A. DẪN NHẬP
Từ khởi nguyên, mục đích của đạo Phật là ban vui cứu khổ. Vì chúng
sanh căn tánh đa dạng, nên đức Phật phải phương tiện với nhiều pháp môn
bằng câu châm ngôn quen thuộc. Đó là “chúng sanh đa bệnh Phật Pháp đa
phương”. Cho nên giáo pháp của đức Phật được phương tiện chia ra làm
mười tông (theo cách thành lập tông của Trung Hoa), mỗi tông phái nhằm
thích hợp với một số căn tánh chúng sanh. Hầu hết các tông phái này được
phát triển ở Trung Hoa, dù Thiền, Tịnh hay Mật… cũng đều có chung một
mục đích là làm sao cho tất cả chúng sanh đều được giác ngộ.
Hiện nay trong mười tông phái, một số tông phái tạm thời lắng dịu,
nhưng Thiền, Tịnh, Mật, mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng luôn luôn
được thịnh hành.
Riêng
tông Tịnh độ là con đường duy nhất giúp cho chúng sanh trong thời Mạt
pháp tìm đường thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi. Trong kinh Vô Lượng
thọ Đức Phật đã huyền ký : “Đời tương lai kinh đạo diệt hết, ta dùng
lòng từ bi thương xót, riêng lưu trụ kinh này trong khoảng một trăm năm.
Nếu chúng sanh nào gặp kinh này, tuỳ ý sở nguyện, đều được đắc độ”.
Ngài Ấn Quang đại sư, một bậc cao tăng cận đại ở Trung Hoa, cũng đã bảo:
“Thời Mạt pháp, chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp. Nếu ngoài môn Niệm Phật
mà tu các pháp môn khác, nơi phần gieo phước báo căn lành thời có, nơi
phần liễu thoát luân hồi thời không. Tuy có một vài vị cao đức hiện kỳ
tích phi thường, song đó đều là những bậc Bồ tát nương theo bản nguyện
mà làm mô phạm dẫn dắt chúng sanh đời Mạt pháp”.
Đặc biệt nhất, ở Việt nam, Tịnh Độ tông được đại đa số quần chúng áp
dụng và đem lại kết quả lớn. Vì lợi ích thiết thực cho số đông, kể từ
khi được truyền vào, nên pháp môn Tịnh Độ nghiễm nhiên trở thành pháp
môn tu tập cốt tuỷ mà người học Phật Việt nam. Vì là pháp môn dễ tu dễ
đắc, nhưng cũng dễ mắc phải những sai lầm về nhận thức và hành trì, cho
nên người học phật cần phải tìm hiểu rõ chân giá trị hầu làm lợi ích
trên con đường tu tập giải thoát.
B. NỘI DUNG
Tịnh độ tông hay các tông phái khác phần lớn hầu như đều được phát
triển ở Trung Hoa. Trung Hoa được xem như là cái nôi của Phật giáo Đại
thừa và nhất là Việt Nam chịu ảnh hưởng truyền thống tu tập của Phật
giáo Trung hoa rất sâu sắc. Mặc dù Tịnh Độ Tông xuất xứ từ Ấn Độ, nhưng
được đơm hoa kết trái ở Trung quốc do sự xiển dương hoằng truyền của
chư vị Tổ sư, điển hình là Ngài Tuệ Viễn . Vì vậy, Tịnh Độ tông ở các
nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam … xem Ngài (Tuệ Viễn)
là vị Tổ đầu tiên có công truyền bá pháp môn này. Để hiểu rõ được pháp
môn tu tập thâm áo của tông Tịnh độ, trước hết chúng ta cần tìm hiểu sơ
lược về cuộc đời và sự nhiệp hoằng truyền tông chỉ của sơ tổ, Tuệ Viễn
Đại sư.
1. Sơ lược tiểu sử
Huệ viễn đại sư họ Cổ, nguyên quán ở xứ Lâu phiên, quận Nhạn Môn,
tỉnh Sơn Tây Trung Quốc. Sinh ra tại miền Thạch Triệu, năm Giáp ngọ,
niên hiệu Diên hy, đời vua Thành Đế nhà Tấn. Không rõ cha mẹ tên họ là
gì. Thuở nhỏ Ngài đã thuần
phong nếp sống Nho gia. Khoảng mười ba tuổi, Ngài đã làu thông các học
thuyết Nho gia, lão trang, tư tưởng bách gia chư tử… Mặc dù cả một kho
tàng triết lý truyền thống sẵn có nhưng cũng không làm thoả mãn được ý
chí tìm tòi của Ngài.
Lúc bấy giờ có pháp sư Đạo An khai đạo tại chùa Nghiệp Trung, non
Thái Hằng thuộc dãy núi Hằng sơn. Tăng tín đồ quy tụ về nghe pháp rất
đông.
Vì lòng hiếu kỳ muốn tìm hiểu các lý giải cao thâm nên Ngài tìm đến
chùa Nghiệp Trung thọ học giáo pháp. Khi nghe Ngài Đạo An giảng kinh Bát
nhã, tâm trí Ngài được khai thông tỏ ngộ diệu lý sâu mầu. Ngài bèn than
rằng: “Nào ngờ Phật thừa thâm diệu! Bấy lâu nay uổng công ta đeo đuổi
theo bả rác Khổng, Mạnh, Lão, Trang!”.
Sau đó, Ngài (Huệ Viễn) xin quy y thọ giáo xuất gia với Pháp sư Đạo An, được pháp hiệu là Tuệ Viễn. Niên
hiệu Thái Nguyên thứ sáu, Đại sư vân du đến xứ Tầm dương, thuộc tỉnh
Giang Tây, thấy cảnh núi lô sơn thanh u, hợp nơi hành đạo nên đến lập
tịnh xá lấy hiệu là Long Tuyền (Suối rồng).
Vì mến đức đại sư, lại thêm đồ chúng tu học ngày càng đông, cần phải
có phương tiện rộng rãi để hành đạo, Quan Thái sử Hoàn y phát tâm cất
chùa cho Ngài ở phía đông núi Lô sơn lấy tên là Đông Lâm thần Vận tự.
(Sở dĩ có tên thần vận là vì tương truyền trong đêm trước khi xây dựng
chùa cảm ứng thần linh, vận chuyển các loại vật tư cây to, gạch đá… đủ
xây dựng chùa nên mới có tên là thần vận).
Kể từ khi cảnh trí lô sơn được hoàn tất, Ngài luôn khuyến khích đồ
chúng chăm tu tịnh độ. Để phân biệt thời khắc tu niệm, Đại sư cho người
đào ao trồng hoa sen trắng, trên mặt nước thả mười hai cánh sen bằng gỗ,
dẫn nước suối ra vào. Cứ mỗi giờ nước chảy đẩy qua một cánh sen. Đại
chúng y theo đó mà định thời khoá tu hành. Có rất nhiều bậc đại trí thức
bốn phương, vì mến danh đức của đại sư cũng lần về xin được bàn luận
Phật pháp và dự theo chúng tu học như: Giác Hiền, Phật Đà Gia Xá, Lưu Di
Dân, Vương Kiều Chi …
Ngài dịch thuật, chú giải, trước tác rất nhiều kinh luận. Đặc biệt
nhất là bộ Sa môn bất bái Vương giả luận, gồm năm thiên đã làm cho triều
đình lúc bấy giờ phải nể phục chấp nhận.
Trải qua ba lần thấy thánh tướng hiện, chắc chắn là thời cơ vãng sanh đã đến, mọi việc đã được đại sư chuẩn bị kỹ càng. Vì
biết trước được thời giờ vãng sanh, nên trải qua mấy ngày lâm bệnh, mặc
cho mọi người khuyên can, đại sư vẫn không cơm cháo thuốc thang gì. Sau
đó Ngài quy tựu đồ chúng căn dặn: “Ta ở Lô sơn này, trong mười một năm
đầu, ba lần thấy Phật và thánh chúng hiện thân. Nay lại thấy Phật thọ
ký. Chắc chắn ta sẽ được sanh về tịnh độ”.
Sau khi dặn dò và soạn quy chế cho đại chúng xong, vào ngày mùng 6
tháng 8 Ngài cáo biệt đồ chúng an tường viên tịch, thọ 83 tuổi.
2. Mục đích của đạo Phật
Đức Phật đã nói : “Ta ra đời vì lợi ích cho số đông, vì lòng thương
tưởng cho đời, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người” (Tăng chi bộ kinh).
Như vậy sự có mặt của đức Phật trên cõi đời này với mục đích duy nhất
và cao cả đó là làm lợi ích quần sanh; nếu không có chúng sanh khổ nạn
đang ngược xuôi lặn hụp trong biển đời sanh tử, thì đức Phật cũng không
bao giờ xuất hiện.
Vì vậy, xuyên suốt bề dày lịch sử, đạo Phật đến đâu điều mang thông
điệp hoà bình hạnh phúc đến đó. Sự có mặt của đạo Phật luôn đồng nghĩa
với sự thái bình thịnh trị của mọi quốc gia, mọi xứ sở.
Vì vậy, dù là pháp môn nào, miễn đem lại lợi ích thiết thực cho
chúng sanh, giúp mọi người quy hướng về đường ngay lẽ phải, thì người đó
đang thực hiện hoài vọng quý báu của ba đời chư Phật, đang nêu cao tông
chỉ của đạo Phật.
Cho nên sứ mạng thiêng liêng của chư vị thánh đệ tử là hoằng truyền
chánh pháp, tìm mọi phương tiện khéo léo để dẫn dắt chúng sanh quy hướng
về đạo Phật. Đứng về mặt tuyệt đối mà nói, thì đạo Phật chẳng có tông
chỉ, tông phái, pháp môn nào riêng biệt cả; nhưng đứng về mặt phương
tiện, thì có vô lượng pháp môn mà người con Phật cần phải hiểu rõ ràng
và khách quan. Dùng bốn hoằng thệ nguyện cũng đủ để chứng minh cho lòng
từ bi bình đẳng, trí tuệ siêu việt, không câu nệ chấp mắc vào pháp môn:
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
Điều đó đủ để chúng ta thấy rằng, giáo lý của đạo Phật thậm thâm vi
diệu, lại mênh mông rộng lớn. Và có như vậy, đạo Phật mới độ khắp chúng
sanh, mới có thể độ tận được vô lượng căn tánh chúng sanh trên cõi đời
này. Do đó, qua quá trình độ sanh tông Tịnh Độ đã tự khẳng định được
chân giá trị của mình, đã cho mọi người thấy được lợi ích thiết thực của
một pháp môn phương tiện vi diệu nhiệm mầu, mà các tổ của những tông
phái khác như Ngài Nhất Nguyên, Thiên Như, Ngẫu Ích, Triệt Ngộ, Liên
Trì… và còn vô số người đã phát tâm mật tu Tịnh Độ để được vãng sanh.
Bấy nhiêu đó cũng đủ để thấy được sự thâm diệu của pháp môn, nhằm giúp
cho tất cả chúng sanh hữu duyên gặt hái được kết quả tốt. Hoà thượng
Thiền Tâm có viết trong quyển Niệm Phật thập yếu: “Thuốc không bắc nam,
hết bệnh là thuốc hay. Pháp không thấp cao hạp cơ là Pháp diệu”.
3. Tịnh độ là gì ?
Tịnh độ hay còn gọi là Tịnh Thổ, Cực Lạc, Tịnh Cảnh, Tây Phương, là
cảnh giới hoàn toàn an vui không còn sự thống khổ. Những ai được vãng
sanh về cực lạc thì chắc chắn sẽ vĩnh viễn không còn rơi đoạ trong tam
đồ.
Trong kinh A Di đà, Đức Phật giải thích cho ngài Xá Lợi Phất rằng:
“Xá Lợi Phất! Bỉ độ hà cố danh vi cực lạc? Kỳ quốc chúng sanh vô hữu
chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố
danh cực lạc”. Nghĩa là đức Phật nói với ngài Ngài Xá Lợi Phất rằng: vì
sao gọi là cực lạc? Bởi vì chúng sanh nơi ấy không có các khổ bao vây,
chỉ toàn thọ hưởng niềm an vui nên gọi là cực lạc.
Tịnh độ là phiên âm Hán Việt. Theo chiết tự tịnh là trong sạch ,
vắng lặng, không có nhiễm ô; độ là cõi nước, một quốc độ hay một thế
giới nào đó. Như vậy, Tịnh Độ là một cõi nước trong sạch, một thế giới hoàn toàn thanh tịnh không có nhiễm ô.
Qua phần giải thích về Tịnh Độ, chúng ta nhận thấy đã là một thế
giới thì phải có đầy đủ các yếu tố về con người, chim muông, hoàn cảnh
sống là lẽ đương nhiên! Điều này được giải thích rõ trong kinh A di đà.
4. Có cõi Tịnh Độ không
Như trên đã trình bày, Tịnh Độ là một cõi nước, nhờ nguyện lực và
công đức tu tập nhiều đời của Phật A Di Đà mà có ra mọât thế giới thù
thắng vào bậc nhất “mười phương cõi Phật cảnh nào cũng thua” - Sám Di Đà.
Nhưng nhiều người cho rằng Tịnh Độ không có thật, nó chỉ là viễn tưởng
hay một sự khéo léo của người truyền giáo, muốn mê hoặc quần chúng yếu
vía, không có tinh thần tự lực. Có những người lý luận rằng: khoa học đã
tiến bộ, người ta tìm đến sao Hoả, cung trăng … nhưng đâu thấy cõi nước
nào là Tịnh Độ ?
Đây là những lập luận hết sức nông nỗi của mọât số người chưa nghiên
cứu kỹ về Tịnh Độ, không có niềm tin vào lời dạy từ ngàn xưa của Phật,
của Tổ.
Để làm sáng tỏ vấn đề đang được tranh luận, trước hết người viết trình bày một vài sự kiện căn bản trong đạo Phật.
Nếu khoa học lý giải được tất cả thì chúng ta cần gì phải tu học
theo Phật pháp. Hơn nữa, hành giả nào tu phật mà việc gì cũng lấy khoa
học làm luận cứ thì chúng ta trở thành công cụ của khoa học, nô lệ theo
khoa học, chứ không còn là môït người chuyên tu Phật nữa. Khi khoa học
không tìm thấy không có nghĩa là không có mà chúng ta phải nhìn nhận sự
rất giới hạn của khoa học. Xưa kia khi chưa có kính hiển vi người ta có
tin lời Phật nói trong một bát nước có tám muôn bốn ngàn con vi trùng không? Hay khi chưa có viễn vọng kính, khoa học có tin lời Phật nói hằng hà sa số thế giới không?
Mặc dù không ai tin, nhưng với tuệ giác thấy biết như thật, đức Phật đã
nói . Đến hơn hai mươi thế kỷ sau người ta mơí công nhận lời Phật dạy.
Cách nay khoảng mười lăm năm, báo chí đăng về sự kiện người ngoài
hành tinh đi vào trái đất của chúng ta. Do sự cố đĩa bay, người ngoài
hành tinh bị rơi xuống tại Philipin (Phi luật tân). Nhà chức trách Phi
luật Tân đã bắt được một người với da dẻ kích thước, thể trọng, màu da…
được báo chí diễn tả lại rất chi tiết. Những nhà bác học của Liên xô cũ
bị mất tích. Giới khoa học và những nhà chuyên trách căn cứ vào một vài
sự kiện và kết luận rằng: những người này do những người ngoài hành tinh
bắt đi để nghiên cứu về con người trong trái đất. Kể từ đó các nhà khoa
học cố tìm cho ra thế giới xa xăm của những người ngoài hành tinh,
nhưng cho đến nay họ có tìm thấy tí gì về dấu vết của những con người đó
chưa? Như vậy chúng ta dám khẳng định rằng không có không ? Nếu không
có thì tại sao họ xuất hiện trên trái đất của chúng ta ? Một thế giới
như vậy mà còn tìm không thấy thì làm sao thấy được cõi Cực Lạc.
Phần tiếp theo là quan điểm siêu hình của Phật giáo.
-
Trong thế giới siêu hình gồm có cõi chư thiên , Thế giới A tu la, địa
ngục và ngạ quỉ. Đây là những thế giới mà trong kinh thường đề cập tới.
Trong kinh Tam Di Đề, Tạp A Hàm …., nói về giai thoại giữa tiên nữ và tỳ
kheo Tam di đề như sau: “Khi thấy tỳ kheo Tam Di Đề tắm trên một dòng
sông vào buổi sớm, tiên nữ nói với tỳ kheo ấy rằng, tại sao lại bỏ hạnh
phúc thực mà lại đi tìm hạnh phúc ảo”. Qua đó dẫn đến cuộc đối đáp giữa
tỳ kheo và tiên nữ. Sau cùng tỳ kheo ấy dẫn tiên nữ đến gặp Phật và
được đức phật giáo hoá. Tiên nữ phát tâm quy y và làm đệ tử của đức thế
tôn. Trong kinh Bát nhã kể lại câu chuyện Ngài Tu Bồ Đề ngồi nhập định
không tánh, được chư thiên khen ngợi tung hoa cúng dường. Khi xả định,
Ngài thấy xung quanh mình đầy hoa. Ngạc nhiên ngài hỏi: ai rải hoa xung
quanh ta nhiều quá vậy ? Chư thiên đáp rằng: “Ngài thuyết kinh Bát Nhã
hay quá, chúng con tung hoa cúng dường”. Ngài tu bồ đề hỏi lại: “ta có
nói gì đâu mà cho rằng thuyết kinh Bát Nhã ?” Chư thiên đáp: “Ngài
không nói, con không nghe, đó chính là Chơn Bát Nhã”. Những việc đối đáp
giữa chư thiên và đức Phật hay các thánh đệ tử trong kinh điển còn rất
nhiều. Như vậy, trong các kinh, hệ tư tưởng Nguyên Thuỷ cũng như Đại
Thừa, đều thừa nhận có sự hiện hữu của chư Thiên. Chính trong lịch sử
của đức Phật có đoạn: sau khi thành đạo, vì nhớ đến ân sinh dưỡng của
mẫu thân, hoàng hậu Ma da, Đức Phật hiện thân về cõi trời Đao lợi,
thuyết pháp cho mẹ nghe. Sau khi nghe pháp xong, hoàng hậu Ma Da chứng
được thánh quả.
-
Bên cạnh đó cũng có những cõi nước của các loài chúng sanh thấp kém hơn
loài người, đó là cảnh giới của các loài sống trong địa ngục và ngạ
quỉ. Chúng là những loài bị tội khổ nên mới chiêu cảm quả báo xấu . Đối
với những loài như thế, mắt thường của phàm phu hay viễn vọng kính của
các nhà khoa học không thể thấy được.
Như vậy, chư Thiên hay cảnh giới của Địa ngục, Ngạ quỉ là cảnh giới
siêu hình nhưng không phải là không có. Muốn thấy được cảnh giới này,
chỉ có huệ nhãn của Phật hay của chư thánh đệ tử chứng được thiên nhãn
thông hoặc những bậc tu hành đắc đạo mới nhìn thấy được.
Thế thì, những cảnh giới, cho dù mắt thường hay viễn vọng kính của
các nhà khoa học không thể thấy, nhưng dựa vào lời Phật dạy chúng ta tin
là có. Trong khi cảnh giới Tịnh Độ cũng là lời Phật nói nhưng tại sao
chúng ta cho là không có? Có phải vì mâu thuẫn tông phái , mặc dù thấy
kết quả tốt, nhưng chúng ta lại cực kỳ bài xích về pháp môn tu cũng như
cảnh giới của tịnh độ?
Lại nữa, cái gì nó cũng có nhân quả. Tu năm giới thì sinh cõi người,
tu thập thiện về cõi trời. Làm nhiều điều tội ác thì rơi xuống tam đồ…
thì tại sao tu niệm Phật lại không được về cõi tịnh? Đây là những điều
chúng ta tự mâu thuẫn với giáo lý của Phật. Nếu theo suy lý điều này
không thể có thì các điều khác cũng tương tự. Nếu không nhất quán với
nhau, mai này khuyên tu năm giới thập thiện … thì ai tin tưởng để quy
hướng về. Đó là một vài minh chứng về sự thật hiển nhiên cho tông Tịnh
Độ.
5. Phương pháp căn bản của người tu Tịnh Độ
Theo phương pháp truyền thống, tu tịnh độ phải có lòng tin sâu, nguyện thiết và hành thâm.
Người tu tịnh độ đầu tiên phải có lòng tin vào pháp môn, tin vào khả
năng tiếp dẫn của Phật A di đà. Và điều tất yếu chính là tin vào khả
năng vãng sanh nơi chính mình. Ngài Thân loan nói: “Bản nguyện Di Đà
không phân biệt người già, trẻ, kẻ thiện, ác. Phải biết tín tâm là cội
gốc. Mục đích của bản nguyện Di Đà là cứu vớt chúng sanh tội ác sâu
nặng, phiền não lẫy lừng. Nếu như tin bản nguyện Phật thì không cần
thiện hạnh khác. Không có thiện hạnh nào hơn niệm Phật. Chẳng cần sợ ác
hạnh, vì nó không ngăn ngại được bản nguyện Di Đà, làm trở ngại chúng
sanh ác hạnh vãng sanh”( Thán Dị Sao – Cư sĩ Định Huệ dịch)
Hai là nguyện: Bởi không có nguyện, thì không thể nhất tâm hướng về
mục đích. Cho nên nguyện là để tâm được chuyên nhất trong việc hành trì
và đem tất cả tâm lực hướng về mục đích của mình đang mong muốn. Nguyện
được xem như là một ước mơ mà mình luôn nuôi dưỡng nên quyết lòng thực
hiện cho được hoàn thành. Vì vậy kinh Hoa Nghiêm nói “tín vi công đức
mẫu”, lòng tin là mẹ sinh ra các công đức.
Ba là hạnh: Hạnh tức là thực hành. Đứng về mặt thực hành thì Tịnh độ tông có bốn phương pháp thực hành căn bản:
· Thật tướng niệm Phật: Tức là nhập vào đệ nhất nghĩa tâm, niệm
tánh bản lai của chính mình hay nói khác hơn đó chính là niệm về tự tánh
Di đà. Đây là phương pháp hành trì của bậc thượng căn thượng trí.
· Quán tưởng niệm Phật: Dựa vào kinh Quán vô lượng thọ, quán
tưởng y báo và chánh báo nơi cõi cực lạc. Trong kinh này có dạy mười sáu
pháp quán, nếu quán tưởng được thuần thục thì lúc nhắm hay mở mắt hành
giả đều thấy cảnh Cực Lạc hiện tiền.
· Quán tượng niệm Phật: Dùng tâm lực chuyên chú vào kim thân
của Phật A di đà, quán sát kỹ càng từng tướng tốt của Phật, ghi nhận
từng nét một cách kỹ càng. Quán tưởng như vậy cho đến khi thuần thục,
thì dù lúc nhắm mắt hay mở mắt đều thấy rõ hình tượng của Phật luôn hiện
tiền trước mắt.
· Trì danh niệm Phật: Đây là phương pháp hành trì thông dụng của
hầu hết những người tu tịnh độ. Chỉ dùng miệng niệm hay niệm thầm bốn
chữ A di đà Phật hoặc sáu chữ Nam mô A di đà Phật. Đem tâm chuyên chú
trì niệm hồng danh của Phật lần lần tâm được lắng yên tỏ sáng, dễ dàng
được nhất tâm.
Riêng trì danh niệm Phật là phương pháp đặc trưng cho tông Tịnh Độ. Trong quyển Niệm Phật Thập Yếu, Hoà thượng Thiền Tâm có trình bày mười phương thức trì danh niệm Phật như sau:
1/ Phản văn trì danh.
2/ Sổ châu trì danh.
3/ Tuỳ tức trì danh.
4/Truy đảnh trì danh.
5/ Giác chiếu trì danh.
6/ Lễ bái trì danh.
7/ Ký thập trì danh.
8/ Liên hoa trì danh.
9/Quang trung trì danh.
10/ Quán Phật trì danh.
Hoà thượng cho rằng: “Trì danh niệm Phật gồm khắp ba căn(thượng,
trung, hạ), lại đắc hiệu mau lẹ, ai cũng có thể thực hành. Trì danh nếu
tinh thành sẽ có cảm cách, hiện tiền thấy ngay chánh báo y báo cõi Cực
lạc, tỏ ngộ bản tâm, đời nay dù chưa chứng thực tướng, sau khi vãng sanh
cũng quyết được chứng”.
Nhưng một điều chúng ta cần để ý: Trong kinh A di đà đức Phật dạy
khi lâm chung nếu muốn được vãng sanh thì “Tâm bất tham luyến, ý bất
điên đảo”. Như vậy, nếu hàng ngày tu Tịnh Độ, miệng niệm Phật và đọc các
bài nguyện về Cực Lạc theo thời khoá hàng đêm thì chưa chắc gì chúng ta
được vãng sanh. Bởi vì chúng ta niệm bằng miệng, hành trì theo thời
khoá một cách siêng năng, nhưng tâm không có muốn xa lìa các bám chấp
về tiền tài, sự sản, tình cảm … thì lúc lâm chung cũng khó bề mà được
vãng sanh. Do đó, hai vấn đề vô cùng thiết yếu trong lúc hành trì của
người tu Tịnh Độ, đó là tâm Hân và Yểm. Hân là ham muốn, Yễm là chán
ghét. Nghĩa là người hành trì theo pháp môn tịnh độ thì phải có tâm chán
cõi ta bà ham về tịnh độ. Nếu hàng ngày luôn có tâm chán Ta Bà ham về
Tịnh Độ một cách thắm thiết, một ngày nào đó thuần thục trong việc quán
chiếu và hành trì, thì khi lâm chung chắt chắn sẽ được vãng sanh, sẽ
được Phật Di Đà và chư thánh chúng tiếp dẫn vãng sanh về Cực Lạc. Vì lẽ
đó, hoà thượng Trí Tịnh có bút hiệu là Hân Tịnh (ham thích về cõi Tịnh),
để nói lên cái cốt tuỷ tu Tịnh Độ của Ngài. Ngài có làm bài thơ nói lên
tâm huyết tu Tịnh độ:
“Nhớ đến Tây Phương giọt lệ tràn
Ta bà đau khổ lắm thương tang
Người ơi xin hãy suy hơn thiệt
Niệm Phật mau đi, kẻo lỡ làng”.
Đây là những phương pháp quán chiếu và hành trì thiết yếu của người
chuyên tu Tịnh độ. Chỉ cần thực hiện những điều cốt tuỷ này chúng ta sẽ
đạt lợi ích lớn, sẽ rút ngắn lại khoảng cách con đường về cực lạc.
6. Tại sao cần phải cầu nguyện vãng sanh
Để thấy được ý nghĩa tại sao cần phải cầu nguyện vãng sanh, người viết xin lược nêu hai ý căn bản trong quyển Niệm Phật Thập Yếu của hoà thượng Thích Thiền Tâm.
-
Đường sanh tử nhiều nguy hiểm: Với tuệ nhãn, đức Phật đã thấy tất cả
chúng sanh từ vô lượng kiếp đã trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, đã từng
chịu muôn ngàn đau khổ trong con đường sanh tử. Vì không có người dẫn
đường nên chúng sanh đành chấp nhận số phận hẩm hiu mà không biết phải
làm gì hơn là phó mặc cho kiếp đời trôi nổi. Kể từ khi đạo giác ngộ được
ra đời, chúng sanh có cơ hội để giúp cho tự thân mình thoát ly ra được.
Mặc dù vậy, cho đến hôm nay chúng ta vẫn đang sống một kiếp đời phàm
phu trôi nổi. Nhưng có một điều may mắn là trong kiếp đời hiện tại chưa
phải mang lông đội sừng đó là cơ hội duy nhất để được tiếp cận giáo lý
mầu nhiệm này. Nhưng gặp được giáo lý cao thâm mà tu tập mong cầu phước
báo hữu lậu nhơn thiên, được trở lại trong cuộc đời để tận hưởng những
dục lạc thường tình là không đúng; cho dù chúng ta phát tâm tu để được
hưởng phước của chúng sanh ở cõi trời thì cũng không phải là nguyện vọng
chính yếu của ba đời chư Phật. Ngài Tỉnh Am nói người phát tâm tu như
vậy gọi là Tà.
Bởi vì dù làm chúng sanh cõi trời thì vẫn còn bị luân hồi sanh tử.
Cho nên cốt tuỷ của đạo Phật là làm sao cho chúng sanh thoát khỏi luân
hồi sanh tử, không còn rơi vào trong Tam đồ khổ nữa mới là đúng với bản
hoài của chư Phật.
- Cần giải thoát ngay trong hiện tại.
Mặc dù trong giáo pháp của Phật có nhiều pháp môn tu, pháp môn nào
cũng đưa hành giả đến chỗ giải thoát, chỉ khác chăng là mau hoặc chậm
vậy thôi!
Tu thiền cũng giúp cho chúng sanh tỏ ngộ thiền cơ, tức tâm thành
Phật. Vì là phương pháp tu hành tự lực, không có sự tiếp dẫn của chư
Phật, duyên ngộ đạo chưa đến lúc chín mùi, thì hành giả phải tái sanh
trở lại trong kiếp người mong manh để tiếp tục tu trì cho đến khi ngộ
đạo. Nhưng đường sanh tử lắm gian nan, cho dù hạt giống tu hành có đó,
nhưng thiếu duyên thì cũng khó bề đơm hoa kết trái. Cổ đức ứng nói: “Nếu
tu hành mà không được giải thoát, thì sự tu tập kiếp này trở thành kẻ
thù của kiếp thứ ba”. Bởi vì, nhờ tu hành được nhiều phước báu, đời sau
sanh ra hưởng phú quí vinh hoa. Sống trong giàu sang sung sướng thì ít
có cơ duyên học đạo, “Hào quí học đạo nan – Kinh Tứ thập nhị chương”, tạo nghiệp trong đường sanh tử, chết rồi sa đoạ chốn Tam đồ.
Đó
không phải là kẻ thù của kiếp thứ ba sao ? Tương truyền rằng: Tô Đông
Pha, Hàn lâm học sĩ triều Tống, học rộng nghe nhiều, tài hoa lỗi lạc, tư
chất thông minh. Tiền kiếp giữa Ông và thiền sư Phật Ấn là bạn đồng tu
trong núi Vân Cư. Do vì chưa giác Ngộ được Phật tâm nên chuyển kiếp là
một vị học sĩ Viện hàn lâm, thông minh, tài hoa lỗi lạc. Vì vậy, trong
kiếp đời hiện tại, ông trở thành người đối kháng Phật pháp, tham đắm dục
lạc, có đến bảy vợ. May nhờ có Phật Ấn, bạn đồng tu từ kiếp trước, tìm
phương cứu độ, nên mới quy hướng trở về Phật pháp. Gần cuối đời, Ông có
mướn thợ vẽ tượng Phật A Di Đà, đi đâu cũng mang theo bên mình. Có ai
hỏi thì ông đáp: “Bức tượng này là công cứ của tôi đấy. Và những chuyện
tương tự như vậy là không thiếu trong nhà thiền.
Qua đó đủ để chúng ta chiêm nghiệm được pháp môn tu thù thắng giải
thoát trong hiện đời. Cũng vì vậy, xưa kia các Tổ thiền tông mật tu Tịnh
độ hoặc chuyển hẳn pháp môn Tịnh tu. Ngài Thiên Như thiền sư đã khuyên
dạy: “Mạt pháp về sau, các kinh diệt hết, chỉ còn lưu bốn chữ A di đà
Phật để cứu độ chúng sanh. Nếu kẻ nào không tin, tất sẽ bị đoạ địa
ngục”. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ thiền sư, thấy được sự thù thắng một đời
vãng sanh Tịnh độ nên đã quay về con đường tu tịnh và có làm bài kệ Tứ liệu giản để so sánh như sau:
“Có thiền không tịnh độ
Mười người, chín lạc lộ
Ấm cảnh khi hiện ra
Chớp mắt đi theo nó”.
Không thiền có tịnh độ
Muôn tu, muôn thoát khổ
Vãng sanh thấy Di đà
Lo gì không khai ngộ.
Có Thiền có Tịnh độ
Như thêm sừng mãnh hổ
Hiện đời làm thầy người
Về sau thành Phật Tổ.
Không Thiền không Tịnh độ
Giường sắt, cột đồng lửa
Muôn kiếp lại ngàn đời
Chẳng có nơi nương tựa”.
- Vì thệ nguyện của đức Phật Di Đà.
Trong bốn mươi tám lời nguyện của Phật A di đà, nguyện thứ 18 là:
“Lúc tôi thành Phật, chúng sanh trong mười phương có lòng tin ưa, muốn
về cõi nước tôi, nhẫn đến mười niệm, nếu không được vãng sanh, thời tôi
không ở ngôi chánh giác, trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch cùng huỷ báng chánh
pháp”.
Nguyện 19: “Lúc tôi thành Phật, chúng sanh mười phương phát bồ đề
tâm tu các công đức nguyện sanh về cõi nước tôi. Nếu tôi chẳng cùng chư
thánh chúng hiện thân trước người đó, thời tôi không ở ngôi chánh giác”.
Do vậy, tu theo pháp môn niệm Phật, ngoài khả năng tự mình, còn có
được sự gia hộ tiếp dẫn của Phật A di đà, lo gì không được vãng sanh.
Trong luận Thập trụ tỳ bà sa, Ngài Long Thọ cho rằng nếu có người muốn
nhanh đến chỗ bất thối chuyển, người đó phải hết lòng cung kính tâm niệm
danh hiệu của Phật A di đà.
Như thế đủ thấy, tu Tịnh Độ là một pháp môn thù thắng, là pháp môn
dễ tu, dễ chứng, phù hợp với mọi trình độ căn cơ, là con đường duy nhất
giải thoát trong một đời.
7. Làm sao để biết mình được vãng sanh
Vãng sanh là mục đích duy nhất của người tu Tịnh Độ. Do đó hiện
tượng vãng sanh thật vô cùng quan trọng, nhằm xác định hiệu quả tu tập
của hành giả. Đối với người tu niệm Phật điều cần thiết là phải tự chứng
nghiệm biết nhất định mình sẽ được vãng sanh. Người tu thiền mà thấy
cảnh giới lạ như Phật hay các thánh cảnh, đó là ma chướng, không nên
mừng hay đeo đuổi theo các cảnh lạ. Nhưng với người tu tịnh độ, thì đó
chính là nhờ công năng tu tập, niệm Phật thuần thục, công đức viên mãn,
tự tâm là tịnh, nên các cảnh tịnh hiện lên, là điềm tốt báo cho hành giả
chắc chắn được vãng sanh.
Ngài Tuệ Viễn, sơ tổ tông tịnh độ, mười một năm trước khi vãng sanh
ba lần thấy được thánh tướng và nhiều điềm lành. Vào đêm 30 tháng bảy,
năm Nghĩa Hy thứ hai, Ngài ngồi nhập định nơi Bát Nhã đài. Vừa xuất định
mở mắt ra, thấy đức A di đà và chư thánh chúng hiện ra trước mắt. Đức
Phật Di đà bảo với Ngài rằng: “vì bổn nguyện lực nay ta đến an ủi ông,
sau bảy ngày ông sẽ sang về nước của ta”.
Hôm sau Tổ Tuệ Viễn thuật lại mọi việc cho chúng đệ tử nghe và Ngài
khẳng định rằng: “Ta ở Lô sơn này, trong mười một năm, ba lần thấy Phật
và thánh chúng hiện thân. Nay lại thấy Phật thọ ký. Chắc chắn ta sẽ được
sanh về Tịnh Độ”. (Đường về cực lạc- HT Thích Trí Tịnh)
Trước khi thị tịch, Ngài tỉnh Am đại sư đã hai lần thấy Cực lạc tam
thánh hiện, nên Ngài khẳng định với đồ chúng rằng: “Tôi nhất định sẽ
vãng sanh”.
Như vậy, đối với người tu tịnh độ, điều tiên quyết nhất là phải được
tiếp dẫn vãng sanh. Mà muốn chứng nghiệm được khả năng vãng sanh của
mình, thì ngoài công phu tu tập, chuyên tâm niệm Phật thì hành giả tịnh
tu cần phải thấy được hảo tướng như đức Phật Di đà thọ ký, hay các thánh
cảnh hiện ra hoặc ao báu, hoa sen năm sắc… Tất cả đó là những điềm
lành, để báo hiệu rằng người đó nhất định sẽ được vãng sanh.
C. KẾT LUẬN
Tịnh Độ là một pháp môn rất thù diệu, dễ tu dễ chứng và phù hợp với
mọi trình độ căn cơ chúng sanh. Chỉ cần người có lòng tin vào nguyện lực
của Phật A di đà và chuyên tâm trì niệm danh hiệu Ngài thì nhất định sẽ
được vãng sanh. Khi về nước Cực lạc, dù là đới nghiệp vãng sanh hay
sanh vào nơi biên địa của Tịnh độ, thì điều tiên quyết nhất là chúng ta
không còn rơi đoạ trong tam đồ khổ nữa, một sớm một chiều rồi cũng được
hoa sen thuần hoá, hoàn toàn thanh tịnh, hội nhập trong hàng thánh chúng
nơi Cực lạc tây phương.
Những điều này đã được các bậc thầy
Tịnh độ tiên phong tu tập chứng đắc làm niềm tin, khích lệ cho tất cả
chúng sanh đồng phát tâm tu tập, đồng được vãng sanh. Tổ Tuệ Viễn được
xem là sơ tổ của Tông Tịnh độ. Người đã vì sự giải thoát an lành cho
chúng sanh mà lập nên nhiều phương tiện. Lô sơn là một minh chứng, đã
ghi dấu cho một bậc Tổ đức đã vì chúng sanh mà từ một viễn cảnh Tịnh độ,
Ngài đã hình thành nên mọât Tịnh độ hiện thực nơi chùa Đông lâm, tứ
chúng đông không tả xiết đã qui kết trong tinh thần tịnh tu của bạch
liên xã.
Từ đó chúng ta nhận thấy nhân duyên Tịnh độ với
chúng sanh đời Mạt Pháp thật vô cùng lớn. Xin đừng vội nghe nghững lời
bàn phiếm của thiên hạ về Tịnh độ hoặc sự chỉ trích bôi nhọ của một số
người nông nổi, rồi đâm ra hoang mang nghi ngờ.
Những biện
minh về thật hư của Tịnh độ nhằm xác định cho cõi Tịnh độ phương Tây
trang nghiêm thanh tịnh vào bậc nhất trong mười phuơng. Học thuyết về “
duy tâm tịnh độ” là một Tịnh độ triết lý, mặc dù nó là tinh hoa chuyển
tải ý nghĩa thực dụng trong đạo Phật nhưng không thể khế hợp với đa dạng
căn tánh chúng sanh, làm cho người bình dân phải ngán ngẫm cho đường
lối hành trì đơn độc đi vào biển tâm mênh mang sâu thẳm không chỗ nương
nhờ. Đó là một vách ngăn lớn, làm hụt hẫng cho những người bước chân vào
cửa thiền muốn tìm một nơi nương tựa trên lộ trình giải thoát. Cho nên
Tịnh độ tín ngưỡng, mặc dù là pháp môn phương tiện, nhưng đó là phương
tiện thù thắng trong tất cả mọi phương tiện, nhằm đưa mọi chúng sanh
điều có thể tiếp cận được với con đường giải thoát hầu đem lại lợi ích
cho mình và tha nhân.
Thích Phước Tiến - Trích từ tác phẩm" Ý Nghĩa Vía Phật Và Bồ Tát Trong Năm"
Tài liệu tham khảo:
-Đường về cực lạc HT. Thích Trí Tịnh
-Niệm Phật thập yếu HT. Thích Thiền Tâm.
-Niệm Phật tam muội HT. Thích Thiền Tâm dịch
-Pháp môn tịnh độ HT .Thích Trí Thủ
-Thập tam tổ Liên tộng HT .Thích Thiền Tâm.