prajràptivadinàh) : Do ngài Ðại
Ca Chiên Diên (Mahakatyayana), ở nước Ma Ha Lạt Ðà (Mahàrattha) sáng lập. Bộ
nầy chủ trương thánh giáo có nhiều cấp độ, do Phật giả lập thuyết, nên pháp
thế gian và xuất thế gian đều có giả và thực. Chủ trương của họ là: ‘‘
Chân, giả tịnh hữu ‘’.
Sau cùng lại có ba bộ :
Chế Ða Sơn bộ, Tây Sơn Trụ bộ và Bắc Sơn Trụ bộ
Chế Ða Sơn Bộ
(Caityasailàh) : Từ Ðại chúng bộ, ở vùng núi Andhra, họ đem Ngũ sự của
Ðại Thiên ra thảo luận, do coi trọng và cúng dường các Caityas (bảo tháp thờ
xá lợi Phật), nên có tên là Chế Ða Sơn Bộ
Sau
do bất đồng kiến giải, họ lại chia thêm
hai nhóm, một ở phía Tây và một ở phía Bắc của núi Andhra, nên có tên là :
Tây Sơn Trụ Bộ
(Aparasailàh) và
Bắc Sơn Trụ Bộ
(Uttarasailàh) :
Thượng Tọa Bộ
(Sthaviràh): Bộ nầy chủ trương
đề cao Kinh tạng, xem thường Luật và
Luận tạng, với khuynh hướng cố hữu thủ cựu, coi trọng sự truyền thừa nên giữ
được sự hợp nhất lâu dài, nhưng vì Ðại Chúng bộ đã phân hóa nên Thượng Tọa
bộ cũng bị ảnh hưởng, khoảng 200 năm sau, Thượng Tọa bộ hình thành Thuyết
Nhất Thiết Hữu Bộ, sự phân hóa nầy làm cho Thượng Tọa bộ mất dần ảnh hưởng,
nên về sau nầy phải lui về trú ngụ ở vùng Tuyết Sơn (Hy Mã Lạp Sơn), do đó
còn có tên là Tuyết Sơn Bộ (Haimavàtàh).
Thuyết Nhất Thiết Hữu
Bộ (Saivàtivàdàh) gọi tắt là Hữu Bộ: Trước tiên, khoảng 200 năm
sau Phật nhập diệt, trong Thượng Tọa bộ có nhiều người chủ trương đề cao
Luận Tạng, nổi bật là Ca Ða Diễn Ni Tử
(Katyayaniputra) có tác phẩm A Tỳ Ðạt Ma Phát Trí Luận ( Abidharma
Jnanaprasthàna sàstra), họ thành lập Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, họ chủ trương
hiện tượng các pháp nương vào thế gian, trải qua bốn trạng thái: sinh, trụ,
dị, diệt, nương vào không gian phải có sự: ly, hợp, tập, tán biến hóa vô
thường trong sát na sinh diệt, nhưng thể tính các pháp vẫn thường tồn, không
sinh diệt trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Ðó là thuyết: ‘’ Tam thể
thực hữu,pháp thể hằng hữu ‘’.
Sau
đó lại có Ðộc Tử Bộ.
Ðộc Tử Bộ
(Vàtsiputriya) cũng gọi là Trụ Tử Bộ :
Chúng ta biết La Hầu La - đệ tử của ngài Xá Lợi Phất - có đệ tử là
ngài Ðộc Tử (Vàtsiputra), hậu duệ của Ðộc Tử thành lập nên bộ nầy, nếu gọi
cho đủ phải là Ðộc Tử Ðệ Tử Bộ, bộ nầy chủ trương đề
cao Luận Tạng, nhưng chỉ căn cứ vào A
Tỳ Ðạt Ma Pháp Uẩn Túc Luận (Abhidharma prajnàtipàda sastra) của Ngài Xá Lợi
Phất. Ðặc biệt, Ðộc Tử bộ có hệ thống giáo nghĩa riêng, chia các pháp làm 3
tụ: Hữu vi tụ, vô vi tụ, phi nhị tụ hoặc chia các pháp thành 5 tạng: Hiện
tại, quá khứ, vị lai, vô vi và bất khả thuyết cũng gọi là là phi nhị tụ.
Trong bất khả thuyết có một thứ NGÃ gọi là Bố Ðặc Già La (pudgala), nó
thường trụ, luôn liên tục để duy trì nghiệp nhân, nó không phải ngũ uẩn cũng
không ngoài ngũ uẩn, không thuộc hữu vi cũng không thuộc vô vi, nên gọi là
Phi Nhị Tụ.
Sau
đó, nhân vì kiến giải bất đồng về một bài
kệ trong Luận nầy, nói về bốn quả
thánh, có quan điểm dùng ý kinh thêm
vào, nhằm bổ túc nghĩa lý cho bài kệ, do đó Ðộc Tử Bộ phân hóa thành lập
thêm 4 bộ nữa: Pháp Thượng Bộ (Dharmottariyàh), Hiền Trú Bộ
(Dhadrayàniyàh), Chánh Lượng Bộ (Sammitiyàh) và Mật Lâm Sơn Bộ
(Sandagirikàh). Bốn bộ nầy vẫn theo chủ trương của Ðộc Tử bộ, chấp nhận
có Bố Ðặc Già La ( Nhân thể ) thường tồn để chịu nhân quả trong luân hồi.
Khoảng 300 năm sau khi Phật nhập diệt, từ Hữu bộ phân hóa ra Hóa Ðịa
Bộ.
Hóa Ðịa Bộ (Mahìsarakàh) :
Lấy tên bộ chủ đặt cho bộ nầy, ngài Hóa Ðịa nguyên trước kia theo Bà La Môn
thông hiểu kinh Vệ Ðà, sau khi quy y đầu
Phật, khi giảng kinh điển, chỗ nào khó hiểu, ông đem lời văn của kinh Vệ Ðà
và Phạn ngữ để
diễn tả. Các đệ tử về sau lập thành
phái riêng, nên người ta dùng tên ông để
đặt tên cho bộ nầy.
Pháp Tạng Bộ
(Dharmaguptakàh): Do ngài Pháp Tạng (Dharmagupta), tương truyền là đệ tử của
ngài Mục Kiền Liên, nhân theo thầy du hóa, ghi nhớ những lời thầy dạy, sau
khi ngài Mục Kiền Liên viên tịch, ngài Pháp Tạng đem
kinh điển chia thành 5 tạng : Kinh,
Luật, Luận, Mật Chú và Bồ Tát Tạng, có một số người từ Hóa Ðịa Bộ tin tưởng
theo phép chia nầy, lập thành Pháp Tạng Bộ.
Ẩm Quang Bộ (Kàsyaplyàh)
cũng gọi là Thiện Tuế Bộ (Suvarsakàh) : Nguyên khi Phật còn tại tiền, có
ngài Ẩm Quang (Kasyapa), chứng quả A La Hán, kiết tập những lời Phật dạy,
chia thành 2 phần, một phần để
đả phá các thuyết ngoại đạo và một phần để đối trị phiền não của chúng sinh,
đó là chủ trương ‘’ phá tà hiển
chánh ‘’,
do đó nên sau nầy lập thành một bộ.
Kinh Lượng Bộ (Sautràntikàh)
còn gọi là Thuyết Chuyển Bộ (Samkràntivàdàh): Bộ nầy có mục đích
phục cổ, để tái lập lập trường của Thượng Tọa Bộ lấy Kinh Tạng làm mục đích,
không y cứ vào Luật và Luận Tạng. Chủ
trương nếu nương theo kinh tạng, thì đời
hiện tại chuyển đến vị lai, dù chưa đắc
đạo, hạt giống kinh pháp cũng không tiêu
diệt.
Người ta cho rằng sự phân
chia các bộ phái là
‘’ phong phú đến phức
tạp về học thuyết ‘’,
nhưng về tư tưởng, nhờ đó Phật Giáo thêm
phong phú vì các bộ phái đều nỗ lực phát huy chủ trương của mình, kết quả đạt
được là hệ thống Văn Học Phật Giáo A Tỳ Ðàm
(Abhidharma).
Dĩ nhiên, ngày nay nhiều
tài liệu ghi lại còn thiếu kém, không thể tránh khỏi những nhầm lẫn tên
người, thời gian, số lượng. Hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ có được
nhiều tài liệu
từ những nguồn khác nhau, nhờ đó rọi sáng cho nội dung bài
nầy sẽ phong phú và chính xác hơn.
Chánh Hạnh
Tài liệu tham khảo :
HT. Thích Thanh Kiểm,
Lược Sử Phật Giáo Ấn Ðộ, Vạn Hạnh, Sàigòn, 1963
Cao Hữu Ðính,
Văn Học Sử Phật Giáo,
Hương Sen, Việt Nam, 1996
HT. Thích Thiền Tâm, Phật Học Tinh Yếu, Thiên thứ nhất, Việt Nam,
1999
ÐÐ. Thích Tâm Thiện, Lịch Sử Tư Tưởng và Triết Học Tánh Không, Việt
Nam, 1999
ÐÐ. Thích Tâm Hải, Phật Học Cơ Bản, Tập 2, Việt Nam, 1999