Giảng Giải Kinh Điển
Bình giảng Kinh Mâu Ni
20/06/2010 23:41 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kinh Mâu Ni là một Kinh trong Kinh Tập (Sutta-Nipāta), được dịch ra từ tiếng Pali. Chúng ta có một bản dịch bằng tiếng Anh của thầy Saddhatissa, hội trưởng của Hội Maha Bồ Đề bên Anh. Bản dịch ra văn trường hàng được một nhà xuất bản ở Luân Đôn ấn hành, đó là nhà xuất bản Curng on Press. Tôi cũng đã dịch kinh này ra tiếng Việt, bản dịch này có tham cứu nhiều bản dịch khác căn cứ trên nguyên văn tiếng Pali. Khi học Kinh chúng ta tìm cách dịch theo tinh thần của bản tiếng Việt. Trong Kinh Tập có một số Kinh nói về đề tài Mâu Ni rất hay. Sau khi học Kinh Mâu Ni, chúng ta sẽ học một số Kinh khác trong Kinh Tập. Chúng ta có thể so sánh nguyên bản bằng tiếng Pali với những bản dịch chúng ta có bằng chữ Hán.

Có một nhà học giả ở thế kỷ trước tên là Hoernle đã tìm ra được một ít tài liệu thuộc về Kinh Tập bằng tiếng Sanskrit. Ông đã tìm ra được tài liệu đó ở miền Đông Turkistan. Sau này chúng ta có thể so sánh chút ít tài liệu còn sót lại từ bản tiếng Phạn với bản tiếng Pali. Chúng ta cũng có một ít Kinh dịch ra chữ Hán và chữ Tây Tạng, chúng ta có thể so sánh, nghiên cứu. Đây là một việc làm rất thích thú.

Trong Mùa Đông này, nếu có dịp chúng ta sẽ được học một số Kinh bằng chữ Hán tương đương với các kinh trong Kinh Tập. Các Kinh này đã được cư sĩ Chi Khiêm dịch, có thể là được dịch từ bản tiếng Phạn của Sutta-Nipāta tại vì bây giờ chúng ta biết chắc chắn là đã có một bản bằng tiếng Phạn nữa chứ không phải chỉ có bản bằng tiếng Pali.

Trong Đại Chánh Tân Tu có một kinh gọi là Kinh Nghĩa Túc. Các Kinh trong Kinh Nghĩa Túc tương đương với phẩm thứ tư của Kinh Tập Tức Nghĩa Phẩm (Arthaka-vagga). Khi so sánh hai bên chúng ta thấy có nhiều điểm tương đồng rất hay. Chúng ta cũng sẽ học những Kinh thuộc đề tài mâu ni và so sánh bản chữ Hán với bản tiếng Pali.

Mâu ni không phải là tên của một người. Mâu ni có nghĩa là một vị xuất sĩ tĩnh lặng. Hồi còn nhỏ tuổi, tôi đã được học rằng chữ Thích Ca (Sakya) có nghĩa là năng nhân, là người có khả năng thương yêu. Chữ mâu ni (muni) có nghĩa là tĩnh mặc, người yên lặng. Thích Ca Mâu Ni có nghĩa là: một vị xuất sĩ tĩnh lặng tên Sakya. Chúng ta đọc: Namo Sakya Muneya Buddhaya.

Nghiên cứu về văn học Ấn Độ, chúng ta thấy chữ muni lần đầu tiên xuất hiện trong kinh Vệ Đà hậu kỳ (trong thời kỳ sau của kinh Vệ Đà chúng ta đã thấy có chữ muni). Muni có nghĩa là một bậc tiên nhân, một bậc thánh nhân, một bậc hiền giả sống một mình trong rừng. Trong kinh Vệ Đà chữ muni tương đương với chữ rishi. Một bậc thánh nhân lớn, một nhà hiền giả lớn được gọi là maha-rishi hay maha-muni. Đến thời đại Áo Nghĩa Thư (Upanishad) thì chữ muni cũng có xuất hiện. Theo truyền thống Ấn Độ, đời sống con người có thể chia ra làm bốn giai đoạn:

1- giai đoạn ấu thơ: đi học, sống với cha mẹ.
2- giai đoạn thứ hai: lập gia đình, sinh con cái, làm ăn kiếm sống.
3- giai đoạn thứ ba: rút về tu tập.
4- giai đoạn thứ tư: đi vào rừng sống như một du sĩ lang thang không cần nhà cửa.

Những người phạm chí (brahmanas), sau khi sống cuộc đời thế gian thì rút lui vào rừng. Có những người tu tập rất giỏi và trở thành những đạo sĩ, những bậc hiền giả gọi là phạm chí hay mâu ni. Trong truyền thống Bà La Môn giáo cũng có chữ mâu ni để chỉ những người thành công trong giai đoạn thứ tư của đời sống, từ bỏ cuộc sống gia đình, sống một mình trong rừng để tìm đạo và đắc đạo.

Sang bên đạo Bụt chữ mâu ni được sử dụng lại và nó có nghĩa là một người xuất gia thành công, một người biết sống một mình, một người đã dứt khoát không còn vướng bận vào cuộc đời. Người đó có khuynh hướng sống trong rừng, không có một chỗ ở nhất định và có rất nhiều tự do.

Khi Đức thế Tôn thành đạo, người ta xưng tán Ngài là một vị mâu ni, một bậc mâu ni đích thực. Chữ mâu ni ở đây có nghĩa là một người xuất sĩ tĩnh lặng. Khi dịch Kinh Mâu Ni tôi đã dịch là “Kinh người xuất sĩ tĩnh lặng”. Tĩnh lặng là im lặng, không nói nhiều.

Trong thời Đức Thế Tôn có nhiều học phái triết học, thường thì nguời ta nói có sáu học phái. Các học phái triết học đàm luận, thuyết giảng rất nhiều và tranh chấp với nhau cũng rất nhiều. Trong Kinh Mâu Ni sắp học, chúng ta được nhắc nhở, nếu là một vị mâu ni đích thực thì nên buông bỏ những đàm luận, những lý thuyết và những hí luận. Một vị mâu ni không cần chủ trương một lý thuyết hay một ý thức hệ nào. Đối với mộtvị mâu ni, giải thoát là quan trọng, không vướng bận, có hạnh phúc, có tự do, vượt thoát được thời gian và không gian và đi vào một thế giới gọi là kiếp ngoại. Kiếp ngoại là thế giới không có thời gian, có nghĩa là sống được trong bản môn. Đức Thích Ca khi thành đạo đã sống một đời sống như vậy, người ta gọi Ngài là một bậc mâu ni lớn, Maha-muni hay Đại mâu ni.
Quí vị đã từng học Duy Thức Tam Thập Tụng của ngài Thế Thân (Vasubandhu), trong đó có bài tụng thứ 30: 

    Thử tức vô lậu giới                       此即無漏界
    Bất tư nghị, thiện thường             不思議善常 
    An lạc, giải thoát thân                  安樂解脫身
    Đại mâu ni danh pháp                  大牟尼名法

Trong bài này chữ Đại mâu ni là chỉ Đức Thế Tôn. Đó là giáo pháp vang lừng của Đức Đại mâu ni của chúng ta. Vô lậu giới là đạt tới chỗ không còn trở lại trong cuộc đời nữa. Bất tư nghị là không thể diễn tả, đàm luận hay khái niệm được. Bất khả tư nghị là không thể nói năng, suy nghĩ hay đàm luận được. Thiện là kusala, an lạc là sukha, giải thoát thân là vimutti-kaya. Đó là giáo pháp của Đức Đại mâu ni. Đến thế kỷ thứ năm người ta vẫn còn tiếp tục xưng tán Đức Thế Tôn là một vị mâu ni lớn, một ông thầy tu không lý thuyết. Vì vậy chữ Dharma discussion không hay bằng chữ Dharma sharing, chữ discussion có vẻ đàm luận quá.

Sutta-Nipāta thuộc về bộ kinh cổ nhất trong các kinh và được giữ lại dưới hình thức thi kệ (verse) vì thi kệ có thể dễ dàng học thuộc và truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, điều mà văn xuôi khó làm hơn. Vì vậy những Kinh cổ nhất là những Kinh truyền tụng được giữ lại dưới hình thức thi kệ. Sau này, những kinh viết bằng văn trường hàng là do người ta căn cứ vào những thi kệ để làm ra trở lại thành thể văn xuôi. Trong Kinh, nhất là trong Kinh Đại Thừa, thỉnh thoảng chúng ta thấy có câu: “Nói tới đây thì Đức Thế Tôn vì muốn tóm tắt lại, nên nói bài kệ rằng,…”. Bài văn trường hàng được tóm tắt bằng bài kệ trùng tụng, nhưng sự thật thì ngược lại, trước hết có bài kệ tụng và từ bài kệ tụng người ta làm lại thành văn xuôi.

Các nhà khảo cứu đều công nhận văn thể của Sutta-Nipāta thuộc về văn thể cổ nhất, như vậy chứng tỏ rằng Bụt dạy Kinh này vào những năm đầu sau khi giác ngộ. Lúc đó chưa có tu viện Kỳ Viên hay tu viện Trúc Lâm. Trong những năm đầu Đức Thế Tôn là một du sĩ lang thang. Ngài ở chỗ này vài hôm, ở chỗ kia vài tháng và các đệ tử của Ngài cũng vậy. Nhiều năm sau đó, vua Bimbisara cúng dường vườn tre cho Ngài làm tu viện đầu tiên và sau đó vài năm thì ông Cấp Cô Độc cúng dường tu viện Kỳ Thọ.

Giai đoạn đầu của Đức Phật là giai đoạn du sĩ tức là giai đoạn của những vị xuất sĩ du hành (wandering ascetics). Giai đoạn thứ hai là giai đoạn sống trong tu viện, tức là những vị xuất sĩ đồng trú trong tu viện. Đến giai đoạn thứ ba thì đạo Bụt trở thành một tôn giáo. Giai đoạn thứ tư là giai đoạn truyền kỳ. Đạo Bụt mà người ta theo rất nhiều bây giờ là đạo Bụt truyền kỳ, mà huyền bí nhất là đạo Bụt Tây Tạng. Đức Bụt của đạo Bụt Tây Tạng rất khác với Đức Bụt của những năm đầu lang thang.

Khi viết cuốn “Đường xưa mây trắng” tôi có chủ ý rõ ràng: vượt thoát đạo Bụt thần bí và đi tìm lại Đức Bụt như một con người. Chúng ta có thể vượt thoát khỏi Đức Bụt của huyền thoại, và cũng vượt thoát luôn cả  Đức Bụt của tín ngưỡng tôn giáo để đi tìm lại Đức Bụt của thời đại ban đầu khi Ngài mới thành đạo.

Khi đi vào thế giới của Kinh Sutta-Nipāta chúng ta đã tìm thấy được khung cảnh đó và được thở một không khí rất trong lành, mát mẻ. Chúng ta tiếp xúc được với Bụt như một con người chứ không phải như một thần linh. Sutta-Nipāta là một cuốn Kinh rất quí, rất cổ xưa. Chúng ta đã trì tụng vài ba Kinh trong đó như: Kinh Thương Yêu, hay Kinh Sự Thật Đích Thực. Những Kinh này hiện giờ đang có mặt trong cuốn Nhật Tụng Thiền Môn bản văn quốc ngữ của Làng Mai, và thuộc về loại Kinh cổ nhất. Kinh Mâu Ni chúng ta học ở đây cũng thuộc về loại Kinh cổ nhất. Trong Sutta-Nipāta có nhiều Kinh lấy đề tài Mâu Ni. Sau khi học Kinh Mâu Ni này chúng ta sẽ học một số Kinh khác và chúng ta sẽ có cơ hội so sánh những Kinh của văn hệ Pali với những Kinh mình còn có được trong Hán Tạng.

Thầy Tăng Hội từ Việt Nam sang Đông Ngô trong thượng bán thế kỷ thứ ba và đã gặp được cư sĩ Chi Khiêm. Cư sĩ là người đã dịch được một phần của Sutta-Nipāta từ văn hệ Sanskrit hơặc Pali ra chữ Hán. Do đó chúng ta biết, thế nào thầy Tăng Hội cũng có mời cư sĩ Chi Khiêm về chùa Kiến Sơ. Chỉ tiếc là sử sách không ghi chép lại sự liên hệ và sự làm việc chung của hai vị. Sử ghi lại, lúc thầy Tăng Hội qua Đông Ngô thì ở đó chưa có vị xuất gia nào, chỉ có một cư sĩ đang dịch Kinh tên Chi Khiêm. Chi Khiêm là thầy dạy học cho thái tử và thầy Tăng Hội cũng được vua Tôn Quyền ủng hộ lập ngôi chùa đầu tiên ở Đông Ngô. Vì thế hai người không thể không biết nhau, hai người chắc chắn đã biết nhau và làm việc chung với nhau, có thể là trong chùa Kiến Sơ. Có thể là thầy Tăng Hội đã mời cư sĩ Chi Khiêm tới chùa Kiến Sơ để dịch kinh. Một trong những bằng cớ cho việc này là thầy Tăng Hội đã lấy một Kinh do cư sĩ Chi Khiêm dịch để đưa vào Lục Độ Tập Kinh của mình. Trong Lục Độ Tập Kinh có rất nhiều Kinh, trong đó có một Kinh lấy từ bản dịch của Chi Khiêm, đó là Kinh Kính Diện Vương. Kinh này cũng có hai bản dịch cho chúng ta so sánh, một bản bằng tiếng Pali và một bằng chữ Hán.

Một vị mâu ni đích thực là một vị có đạo đức. Có thể có những người không thật sự là mâu ni, nhưng vẫn thích người ta gọi mình là mâu ni. Có những mâu ni thật và mâu ni giả, vì vậy Đức Thế Tôn bị người ta hỏi: “Gotama, Ngài nói cho chúng con biết thế nào là một vị mâu ni đích thực đi?” Do đó Bụt đã nói Kinh này, Kinh Mâu Ni. Ta hãy đọc bài kệ đầu.

Bài kệ 1:

Còn ái dục thì còn sợ hãi. Còn vướng vào đời sống thế tục thì ham muốn còn phát sinh. Xuất gia để được sống thảnh thơi, buông bỏ được mọi ham muốn và sợ hãi, đó là cái thấy, cái làm của vị mâu ni, của người xuất sĩ. 

Ở đây nói rất rõ ràng, điều kiện đầu tiên của một vị mâu ni là không có liên hệ tình dục. Có liên hệ tình dục thì không phải là một vị mâu ni tại vì tình dục đưa tới sự sợ hãi. Sống cuộc đời của người cư sĩ thì không thể nào có những điều kiện như người xuất gia. Còn sống trong đời thế tục thì những ham muốn về tình dục vẫn còn cơ hội phát sinh. Khi tình dục phát sinh thì mình không có an lạc, hạnh phúc, lúc ấy chính mình sẽ phá tan an lạc hạnh phúc của chính mình và của người khác. Vì vậy điều kiện đầu tiên của một vị xuất sĩ, của một vị mâu ni là không liên hệ tình dục.

Trong năm giới của người tại gia, giới đầu là giới bất sát, giới không giết hại. Đến giới sa di và sa di ni vẫn còn lấy bất sát làm giới đầu. Nhưng khi trở thành một vị khất sĩ thì giới đầu không phải là giới bất sát mà là giới bất dâm (không vướng vào tình dục). Đó là điều kiện đầu tiên của một người xuất sĩ. Đời sống phạm hạnh bắt đầu từ sự dứt khoát buông bỏ ái dục. Nếu người xuất gia giải thoát được, sống được đời sống phạm hạnh chính là nhờ điều kiện đầu tiên này, dứt khoát buông bỏ ái dục. Trên thực tế, không chỉ người xuất gia phải thực tập mà người tại gia cũng phải thực tập nhiều lắm. Người xuất gia thực tập điều này dễ dàng hơn người tại gia vì môi trường của người xuất gia vốn sẵn có sự thanh tịnh nên có thể vứt bỏ ái dục dễ dàng còn người tại gia vướng vào hoàn cảnh vứt bỏ ái dục rất khó vì những hoàn cảnh khêu gợi xung quanh tạo ra cho mình những dục tưởng. Nhất là bây giờ chúng ta sống trong một thế giới mà người ta luôn luôn tìm cách khơi dậy sự ham muốn tình dục trong con người.

Trong “Sám pháp địa xúc” có đoạn chúng ta phát lộ với Đức Thế Tôn về vấn đề tình dục:

Kính bạch Đức Thế Tôn, trong quá khứ con đã không biết cách  xử lý năng lượng tình dục của con, cho nên con đã tạo ra nhiều lầm lỡ.
Đây không phải chỉ là sự thực tập của người xuất gia mà còn là sự thực tập của người tại gia bởi vì quý vị có thể đã từng khổ đau và từng gánh chịu những đổ vỡ rất lớn do tình dục gây ra.

Con biết con người cũng là một loại động vật thì năng lượng tình dục có mặt trong con là một điều tự nhiên. Nhưng tại vì trong quá khứ con chưa biết sống, chưa biết thực tập nên con đã để hạt giống tình dục được tưới tẩm quá nhiều cho đến nỗi có lúc con đã lao đao và mất hết bình an vì sự phát hiện của năng lượng đó. Con đã đọc những sách báo, xem những phim ảnh có nhiều hình ảnh khêu gợi và kích thích dục tình.

Thực sự bây giờ, hạt giống tình dục trong người trẻ tuổi cũng như người lớn được tưới tẩm rất nhiều mỗi ngày, không những bằng sách báo, truyền hình, mà còn bằng internet, bằng quảng cáo. Khi hạt giống tình dục được tưới tẩm thì mình mất an lạc.

Chúng ta thấy rất rõ, trong sự thực tập này thì người xuất gia dễ dàng hơn nhiều so với người tại gia vì người xuất gia đã dứt bỏ hoàn cảnh bên ngoài để được che chở bởi một môi trường mà trong ấy hạt giống tình dục không bị tưới tẩm nhiều như ở ngoài đời.

Con biết trên thị trường hiện nay người ta làm giàu bằng cách bán dâm rất nhiều, không phải chỉ sử dụng thân xác mà còn bằng âm thanh, hình ảnh và dụng cụ. Hình ảnh khêu gợi dục tình đâu đâu cũng có, trên sách báo, trên màn ảnh vô tuyến, nơi rạp chiếu bóng, trên các hình quảng cáo, trong những cuốn băng, những đĩa hình và trong mạng lưới internet. Tuổi trẻ bây giờ đang là nạn nhân của thị trường đó. Hạt giống tình dục được tưới tẩm hàng ngày nhiều lần và thanh niên, thiếu nữ từ mười ba tuổi trở đi sa vào lưới cám dỗ của dục tình, số lượng đó đã vượt quá mức báo động. Con biết đây là một thảm họa cho người trẻ tuổi, biết tình dục mà chưa biết thương yêu.

Tuổi trẻ chưa biết thương yêu là gì, chỉ biết tình dục (sex) gọi là empty sex (tình dục mà không có tình yêu). Rất là tội nghiệp cho tuổi trẻ! Khi bị empty sex kéo đi rồi thì làm sao biết được thương yêu đích thực.

Những thiếu niên, thiếu nữ này, khi lớn lên sẽ không có cơ hội thấy được thế nào là tình yên đích thực. Sự thực tập thủ dâm đưa tới những kết quả tương tự, chỉ làm cạn khô nguồn suối thân tâm mà không cho con người cơ hội biết thế nào là thương yêu.

Bạch Đức Thế Tôn, con đã được dạy về sự thực thân tâm nhất như, và con biết rằng những gì xảy ra cho thân mình cũng là xảy ra cho tâm mình, cho nên con đã phát nguyện giữ gìn thân tâm conn, không để cho những hạt giống tình dục được tưới tẩm và không để bị lôi kéo vào thói quen của sự thủ dâm.

Con nguyện từ nay trở đi không đọc sách báo và xem phim ảnh kích động dâm tính, không nghe và không nói những câu chuyện về dâm dục, không sử dụng điện thoại và máy vi tính để tiếp xúc với những âm thanh và hình ảnh kích động dâm tính. Con cũng nguyện góp sức để vận động thắp sáng ý thức về những tai hại của sự kích động dâm tính, nguyện làm được tất cả những gì con có thể làm để tạo ra môi trường sinh sống lành mạnh cho các giới trong xã hội, nhất là cho các thế hệ trẻ.

Bạch Đức Thế Tôn, từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp, chúng con đã vì vô minh che lấp tâm trí mà không thấy được rằng năng lượng ái dục nếu không được nhận diện và bảo hộ có thể gây ra tàn hại trong thân tâm, trong gia đình và xã hội chúng con. Vì vô minh, vì không biết phép thực tập bảo hộ thân tâm, vì không tạo được môi trường văn hóa và xã hội lành mạnh, chúng con đã phạm giới tà dâm, đã hiếp đáp, đã lạm dụng tình dục trẻ em và ngay con cháu của chúng con trong vấn đề tình dục, đã gây đổ vỡ và khổ đau kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chúng con ý thức rằng nếu chúng con không thực tập chánh niệm vững vàng trong lãnh vực tiếp thọ, tiếp xúc thì hạt giống tình dục trong chúng con sẽ bị tưới tẩm hàng ngày và mỗi khi hạt giống đó được tưới tẩm, khi năng lượng tà dục phát khởi thì thân và tâm chúng con không còn được an ổn và chúng con sẽ bị năng lượng ấy thúc đẩy đi tìm sự thỏa mãn tà dục.

Tại sao SIDA (HIV) đang làm tiêu hao hàng triệu sinh mạng mỗi năm? Có hàng triệu người đồng tính và khác tính chết vì sự truyền nhiễm. Bất cứ ai trong chúng con nếu không thực tập chánh niệm cũng có thể rơi vào trong hiểm họa ấy ngay trong chốc lát. Lưỡi hái của thần chết SIDA làm rơi rụng hàng trăm ngàn sinh mạng con người từng giờ từng phút, còn khốc hại hơn những trái bom nguyên tử. Thế giới của chúng con đang bị ngọn lửa của tà dục làm cho bốc cháy.

Xin Đức Thế Tôn và Đức Bồ Tát Quan Âm xót thương rải xuống trên hành tinh chúng con những giọt nước thanh lương. Chúng con biết chỉ có tình thương và ý thức trách nhiệm mới cứu được thế giới chúng con ra khỏi địa ngục tạo ra bởi sự tưới tẩm hạt giống tình dục.

Chúng ta thấy rõ ràng sự khổ đau, tan nát của gia đình, xã hội và sự tiêu hủy sinh mạng của hàng triệu người là do hạt giống tình dục. Lời Kinh nói rất rõ: Ái dục tạo ra sự sợ hãi. Còn vướng vào cuộc sống thế tục thì những hạt giống của ái dục còn phát sinh. Có những người quyết tâm muốn rời bỏ, muốn ra khỏi môi trường này. Họ muốn trở thành một vị xuất gia, một người xuất sĩ, một vị mâu ni để khỏi đau khổ vì chuyện đó, họ đã chọn lựa.

Bài kệ 2

Hạt giống đã sinh nay đã được đoạn diệt, không còn gieo trồng, không để cho sinh khởi và lớn lên trở lại. Đó là hạnh người xuất sĩ. Trong đời sống hàng ngày đừng để cho hạt giống đó được tưới tẩm, làm thế nào để tiêu diệt hạt giống đó. Một kẻ như thế được gọi là một mâu ni. Làm như thế thì bậc hiền nhân lớn kia đã đã đạt tới được bình an thật sự.

Mình đã quyết tâm đoạn diệt hạt giống ái dục rồi thì không còn gieo trồng để nó sinh khởi và lớn lên trở lại. Tất cả chúng ta đều có hạt giống đó. Là người xuất gia chúng ta đã quyết tâm dứt bỏ nó. Chúng ta đã dứt khoát đoạn trừ rồi thì tại sao phải để cho hạt giống đó được tưới tẩm trở lại?  Chúng ta đọc lại:. Trong đời sống hàng ngày đừng để cho hạt giống đó được tưới tẩm, làm thế nào để tiêu diệt hạt giống đó. Một kẻ như thế được gọi là một mâu ni. Làm như thế thì bậc hiền nhân lớn kia đã đạt tới bình an thật sự.  Trước hết mình đạt tới sự bình yên, sự an lành. Giữ giới là được che chở. Vì vậy khi tụng giới xuất sĩ chúng ta biết giới đầu của khất sĩ nam và khất sĩ nữ là không dâm dục. Hễ có sự dâm dục thì không còn là một vị khất sĩ, một vị mâu ni nữa, dứt khoát là như vậy. Đó là giới đầu tiên, chúng ta có phạm hạnh hay không là do giới đầu.

Bài kệ 3

Đã xem xét đất đai, đã quyết tâm vứt bỏ hạt giống xấu và không còn cung cấp chất ướt cho hạt giống ấy mọc lên. Vị mâu ni khi buông bỏ được hí luận và đạt tới vô sinh thì không ai có thể tư lường được về người ấy nữa.

Đã xem xét đất đai: đất đai là tâm của mình (having looked deeply into the ground). Đã quyết tâm vứt bỏ hạt giống xấu và không còn cung cấp chất uớt cho hạt giống ấy mọc lên: Cung cấp chất ướt là tưới, nếu không có chất ướt thì làm sao hạt giống ấy mọc lên? Phải để cho hạt giống đó khô, đừng đem nước mà tưới. Những dụng cụ như điện thoại, laptop, nếu không khéo thì chính là chất ướt tưới cho hạt giống mọc lên rất mau. Những uy nghi giúp chúng ta cương quyết không cung cấp chất ướt cho hạt giống nẩy mầm sinh trở lại. Trong chùa chúng ta thực tập uy nghi, giới luật là chắc ăn nhất. Chúng ta cùng thực tập chung, người nào cũng thực tập như vậy, nhất định không sử dụng những bình tưới đó tại vì hễ tưới là mất bình an, là không còn được bảo hộ. Vị mâu ni khi đã buông bỏ được hí luận và đạt tới vô sinh thì không ai còn có thể tư lường về người ấy nữa: Chữ hí luận là philosophical speculations. Đây là một dấu hiệu cho ta biết đó là một vị mâu ni: một người không còn tranh luận về chủ thuyết, về ý thức hệ, về triết học. Vị mâu ni phải im lặng, phải làm việc, phải nhổ hết tất cả sự ham muốn và vô minh. Đó là việc làm của một vị mâu ni chứ không phải là việc học hỏi và đàm luận về triết học.

Chữ học trong đạo Phật có nghĩa là hành (siksa). Những giới điều trong giới bản được gọi là những học pháp. Học pháp là một phép thực tập, như sáu học pháp của Thức Xoa Ma Na là để thực tập chứ không phải để học hỏi, đàm luận. Đó là ý nghĩa của chữ mâu ni: im lặng và thực tập, không tranh luận. Trong thời của Đức Thế Tôn sáu phái triết học tranh luận rất nhiều, có bốn phái theo duy vật chủ nghĩa và hai phái theo duy tâm chủ nghĩa. Họ tranh luận nhau để có được nhiều người theo. Đây là thái độ và lập trường của Đức Thế Tôn: Không vướng vào tranh luận, im lặng. Chữ mâu ni có nghĩa là im lặng. Buông bỏ được hí luận và đạt tới vô sinh rồi thì không ai có thể tư lường được về người ấy nữa: Tư lường về người ấy trong nguyên văn là chữ samkha. Samkhati là tính toán, sử dụng những con số, sử dụng sự suy nghĩ và lý luận, nhận diện, gọi tên. Khi một vị mâu ni buông bỏ được hết tất cả, đạt tới sự vô sinh thì chúng ta không thể liệt người đó vào được một trong những phạm trù của trí óc. Chúng ta không thể nói được về người đó vì người đó đã thoát ra khỏi sự suy nghĩ, đàm luận và những ý niệm. Chúng ta nói một vị mâu ni là một nhà triết học không đúng mà nói là một nhà đạo học cũng không đúng. Chúng ta nói một vị mâu ni là thánh không đúng mà nói là phàm cũng không đúng. Không có một ý niệm nào, một lời nói nào có thể diễn tả được một vị mâu ni. Một vị mâu ni không thể được nắm bắt bằng ý niệm hay bằng lý thuyết.

Trong tiếng Phạn có chữ anupalabhya, có nghĩa là bất khả đắc, không thể nắm bắt được. Chúng ta không thể đặt người đó vào trong một phạm trù nào của tư tưởng. Chúng ta không thể gọi người đó là nhà triết học hay nhà tôn giáo. Không có danh từ nào có thể dùng để gọi một vị mâu ni.

Chúng ta không thể tư lường được về một vị mâu ni, tại vì một vị mâu ni đã bỏ hết mọi hí luận, lặng lẽ, không theo một chủ thuyết nào. Đó gọi là bất khả tư nghị, không thể đặt người đó vào một phạm trù của tư tưởng. Chúng ta cũng không thể gọi người đó là một nhà triết học, một nhà đạo học, một nhà khoa học hay một nhà tôn giáo. Chúng ta không thể gọi người đó bằng bất cứ một tên nào, không thể có khái niệm về người đó. Người đó đã thoát ra ngoài tất cả mọi khái niệm, đó là một vị mâu ni.

Bài kệ 4

Kẻ ấy đã thấy biết được mọi nẻo sinh thú mà không còn muốn đi về một nẻo nào trong các nẻo ấy. Kẻ đã vứt bỏ được tham và si.Kẻ ấy không còn bận tâm lao nhọc theo đuổi bất cứ một cái gì nữa cả vì kẻ ấy đã qua được bờ bên kia.

Chữ sinh thú 生 趣 có nghĩa là nẻo về, nẻo về loài này hay loài khác gọi là tứ sinh cửu hữu. Thú 趣 là nẻo về như ngũ thú lục đạo tức là thiên, nhân, atula, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Có loài hai chân và loài bốn chân. Người đó biết tất cả các nẻo về nhưng không ham muốn đi về một nẻo nào trong những nẻo đó.

Đã vứt bỏ được tham và ái, kẻ ấy không còn bận tâm lao nhọc theo đuổi một cái gì nữa cả: Tư tưởng này, tuệ giác này sau được gọi là vô đắc hay vô tác (aprātitva), không theo đuổi gì nữa cả, không có mục đích (aimless), không còn muốn gì nữa hết. Kể ấy không còn bận tâm lao nhọc theo đuổi bất cứ một cái gì nữa cả vì kẻ ấy đã qua được bờ bên kia: Bờ bên kia là paramita. Trong bài kệ thứ tư chúng ta thấy hạt giống của tư tưởng vô đắc, tư tưởng paramita (đáo bỉ ngạn).

Bài kệ 5

Kẻ ấy đã vượt thoát tất cả, đã liễu tri tất cả, đã có tuệ giác, không còn vướng bận vào bất cứ gì, đã buông bỏ mọi tham cầu, đạt tới thảnh thơi nhờ diệt trừ tham dục. Kẻ ấy được các bậc hiền nhân gọi là một mâu ni.
Bài kệ này định nghĩa thế nào là một mâu ni.

Bài kệ 6

Kẻ ấy có tuệ lực, kẻ ấy được sinh ra từ giới và hành, chuộng tĩnh lặng, ưa thiền duyệt, ngày đêm chánh niệm, không còn bị sai sử bởi tập khí, kẻ ấy được các bậc hiền giả gọi là một mâu ni.

Tuệ lực là sức mạnh của trí tuệ, kẻ ấy có sức mạnh do trí tuệ đem tới. Tuệ giác là một sức mạnh. Vị mâu ni là một người có sức mạnh do tuệ giác đem lại. Đạo Phật có nói tới ngũ lực: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Tín là niềm tin, tấn là sự chuyên cần, niệm là chánh niệm, định là sự tập trung và Tuệ là tuệ giác. Tuệ giác là một nguồn năng lượng, là một sức mạnh và một vị mâu ni có nguồn sức mạnh đó.

Kẻ ấy được sinh ra từ giới và hành: Giới được làm bằng chánh niệm, luôn luôn thức tỉnh, tinh cần. Hành là sự thực tập. Một vị mâu ni là một người được sinh ra từ giới luật và sự thực tập. Chúng ta thực tập giới luật bằng sự thực tập chánh niệm. Sinh mạng tâm linh của mình có được là nhờ giới và hành.

Kẻ ấy sinh ra từ giới và hành, chuộng tĩnh lặng, ưa thiền duyệt: Đó là hai sở thích của người ấy. Người đó không thích ồn ào, ưa cái vui của thiền định. Ngày đêm chánh niệm, không còn bị sai sử bởi tập khí, kẻ ấy được các bậc hiền giả gọi là một bậc mâu ni.

Bài kệ 7

Kẻ ấy bước đi một mình, tinh cần, tỉnh thức, không còn bị khen chê động tới, như một con sư tử không còn run sợ trước âm thanh của bất cứ một loài thú nào, như một làn gió không bị vướng vào bất cứ một chiếc lưới nào,  trong sáng như một dòng nước, tinh khiết như một đóa sen, đưa lối cho người mà không bị ai lôi kéo, kẻ ấy được các bậc hiền giả gọi là một bậc mâu ni.

Đi một mình là một điều kiện của một vị mâu ni. Dù cho có đệ nhị thân người ấy cũng bước đi một mình, là người biết sống một mình. Không đàn đúm, không cần phải có đám đông mới có hạnh phúc, người ấy luôn luôn có chánh niệm và độc cư. Độc cư không có nghĩa là sống một mình, độc cư có nghĩa là không đánh mất mình, luôn luôn an trú trong giây phút hiện tại. Điều này được diễn bày rõ ràng trong “Kinh người biết sống một mình”. Sống một mình không hẳn là phải xa lánh con người mà là không đánh mất mình, không có tham dục, tham dục là một thân thứ hai. Hình ảnh người bước đi một mình là hình ảnh của một vị mâu ni (solitary life).

Tinh cần, tỉnh thức, không còn bị khen chê động tới: Được khen không động tâm mà bị chê người ấy cũng không động tâm. Như một con sư tử không còn run sợ trước âm thanh của bất cứ một loài thú nào: Khi con sư tử gầm lên thì tất cả mọi loài thú đều sợ. Nhưng khi tất cả loài thú kia la lên thì không một tiếng kêu nào làm cho sư tử sợ. Đây là một hình ảnh rất đẹp!

Như một làn gió không bị vướng vào bất cứ một chiếc lưới nào: Chiếc lưới kia có thể bắt chim, bắt thú, nhưng người xuất sĩ như một làn gió, không một màn lưới nào có thể bắt lại được. Hình ảnh này cũng rất đẹp, rõ ràng đúng là cách diễn tả của một thi sĩ.

Rung MaiTrong sáng như một dòng nước, tinh khiết như một đóa sen, đưa lối cho người mà không bị ai lôi kéo, kẻ ấy được các bậc hiền giả gọi là một bậc mâu ni: Đây cũng là những hình ảnh rất đẹp! Hình ảnh một con sư tử không khiếp sợ trước bất cứ một loài thú nào, hình ảnh một làn gió không vướng vào bất cứ một chiếc lưới nào, hình ảnh một dòng nước trong, một bông hoa sen, đó là những hình ảnh rất đẹp của một vị mâu ni đang bước đi một mình, ngồi một mình, không bị vướng bận.

Bài kệ 8

Vững như cây trụ trên bãi tắm, không bị ai xoay chuyển lung lạc, không còn đam mê, sáu căn thường tĩnh lặng, kẻ ấy được các bậc thức giả gọi là một bậc mâu ni.

Sáu căn thường tĩnh lặng tại vì người đó có khả năng hộ trì sáu căn, luôn luôn có mặt, nhận diện được những gì mình thấy, mình nghe, mình xúc cảm mà không bị những cái đó cuốn theo làm cho xôn xao. Người đó luôn luôn giữ được sự tĩnh lặng.

Bài kệ 9

Tâm vững chãi, đoan chính như một con thoi, ghê sợ những hành động thấp hèn, biết phân biệt rõ ràng đâu là tà, đâu là chính, kẻ ấy được các bậc thức giả gọi là một vị mâu ni.

Bài kệ 10

Biết tiết chế, không làm điều bất thiện, vị xuất sĩ, dù còn niên thiếu hay tuổi đã cao, biết sống tri túc, không bị ai thách thức và cám dỗ mà cũng không thách thức và cám dỗ ai, kẻ ấy được các bậc thức giả gọi là một vị mâu ni.

Bài kệ 11

Tiếp nhận thức ăn cúng dường, dù trước dù sau, dù hậu dù bạc, với tâm niệm bình đẳng, an nhiên, không khen chê, không kén chọn, kẻ ấy được các bậc thúc giả gọi là một vị mâu ni.

Trong nguyên văn Kinh nói: Mình tới trước được cúng dường phần trên thì không khởi tâm vui thích, mình tới sau được phần giữa hay tới sau nữa được vét nồi thì mình cũng không giận, không buồn, tâm niệm hoàn toàn bình đẳng, không khen chê, không kén chọn. Đó gọi là một vị mâu ni.

Bài kệ 12

Sống phạm hạnh, tuy còn trẻ tuổi mà không bị vướng mắc vào ai, không tự cao, không phóng dật, một mình đi thảnh thơi, kẻ ấy được các bậc thức giả gọi là một vị mâu ni.

Có thể có những vị mâu ni 18 hay 20 tuổi, tuy còn trẻ mà không bị vướng mắc vào ai thì được gọi là một mâu ni. Hồi Đức Thế Tôn mới về thành Vương Xá lần đầu, những người tuổi trẻ đi xuất gia rất đông. Có người còn rất trẻ, khi nhìn hình ảnh của Đức Thế Tôn, họ rất thích và cũng muốn làm như Ngài. Họ muốn trở thành một vị mâu ni trẻ tuổi. Xã hội Ấn Độ thời đó rất khao khát đời sống tâm linh đạo đức, đời sống tinh thần.

Bài kệ 13

Đã thấy được chân tướng của thế gian, đã đạt tới đệ nhất nghĩa đế, đã vượt dòng sinh tử, đạt tới vô sinh, chấm dứt được mọi hệ lụy và phiền não, kẻ ấy được các bậc thức giả gọi là một vị mâu ni.

Đã thấy được chân tướng của thế gian: Thấy được sự thật ngoài đời, không còn ảo tưởng, thấy được mặt mũi thật, chân tướng của cuộc đời.
Đã đạt tới đệ nhất nghĩa đế: Kẻ ấy đã thấy được sự thật, không phải sự thật tương đối mà thấy được sự thật tuyệt đối là vô sinh bất diệt, vô khứ vô lai (paramārtha).

Bài kệ 14

Người cư sĩ vướng vào vợ con, phải chăm sóc lo lắng, thiếu điều kiện bảo vệ sự sống cho mọi loài, khó sống tiết chế và thiểu dục; người xuất sĩ trái lại, nhờ cát ái từ thân, sống thảnh thơi, có cơ hội giúp đời và bảo vệ sinh mạng cho mọi loài, sống tiết chế và thiểu dục một cách dễ dàng.

Cát ái là cắt đứt những dây ân ái. Đây là vấn đề hoàn cảnh, vấn đề tăng thân. Người cư sĩ cũng có thể làm được nhưng khó hơn nhiều, người cư sĩ sống tiết chế và thiểu dục rất khó tại vì mỗi ngày đều bị hoàn cảnh tưới tẩm hạt giống của ham muốn, hạt giống của dục. Các vị cư sĩ đa phần ăn mặn, không bảo hộ được sinh mạng của các loài chúng sinh, không bảo hộ được trái đất nhiều bằng người xuất sĩ. Người xuất sĩ sống tiết chề và thiểu dục rất dễ dàng vì được ở trong một môi trường có sẵn sự thanh tịnh. Người xuất sĩ ăn chay trăm phần trăm, làm giảm thiểu được khổ đau của mọi loài và chuyển ngược quá trình hâm nóng địa cầu dễ hơn. Người cư sĩ bận rộn việc gia đình, phải lo kiếm sống, phải giết hại sinh mạng, không có cơ hội sống tiết chế và tri túc. Đây là sự so sánh giữa hai nếp sống: một nếp sống tu tập rất dễ và một nếp sống tu tập rất khó. Ở Việt Nam người ta thường nói: Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ và thứ ba tu chùa, tu ở chùa dễ nhất. Cho nên đi xuất gia là khôn vì biết tìm con đường dễ mà đi.

Bài kệ 15

Con chim công cổ xanh khi bay lên không gian không thể nào sánh được với con thiên nga. Người thế tục vướng bận trong cuộc đời không thể nào so sánh được với người xuất sĩ đang ngồi thiền định một mình trên núi.

Con chim công cổ xanh, con chim công xoè đuôi ra rất đẹp, khi bay lên không gian thì không thể nào sánh với con thiên nga. Con thiên nga bay rất mau. Người thế tục vướng bận trong cuộc đời không thể nào so sánh với bậc xuất sĩ đang ngồi thiền định một mình trên núi: Đây là một hình ảnh khác rất đẹp của Kinh Mâu Ni: Bạch vân thâm xứ tọa thiền tăng. Một thiền tăng đang ngồi một mình ở chỗ núi rừng có mây bao phủ. Trong Sutta-nipāta có một Kinh, trong đó có một cư sĩ hỏi: “Thế nào là đời sống lý tưởng của một người xuất gia và thế nào là đời sống lý tưởng của một người tại gia?”. Chúng ta sẽ học Kinh này sau. Kinh Mâu Ni ở đây chỉ nói về người xuất gia nhưng Kinh trên có so sánh hai nếp sống, có rất nhiều điều Bụt gửi gắm và trông chờ ở người tại gia.

Thích Nhất Hạnh (Chân Giác Lưu phiên tả)
http://www.thuvienhoasen.org

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch