Cũng như các quốc gia ở châu Âu
khác, Phật giáo được truyền đến Thụy Ðiển vào đầu thế kỷ 20 nhờ có phong trào
học hỏi và nghiên cứu tâm linh của Hiệp hội Thông thiên học (Theosophical
Society) của ông Henry Steel Olcott và bà Blavastky ở Hoa Kỳ. Lúc ấy (1910),
tại Thụy Ðiển có một văn phòng chi nhánh của Hội Thông thiên học, do đó mà
người Thụy Ðiển mới có cơ hội biết đến Phật giáo. Tiếp đó, kiến thức về Ðức
Phật và giáo pháp của Ngài được người Thụy Ðiển biết rộng rãi là nhờ vào bản
dịch tiếnh Thụy Ðiển quyển "Ánh sáng Á Châu" (The Light of Asia) của
Edwin Arnold (1832-1904), một tác phẩm thi ca nổi tiếng viết về cuộc đời đức
Phật Thích Ca Mâu Ni.
Theo thống kê mới đây của các hội
Phật giáo tại Thụy Ðiển cho thấy tín đồ Phật giáo tại đất nước này có khoảng
20.000 người, trong khi tín đồ Thiên Chúa giáo chiếm đến 90% dân số trong cả
nước. Lý do đơn giản là vì Thiên Chúa giáo đã có mặt ở đây hơn một thiên niên
kỷ qua, còn Phật giáo chỉ mới bắt đầu từ đầu thế kỷ này.
Người Thụy Ðiển đầu tiên tự nhận
mình là Phật tử là một nhà hoạt động xã hội, bà Kata Dalstrom, người đã thành
lập một nhóm Phật tử vào năm 1920, để cùng giúp đỡ nhau trong việc tu học và
học tập giáo lý. Tuy nhiên, nhóm này chỉ hoạt động đến năm 1950 thì ngưng. Tiếp
đó, có hai nhóm Phật tử khác hoạt động ở thủ đô Stockholm và ở thành phố
Gothenburgn. Riêng ở Gothenburgn nhóm này hoạt động mạnh hơn nhờ có ông Marcel
Cerutti Sirander, một ngườ Pháp đến lập nghiệp tại Thụy Ðiển. Ông đã theo học
Phật với một Thiền sư ngưòi Trung Hoa và sau đó thành lập tổ chức để giúp người
Thụy Ðiển đến với Phật giáo.
Tại thủ đô Stockholm, một tổ chức
Phật giáo khác do một Phật tử người Thụy Ðiển, bà Amita Nisatta làm chủ tịch.
Bà đã theo học cả truyền thống Phật giáo Theravada lẫn Mahayana. Sau đó bà đã
xuất gia và trở thành nữ tu người Thụy Ðiển đầu tiên theo Phật giáo Trung Hoa.
Từ năm 1970 trở đi, số lượng Phật tử
ở Thụy Ðiển dần dần gia tăng và đến nay. Số lượng đó được đúc kết là 20.000
người. Cũn như các quốc gia láng giêng khác, ở Thụy Ðiển xưa nay vẫn mong có
một tổ chức Phật giáo trung ương để điều hành Phật sự trong cả nước; nhưng đến
nay vẫn chưa thành tựu, vẫn là những tổ chức riêng lẽ, hoạt động theo ý muốn
của mỗi vùng. Tại thủ đô Stockholm, một tu viện thuộc Phật giáo Tây Tạng được
xây dựng năm 1974, tu viện này đến nay vẫn hoạt động mạnh. Một ngôi chùa khác
thuộc Phật giáo Thái Lan cũng được tạo dựng vào năm 1984, một thiền viện khác của
người Tích Lan được khánh thành năm 1985, cả hai ngôi chùa Theravada này đến
nay vẫn sinh hoạt bình thường và thu hút nhiều người Thụy Ðiển đến chiêm ngưỡng
và tu học. Ngoài ra trên khắp đất nước Thụy Ðiển còn có nhiều nhóm tu thiền
khác nhau theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt
Nam, Thái Lan ...
Và người Á châu ở Thụy Ðiển có người
Việt và người Nhật. Cả hai sắc dân này đều có xây dựng chùa riêng và hoạt động
Phật pháp theo truyền thống văn hóa của mình. Người Việt hiện có hai chùa ở
Thụy Ðiển, họ có tổ chức Gia đình Phật tử, tu Bát quan trai... Còn Phật giáo
Nhật Bản nổi bật có tổ chức Phật giáo Soka Gakkai; trong những năm gần đây, năm
nào họ cũng tổ chức đại lễ Phật Ðản ở thủ đô Stockholm, gây được sự chú ý và
ảnh hưởng trong các cộng đồng ở Thụy Ðiển. Tóm lại, so với các nước ở châu Âu,
Phật giáo Thụy Ðiển chỉ mới bắt đầu, Phật giáo Thụy Ðiển cần có sự đoàn kết và
thống nhất giữa các hội đoàn Phật giáo để có cơ hội giúp đỡ người bản xứ nhiều
hơn trong công cuộc hoằng dương chánh pháp. Người Phật tử Thụy Ðiển từng tự hào
rằng họ đã có một nhà văn, nhà thơ vĩ đại là ông Harry Martinson, người đã đoạt
giải Nobel về văn chương vào năm 1974 và chính ông đã từng khẳng định : "Tôi
viết được như thế, bởi vì tôi là một Phật tử". Người Thụy Ðiển ngày
nay cũng mong muốn truyền thống tốt đẹp này ngày càng được phát huy nhiều hơn
nữa trên đất nước của họ.