Tranh luận về sự bình đẳng với quốc vương Mathura
Kể từ ngày tin theo Đức Phật, Ca Chiên Diên có khi tu học trong tăng đoàn của Phật, có khi 1 mình đi ngao du giáo hóa các nơi.
Phương pháp giáo hóa của Ca Chiên Diên không giống với cách giáo hóa
của tôn giả Phú Lâu Na, 1 người cũng rất có tài ăn nói, được tôn xưng
là người đệ tử thuyết pháp giỏi nhất của Đức Phật.
Khi Phú Lâu
Na thuyết pháp, ông thường là tập hợp hàng ngàn tín đồ đến nghe, còn
tôn giả Ca Chiên Diên thì ngược lại. Ông thích thuyết pháp riêng cho
từng người.
Chuyện kể rằng, 1 hôm Ca Chiên Diên 1 mình 1 bát băng rừng vượt núi
tới đất nước Mathura xa xôi ở tận vùng phía Tây để giáo hóa.
Khi đến Mathura, Ca Chiên Diên không vội vào thành mà đi khắp nơi xem
xét dân tình, phong tục địa phương, lề lối sinh hoạt tập quán của nước
này xong xuôi mới vào thành bái kiến Quốc vương.
Quốc vương
Mathura thấy Ca Chiên Diên bèn hỏi: “Tôn giả! Tôi nghe nói ngài vốn
dòng dõi Brahman (Bà la môn), đó là 1 chủng tộc cao quý nhất, còn Phật
Đà là dòng Kshastriya (Sát đế lợi), mà nay ngài lại tin theo ông ta,
làm đệ tử ông ta, thiệt là chẳng ép uổng lắm sao?”
Ca Chiên
Diên nghe thấy Quốc vương nói vậy thì vẫn bình tĩnh và đáp: “Thưa Đại
vương! Chuyện đó chẳng những không ép uổng gì hết, mà trái lại, tôi cảm
thấy rất hân hạnh được làm đệ tử bậc đại thánh Phật Đà”.
“Lạ thật! Từ bỏ dòng dõi thanh tịnh cao quý để làm đệ tử 1 người dòng Sát đế lợi, thật là chẳng ai hiểu nổi”.
Biết ông vua này thủ cựu, Ca Chiên Diên ôn tồn giải thích: “Thưa Đại
vương! Ngày xưa tôi là Bà la môn tôi cũng nghĩ như Đại vương. Nhưng sau
khi nghe Phật Đà giáo thị, tôi mới biết đó là nhận thức sai lầm.
|
Phật Thích ca
|
Trong xã hội chia ra giai cấp Bà la môn,
Sát đế lợi, Vệ xa, Thu đà la, còn trên nghề nghiệp thì chia thành tôn
giáo, chính trị, thương nghiệp, nông công.
Điều ấy không sai, nhưng từ đó mà nói rằng có chủng tộc cao quý, có chủng tộc thấp hèn thì thật là chẳng đúng chút nào.
Người trong dòng dõi nào cũng có thiện có ác. Hiện tại trong chủng tộc
Bà la môn nhiều người làm những điều ác, nếu như vẫn nói rằng họ cao
quý thì chẳng phải là sai lắm sao?”
Trước những lời lẽ thuyết
phục của Ca Chiên Diên, quốc vương nước Mathura chợt như tỉnh ngộ. Quốc
vương vui vẻ nói với Ca Chiên Diên: “Thì ra là như vậy.
Ở đất
nước này, nhà tù chỉ nhốt toàn chủng tộc Thu đà la, còn những người
thuộc dòng Bà la môn phạm pháp thì không sao cả. Hèn gì, xã hội hỗn
loạn, nhân dân ta kêu thán như vậy”. Nói xong, Quốc vương Mathura yêu
cầu Tôn giả cho mình được quy y Phật pháp.
Đồng thời, nhà vua
ra lệnh đại xá, thả hết những tù nhân dòng Thu đà la, chỉnh đốn lại
chính trị, bỏ luôn luật pháp bất công, không phân biệt giai cấp, giữa
người và người đều chịu 1 quốc pháp như nhau.
Từ đó toàn cả nước vui mừng, nhân dân lạc nghiệp. Ai nấy đều cảm kích sự giáo hóa của tôn giả Ca Chiên Diên.
Tranh luận với những bậc trưởng thượng Bà la môn
Ca Chiên Diên theo đức Phật, tuyên bố chủ trương “Bình đẳng giữa 4
chủng tộc”. Điều ấy khiến những người thuộc dòng dõi Bà la môn vốn tự
coi mình là cao quý nhất không chịu được.
Vì vậy, hễ gặp cơ
hội họ liền tìm Ca Chiên Diên chất vấn, họ nghĩ rằng, không triệt hạ Ca
Chiên Diên thì các Bà la môn từ nay không cất đầu lên nổi.
Tuy
nhiên, nổi tiếng là người thông minh, tài trí và giỏi biện luận, Ca
Chiên Diên khiến những người tìm tới chất vấn mình nhanh chóng phải
khâm phục dù đó có là người quyền uy thế nào trong giới Bà la môn.
Chuyện kể rằng, 1 hôm, khi Ca Chiên Diên đang ở nước Ba la nại cùng với
các tỳ kheo học thọ thực trong trai đường thì có 1 Bà la môn, thuộc
hàng trưởng thượng tìm tới khiêu chiến.
Lão Bà la môn chống
gậy bước vào, không nói không rằng đứng bên cạnh chỗ Ca Chiên Diên
ngồi, ý ông ta tưởng rằng: Ông ta là bậc trưởng thượng, Ca Chiên Diên
thấy ông ta đến thì phải sẽ đứng dậy nhường chỗ ngồi.
Tuy
nhiên, ngoài ý dự đoán của lão, Ca Chiên Diên chẳng thèm nhìn đến ông,
lão Bà la môn đợi hồi lâu bèn nổi giận, lớn tiếng trách: “Các ngươi là
giống gì?
Đối với người già cả như ta tại sao không đứng dậy
nhường ghế ngồi?” Các tỳ kheo có mặt tại trai đường sợ quá, nhiều người
còn định đứng lên nhường chỗ cho lão Bà la môn ngồi.
Tuy
nhiên, Ca Chiên Diên thì vẫn không nao núng chút nào. Ông quay mặt nói
với lão Bà la môn nọ: “Ông là người nào mà đến đây lớn tiếng ầm ĩ?
Chúng tô có phép cung kính của chúng tô, nhưng mà ở đây không có ai là
trưởng thượng và tiền bối”.
Lão đạo sĩ Bà la môn nổi giận, quơ
gậy chỉ vào cái đầu bạc của mình, nộ khí xung thiên la lên: “Già cả như
lão đây không phải là trưởng thượng hả? Không đáng cho người cung kính
hả?”
“Ông ấy à? Ông không đáng gọi là già lão, cũng không đáng
nhận sự cung kính của chúng tôi!”, Ca Chiên Diên nói một cách mỉa mai.
“Tại sao ngươi khinh thường người khác quá vậy?”, lão Bà la môn nổi
giận lôi đình, lấy gậy chỉ trỏ Ca Chiên Diên. Đối lại, Ca Chiên Diên
rất điềm tĩnh, từ tốn nói: “Tôi thấy cử chỉ và lời nói của ông thô lỗ
như thế, tôi mới nói ông không đáng gọi là người lớn, không đáng cho
người ta kính trọng.
Đừng kể là Bà la môn, dẫu cho 80, 90 tuổi,
tóc bạc răng rụng mà không chân chính tu đạo, đắm chìm trong trần sắc,
không bỏ được phiền não, tham sân tật đố, người đó chỉ đáng gọi là
thiếu niên.
Như các người tuổi trẻ 20 quanh đây, da dẻ còn tươi
nhuận, đầu tóc đen nhánh, nhưng họ đã thoát khỏi sự trói buộc của ái
dục, không còn tham cầu nơi thế gian, không có chút xíu ý niệm bất bình
sân hận.
|
Tượng Ca Ca Chiên
|
Được như vậy, chúng ta mới gọi người đó
là bậc trưởng thượng, là bậc lão túc, đáng được tất cả chúng ta cung
kính”. Lão Bà la môn nghe nói xong, chẳng biết trả lời lại thế nào, làm
thinh đi ra.
Khuất phục 1 Bà la môn râu bạc, danh tiếng Ca
Chiên Diên càng lớn, nhưng cũng từ đó, Ca Chiên Diên càng không có ngày
nào được yên, bởi các giáo đồ Bà la môn càng không thể tha thứ cho
ông.
1 hôm, lại có 1 Bà la môn khác, rất giỏi biện luận, nghe
nói Ca Chiên Diên đối với Bà la môn lão niên của họ chẳng những không
cung kính mà còn bắt bẻ lại, ông Bà la môn này rất tức giận, từ xứ Câu
thi ni la ở phía Bắc xa xôi hỏi thăm tìm đến chỗ của Ca Chiên Diên tại
thành Ba la nại để khiêu chiến.
Vừa tới nơi ông ta đã kêu đích
danh Ca Chiên Diên mà hỏi: “Ca Chiên Diên! Tôi nghe người ta nói, Ca
Chiên Diên là gốc Bà la môn, nay cải giáo làm sa môn (hòa thượng), có
phải vậy chăng?” “Đúng vậy, ông xem tôi đang đắp ca sa đây”, Ca Chiên
Diên bình tĩnh đáp lời.
“Người phản bội tín ngưỡng của mình, lỗi nhiều ít?”, ông lão Bà la môn nọ chất vấn.
“Từ bỏ tín ngưỡng tà chấp kia đi theo đạo lý quang minh chính tín này,
không có lỗi gì cả!”, Ca Chiên Diên trả lời rất đanh thép.
“Trong giới Bà la môn ông chẳng phải là hạng người vô danh tiểu tốt, ông
đã từng nghiên cứu tinh thâm pháp điển của Bà la môn chúng ta, nay ông
cải giáo theo Phật, chuyện đó chưa thể bỏ qua, mà ta còn nghe đồn ông
hay giảng thuyết Phật pháp cho các Bà la môn để rủ rê họ theo mình,
hành động ấy thật là vô lễ”, ông lão Bà la môn vẫn không thôi cật vấn.
“Người đã đi qua, chỉ lại cho bạn đồng hành những chỗ lầm lạc của đoạn
đường cũ, đó là lời dạy từ bi của đức Phật”, Ca Chiên Diên điềm tĩnh
đáp.
Được coi là 1 người giỏi ăn nói, thế nhưng gặp phải Ca
Chiên Diên, ông Bà la môn này cũng chẳng làm gì được. Tuy nhiên, ông ta
chưa chịu thua, nhớ đến mục đích của mình đến đây, bèn hỏi lại: “Ca
Chiên Diên! Tôi lại hỏi ông điều này.
Nghe nói Ca Chiên Diên
làm tỳ kheo đã không cung kính bậc trưởng thượng của Bà la môn, không
đứng dậy tiếp đón cũng không mời ngồi. Nếu quả như vậy, nếu ông tự cho
là các tỳ kheo, không phải người theo Bà la môn cũng không được vô lễ
như vậy”.
Ca Chiên Diên thẳng thắn, chậm rãi đáp: “Ca Chiên
Diên tôi từ khi quy y với Đức Phật, quả thật không cung kính phụng sự
các lão túc Bà la môn, điều đó cũng hợp lý thôi, vì tôi đã chứng thánh
quả. Ông đừng đem tuổi tác già trẻ mà đến đây chất vấn, lễ và pháp
không thể lộn xộn được”.
Lão Bà la môn nọ nghe lời biện luận khéo léo của Ca Chiên Diên, rốt cuộc thấy đuối lý không nói thêm được lời nào nữa.
Về sau chính ông lão Bà la môn này đã quyết định từ bỏ những tín niệm
Bà la môn, yêu cầu tôn giả giới thiệu mình để làm đệ tử nơi cửa Phật.
Chỉ riêng điều ấy cũng đủ thấy khả năng thuyết phục của Ca Chiên Diên
lớn đến thế nào.
Theo Bằng Hư - PNTD