Mật Tông Tây Tạng là một biến thể của Phật Giáo khi đã hội nhập đã chuyển hóa theo tôn giáo bản địa. Theo những tài liệu sử sách tại đây thì trước khi Phật Giáo Đại Thừa du nhập và đất Tây Tạng thì trên đất nầy vốn đã có một tôn giáo riêng, mang dấu ấn của Thần Giáo. Tôn giáo nầy chứa đầy những huyền phép đặc biệt, mang tính chất bí ảo, mà ít người có thể hiểu biết, chuyên thờ cúng và hành trì những hiện tượng siêu hình như thuật khinh thân, bói toán, tàng hình; đứng đầu là những vị pháp sư.
Đại cương
Mật Tông Tây Tạng là một biến thể của Phật Giáo khi đã hội nhập đã chuyển hóa theo tôn giáo bản địa. Theo những tài liệu sử sách tại đây thì trước khi Phật Giáo Đại Thừa du nhập và đất Tây Tạng thì trên đất nầy vốn đã có một tôn giáo riêng, mang dấu ấn của Thần Giáo. Tôn giáo nầy chứa đầy những huyền phép đặc biệt, mang tính chất bí ảo, mà ít người có thể hiểu biết, chuyên thờ cúng và hành trì những hiện tượng siêu hình như thuật khinh thân, bói toán, tàng hình; đứng đầu là những vị pháp sư.
Theo họ thì những mãnh lực huyền bí vẫn tồn tại trong vũ trụ và những nhà tu hành phải vận dụng đủ cách để chế ngự và điều động cho được những mãnh lực siêu nhiên nầy. Khả năng chế ngự đến mức độ nào là tùy theo trình độ tu luyện của họ. Huyền học bao trùm tôn giáo bản địa.
Về sau, vì những khó khăn trong việc ứng xử và hành trì, cho nên đã có những tranh chấp và phân ly thành hai khuynh hướng tăng sĩ Huyền Môn lẫn tín đồ. Họ đưa ra những lý giải riêng có khi mâu thuẫn
nhau trên nhiều địa hạt. Những cuộc tranh luận giữa hai nhóm thường
được tổ chức công khai hay trong hành trì. Cả hai đều tìm cách để bành
trướng trong việc lôi cuốn tín đồ cũng như ảnh hưởng đến chính quyền.
Điều nầy đã gây ra những đổ vỡ trầm trọng trong tôn giáo nguyên thủy của Tây Tạng.
Từ đó nẩy sinh ra Chân Giáo và Huyền Giáo. Chân Giáo muốn đi vào cuộc sống thiết thực để hướng dẫn cuộc sống; trái lại Huyền Giáo thì đi sâu vào việc nghiên cứu các hiện tượng siêu hình mà họ cho là đã điều khiển linh hồn mọi người. Nhiều giai thoại về sự tranh chấp nầy vẫn được truyền tụng cho đếnnay, mà họ cho là chính danh và tà thuyết.
Chính quyền đã tìm cách để hoà giải hay đúng ra là lợi dụng những rạn nứt nầy để dễ bề thao túng.Cuối cùng thì những nhà tu hành theo Chân Giáo đã bỏ nước đến Ấn Độ để nghiên cứu thêm. Tại đây, họ đã gặp các tăng sĩ Phật Giáo và tiếp thu những tinh hoa của tôn giáo nầy. Với họ, đây là điều may mắn. Có nhiều vấn đề trước kia không thông suốt, quán triệt được, thì nay giáo lý nhà Phật đã giúp cho họ giải toả. Khả năng tiếp thu tôn giáo của họ vươn cao lên, để thoát khỏi những lẩn quẩn trong hiểu biết siêu hình.
Nhiều vị còn lưu lại để nghiên cứu và hành trì; trong khi đó nhiều vị đã trở về Tây Tạng để truyền bá tư tưởng mới. Họ vận dụng Phật Giáo hoà nhập tinh thần dân tộc để truyền đạo. Từ cách tu hành cho đến việc giảng dạy cho tín đồ, họ đã dùng những phương thức mới lạ, mà trước đây chưa phát triển tại Tây Tạng.
Chẳng bao lâu, ảnh hưởng của tôn giáo nầy bành trướng mau lẹ. Lạt Ma Giáo (Lamaism) ra đời từ đó. Tôn giáo nầy cũng đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi. Trong giai đoạn đầu, họ tìm cách hoà hợp Phật Giáo với những nguồn tín ngưỡng bản địa.
Nhưng về sau, thông qua kinh điển, họ đã cải cách dần dà từ nền tảng Phật Giáo. Kinh sách ngày càng nhiều, tăng sĩ đào tạo ngày càng đông, cho nên tín đồ gia tăng nhanh chóng. Đã có những thay đổi lớn lao so với tôn giáo cổ truyền ở Tây Tạng.
Theo nghiên cứu của Lạt Ma Lobsang Rampa thì: Nếu tôn giáo cổ của Tây Tạng chuyên về những phép thuật Thần Thông, Ma Thuật, Huyền Học, xem đó là nền tảng chính yếu, thì đằng nầy Phật Giáo chỉ coi đó là những phương tiện trong việc tu hành nếu có, chứ không là cứu cánh giải thoát con người. Mà đã là phương tiện thì chỉ ứng xử trong một mức độ nào đó, sẽ bỏ đi. Còn nếu cứ xem phương tiện là cứu cánh, thì điều nầy chỉ là trở ngại lớn lại trói buộc mức độ tu hành mà thôi.
Những danh tăng của Lạt Ma Giáo có công trong việc canh tân tôn giáo nầy để trở nên vững chắc như hiện nay thì phải kể đến công trình của đức Milarepa và Tsong Khapa. Nếu đức Milarepa đi sâu vào việc nghiên cứu những vấn đề thuộc luận lý học Phật Giáo thì đức Tsong Khapa lại nghiên cứu về lãnh vực tâm lý học, luân lý học và siêu hình học. Sự hoà hợp nầy đã khiến cho Mật Tông Tây Tạng trở nên uyên áo hơn.
Hiển Tông và Mật Tông
Pháp môn tu học trong đạo Phật rất nhiều vô lượng. Sở dĩ có nhiều vô lượng như thế là vì căn tánh của chúng sanh bất đồng. Người ta liên tưởng đến hình ảnh về thân thể của con người mang nhiều chứng bệnh khác nhau, cho nên y sĩ dùng các loại thuốc khác nhau để chẩn trị mới hiệu nghiệm được. Đức Phật đã thấu rõ nguồn cội căn tánh của mỗi chúng sanh cho nên Ngài giảng dạy vô lượng pháp môn tu để có thể thích hợp từng căn tánh của mỗi một chúng sanh,ngõ hầu ai nấy đều thích ứng được, có thể tiến triển trên con đường tu hành của mình để Giác ngộ, Giải thoát.
Pháp môn tu học lưu hành rộng rãi phải nói đến pháp môn Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông. Về Mật Tông tại Việt Nam cũng đã có một thời phát triển và lưu lại nhiều huyền thoại: tăng sĩ Khâu Đà La tu tại chùa Dâu đã độ cho nàng Man Nương, thiền sư Nguyễn Minh Không thuộc dòng thiền Vô Ngôn Không đã trị bệnh kỳ diệu cho vua Lý Thần Tông...
Trong sách sử hành đạo của các cao tăng thiền
đức thường nói đến "Thiền, Tịnh song tu" tức là ngoại hiện thiền tướng,
nội hành tịnh độ; hay là "Thiền, Mật kiêm trì" nghĩa là ngoại hiển mật
hạnh, nội tâm hành thiền; hoặc "Thiền hiển, Mật tàng" tức là ngoại hiện thiền tướng, nội tâm tu Mật chú. Trong lúc Thiền Tông và Tịnh Độ Tông được lưu hành khắp các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam thì Mật Tông đã trở thành pháp môn tu hành truyền thống của các nước Tây Tạng, Mông Cổ và trong thời gian gần đây đã được phổ biến đến các nước Âu Mỹ qua các nhà sư Tây Tạng. Pháp môn tuy nhiều, tùy lúc mà nói, nhưng mục đích vẫn chỉ là làm thế nào để đi vào biển viên mãn, cho nên trở về chỉ là Nhất thừa. Hiển Tông và Mật Tông đều gồm thâu cả tánh và tướng.
Nghĩa lý Hiển Tông chia ra làm năm
thời, tóm lại là Tô Đạt Lãm (tức là Kinh). Mật Tông gồm ba bộ tạng,
riêng gọi là Đà Ra Ni (Thần chú). Người học Hiển Tông cho rằng: Không, Hữu, Thiền, Luật có những khác biệt, nhưng cứu cánh, viên lý cũng chỉ là một. Còn người học Mật Tông thì lấy: Đàn, Ấn, Chữ, Tiếng làm phép tắc, nhưng phương thức đều nhắm vào Thần Tông, bí áo.
Hiển Giáo (Sutra Path) thường được gọi là Tịnh Độ Tông là phương pháp tu hành gồm có: đọc kinh, tụng điển, lễ Phật, cúng dường.Tịnh Độ Tông chú trọng đến việc tụng kinh, niệm Phật, đễ cho nhất tâm bất loạn, để lúc lâm chung cầu cho trở về cõi Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Ngoài việc niệm Phật, Tịnh Độ Tông còn khuyên dạy chúng sanh quan tâm đến việc thanh lọc những hành động thuộc Thân, Khẩu, Ý, sống theo hạnh nguyện chân chính, thường xuyên phát triển đức Từ Bi, Hỷ Xã, thường hoạch cát tường, viễn ly khổ ách.Tịnh Độ Tông được phân chia làm hai thừa là Đại Thừa (Mahayana) và Tiểu Thừa (Hinayana).
Các nhà tu hành nhấn mạnh
đến hai phép tu nầy chỉ là hai giai đoạn cần thiết trong việc tu hành,
tự lợi, lợi tha, chứ không hề có chuyện mâu thuẫn nhau, nghịch lý nhau. Mật Thừa (Tantra Path) còn gọi là Mật Tông, cũng chỉ là một phương pháp tu hành mà đức Phật muốn dắt dẫn chúng sanh đến con đường Giác ngộ và Giải thoát.
Một khi đã được Giác Ngộ và Giải thoát thì có thể tiếp tục tu hành, để hoàn thành con đường Bồ Tát Đạo trở lại cõi Ta Bà để độ chúng sanh như hạnh nguyện của đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã từng làm.Tuy có sự phân chia như thế, nhưng thật ra, tất cả chỉ là phương tiện, từng giai đoạn, để tiến hành trên con đường duy nhất: giải thoát. theo những kinh điển của Mật Tông, nếu đi theo con đường Hiển Tông thì phải trải qua vô lượng kiếp tu hành thì mới có thể đạt đến quả vị Phật, nhưng nếu theo con đường của Mật Tông thì có thể đạt đến quả vị Phật ngay trong một kiếp.
Cũng vì lý do nầy cho nên nhiều người cho rằng con đường tu hành theo Mật Tông là con đường ngắn nhất. Tuy vậy, những không phải bất cứ người nào cũng có thể tu hành theo Mật Tông vì phải trải qua muôn ngàn khó khăn, chỉ giành cho chư vị Bồ Tát, chư vị Tổ sư có công phu tu hành vô cùng tinh tấn thì mới tu tập để chứng quả được. Ở những nước phương Đông, do phong tục, văn hoá và tín ngưỡng, hầu hết mọi người đều xem cái chết chẳng qua chỉ là một sự chuyển tiếp trong muôn ngàn kiếp của con người.
Tùy theo nghiệp quả mà con người đã gieo trong kiếp nầy và trong vô vàng kiếp trước, mà sau khi chết con người sẽ đầu thai vào một kiếp tốt hơn hay xấu hơn. Có thể lên Niết Bàn, hoặc xuống ngục A Tỳ, chịu những trừng phạt của Diêm Vương. Bánh xe luân hồi không
chỉ xoay vần trong vài ba kiếp, mà cứ mãi vần xoay miên viễn, cho đến
khi linh hồn tu luyện đạt đến độ đạt đến mức giải thoát ngũ uẩn, lục căn, được xem là thoát khỏi vòng luân hồi, không còn trong vòng sinh tử, chuyển kiếp nữa.
Với
nhận thức nầy, mọi người phải ra sức tu luyện, học hỏi giáo pháp, làm
điều thiện, để được chứng quả. Theo hạnh nguyện của một số người, sau khi đắc quả, vẫn quay trở lại trần gian theo Bồ Tát Hạnh để dẫn độ chúng sanh. Có nhiều vị Phật vì xót thương chúng sanh ngụp lặn trong mê mờ, đã chấp nhận hoá thân. Mật Tông là con đường tu chứng hết sức linh thiêng và huyền diệu trong các pháp môn tu học Phật Giáo, với những năng lực huyền diệu mang tính bí hiểm.
Những vị Tổ sư của Mật Tông như Marpa và Milarepa đều nhấn mạnh đến ý nghĩa của công năng trì tụng Thần Chú, như là phương tiện cần thiết nhất để đi đến giác ngộ toàn chân. Từ trước đến nay, theo truyền thống Mật Tông Tây Tạng được kiến tạo trên nền tảng truyền thụ khẩu quyết giữa chân sư và đệ tử, cho nên sự truyền bá cũng hạn chế. Hầu hết những khẩu quyết nầy được giữ gìn bí mật, như một yếu quyết, không muốn phổ biến sâu rộng. Vì trước khi bước vào ngưỡng cửa nầy phải đi qua phần căn bản giáo lý Tiểu Thừa và Đại Thừa với ấn chứng vững chắc.
Khẩu quyết nầy tương tự như công án (Koan) của Thiền tông, là cánh cửa mở vào Mật Tông; hành giả phải trì tụng thuờng xuyên, quán chiếu nội tâm, để dần dà phá vỡ màn vô minh bao trùm các giới. Với những trở ngại như thế, cũng như trong Thiền Tông, hành giả cần có vị chân sư hướng dẫn, chỉ điểm và giải thích khó khăn trong việc hành trì.
Mật Tông không thể tiến hành tu tập sau khi hiểu qua một ít kinh sách, đọc vài câu Thần chú, biết vài ấn quyết là đủ. Sự kinh diệu là ở hành trì. Hơn thế nữa con đường tu hành khắc kỷ nầy đòi hỏi sức chịu đựng lâu dài, thân thể khoẻ mạnh, tập trung tư tưởng cao độ thì mới khai
mở Phật nhãn được. Thiếu những yếu tố nầy, khó lòng đạt được mức ứng
ngộ cao, đi thẳng vào thực tướng các pháp. Thành thử một khi đã bước vào tu hành Mật Tông, các vị chân sư thường khuyến khích hành giả nên tuân thủ pháp tắc thật nghiêm minh, tôn trọng giới luật, hiểu biết sâu rộng để hành trì. Mỗi khi thiện niệm được khai mở, quán chiếu vào mọi pháp, thì ngõ vào Mật Tông được khai thông.
Những lãnh vực của Mật Tông
Thực
ra Mật Tông không vận dụng triệt để những tư tưởng Phật Giáo trong cách
tu hành và liễu ngộ. Điều học được của Phật Giáo là quan tâm đến việc tìm đường giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi; tuy nhiên, vốn ứng dụng những phương pháp cổ truyền, cho nên những danh tăng Mật Tông vẫn dùng phương tiện để đạt đến sự giải thoát trên căn bản huyền học, đầy chuyện bí mật.
Qua những công trình phát huy tôn giáo nầy của đức Milarepa, những tín đồ Mật Tông được phân chia là làm 2 loại: tu sĩ và Lạt Ma. Tu sĩ là những tín đồ chỉ hành trì theo một số giới luật nhất định. Họ
có thể lập gia đình và tu hành trong khả năng hữu hạn. Còn Lạt Ma phải
tuân thủ nhiều giới luật ràng buộc hơn, sống theo nếp đạo hạnh thuần nhất để đi đến giải thoát.
Về sau, do sự thay đổi lớn trong pháp
môn tu tập. Mật Tông lại được phân chia ra làm nhiều Giáo phái khác,
thậm chí có Giáo phái được liệt vào "ngoại đạo" nhưng lại ảnh hưởng rất
lớn; nổi tiếng hơn hết là 3 Giáo phái: Giáo phái Số Luận (Samkyas), Giáo
phái Thắng Luận (Vaisheshikas) và Giáo phái Huyền Học (Charvaka). Mật
Tông có nhiều phương thuật tu luyện đặc biệt do những vị ẩn tu phát
kiến; điều nầy đã khiến cho người Tây Phương xem là huyền thuật, khó
tin, thậm chí là siêu phàm nữa. Chẳng hạn như khinh thân, tàng hình,
dùng Thần Nhãn, khắc kỷ, cùng các phương thuật phát triển Thần Nhãn.
Theo
Mật Tông, khi con người tu luyện đạt đến cảnh giới nào đó trong lối tu
trì, họ sẽ có nhãn quan siêu phàm gọi là Thần Nhãn. Trong danh từ "Thần
nhãn" thì từ "Thần" có nghĩa là phi thường, khác thường, liễu ngộ. Thông thường những tu sĩ nầy thường vận dụng Thần Nhãn của mình để soi sáng được cảnh giới vô hình. Nếu cả hai đều dùng Thần nhãn để liên hệ với nhau thì gọi là "Thần giao cách cảm".
Đạt được Thần Nhãn, có nhiều mức độ khác nhau và đạt được kết quả khác nhau. Chẳng hạn như có người dùng Thần Nhãn để xem tiền kiếp của mình hay của người khác. Lại có người dùng công năng Thần Nhãn trong việc trị bệnh. Với họ, bệnh tật là do vướng mắc của linh hồn. Cởi bỏ vướng mắc tức là lành bệnh.
Tuy
nhiên với những đạo sĩ Mật Tông, việc khai mở Thần Nhãn phải được tiến
hành thận trọng, nếu sai lầm hay với dụng tâm bất chánh nào đấy, thì hậu quả không biết đâu lường nổi, thậm chí bị tẩu hỏa nhập ma. Đa số đạo sĩ dùng Thần Nhãn để quán kiến nội tâm trong phép tu hành mà thôi. Với họ đây là phương tiện tốt nhất trong việc chiếu kiến của Thần Nhãn.
Những kinh điển chính của tôn giáo cổ cũng như Huyền Môn sau nầy ở Tây Tạng thường đề cập sâu rộng những vấn đề siêu hình, tâm linh, những bí cấp và pháp thuật Thần Thông, Thần Nhãn, soi hồn, những cõi vô hình một cách tự nhiên với nhiều huyền thoại mà người đời thật khó tin. Tuy nhiên, với
họ vẫn là những phép mầu, linh thiêng, không thể coi thường được. Khi
đề cập đến, họ thường tỏ vẻ trang nghiêm, tôn kính. Những vị chân tu Tây
Tạng tin rằng: "Những sự kiện nầy xẩy ra trong mọi nơi, trong mọi cõi đều là những hiện tượng siêu nhiên, huyền bí, tuy nhiên không phải là chuyện khác thường".
Nhưng những nhà nghiên cứu Tây Phương thì lại giải thích bằng cung cách khác, dựa vào yếu tố Cảnh quan học và Thần linh học. Họ cho rằng: Vùng đất Tây Tạng nằm trên vị trí cao nhất thế giới, quanh năm tuyết phủ, cây cối khó mọc được là nơi thuận lợi nhất để kết tụ những hiện tượng siêu hình. Nhiều quốc gia khác không hội đủ điều kiện nầy cho nên các nhà nghiên cứu tại đó đã nhìn về Huyền Học Tây Tạng bằng nhãn quan khác lạ. Khoa học thực nghiệm thì lại càng xa xăm, ngờ vực hơn. Đây là vấn đề thuộc tâm linh, mà xứ sở Tây Tạng thì dễ tiếp cận hơn vùng đất nào khác trên thế giới.
Huyền Học Tây Tạng giải thích các vấn đề bằng con mắt siêu thần linh khác lạ. Chẳng hạn: họ giải thích rằng: Con người thực tạilà một phức thể bao gồm nhiều thể chất khác nhau. Qua cảnh giới siêu hình thì mỗi thể loại tương ứng với một cõi khác. Xác và Vía là hai thể đối lập, cho nên thể xác thì tương ứng với cõi Trần Gian, thể Vía thì tương ứng với Thân Trung Ấm (Bardo). Điều nầy được trình bày khúc chiết trong Tử Thư.
Trong Mật Giáo có nhiều phương pháp hành trì và tu luyện khác nhau, tuy nhiên đa số đều sử dụng những loại Thần chú, ấn quyết, Mạn Đà La... để có thể nhiếp phục được thân tâm
của mình trong những nghịch cảnh của đường tu tập. Họ cũng thường dùng
đến sức mạnh của nội tâm và ý lực tự cường để trấn áp tà ma, quỷ mị,
nghiệp chướng, cho đến khi nào có thể đắc Định Tuệ, khai Pháp Nhãn. Khi đó sẽ hoàn toàn làm chủ Thân và Tâm; đó là bước khởi đầu trên con đường tinh tấn tu hành của Mật Tông.
Một khi đã khai mở Định Tuệ của mình rồi, nhưng nếu người tu hành đã không phát triển những hạnh nguyện rộng lớn và cao cả hơn, thì cũng khó để có thể tiến xa hơn.Xác lập được hạnh nguyện rộng lớn của mình rất quan trọng, vì nhờ đó, có thể thoát khỏi vòng vô minh, mê muội, phá trừ được ngã chấp, khai thông Trí Tuệ. Bắt đầu bước vào con đường tu tập, đòi hỏi một khả năng tu hành, trì giới thật nghiêm nhặt. Sau đó, tìm một không gian tĩnh mịch để thiền định.
Trong những tu viện Tây Tạng ngày trước thường xây những mật thất bằng đá khép kín, để giới tử có thể thực hành việc thể
nghiệm trong giai đoạn đầu nầy. Một khi vị Tu sĩ (Trappa) đã phát
nguyện là sẽ nhập thất trong một thời gian nào đó, thì vị sư trưởng sẽ trắc nghiệm khả năng, đồng thời bố trí để giới tử có thể tiến hành việc tu tĩnh. Hàng ngày sẽ có vị Giám sự theo dõi và trình lại cho sư trưởng biết được những chuyển biến. Có người nhập thất trong ba tháng, sáu tháng, có khi đến ba bốn năm. Sau khi hết thời gian chứng nghiệm nầy, giới tử có thể rời mật thất. Nhưng nhiều vị khi hoàn tất tu thiền nầy, lại xin trở lại tiếp tục, vì họ thấy hoàn cảnh ở đó thuận lợi cho việc thoát ly những vướng bận của hoàn cảnh chung quanh. Tuy ở trong mật thất để Thiền định, nhưng các tăng sĩ nầy có thể phóng ra bên ngoài những tư tưởng tốt lành để hộ trì cho kẻ khác.
Cũng có vị sau khi hoàn tất thiền định trong mật thất, lại tiến xa hơn bằng cách tìm đến những hang cốc lạnh lẽo trong rừng núi, hay ngồi thiền trên tuyết lạnh, hết năm nầy sang năm khác. Ngoài ra cũng có nhiều vị sau khi kết thúc thời gian Thiền định lại trở về cuộc sống bình thường để nhập thế độ sanh.
Trong việc tu luyện nầy, vai trò của những vị sư trưởng rất quan trọng. Sư trưởng của Mật Giáo không phải là một
chức vị được đề cử sau khi tốt nghiệp kỳ thi Lạt Ma. Chức vụ nầy đòi
hỏi một công phu tu hành lâu ngày, kiên định vững chắc và qua một thời
kỳ Điểm Đạo (Initiation). Điểm đạo ở đây theo đúng lễ nghi và pháp tắc, khác với những hình thức Điểm Đạo hàng chục ngàn Phật tử tham gia tùy tiện như thường thấy tổ chức đại trà tại Hoa Kỳ trong những năm gần lại đây.
Giới tử trong khi tu tập, ngày đêm kiên trì giữ vững tư tưởng của mình. Trong những sách vở bí truyền của Giáo phái Bon Pa Tây Tạng, con người có 3 nguồn năng lực là tư tưởng, dục vọng và hành động thì tư tưởng quan trọng hơn hết.
Tư tưởng chế ngự dục vọng và hướng dẫn hành động theo con đường chính đáng theo Phật dạy. Tu tập nghiêm trì chẳng những tạo được công hạnh trong kiếp nầy mà ảnh hưởng về những kiếp sau nữa. Sự tái sanh của các Lạt Ma thường được giải thích theo chiều hướng nầy.
(Còn nữa)
Theo: PTVN