Tác giả họ Hoàng tên Khôn Nghi, người huyện Ngô Giang, tỉnh Giang Tô, đỗ
tiến sĩ vào hiệu Vạn Lịch thứ 14, đời nhà Minh. Nguyên lai số không có
con, khoa bảng đề danh không được cao, và chỉ sống tới năm 53 tuổi; vì
biết định mệnh đã an bài như thế nên cứ điềm nhiên an phận thủ thường
không cầu cạnh gì. Nhưng tới sau gặp được thiền sư Vân Cốc chỉ cho cách
biến đổi số mệnh, nên cầu được sinh con năm 74 tuổi. Tác giả đem cái
kinh nghiệm quý báu của đời mình soạn thành bốn bài gia huấn để lưu
truyền đời sau, gọi là Liễu Phàm Tứ Huấn. Sở dĩ lấy tên hiệu là Liễu
Phàm vì tác giả muốn dứt khoát bỏ hẳn cái lớp vỏ phàm phu ở đời để tu
thân thành một người mới, với vận mệnh mới. Bốn bài gia huấn trong Liễu
Phàm Tứ Huấn là những lời của người cha chỉ dạy cho con cháu trong nhà
về vấn đề tu thân, đường lối cư xử với người đời sao cho có đạo đức, có
nhân nghĩa, có lòng tương thân tương trợ, quý mến lẫn nhau. Sách này lẽ
ra chỉ lưu truyền riêng trong gia đình của tác giả, nhưng vì những lời
chỉ dạy rất thiết thực, rất hữu ích nên khi được truyền ra ngoài xã hội,
sách được phồ biến sâu rộng.