Danh lam
Độc đáo ngôi chùa được tạo tác từ những mảnh sành
15/07/2012 04:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nếu một ngày, bạn có dịp lang thang trên đường phố Sài Gòn, vô tình đặt chân qua cầu Nguyễn Tri Phương, bạn sẽ thấy ngay một góc của một ngôi chùa sáng lấp lóa bởi muôn ngàn miếng sành đang phơi mình trong nắng.



Chùa đã được trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục vào ngày 30/11/2007: Chùa An Phú - Ngôi chùa được tạo tác bằng mảnh sành nhiều nhất Việt Nam.
 
Người phát nguyện trùng tu di tích

Được thành lập từ thời vua Tự Đức mới lên ngôi, chùa An Phú là nơi tôn nghiêm với lịch sử tồn tại ngót một thế kỷ rưỡi. Đến năm 1960, chùa bị xuống cấp trầm trọng. Và đến 1970 thì chùa bị sụp đổ hoàn toàn. Đứng trước cảnh điêu tàn đó, nhà thiết kế mỹ thuật Lê Văn Rớt - người được giao trách nhiệm "chăm sóc" ngôi chùa cổ, đã phát nguyện trùng tu di tích này từ hai bàn tay trắng.

Nhà thiết kế mỹ thuật Lê Văn Rớt chính là hòa thượng Thích Từ Bạch, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41, đã qua đời năm 1993. ông quê ở Đồng Tháp, là con út trong một gia đình có 5 đứa con. Cha của ông mất sớm, một mình người mẹ phải tần tảo ngược xuôi nuôi 5 anh em mồ côi.

Đến năm ông lên 6, người mẹ dắt ông lên gửi vào một ngôi chùa là Long An tự với nguyện vọng để ông được nuôi nấng, học tập trong vòng tay từ bi của lão Hòa thượng Giác Thành.

Qua 60 năm tu học và hành đạo, ông trở thành một vị cao tăng đã cống hiến nhiều trong công cuộc hoằng pháp và vận động thống nhất giáo hội. Không những thế, ông còn là một người thông thạo kinh điển, thơ phú, một họa sĩ, một nhà thiết kế mỹ thuật tài năng. ông là tác giả của cuốn sách như "Lược sử Phật Thích ca: Thoát qua cơn ác mộng", và nhiều tác phẩm khác.
 Những họa tiết tinh tế được
Những họa tiết tinh tế được "thiết kế" từ mảnh sành.
Khi được giao trách nhiệm giữ gìn ngôi chùa cổ, ban đầu, ông cho dựng một chòi lá nhỏ đơn sơ cạnh chánh điện cũ đã bị mưa dột để ở và hai năm sau (1962) bắt đầu phát động bá tánh vào việc xây dựng lại chùa.

Biết nhân dân quanh vùng đa phần là người lao động nghèo, phải làm lụng cực khổ để kiếm sống, nên ông không đặt nặng việc quyên tiền. Ông chỉ khuyến khích họ đem đến các loại chén đĩa đã bị nứt hoặc đã sứt mẻ trên miệng đôi chút để ông thực hiện ý tưởng của mình.

Ông cho người đi lục lọi khắp chợ An Đông, chợ Bình Tây, lên khu Phú Nhuận, Bình Thạnh, vào các xóm nhỏ hoặc các gian hàng bán đồ sành sứ, cũng như nhiều vựa ve chai, để xin đồ sành sứ bị nứt, vứt bỏ, mang về lựa ra làm nhiều loại. ông phân chia mảnh sành theo màu sắc: xanh, trắng, hồng, đỏ... mỗi màu để riêng một chỗ.

Sau đó ông yêu cầu những người thợ gắn những mảnh sành đó vào các cây cột, các chi tiết kiến trúc theo hình họa do ông thiết kế. Tuy nhiên, đây không phải là một công việc dễ dàng, có thể hoàn thành trong ngày một, ngày hai.

Khi có số lượng lớn sành sứ... phế thải trong tay, trước hết, ông cho đập bể các chén đĩa đã nứt sẵn cho có góc cạnh, sau đó dùng kìm sắt cắt chúng theo đường nét mỹ thuật tạo hình.

Tiếp đó, ông trộn một hợp chất kết dính theo tỷ lệ: Cứ 1 tô cát phải dùng đến 5 tô xi măng (thay vì 1 tô xi măng trộn với 4 tô cát cho những công trình khác) để trét lên bề mặt các kiến trúc rồi ốp những miếng sành lên.

Người thực hiện công việc này chính là những chư tăng học trong chùa, dưới sự hướng dẫn của các các vị trụ trì. Thầy Trụ trì Thích Hiển Đức (Trụ trì hiện nay của chùa, đồng thời cũng là người tiếp tục công trình khi Trụ trì Thích Từ Bạch viên tịch) cho biết: "Hàng chục người trong một ngày chỉ gắn được khoảng 1/4 m2. Thời gian nào có kinh phí xây dựng thì xây dựng cột, tường bê tông. Thời gian nào chưa có kinh phí thì tập trung gắn mảnh sành lên đó".

Trụ trì Thích Hiển Đức cũng chia sẻ: "Công việc này không khó khăn lắm, nhưng đòi hỏi tinh thần kiên nhẫn, chịu khó, sự quyết tâm của toàn thể chư tăng, phật tử nhà chùa mới tạo ra được công trình để đời này".

Trụ trì Thích Tự Đức còn kể, vào những năm đó, tiền bạc không được dư giả gì nhiều. Trụ trì Thích Từ Bạch đã tự mình viết sách bán cho các tỉnh miền Tây để lấy tiền làm kinh phí, gom góp mua từng sọt phế liệu đồ gốm sứ ở khắp các ngõ ngách của Sài Gòn.

Ở những năm giữa thập niên 80, nghe nói có nhiều đồ gốm sứ xuất khẩu bị hư bể thường đem ra đổ chất đống ở vài điểm gần Ga Sài Gòn, ông cho người đến đó mướn xe chở về. Thấy vậy một số thiếu niên sống lang thang ở hè phố cũng đi lượm đồ sành sứ bỏ đi, gom sẵn vào từng cần xé (đồ đựng bằng mây, tre, miệng rộng, đáy sâu, có quai - PV), đợi ông cho người tìm đến đổi lấy 60.000 đồng hoặc 70.000 đồng một sọt.

Đồ bát tràng ở ngoài Bắc chở vào bán tại phố Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP.HCM có cái nào bị nứt, vứt bỏ ông cũng cho mua với giá 80.000 - 90.000 đồng mỗi sọt.

Cứ thế, ông yêu cầu các chư tăng gom nhặt từng chút một. Dần dà ngôi chùa cổ đã đổ sụp ngày nào dần dần được "thay áo" với những mảnh sành tạo hình hoa sen, rồng phượng, chữ Vạn, hình Đức Phật... tuyệt đẹp và lạ mắt.
 Một trong nhiều chi tiết độc đáo tại chùa An Phú.
Một trong nhiều chi tiết độc đáo tại chùa An Phú.
Năm 1993, khi trụ trì Thích Từ Bạch viên tịch, trụ trì Thích Hiển Đức là người kế tục. Thượng tọa trụ trì Thích Hiển Đức tiếp tục công việc trùng tu ngôi chùa vào ngày 25/4/1998 và đã tổ chức lễ khánh thành vào ngày 1/4/1999 với sự có mặt của Hòa thượng Thích Hiển Pháp, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ mảnh sành vỡ đến triết lý nhân sinh

Được biết, trong suốt quá trình sáng tạo xây dựng lại ngôi chùa cổ, trụ trì Thích Từ Bạch không bao giờ cho đập vỡ chén đĩa còn vẹn nguyên, lành lặn. Tôi đem thắc mắc này hỏi Trụ trì Thích Hiển Đức.

Thầy trầm ngâm một lát rồi nói: "Vì Hòa thượng muốn gom những đồ phế bỏ trong nhân gian kết tinh thành nghệ thuật. Trong ý nghĩa đó, mảnh chén là những thứ vứt đi, có thể làm đứt tay, chân con người, nhưng chùa An Phú góp lại để biến chúng thành những thứ có ích cho đời".

Ý nghĩa này cũng bắt đầu bằng những chiêm nghiệm của trụ trì Thích Từ Bạch từ chính cuộc đời mình. Từng có một tuổi thơ khốn khó, không nguyên vẹn. Mới 6 tuổi ông đã phải xa lìa gia đình gửi thân nơi cửa Phật. Khi rảnh rang đôi chút, vào đêm trăng sáng, ông chỉ đống mảnh vỡ của chén đĩa ngổn ngang nói với mọi người rằng: "Mấy người biết không, tuổi nhỏ của tôi cũng từa tựa như những mảnh vỡ này...".

Mỗi lần nhắc như vậy, ông thường bảo: "Chớ bỏ những thứ bị đời vứt đi mà hãy cố tâm biến nó thành vật hữu dụng. Khi thấy trước mắt một mảnh chai lăn lóc cũng hãy lượm lên, đem về chùa: "Trước là để tránh cho người đi đường khỏi vô tình giẫm lên chảy máu, sau góp vào kho công đức của mình".

Từ đó mà những mảnh sành sứt mẻ mới được ghép lại thành những đóa hoa, những hình hài Đức Phật, Bồ Tát, Di Lặc, Thần tài, những tiên nữ múa hát..., biến ngôi chùa cũ nát năm xưa trở thành ngôi chùa đẹp đẽ và nổi tiếng ngày nay.

Trước khi tiễn tôi ra về, thầy trụ trì Thích Từ Đức chia sẻ: "Thầy Từ Bạch đã để lại một công trình nghệ thuật với những cây cột gắn mảnh sành. Những cây cột này màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng, tiêu biểu trong cuộc sống của chúng ta có những lúc gặp phải mặn, nhạt, chua, cay trong 3.000 thế giới, tức tam thiên này.

Vì vậy, có thể chọn con số 3.000 ấy để tượng trưng cho vô số mảnh sành chén đĩa bị vỡ nát nay đã trở nên hữu dụng dưới tay người! Đó là một triết lý nhân sinh mà tôi muốn gửi gắm vào đó".

Tôi ngắm nhìn một lần nữa những mảnh sành có đường nét, hình khối, màu sắc hài hòa trên tường kia. Những mảnh sành mà có thể đã bị vùi sâu dưới đất cát hoặc đã vỡ vụn, lăn lóc bên đường như một thứ bỏ đi, nhưng ở ngôi chùa này, chúng không hề bị quên lãng, trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
 
Theo nhà chùa, từ năm 1961 đến năm 2004, chùa đã sử dụng hơn 30 tấn sành sứ phế liệu các loại với khoảng 20.000 ngày công lao động thực hiện gắn mảnh sành trên diện tích 3.886m2. Có hơn 3.000 cái chén cùng một số các loại đĩa kiểu, tô kiểu, lọ hoa, bình trà và tách uống trà bằng sành, sứ bị sứt, mẻ được dùng kềm sắt cắt thành từng mảnh nhỏ rồi gắn lên tường trong suốt hơn 30 năm.

Theo Hương Lam/ Nguoiduatin

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch