Đức Phật & Thánh chúng
Chuyện Về Ngài Anāthapiṇḍika Rải Vàng Mua Đất
01/01/2022 16:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ thượng tầng xã hội đến cùng đinh hạ tiện. Mỗi người đến lễ bái đều được ông Anāthapiṇḍika tặng cho một món quà làm kỷ niệm, khiến chi phí cuộc lễ một lần nữa lên đến mười tám triệu đồng tiền vàng. Như vậy tổng kết cuộc bố thí của ông Anāthapiṇḍika trong ba đợt: mua đất, xây chùa và làm lễ đã trở thành một con số khổng lồ là năm mươi bốn triệu đồng tiền vàng. Ông quả thật là một tín thí vô địch của Phật giáo vậy!



CHUYỆN VỀ NGÀI ANĀTHAPIṆḌIKA

Vào mùa hạ thứ nhất, sau khi Đức Bồ Tát Siddhatta chứng quả vị Phật Toàn Giác với danh hiệu Phật là Gotama, và thu nhận đệ tử tại Rājagaha, kinh đô xứ Magadha, thì Tăng đoàn lúc ấy chỉ gồm một ít người. Họ sau khi được nghe Đức Phật giảng pháp Tứ Diệu Ðế thì đều đắc quả Arahán giải thoát.

Chư Thánh Tăng Arahán đầu tiên ấy đã dứt tận phiền não, nên sống một cuộc đời thanh tịnh, thoát ly gia đình, nay đây mai đó, lấy quãng trống hay rừng xanh làm nhà, lấy đồi núi hay đồng nội làm nơi hành đạo…

Khi ấy có một đại phú thương, vốn là anh rể của ông Anāthapiṇḍika, đã quy y Đức Phật, và chứng kiến đời sống giải thoát, cao thượng của chư vị Thánh Tăng, bèn đề nghị họ cung thỉnh Đức Phật cho phép ông xây cúng những tịnh xá cố định.

Khi Đức Phật chấp thuận, ông phú thương liền xây cất hơn sáu chục tịnh cốc, để dâng đến Đức Phật và chư Thánh Tăng. Ðược hỏi tại sao ông tạo số tịnh cốc quá nhiều, so với số Thánh Tăng có thể cư ngụ thì ông phú thương vui vẻ trả lời rằng:

– Tôi làm như vậy vì muốn được nhiều phước báu!

Và với những tịnh cốc nguyên khởi ấy, một tu viện Phật giáo đầu tiên đã được thành hình, để khai sáng giai đoạn truyền bá chánh pháp, đón tiếp những ai hữu duyên, muốn xuất gia tu học, và rèn luyện phẩm hạnh giải thoát. (Theo Cullavagga VI. 1).

Một hôm ông Anāthapiṇḍika, người phú thương bá hộ của thành Sāvatthi, trên chuyến thương hành xuyên qua nước lân cận Magadha, đến thủ đô Rājagaha. Như thường lệ, ông trước tiên ghé thăm người anh rể vừa cũng là một bạn thân của mình.

Khi ông Anāthapiṇḍika đi vào nhà người anh rể, thì ông lấy làm ngạc nhiên, vì không ai chú ý đến ông cả. Thói quen mỗi lần ông đến là người anh rể cùng toàn thể gia nhân đã vui mừng ra đón tiếp ông một cách thân mật tận ngoài cửa. Nhưng hôm nay khác hẳn, tất cả đều tỏ ra quá bận rộn đến nỗi hời hợt trước sự có mặt của ông, dường như họ đang để hết tâm ý sửa soạn nghinh đón một nhân vật vô cùng quan trọng!

Anāthapiṇḍika liền hỏi người anh rể:

– Phải chăng trong nhà đang có đám cưới, hoặc gia đình đang chuẩn bị một cuộc đại tế lễ, hay tin quốc vương ngoạn cảnh sắp viếng thăm?

Thì câu trả lời vỏn vẹn chỉ có:

– Ngày mai Đức Phật và chư Thánh Tăng đến thọ trai và ban phước lành.

Anāthapiṇḍika chợt chú ý hỏi tiếp:

– Hiền huynh nói có một vị Phật sẽ đến?

– Ðúng vậy thưa thân đệ! Ngày mai, Đức Phật – Đấng Toàn Giác sẽ đến.

Anāthapiṇḍika lộ vẻ kích động. Ông nhắc lại câu hỏi ấy đến lần thứ hai, rồi lần thứ ba:

– Hiền huynh xác nhận là có một vị Phật sống trong vùng và ngày mai Ngài sẽ đến đây?

– Vâng! Thưa thân đệ! Ðấng Toàn Giác ấy sẽ đến ban phước lành trong ngôi nhà này! Hiện giờ Ngài đang an trú tại vườn Jetavana, cạnh Trúc Lâm tịnh xá, phía Tây thành Rājagaha này.

Trước câu trả lời đầy đức tin đó, ông Anāthapiṇḍika vừa kinh cảm vừa ngạc nhiên. Ông rùng mình hít một hơi dài rồi thở ra từ từ, đồng thời lẩm bẩm:

“Ðức Phật là một danh từ mình đã hiếm được nghe trên đời rồi. Bây giờ lại có thể nhìn thấy một vị Phật bằng xương bằng thịt”.

Người anh rể của ông Anāthapiṇḍika nghe thế liền xen vào:

– Bữa nay vì trời tối, nên thân đệ không thể gặp Đức Phật được, nhưng ngày mai chuyện ấy sẽ chắc chắn.

Ðêm đó, ông Anāthapiṇḍika ở lại tại nhà người anh rể, nhưng sự kinh cảm và lòng nôn nóng muốn gặp Phật đã làm cho ông không sao ngủ ngon được. Ông đã thức giấc đến ba lần, nghĩ rằng: “Chắc trời sáng rồi” và nhìn ra ngoài thấy màng đêm vẫn dày đặc. Lần thức giấc sau cùng nghe tiếng gà gáy đầu, nhằm lúc trời gần rạng đông, nên ông mạnh dạn rời nhà người anh rể, định ra khỏi thành Rājagaha, rồi hướng về Trúc Lâm tịnh xá.

Tuy nhiên, trong bóng đêm tàn tịch mịch, sự sợ sệt và lòng nghi ngại lại phát sinh trong ông. Vì ông Anāthapiṇḍika là một đại phú thương nổi tiếng, của cải rất nhiều, nếu ông phiêu lưu như thế, nhỡ gặp phải phường bất lương sẽ vô cùng nguy hiểm! Do đó, bản năng tự vệ lại khiến ông chùn chân quay lại.

Chợt Anāthapiṇḍika bình tĩnh, ông nghe tận trong tâm tư dường như có một âm thanh kỳ diệu thúc giục: “Hãy tiến bước! Ðến gặp một vị Phật không bao giờ nguy hiểm!”. Thế là ông dũng mãnh tiến tới.

Ði một lúc khá lâu, ông đến bìa cụm rừng Jetavana, gần Trúc Lâm tịnh xá. Và trong màng sương rạng đông đùng đục mờ mờ, ông Anāthapiṇḍika chợt thấy một bóng người thấp thoáng, trầm mặc bước đi.

Anāthapiṇḍika liền dừng chân quan sát, thì bóng người thanh tịnh ấy lại quay về phía ông, và một giọng nói thanh tao, hiền hòa, khó diễn tả, phát ra:

– Hãy đến đây! Này thiện bá hộ của dòng họ Sudatta!

Anāthapiṇḍika giật mình đánh thót, kinh ngạc vô cùng khi nghe mấy lời đón tiếp nghiêm trang ấy. Vì trong vùng thành Rājagaha, ngoại trừ gia đình người anh rể, không một ai biết được tên họ của ông. Người ta chỉ biết ông qua cái danh hiệu Đại Thiện Phú hộ, nhưng cũng ít người biết được mặt thật của ông, bởi trong việc cứu giúp hàng ngàn, hàng vạn dân nghèo, gia nhân ông đã thay thế ông làm hầu hết. Càng ngạc nhiên hơn nữa, là ông chưa bao giờ làm quen với “bóng người” đứng trước mặt kia. Nhất là ông đã đến bất thình lình không báo trước!

Một phút ngạc nhiên và yên lặng trôi qua… Lời đón tiếp của bóng người dường như có một linh lực khiến cho hai chân ông tự động bước tới. Khi đến gần thì ông nhận ra một đạo nhân phi phàm thoát tục. Anāthapiṇḍika tự nhiên không nghi ngờ gì nữa. Ông tin chắc đây là Đức Phật, liền sụp lạy và vì cảm động, nói đứt quãng, không thông lời, rằng:

– Lạy Đức Phật! Ngài có được bình an không?

– Như Lai luôn luôn bình an! Chúc lành ông vừa đến thăm.

Nghe câu trả lời thanh tịnh và từ ái ấy, Anāthapiṇḍika cảm thấy vô cùng thỏa thích, và đến gần Đức Phật hơn nữa để nghe những lời cao thượng tiếp theo:

– Này Anāthapiṇḍika! Một bậc đã chứng quả Toàn Giác, Giải Thoát thì không còn đau khổ, dù cho ấy là những đau khổ vi tế.

Ðoạn Đức Phật dẫn ông Anāthapiṇḍika nối theo bước chân kinh hành buổi sáng của Ngài. Vừa đi Ngài vừa giảng giải những Pháp bảo căn bản nhiệm mầu, nhất là các pháp có liên quan đến sự bố thí, trì giới, sinh diệt, vô thường, biến hoại, xuất gia, rồi bảo rằng ấy là “Nghiệp thiện và ý thức tiến hóa” có thể đưa con người tới các cõi cao hơn, được giải thoát khỏi những khổ đau phiền não do say đắm trong các nhục dục ở đời.

Khi Đức Toàn Giác nhận thấy ông Anāthapiṇḍika thiện căn đã bộc lộ, tâm tánh đã khai mở, kiến chấp đã vỡ tan, ý thức đã an tịnh, sẵn sàng để hấp thụ chánh pháp, Ngài liền giảng giải cho ông bốn chân lý vô song của Phật giáo là Tứ Diệu Ðế gồm:

1 – Khổ Ðế: Khổ là một chân lý.
2 – Tập Ðế: Tham ái, nguyên nhân của khổ là một chân lý.
3 – Diệt Ðế: Niết bàn, trạng thái dập tắt mọi ái dục, hết khổ đau là một chân lý.
4 – Ðạo Ðế: Bát Chánh Ðạo, con đường có tám chi dẫn đến nơi dập tắt mọi ái dục là một chân lý.

Thấu đáo được bốn chân lý vô song đó, Tuệ nhãn (hay Pháp nhãn: Dhammacakkhu) nhìn thấy mọi sự vật liền phát sinh trong tâm ông Anāthapiṇḍika, khiến cho ông mặc nhiên nhất niệm rằng: “Cái gì hễ có sinh thì phải có diệt”. ông Anāthapiṇḍika bây giờ là một người hiểu đúng sự thật, dẹp bỏ được hoài nghi, tự tin chắc chắn vào đạo giải thoát, không còn trông đợi vào một tha ân nào khác. Và khi Đức Phật giảng giải chánh pháp xong, ông đã đắc quả đầu Nhập Lưu, một phẩm Thánh chỉ có tiến lên đích giải thoát chứ không bao giờ còn sa đọa vào ác đạo nữa.

Sau đó ông Anāthapiṇḍika thành tâm thỉnh mời Đức Thế Tôn đến dự trai Tăng tại nhà người anh rể ngày mai và được Đức Thế Tôn nhận lời. Sau buổi trai Tăng, ông Anāthapiṇḍika liền xin phép Đấng Toàn Giác chấp thuận cho ông xây cất một ngôi chùa dâng đến chư Tăng để cư ngụ trong thành Sāvatthi của mình.

Ðức Phật thay vì chấp thuận một cách xác định, Ngài lại bổ túc sự đồng ý của Ngài bằng cách lưu ý người yêu cầu rằng:

– Này Anāthapiṇḍika! Các Bậc Giác Ngộ chỉ thích những nơi thanh tịnh.

– Bạch Đức Thế Tôn! Con đã hiểu! Con rất hiểu tôn ý của Đức Phật! Con sẽ chọn một nơi gần thành Sāvatthi nhưng không ồn ào.

Vừa nói ông Anāthapiṇḍika tỏ vẻ vô cùng hoan hỷ, vì ông biết rằng Đức Thế Tôn đã gián tiếp chấp thuận lời yêu cầu của ông (Theo Samyutta Nikāya 10, 8 và CV VI. 4: Tiểu phẩm VI. 4).

Trên đường trở về thành Sāvatthi đi đến đâu ông Anāthapiṇḍika cũng loan tin cho dân chúng biết ý định lập chùa của ông, và ông còn khuyến khích họ chuẩn bị thật chu đáo, để nghinh đón Đức Phật một cách long trọng suốt quãng đường dài từ Rājagaha đến thủ đô Kapilavatthu.

Khi về đến đất nhà, ông lập tức đi tìm địa điểm để xây chùa. Nhất là chỗ nào không xa mà cũng không gần thành phố lắm. Ðịa thế phải đúng tiêu chuẩn ban ngày dẫu người đến đông cũng không trở thành hỗn độn và ban đêm tuyệt đối không có tiếng động. Ngôi chùa trong tương lai ấy cũng phải là nơi Phật tử bốn phương có thể lui tới dễ dàng, đồng thời nó phải thích hợp cho chư Tăng quen sống trong cảnh ẩn dật, thanh tịnh.

Sau cùng, ông Anāthapiṇḍika đã tìm ra trong dải đồi bao quanh thành phố Sāvatthi một quãng đất rừng thưa rất thích hợp cho mục đích lập chùa. Khoảng đất rừng này hiện thuộc về Thái tử Jeta, con vua Pasenadi Kosala.

ông Anāthapiṇḍika lập tức đến gặp vị thái tử để thương lượng nhường lại khoảng đất tốt kia. Nhưng thái tử Jeta trả lời rằng:

– Dải đất bằng rừng thưa này, bản Vương tử không có ý định bán cho ai cả.

Rồi thái tử thấy nét mặt ông Anāthapiṇḍika có vẻ khẩn khoản, liền nói tiếp, nửa đùa nửa thật, nêu một cái giá cao gấp trăm lần thực tế:

– Cho dù có ai chịu trả đến mười tám triệu đồng tiền vàng, bản Vương tử cũng chưa chắc đã thuận.

ông Anāthapiṇḍika nghe thế liền chụp lấy cơ hội:

– Nếu thái tử chịu nhượng đất cho hạ thần thì giá nào hạ thần cũng mua cả có thể trả bằng vàng lập tức, không để trễ nải.

Hoàng tử Jeta tưởng mình nói dọa bằng một giá cực đắc như thế để ông Anāthapiṇḍika tự ý rút lui, nào ngờ ông tuyên bố chấp thuận mua vô điều kiện, khiến thái tử đâm ra lúng túng.

Sự lúng túng đó đã làm cho thái tử Jeta không biết giải quyết ra sao. Một mặt thái tử không muốn bán đất, mặc khác thái tử cũng không muốn mất thể diện đã nêu giá cao mà lại nuốt lời.

Sau cùng cả thái tử Jeta lẫn ông Anāthapiṇḍika phải đến nhờ một người làm trọng tài. Người trọng tài này, tuy sợ oai quyền của thái tử Jeta, nhưng trong tâm vốn kính nể ông Anāthapiṇḍika không kém, nên nghĩ ra một cách, đề nghị rằng:

– Ðất của thái tử là đất rất quí. Ai muốn mua đất ấy thì phải đem tiền vàng lót kín diện tích khoảng đất mà mình muốn mua để định giá trả cho thái tử.

Do đó một giao kèo bán đất đã được thiết lập và cuộc thương thuyết kết thúc.

Sau đó, ông Anāthapiṇḍika ra lệnh cho gia nhân dùng mấy chục cỗ xe chở đầy tiền vàng đến lót kín khoảng đất mà ông đã chọn. Tuy nhiên tổng số vàng của mấy chục cỗ xe chỉ đủ cho diện tích đất chùa mà thôi, còn các lối vào chưa lót, nên ông phải phái tùy tùng trở về, mở kho lấy vàng thêm.

Trong khi ông Anāthapiṇḍika chưa kịp làm vậy, thì Thái tử Jeta, vì cảm kích hạnh bố thí của bá hộ Anāthapiṇḍika nên phát tâm hiến dâng phần đất làm lối đi xung quanh chùa, nơi ấy thái tử sẽ ra lệnh xây cất những ngọ môn, ngoại viên và vòng thành rất trang nghiêm hùng vĩ. Vòng thành và các ngọ môn đó sẽ bảo vệ ngôi chùa, ngăn cản tiếng động từ các trục giao thông có xe cộ di chuyển, đồng thời cũng ấn định ranh giới giữa thánh địa tôn nghiêm và làng xóm bên ngoài. Còn ngoại viên là một lối rộng làm vòng đai xung quanh chùa, cũng được Hoàng tử cho trồng nhiều thứ hoa trang trí, đủ màu sắc, và lót gạch men rất đẹp! Thế là việc ông Anāthapiṇḍika dùng vàng mua đất xây chùa đã kết thúc mỹ mãn.

Tiếp theo, người đại Thiện nam phi thường ấy còn dùng đến mười tám triệu đồng tiền vàng để xây cất chính điện, tịnh thất và tất cả các cơ sở cần thiết khác trong chùa. Chẳng hạn như Tăng phòng, giảng đường, phạn đường, hương đăng khố, hành lang, lối kinh hành, giếng nước, nhà vệ sinh, ao sen, chỗ tắm v.v…! Vì vậy chẳng bao lâu sau, khoảng đất rừng thưa đã trở thành một đại tu viện nguy nga đồ sộ, nổi bật như một trung ương tôn nghiêm, linh địa số một của Phật giáo, thời đức Toàn Giác còn tại thế (Theo CV. VI. 4: Tiểu phẩm số VI. 4).

Khi mọi kiến trúc hoàn tất, ông Anāthapiṇḍika vội đích thân đi cung thỉnh Đức Phật và chư Thánh Tăng đến chứng minh lễ khánh thành. Cuộc khánh thành đã được tổ chức vô cùng trọng thể dưới hình thức nhiều ngày trai Tăng, làm phước, cúng dường thực phẩm và tứ vật dụng đến Thánh nhân.

Phần cúng dường thực phẩm ngày đầu vừa kết thúc thì ông Anāthapiṇḍika thỉnh Đức Phật chỉ dạy cách nào đúng chánh pháp nhất, để ông dâng ngôi chùa vừa kiến tạo đến đấng trọn lành, Đức Phật liền bảo:

– Này ông Anāthapiṇḍika! Ông hãy hiến dâng ngôi đại tự này cho tứ phương Tăng chúng cả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai.

Thế là ông Anāthapiṇḍika đã thành khẩn làm theo lời Phật dạy. Và ngôi chùa cũng kể từ đó, được đặt tên là Jetavane Anāthapiṇḍikassa ārāme (Tức là tu viện của ông Anāthapiṇḍika xây ở khuôn viên đất của thái tử Jeta).

Sau lễ dâng chùa, cuộc làm phước còn kéo dài nhiều ngày, lôi cuốn toàn thể dân chúng quanh vùng tất cả giai cấp đều có mặt: Từ thượng tầng xã hội đến cùng đinh hạ tiện. Mỗi người đến lễ bái đều được ông Anāthapiṇḍika tặng cho một món quà làm kỷ niệm, khiến chi phí cuộc lễ một lần nữa lên đến mười tám triệu đồng tiền vàng.

Như vậy tổng kết cuộc bố thí của ông Anāthapiṇḍika trong ba đợt: mua đất, xây chùa và làm lễ đã trở thành một con số khổng lồ là năm mươi bốn triệu đồng tiền vàng. Ông quả thật là một tín thí vô địch của Phật giáo vậy!
(Theo Anguttara Nikāya I. 19).

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch