Đức
Phật Thích Ca giải thích, rằng cuộc sống và đặc điểm của cư dân ở từng
nơi đều là phản ánh của những hành vi từ kiếp trước của họ. Vẻ đẹp bắt
nguồn từ sự nhẫn nại và hiền lành, sự giàu có bắt nguồn từ bố thí, còn
quyền lực bắt nguồn từ việc không đố kỵ với sự thành công của người
khác.
Hoàng hậu thường dân
Tại thành Savatthi, thủ
đô của Kosala có một cô gái tên gọi là Mallika, người đứng một đầu đoàn
thể gồm những người phụ nữ chuyên làm các vòng hoa trang sức. Cô là cô
gái thông minh, xinh đẹp và luôn toát ra vẻ khoáng đạt, rộng rãi của
một người lãnh đạo.
Vào đúng sinh nhật lần thứ 16 của mình, cô
cùng các bạn đã tới vườn hoa bên ngoài thành du ngoạn. Mỗi cô gái đều
mang đầy giỏ của mình các loại bánh trái để làm bữa ăn trưa. Tuy nhiên
khi họ vừa mới xuất phát thì gặp một nhóm sa môn vào thành khất thực.
Trong số này có một người tướng mạo rất nghiêm trang, khác hẳn những
người khác khiến cô cảm thấy rất cảm phục. Cô đã quyết định đem toàn bộ
giỏ bánh của mình cung dưỡng cho vị sa môn này.
Cô hoàn toàn
không biết rằng, vị sa môn mà cô đã cung dưỡng toàn bộ giỏ bánh chính
là đức Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, sau khi chuyển giỏ bánh của mình cho vị
sa môn, cô lại tiếp tục vui vẻ cùng bạn bè ra ngoại thành, tiếp tục
cuộc vui. Thích Ca Mâu Ni thấy vậy thì mỉm cười. Những đệ tử đi cùng
biết rằng, chẳng phải vô duyên vô cớ mà Đức Phật lại mỉm cười như vậy,
mới bước tới hỏi nguyên nhân. Thích Ca Mâu Ni nói: “Cô gái này ngay
ngày hôm nay sẽ nhận được báo đáp từ việc bố thí của mình, trở thành
hoàng hậu của Kolasa”.
Mọi người nghe thấy Phật nói vậy thì
ngạc nhiên lắm. Bởi lẽ, quốc vương của Kosala đời nào lại lấy một cô
gái ở tầng lớp thấp như cô gái kia để làm hoàng hậu được. Trong xã hội
Ấn Độ thời bấy giờ, những quy định về giai cấp xã hội rất hà khắc,
chuyện một ông vua hạ mình lấy một cô gái thường dân tầng lớp thấp hèn
là không thể xảy ra. Tuy nhiên, mọi chuyện lại xảy ra đúng như những gì
Thích Ca Mâu Ni đã nói.
Lúc bấy giờ, người thống trị cả khu vực sông Hằng là Pasenadi, một
ông vua rất quyền lực. Hôm đó, ông đang giao chiến với Ajatasattu của
nước Magadha. Tuy nhiên, do quân của Ajatasatta mạnh hơn nên đã đánh
bại quân của ông, buộc ông phải rút lui. Khi ông về tới thủ đô của
Kosala, trước khi vào thành thì nghe thấy một cô gái đang vui vẻ ca hát
ở vườn hoa bên ngoài thành. Cô gái đó chính là Mallika, nhờ diện kiến
Phật Thích Ca Mâu Ni nên tiếng hát của cô trở nên rất du dương và gây
được sự chú ý của đức vua Pasenadi.
Ông bị tiếng hát của cô
cuốn hút, bất giác đổi hướng đi về phía vườn hoa. Cô nhìn thấy người
đàn ông mặc bộ giáp của một tướng quân, mình bê bết máu nhưng cũng
không bỏ chạy mà bước tới gần, cầm dây cương ngựa rồi nhìn thẳng vào mắt
của đức vua.
Đức vua hỏi cô đã kết hôn chưa, cô đáp rằng
chưa. Ông bèn bước xuống ngựa rồi dựa đầu vào đầu gối của cô, để cô
giúp mình quên đi thất bại trên chiến trường vừa qua. Sau khi tinh thần
đã tỉnh táo hơn, ông để cô ngồi ở phía sau ngựa của mình rồi mang cô
về nhà bố mẹ đẻ. Ngay tối hôm đó, ông đã phái một đoàn người tới nhà cô
đón cô vào cung làm hoàng hậu.
Từ đó trở đi, cô rất được đức
vua sủng ái. Vẻ đẹp của cô khiến cô luôn trang nghiêm và lộng lẫy như
một nữ thần. Tuy nhiên, sau đó, khi người dân Kosala biết rằng, hoàng
hậu xinh đẹp của họ xuất thân từ một cô gái bình dân, làm nghề kết vòng
hoa trang sức để bán ngoài chợ thì lại càng cảm động và ấn tượng hơn.
Sau đó, dù cô đi tới đâu, người dân cũng đều nói: “Đó chính là hoàng
hậu Mallika, người đã bố thí cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni”.
Thỉnh pháp Đức Phật
Sau khi thành hoàng hậu của Kosala, cô đã tới gặp Đức Phật Thích Ca Mâu
Ni, cầu xin ngài giúp mình giải thoát khỏi những nghi vấn trong lòng
mình: vì sao có những người phụ nữ vừa đẹp, vừa giàu lại vừa có quyền
lực, lại có những người tuy đẹp nhưng lại nghèo khổ và chẳng có quyền
thế gì? Vì sao lại có những người phụ nữ xấu xí nhưng lại giàu có và
quyền thế, đồng thời lại có những người phụ nữ xấu xí nhưng cũng lại
vừa nghèo khổ?
Trong cuộc sống thường ngày, những sự khác biệt
như vậy không hiếm. Những người thông thường chấp nhận, coi đó là vận
mệnh. Tuy nhiên, cô vẫn muốn hiểu rõ hơn vì đối với cô, tất cả mọi
chuyện đều không thể xảy ra mà không có căn nguyên của nó.
Đức
Phật Thích Ca đã giải thích cho cô rằng, cuộc sống và đặc điểm của cư
dân ở từng nơi đều là phản ánh của những hành vi từ kiếp trước của họ.
Vẻ đẹp bắt nguồn từ sự nhẫn nại và hiền lành, sự giàu có bắt nguồn từ
bố thí, còn quyền lực bắt nguồn từ việc không đố kỵ với sự thành công
của người khác. Tổng hợp cả ba yếu tố này sẽ trở thành vận mệnh của mỗi
người. Tuy nhiên, những người có được cả 3 yếu tố này thường sẽ rất
hiếm.
Sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói xong, hoàng hậu đã
quyết định quy y Tam bảo và cho tới lúc chết, bà vẫn là một đệ tử
trung thành của Đức Phật. Bà quyết tâm sẽ đối xử tốt với thần dân của
mình, không bao giờ trách mắng họ đồng thời sẵn sang bố thí cho các tỳ
kheo, người nghèo và không bao giờ đố kỵ với bất kỳ người nào.
Sau khi trở thành một đệ tử của Đức Phật, hoàng hậu đã cố gắng để hướng
chồng mình, quốc vương Pasenadi tin theo Đức Phật. Chuyện bắt đầu từ
một cơn ác mộng đáng sợ của quốc vương Pasenadi. Hôm đó, ông nằm mơ
thấy bốn tiếng kêu bí ẩn và đáng sợ. Ông giật mình tỉnh dậy, cảm thấy
rất sợ hãi, tới tận sáng hôm sau vẫn còn run rẩy.
Các thầy tế
Bà la môn thấy vậy hỏi đêm qua đức vua đã gặp phải chuyện gì. Đức vua
thuật lại giấc mơ ngày hôm qua cho các thầy tế Bà la môn nghe. Họ nói
rằng, đức vua nên tổ chức tế lễ để an ủi các linh hồn ác, như vậy họ sẽ
không tới quấy nhiễu nữa. Pasenadi vì sợ quá nên đã đồng ý theo kiến
nghị này.
Khi hoàng hậu biết chuyện đã tới hỏi đức vua. Ông đã
trách vợ mình không quan tâm nên không hiểu được những phiền muộn trong
lòng mình. Sau khi ông nói về cơn ác mộng, cô hỏi chồng đã hỏi Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni về ý nghĩ của giấc mơ hay chưa. Khi nghe cô nói
rằng Đúc Phật Thích Ca là người có trí tuệ cực kỳ uyên bác, còn vượt xa
cả các thầy tế Bà la môn, đức vua đã quyết định tới nơi trú ngụ của
Đức Phật để nghe ngài giải thích về giấc mơ của mình.
Sau khi
kể cho Đức Phật Thích Ca nghe về cơn ác mộng, quốc vương Pasenadi hỏi
rằng, liệu sẽ xảy ra chuyện gì. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mỉm cười nói:
“Chẳng có việc gì”, đồng thời giải thích rằng, cơn ác mộng của đức vua
là một lời dự báo rằng cuộc sống trên thế giới này sẽ càng ngày càng
xấu đi. Vì thế, đạo đức của các quốc vương cũng ngày càng trở nên suy
thoái. Việc ông nhìn thấy được tương lai chính là vì ông là một quốc
vương quan tâm tới đời sống của dân chúng.
Còn 4 tiếng kêu mà
ông nghe thấy chính là tiếng kêu của 4 người phụ nữ đã có chồng nhưng
vì làm việc sai trái nên bị đày xuống địa ngục. Bốn tiếng kêu kỳ lạ và
đáng sợ đó chính là những tiếng kêu đau đớn của họ từ địa ngục phát ra.
Đức vua sau khi nghe Đức Phật Thích Ca giải thích cảm thấy rất có lỗi
với hoàng hậu, quyết định đại xá thiên hạ, tha tội cho các phạm nhân
đồng thời giải tán đàn tế của các thầy tu Bà la môn. Kể từ sau đó, quốc
vương Pasenadi cũng giống như vợ mình, trở thành một đệ tử trung thành
của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật