Tịnh độ
Ba kinh Tịnh Độ
Tác giả: Thích Thiện Thông
24/02/2010 04:53 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KINH A DI ĐÀ

Đời Diêu Tần, Tam Tạng Pháp Sư

 

CƯU MA LA THẬP

 

                                                     Vâng Chiếu dịch

 

   Tôi nghe như vầy: Một thời đức Phật ở nước Xá vệ, tịnh xá Kỳ hoàn, trong khu vườn của Thái tử Kỳ đà và Cấp cô độc. Ngài cùng số đông một ngàn hai trăm năm mười Tỳ kheo hội lại một chỗ. Chư Tỳ kheo này đều là những vị đại A la hán, được nhiều người biết đến.

   Bực trưởng lão là: Ngài Xá Lợi Phất. Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di. Ma Ha Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Nậu Lâu Đà. Những vị trên đầy là đệ tử lớn của đức Thế-tôn.

     các Bồ-tát Ma ha tát, như ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử, Bồ-tát Di Lặc, Bồ-tát Càn Đà Ha Đề, Bồ-tát Thường Tinh Tấn v.v… Rất đông những đại Bồ-tát như thế.

   Có trời Đế thích cùng với số đông vô lượng chư thiên tham dự pháp hội.

   Bấy giờ đức Phật bảo Xá Lợi Phật:

   - Từ phía Tây này, qua mười muôn ức cõi nước chư Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc, nơi đó có Phật hiệu A Di Đà hiện đang nói pháp.

   - Này Xá Lợi Phất ! Cõi ấy vì sao gọi là Cực Lạc ?

   - Bởi vì chúng sanh nơi cõi nước đó không có các khổ chỉ hưởng thuần vui, cho nên gọi là Cực Lạc.

   - Này Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực Lạc, lan can bảy từng, lưới giăng bảy từng, hàng cây bảy từng bằng bốn chất báu bao quanh giáp vòng, thế nên nước ấy tên là Cực Lạc.

   - Này Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực Lạc có những hồ lớn toàn bằng bảy báu, nước tám công đức tràn đầy trong đó. Đáy hồ thuần dùng cát vàng trải đất. Thềm đường bốn phía đều do vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp lại tạo thành. Trên không có những lầu gác, cung điện cũng do vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, châu đỏ, mã não tô điểm số ấy. Hoa sen trong hồ lớn như bánh xe, hoa sen màu xanh có ánh sáng xanh, hoa sen màu vàng có ánh sáng vàng, hoa sen màu đỏ có ánh sáng đỏ, hoa sen màu trắng có ánh sáng trắng, thơm sạch nhiệm mầu.

   - Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như vậy.

   - Này Xá Lợi Phất ! Cõi nước Phật ấy, thường trổi thiên nhạc, vàng ròng làm đất, ngày đêm sáu thời trên không tuôn xuống hoa Mạn đà la, chúng sanh cõi ấy vào buổi sáng sớm, mỗi người dùng túi đựng các hoa mầu, đem đi cúng dường muôn ức đức Phật ở các phương khác, đúng vào bữa ăn trở về bổn quốc, dùng bữa kinh hành.

   - Xá Lợi Phất ! Cõi nước ? Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như vậy.

   - Lại nữa Xá Lợi Phất ! Nước ấy thường có các giống chim lạ với nhiều màu sắc, như là Bạch hạc, Khổng tước, Oanh võ, giống chim Xá Lợi, Ca lăng tần già và chim Cọng mạng… Các giống chim này ngày đêm sáu thời hót tiếng hòa nhã, tiếng đó diễn xướng Năm căn, Năm lực, Bảy phần Bồ đề, Tám phần Chánh đạo và còn diễn nhiều pháp âm khác nữa. Chúng sanh cõi ấy nghe tiếng này rồi, người nào cũng đều nghĩ đến đức Phật, nghĩ đến giáo Pháp, nghĩ đến chúng Tăng.

   - Này Xá Lợi Phất ! Ông chớ cho rằng, những giống chim này thật do tội báo mà bị sanh ra.

   Tại vì sao thế ?

   - Vì cõi Phật ấy không ba đường ác.

   - Này  Xá Lợi Phất ! Cõi nước Phật kia, còn không có tên ba đường ác thay, huống là có thật. Các giống chim đó đều là biến hóa, chúng đều do đức Phật A Di Đà, vì ngài muốn cho tiếng diễn nói pháp lan khắp các nơi, nên biến hóa ra.

   - Xá Lợi Phất ! Cõi nước Phật ấy gió nhẹ thổi động những hàng cây báu và những lưới báu, thì cây và lưới vang tiếng nhiệm mầu cùng ví dụ như trăm ngàn thứ nhạc cùng lúc hòa tấu, người nghe tiếng này, tự nhiên sanh tâm niệm Phật, Pháp, Tăng.

   - Xá Lợi Phất ! Cõi nước Phật kia thành tựu công đức trang nghiêm như vậy.

   - Này Xá Lợi Phất !Ông nghĩ thế nào? Phật kia vì sao danh hiệu của ngài là A Di Đà ?

   - Xá Lợi Phất ! Bởi vì quanh minh của đức Phật ấy không có hạn lượng, soi các cõi nước ở khắp mười phương, không bị chướng ngại, cho nên hiệu ngài là A Di Đà.

   - Lại nữa Xá Lợi Phất ! Thọ mạng Phật ấy và nhơn dân ngài, lâu dài đến số vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, cho nên gọi là đức A Di Đà.

   - Xá Lợi Phất ! Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã mười đại kiếp.

   - Này Xá Lợi Phất ! Đức Phật ấy có vô lượng vô biên đệ tử Thanh văn toàn A la hán, chẳng phải tính toán mà có thể biết số Thanh văn ấy, các chúng Bồ-tát lại cũng như thế.

   - Xá Lợi Phất ! Cõi nước Phật kia thành tựu công đức trang nghiêm như vậy.

   - Lại nữa Xá Lợi Phất ! Cõi nước Cực lạc, chúng sanh sanh về, đều là những bậc không còn thoái chuyển trong ấy có nhiều vị đại Bồ-tát Nhứt sanh bổ xứ, số này rất đông, chẳng phải tính đếm mà biết cho hết. Chỉ có thể dùng con số vô lượng vô biên a tăng kỳ để nói mà thôi.

   - Xá Lợi Phất ! Chúng sanh được nghe, hãy nên phát nguyện, nguyện sanh nước ấy. Tại  vì sao vậy ? Vì được cùng với các bậc Thánh chúng thượng thiện như thế sum họp một chỗ.

   - Xá Lợi Phất ! Chẳng thể dùng một nhân duyên, phước đức, căn lành nhỏ ít được sanh nước đó.

   - Xá Lợi Phất ! Nếu kẻ thiện nam,  người thiện nữ nào, được nghe nói đến Phật A Di Đà, rồi nhớ giữ lấy danh hiệu của ngài, hoặc niệm một ngày, hoặc là hai ngày, hoặc là ba ngày, hoặc là bốn ngày, hoặc là năm ngày, hoặc là sáu ngày, hoặc là bảy ngày, một lòng chẳng loạn thì kẻ thiện nam, người  thiện nữ ấy lúc sắp lâm chung, Phật A Di Đà và các Thánh chúng hiện trước người ấy. Kẻ sắp mất này lòng chẳng điên đảo, liền được vãng sanh cõi nước Cực lạc của Phật A Di Đà.

   - Xá Lợi Phất ! Ta thấy lợi đó, cho nên nói ra những lời trên đây, nếu chúng sanh nào nghe lời nói này, hãy nên phát nguyện sanh cõi nước ấy.

   - Xá Lợi Phất ! Như ta hiện nay, khen ngợi Phật A Di Đà, đó là lợi ích của một công đức chẳng thể nghĩ bàn.

   - Phương  Đông cũng có Phật A súc Bệ, Phật Tu di Tướng, Phật Đại Tu di, Phật Tu di Quang và Phật Diệu Âm… Có Hằng sa số đức Phật như vậy, ngài nào cũng ở cõi nước của mình, đưa tướng lưỡi rộng dài, che khắp toàn cõi đại thiên thế giới, nói lời thành thật “Hỡi các chúng sanh ! Nên tin công đức chẳng thể nghĩ bàn của lời khen ngợi về bổn kinh mà tất cả chư Phật đều cùng hộ niệm”.

   - Xá Lợi Phất ! Thế giới phương Nam có Phật Nhựt Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn… Có Hằng sa số đức Phật như vậy, ngài nào cũng ở cõi nước của mình, đưa tướng lưỡi rộng dài, che khắp toàn cõi đại thiên thế giới, nói lời thành thật : “Hỡi các chúng sanh ! Nên tin công đức chẳng thể nghĩ bàn của lời khen ngợi về bổn kinh mà tất cả chư Phật đều cùng hộ niệm”.

   - Xá Lợi Phất ! Thế giới phương Tây có Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Tướng, Phật Vô Lượng Tràng, có Phật Đại Quang, có Phật Đại Minh, có Phật Bảo Tướng, có Phật Tịnh Quang … Có Hằng sa số đức Phật như vậy, ngài nào cũng ở cõi nước của mình, đưa tướng lưỡi rộng dài che khắp toàn cõi địa thiên thế giới nói lời thành thật: “ Hỡi các chúng sanh ! Nên tin công đức chẳng thể nghĩ bàn của lời khen ngợi về bổn kinh mà tất cả chư Phật đều cùng hộ niệm”.

   - Xá Lợi Phất ! Thế giới phương Bắc có Phật Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, có Phật Võng Minh … Có Hằng sa số đức Phật như vậy, ngài nào cũng ở cõi nước của mình, đưa tướng lưỡi rộng dài che khắp toàn cõi đại thiên thế giới nói  lời thành thật: “Hỡi các chúng sanh ! Nên tin công đức chẳng thể nghĩ bàn của lời khen ngợi về bổn kinh mà tất cả như Phật đều cùng hộ niệm”.

   - Xá Lợi Phất ! Thế giới phương dưới có Phật Sư Tử, có Phật Danh Văn, có Phật Danh Quang, có Phật Đạt Ma, có Phật Pháp Tràng, có Phật Trì Pháp… Có Hằng sa số đức Phật như vậy, ngài nào cũng ở cõi nước của mình, đưa tướng lưỡi rộng dài che khắp toàn cõi đại thiên thế giới nói lời thành thật: “Hỡi các chúng sanh ! Nên tin công đức chẳng thể nghĩ bàn của lời khen ngợi về bổn kinh mà tất cả chư Phật đều cùng hộ niệm”.

   - Xá Lợi Phật ! Thế giới phương trên có Phật Phạm Âm, có Phật Tú Vương, có Phật Hương Thượng, có Phật Hương Quang, Phật Đại Diệm Kiên, có Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Ta La Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhứt Thiết Nghĩa, Phật Như Tu di Sơn… Có Hằng sa số đức Phật như vậy, ngài nào cũng ở cõi nước của mình, đưa tướng lưới rộng dài che khắp toàn cõi đại thiên thế giới nói lời thành thật: “Hỡi các chúng sanh ! Nên tin công đức chẳng thể nghĩ bàn của lời khen ngợi về bổn kinh mà tất cả chư Phật đều cùng hộ niệm”.

   - Này Xá Lợi Phất ! Ông nghĩ thế nào ? Vì sao gọi là kinh pháp đã được tất cả chư Phật đều cùng hộ niệm ?

   - Xá Lợi Phất ! Nếu có thiện nam, người thiện nữ nào nghe đến kinh này rồi đem thọ trì, và nghe danh hiệu của các đức Phật, thì những thiện nam và thiện nữ đó, đều được tất cả chư Phật hộ niệm, đều được không còn thoái chuyển đối với Thánh đạo vô lượng Chánh đẳng Chánh giác.

   - Bởi vậy Xá Lợi Phất !Các ông đều nên tin nhận lời ta và lời của các đức Phật nói ra.

   - Xá Lợi Phất ! Nếu có người nào, hoặc đã phát nguyện, hiện đang phát nguyện và sẽ phát nguyện, muốn sanh cõi nước Phật A Di Đà, thì những người đó đều chẳng thoái chuyển nơi đạo vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nơi cõi nước ấy họ đã sanh rồi, hoặc hiện nay sanh, hoặc là sẽ sanh. Thế nên Xá Lợi Phất ! Những kẻ thiện nam, những người thiện nữ, nếu có đức tin, hãy nen phát nguyện sanh cõi nước ấy.

   - Xá Lợi Phất ! Như ta hiện nay khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của các đức Phật, thì chư Phật kia cũng đều khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của ta và nói lời này: “Đức Phật Thích ca Mâu Ni có thể làm điều rất khó hiếm có, ngài hay ở tại cõi nước Ta bà, nhằm đời xấu ác năm thứ ô trược, mà chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác, rồi vì chúng sanh, nói ra pháp môn mà cả thế gian khó tin tưởng này”.

   - Xá Lợi Phật ! Nên biết rằng ta ở vào thời buổi năm thứ ác trược làm sự khó đây: ấy là chúng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì khắp thế gian, nói ra giáo pháo khó tin thế này, là điều rất khó.

   Đức Phật nói kinh này rồi, ngài Xá Lợi Phật và các Tỳ kheo, tất cả thế gian, các chúng trời người và A tu la… nghe lời Phật dạy, mọi người vui mừng tin nhận lời Phật, làm lễ lui bước.

 

ĐỨC PHẬT NÓI KINH A-DI-ĐÀ

 

(HẾT)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch