Nhân vật
Hoà thượng Thích Thanh Tứ một thời đánh giặc
Phan Quế
27/11/2011 10:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chay tịnh trong phòng khách của Thiền tự Quán Sứ, Hà Nội, tôi được nghe chuyện của Hòa thượng Thích Thanh Tứ thời chín năm kháng chiến làm lính Cụ Hồ tham gia đánh giặc cứu nước. Màu vàng trầm chốn cửa Phật như quyện vào lời kể của cụ về những năm tháng cách đây hơn nửa thế kỷ...


Hòa thượng sinh năm 1927. Nơi cụ sinh ra là vùng quê nhãn nổi tiếng Hưng Yên, thuộc xã Song Mai, huyện Kim Động. Tên khai sinh của cụ là Trần Đình Long. Vừa được 3 tuổi mẹ Hòa thượng qua đời. Năm 6 tuổi cụ được gia đình cho đi ở chùa Nho Lâm. Năm 12 tuổi cụ về chùa Đống Long tu tiếp. Pháp danh Thích Thanh Tứ của cụ có từ ngày cụ theo mày cửa Phật.

Năm 1944-1945, phong trào Việt Minh nổi lên ở nhiều nơi trên đất nước ta trong đó có quê hương của Hòa thượng Thích Thanh Tứ. Chùa nơi cụ đang tu thành trụ sở,  nơi hội họp bí mật của những người theo mặt trận Việt Minh. Tuy đã lên hàng sư bác nhưng Hòa thượng lúc ấy không muốn mình là người an phận.

Cụ đã  tự nguyện đến với phong trào và thành người của đoàn thể cứu quốc xã. Đấy là dịp tháng 3/1945, nhà sư đã mở cổng chùa Đống Long rồi vác cờ đỏ sao vàng chạy trước dẫn đường cho mọi người tiến vào phá kho thóc của Nhật đang để trong chùa.

Tổ chức chọn thời điểm rạng sáng là lúc binh lính Nhật mới ngủ dậy chưa kịp từ trên thị xã chia quân xuống chùa tuần tra, canh gác kho. Khi sự việc đã  đâu vào đó, bọn giặc có nghe tin kho thóc bị phá nhưng lo sợ không dám đưa quân xuống nữa.

Nhà sư yêu nước Thích Thanh Tứ đã góp phần công sức nhỏ bé của mình vào việc làng, việc nước. Khi đất nước có giặc thì dù ai dẫu là người tu hành cũng chẳng thể đứng ngoài khoanh tay nhìn cho được. Tổ quốc ta lúc ấy là cảnh ngộ toàn dân bị thực dân đế quốc áp bức.

Bản thân người tu hành như Hòa thượng cũng bị bọn cường hào lý dịch ở địa phương dọa nạt, mắng mỏ, khinh miệt và có ý muốn xua đuổi. Chúng lo lắng và sợ hãi khi chùa Đống Long thành cơ sở bí mật của phong trào Việt Minh. Đây cũng là nơi  ngày đêm có người của "hội kín hội hở" ra vào hoạt động. Hòa thượng lúc ấy cũng hay trốn chùa ra sân đình, ra những bãi cỏ rộng cùng thanh niên trong làng rèn luyện sức khỏe, tập quyền tập võ.

Ngày ấy từ "hội kín hội hở" là từ dân gian đặt cho những người yêu nước hoạt động trong phong trào Việt Minh. Nó là nguồn phấn khích thiêng liêng cho người tham gia ái quốc cũng là nỗi sợ hãi của kẻ chống đối, bọn phản động.

Những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi động ở quê hương Hưng Yên đã cuốn hút nhà sư trẻ. Tại quê Hòa thượng cũng như nhiều nơi khác trong tỉnh rầm rập những đoàn người gậy gộc, giáo mác, giương cao lá cờ đỏ sao vàng nối nhau lên huyện, lên phủ, lên tỉnh tịch thu sổ sách ấn triện, lột mũ áo quan lại tay sai cho giặc đòi chính quyền về tay nhân dân.

Vì ý thức được vai trò công dân của mình nhà sư trẻ đã thoát ly theo phong trào. Giai đoạn ấy cụ từng tham gia hoạt động tôn giáo yêu nước và nhiều công việc xã hội khác ở địa bàn các huyện trong tỉnh như Ân Thi, Tiên Lữ, Kim Động, Phù Cừ...

Năm 1949, giặc Pháp mở rộng vành đai tạm chiếm tái chiếm lại phần đất phía nam Hưng Yên. Quân ta lúc này đang trong thế phòng ngự chủ động để chuẩn bị bước vào giai đoạn mới. Được cấp trên tín nhiệm Hòa thượng cùng một số anh em khác đã đi học lớp Tổng phản công ngoài vùng tự do.

Chuyến đi ấy quả là gian nan, vất vả và hết sức hiểm nguy. Từ Hưng Yên đoàn người tìm cách qua mắt địch, vượt sông Hồng sang Thái Bình. Từ Thái Bình họ lại xuyên vòng vây của giặc để đi tiếp sang Nam Định, Ninh Bình rồi vượt vùng giáp ranh đến Nho Quan lên Hòa Bình.

Từ Hòa Bình họ vượt sông Đà sang Phú Thọ. Tiếp nữa họ rời Phú Thọ đi ngang Thái Nguyên rồi lùi xuống hội quân ở Bố Hạ, Yên Thế, Bắc Giang. Đường chim bay từ Hưng Yên lên Bố Hạ chẳng đáng mấy thôi đường mà đoàn người phải đi vòng vèo, vượt qua bao sông lớn, núi to mới đến được nơi học tập. Thời  đánh giặc của ông cha ta chỉ là một chuyến đi thôi  cũng đã kỳ công.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ tâm sự với khách:

- Đoàn cán bộ của Hưng Yên có 10 người đi ngày đi đêm, hầu hết là cuốc bộ qua hết vùng tề nọ sang vùng tạm bị chiếm kia. Chúng tôi đi có giao liên dẫn đường nên mọi người yên tâm. Thời gian học tập chỉ có hơn một tháng nhưng thời gian đi từ Hưng Yên để tới được lớp học cũng dài không kém.

Sau chuyến ra vùng tự do học tập ấy tôi về lại Hưng Yên tham gia bộ đội địa phương. Nước có yên thì việc đạo mới thành. Tôi là cán bộ trung đội. Anh em hoạt động chủ yếu trên địa bàn tỉnh. Vũ khí lúc ấy còn rất thô sơ. Hiện đại nhất với các chiến sĩ là mấy khẩu súng trường và một ít đạn và lựu đạn. Bộ đội ở nhờ nhà dân. Dân nuôi bộ đội, bảo vệ bộ đội để bộ đội đánh giặc giữ làng, giữ phong trào.

Thời chín năm kháng chiến nhà sư trẻ Trần Đình Long đã khoác áo anh bộ đội đánh giặc. Cụ đã tham gia chiến đấu trên nhiều địa bàn ở Hưng Yên.  Có một trận đánh nhau với giặc khi chúng bất chợt đến vây làng chỗ đơn vị đóng quân. Đấy là hai thôn Long Cầu, Đồng Kệ thuộc đất Phù Cừ. Bọn lính hành binh về và bủa quân vây quanh làng từ lúc trời còn nhập nhoạng sáng.

Anh em trong đơn vị chia nhau theo các ngả vào làng rồi tụ lại thành từng hỏa điểm nhỏ quyết liệt chống trả giặc. Cuộc cầm cự giữ đất này kéo dài suốt từ 4 giờ sáng cho mãi đến sập tối. Giặc đã phải thu quân không dám khai chiến nữa vì sợ  quân ta bất ngờ đánh du kích!

Trong một chuyến đi công tác phong trào không may Hòa thượng bị rơi vào vòng vây của giặc. Chỗ cụ đến công tác cũng là nơi đang có bộ đội tỉnh đóng quân. Giặc vây làng 3 ngày. Sau nhờ sự giúp đỡ của dân Hòa thượng đã thoát khỏi vòng vây. Thật không ngờ. Vừa thoát khỏi giặc nơi này Hòa thượng lại gặp giặc ngay nơi mới đến nhưng được sự giúp đỡ của dân cụ đã rút xuống hầm kịp thời.

Nhưng cuộc đời hoạt động của cụ trong vây bắt của giặc đâu có được yên. Đấy là chuyện cụ bị chúng khui hầm. Ngày Hòa thượng bị bắt là ngày 29/10/1951. Nơi bị bắt là làng Kim Phương, huyện Phù Cừ. Đơn vị của cụ đang yên bình luyện tập thì bỗng có tin giặc kéo lính đến bủa vây. Anh em nhanh chóng truyền tin cho nhau rồi vội vã xuống hầm.

Trong căn hầm của cụ có một chiến sĩ nữa. Cửa vào hầm làm ngay trong chuồng lợn. Hầm đào dưới đống rơm, ống thông hơi là đoạn tre dài rỗng ghếch đầu ra phía cánh đồng. Đây là căn hầm bí mật thuộc diện rất kín đáo và khó phát hiện. Vậy mà giặc vẫn khui ra được hầm của cán bộ chỉ huy!

Lúc cụ và người chiến sĩ ngồi cùng bị giặc gọi từ hầm ra cả hai lấm lem chúng phải cho ra ao tắm rửa. Sau đó chúng cho cụ ngồi vào ghế đàng hoàng rồi  mới hỏi cung.

Chỉ huy bọn lính vây làng nói với cụ giọng trống không:

- Về lâu chưa?

Cụ trả lời, có chủ ngữ:

- Tôi mới về đêm qua.

- Từ đâu về?

- Tôi từ Thái Bình về.

- Làm gì bên ấy?

- Tôi huấn luyện tân binh.

Chỉ huy giặc rắn mặt truy tiếp:

- Mới về sao đã có hầm?

- Tôi không biết.

Tên chỉ huy không chịu, cười khẩy nhìn người bị bắt và dọa sẽ đốt nhà của gia đình cơ sở. Cụ nghiêm mặt phản đối và nghĩ cách nói khác đi:

- Các ông không được đốt nhà người ta. Dân vô tội. Họ phải đào hầm là do chúng tôi bắt họ phải làm. Họ không có lỗi gì cả!

Tên chỉ huy lệnh cho quân đi săm soi  tài liệu. Chúng không thể thấy được vì bọn lính chỉ chăm chăm tìm ở phía dưới mà không để ý ở phía trên. Tài liệu quan trọng, chỉ huy đơn vị đã cẩn thận nhét kín nơi nóc nhà từ trước. Giặc ngừng cuộc hỏi cung. Gia đình cơ sở không bị đốt nhưng bị chúng cướp đi 1 con lợn.

Người cùng bị bắt với cụ trước sau chỉ khai một câu là lính bảo vệ của cụ, ông ấy bảo đi đâu tôi đi đấy, nên giặc chẳng lấy thêm được lời khai nào nữa. Cụ đã tìm cách khai và tự nguyện một mình chịu trận để đơn vị được bảo toàn. Dù ở nơi giam giữ nào khi bị hỏi cung trước sau cụ cũng chỉ một lời khai. Sau trận bất ngờ bị  giặc khui hầm bắt ấy cụ mới được biết là có chỉ điểm.

Chúng có hai tên. Hôm trước chúng đã hóa trang đã đóng vai kẻ vác bị đi tìm việc làm mướn công nhật qua qua lại lại trong thôn để tìm cách lân la trò chuyện, tìm hiểu. Giặc đã khui trúng hầm của chỉ huy là có do thám trước đó. Đơn vị không ai bị lộ ngoài cụ và người chiến sĩ đi cùng.

Tối hôm bị bắt cụ bị giặc đưa về giam ở bốt La Tiến, sau đó đưa về thị xã Hưng Yên rồi đưa tiếp lên bốt Lực Điền. Quan hai Tây tra khảo tiếp nhưng người bị bắt vẫn khai như cũ. Cụ bị chuyển tiếp lên nhà thờ Kẻ Sặt, lên căng Hải Dương. Giặc tiếp tục tra khảo dã man nhưng không có thêm được lời khai nào.

Giặc quy cụ là tù chính trị và đưa về  giam ở Nha Công an Bắc Việt. Cụ bị nếm đòn của bọn tra tấn chuyên nghiệp với đủ các ngón nghề dã man mà anh em gọi là đòn tàu ngầm, tàu thủy suốt 3 ngày liền. Tiếp đó giặc đưa cụ vào giam cách biệt ở nhà tù Hỏa Lò.

Tại đây cụ còn nhớ mãi việc các anh em có trình độ văn hóa cao lấy gạch non viết lên nền nhà dạy học cho người có trình độ thấp hơn. Giặc đưa tiếp cụ xuống trại giam Thanh Liệt. Trại có tên gọi là An chí Thanh Liệt, thực chất là chốn cùng cực hóa người tù bằng nhiều kiểu hành hạ tàn nhẫn.

Có một tên cai ngục đánh đập người tù ghê gớm, anh em quyết liệt đấu tranh phản đối khiến tên này bị đổi đi. Tên khác về thay tưởng dễ chịu hơn nhưng lại ác hơn tên trước gấp mấy lần. Rồi cụ lại bị đưa lên Hỏa Lò giam trong xà lim căng-oong chuyên giam tù binh. Có nhiều chuyện cảm động: Anh em xúm lại cắt tóc, tắm rửa cho nhau.

Mọi người thương yêu san sẻ cho nhau từng manh áo miếng ăn như con cùng một mẹ. Từ thân phận tù nhân bị giam hãm trong xà lim đến khi được ra trại to nhưng mọi người vẫn tiếp tục đấu tranh. Mục tiêu của đấu tranh là đòi bọn cai ngục phải thả tù vì họ đã bị giam hãm lâu mà chưa thành án như vậy là phạm luật do chính chúng quy định.

Lúc này quân lính của thực dân Pháp đang thất bại khắp nơi nên Giám ngục Tút - tu đối xử với người tù có phần mềm mại hơn. Tuy vậy, bọn chúng vẫn sợ thả người tù ra biết đâu họ sẽ gây rối trật tự xã hội.  Nhưng tiếp tục giam giữ thì bọn coi tù lại lo tất cả những tù nhân này đều có thể bị nhuộm đỏ…

Cuối năm 1953, Hòa thượng Thích Thanh Tứ cùng nhiều anh em khác được giặc trả tự do. Ra tù về lại quê hương cụ tham gia hoạt động tại Khu du kích Kim Động. Cấp trên giao cho cụ làm xã đội phó, phụ trách tác chiến. Công việc của cụ là dẫn anh em đi phá hoại đường 39 cản trở giao thông qua lại của giặc, bao vây bồn đốt địch và đào chiến lũy phòng thủ giữ gìn bảo vệ làng xóm.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ kể tiếp:

- Sau ngày Điện Biên Phủ chiến thắng, tôi về lại chùa Nho Lâm xuống tóc đi tu tiếp. Sau đó tôi có tu ở một số chùa khác nữa trước khi lên làm Chánh thư ký Hội Phật giáo thống nhất tỉnh Hải Hưng (tên 2 tỉnh hợp nhất Hưng Yên và Hải Dương cũ). Năm 1973, tôi lên tu ở chùa Quán Sứ.

Tại Đại hội 5 Đại hội Phật giáo tôi được nhận chức danh Hòa thượng. Tôi hiện nay đang là đại biểu Quốc hội trong hai khóa 11 và 12, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và là Viện chủ Tùng Lâm Quán Sứ…".

Gốc là người tu hành. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 làm sống dậy lòng yêu nước trong mọi người cụ trở lại với đời thường trong trách nhiệm một người lính đánh giặc. Chín năm kháng chiến thắng lợi cụ lại trở về với màu thiền tu hành dưới bóng Phật đài.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ hôm nay trong thiền phục màu vàng đôn hậu, tay lần tràng hạt cười rất hiền và tâm đắc nói: “Việc đời tôi đã hoàn thành. Nay được về toàn tâm toàn nguyện với con đường của đạo Phật, tôi luôn luôn lấy câu Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội là tiêu chí cho mọi hoạt động và công việc của mình. Cả đời tôi chỉ mong cho việc đời được tốt, việc đạo được đẹp với niềm nguyện cầu cho Quốc Thái Dân An…

Trong cuộc trò chuyện nhiều ấn tượng này tôi cảm nhận được từ Hòa thượng Thích Thanh Tứ một tâm thế thiền định trong vẻ đẹp thuần phác của một nhà tu hành tốt đời đẹp đạo. Như nhiều nhà sư khác ở quê hương ta khi Tổ quốc có giặc cụ đã cầm súng đánh giặc làm tròn trách nhiệm người chiến sĩ yêu nước của mình. Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã được Nhà nước ta trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì!

Theo: CAND

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch