Hằng ngày có hàng trăm tăng ni, hàng
nghìn Phật tử từ nhiều quốc gia trên thế giới hành hương đến đây. Người
thì tụng kinh, niệm Phật, người thì thiền tọa, người thì lạy Phật, sám
hối... Trong khi đó, hàng chục triệu người khác ước ao một lần trong đời
được đặt chân đến địa chỉ này (mà rất nhiều người không thể thực hiện
được). Đó chính là Thánh địa Bodh Gaya (tiếng Việt gọi là Bồ Đề Đạo
Tràng) ở Ấn Độ, nơi ngày xưa Đức Phật Thích Ca đã tu hành và đắc đạo.
Đầu xuân mới Canh Dần 2010, tôi đã được
may mắn đến thăm nơi này và được nghe, được thấy nhiều điều thú vị tại
đây.
|
Cây bồ đề linh thiêng nơi Đức Phật tu
hành và đắc đạo. |
Bốt Ga-y-a (Bodh Gaya) nằm trên bờ sông
Falgu. Nơi đây xưa kia là một ngôi làng nhỏ gọi là làng Sambodhi với
nhiều rừng rậm. Nay Bốt Ga-y-a thuộc bang Bihar, Bắc Ấn Độ. Bốt Ga-y-a
được coi là nơi Đức Phật thành đạo và được mệnh danh là “cái rốn của vũ
trụ”. Đối với Phật giáo, Bốt Ga-y-a là nơi quan trọng nhất trong cuộc
đời của Phật Thích-ca Mâu-ni (người Việt Nam quen gọi là Đức Phật Thích
Ca). Theo truyền thuyết Phật giáo, vào khoảng 500 năm trước Công nguyên,
Hoàng tử Gautama Siddhartha (Thích-ca Mâu-ni) đã đi khất thực và đã
đến bờ sông Falgu. Tại đây, Ngài đã ngồi dưới bóng cây bồ đề suốt 3
ngày, 3 đêm và đã đạt được giác ngộ, thành chính quả. 7 tuần sau đó,
Ngài tới Sarnath và bắt đầu giảng dạy về Phật giáo.
Trước khi đến Bốt Ga-y-a, tại Niu Đê-li,
Thủ đô của Ấn Độ, chúng tôi đã được nghe Thiền sư Thích Huyền Diệu,
người Việt Nam, trụ trì ngôi chùa mang tên Việt Nam Phật Quốc Tự ở gần
cây bồ đề nơi Thích-ca Mâu-ni đắc đạo, giới thiệu về lịch sử của cây
linh thiêng này. Thế nhưng, khi đến nơi, chúng tôi vẫn thấy bất ngờ bởi
sự uy nghi của cây. Từ gốc cây, phải ba người ôm mới xuể, nhiều thân,
cành cây vươn lên cao, xòe rộng ra xung quanh. Xung quanh gốc cây được
xây tường đá để bảo vệ. Từ ngoài đường nhiệt độ nóng bức (hơn 30 độ C),
vậy mà khi đến đứng ở gốc cây, chúng tôi cảm thấy vô cùng thoải mái, dễ
chịu. Cây bồ đề nằm phía sau ngôi chùa linh thiêng có tên gọi là Tháp Bồ
Đề Đạo Tràng hay còn gọi là Đền Mahabodhi. Đó là một ngôi chùa to và
rất cao, kiến trúc kiểu đối xứng, có những tháp nhỏ, nhiều lăng tẩm, với
rất nhiều cây xanh ở xung quanh. Tất cả chùa, cây bồ đề đều nằm trong
một khuôn viên rộng. Người vào cổng khuôn viên này phải cởi bỏ giày dép,
có chỗ gửi và phải trả tiền. Ai muốn quay phim, chụp ảnh phải mua vé.
Đoàn Việt Nam chúng tôi có Thiền sư Thích Huyền Diệu đi cùng nên được
ưu ái đặc biệt là được gửi giày trong phòng khách không phải trả tiền và
cũng được miễn tiền mua vé chụp ảnh.
Theo các tài liệu lưu trữ tại ngôi chùa
đặc biệt này thì tường của ngôi chùa được xây dựng bằng gạch xanh trộn
với vôi và những khung trong hốc tường chùa để thờ các tượng Phật bằng
vàng. Cột, cửa chính và cửa sổ được trang trí bằng vàng và bạc trộn lẫn
với xà cừ và ngọc quý. Bên trong chính điện thờ một tượng lớn của Đức
Phật Thích Ca.
Dưới tán cây bồ đề linh thiêng và xung
quanh ngôi chùa Bồ Đề Đạo Tràng là hàng nghìn người vừa đi vừa lễ, ngồi
thiền và chờ… lá rụng. Ai tình cờ nhặt được lá bồ đề rụng thì coi như
có được một niềm vui lớn. Có nhiều em bé người Bốt Ga-y-a đứng chờ lá
bồ đề rụng và bán lại ngay cho du khách, mỗi lá được bán với giá từ 200
đến 500 Ru-pi (tiền Ấn Độ, một đô-la Mỹ đổi được 45 Ru-pi). Chúng tôi
để ý trong số những người đứng, ngồi, đi dưới tán cây bồ đề có người
châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và cũng có không ít người Việt Nam
đi du xuân hành hương về đất Phật.
|
Chùa Bồ Đề Đạo Tràng. |
Vì khách đến đây từ nhiều quốc gia nên
cách lễ, cách lạy cũng mỗi người mỗi khác. Có người thì vừa đi thong
thả, vừa lần tràng hạt. Có những người vừa đi vừa đọc kinh. Nhiều người
lạy tạ nhẹ nhàng, nhưng cũng có người làm những động tác lạy mạnh như
người tập thể dục. Chúng tôi lặng lẽ đi chín vòng quanh chùa và cây bồ
đề, vừa đi vừa tập trung tư tưởng thành tâm cầu nguyện những điều may
mắn, hạnh phúc đến với đất nước, với cơ quan đang công tác và gia đình
theo lời dặn của thiền sư Thích Huyền Diệu. Thiền sư còn dặn dò kỹ
chúng tôi không được cầu nguyện những khát vọng nhỏ nhen, những ước muốn
thấp hèn và phải cầu nguyện cho Tổ quốc đầu tiên, đặt lợi ích của Tổ
quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta lên trên lợi ích của từng cơ quan,
doanh nghiệp và gia đình. Có điều rất kỳ lạ là khi đoàn Việt Nam hành lễ
dưới gốc cây bồ đề dưới sự chủ trì của thiền sư Thích Huyền Diệu, khi
thiền sư đọc xong bài kinh thì một cơn gió ào tới mang theo làn không
khí mát lạnh và rất nhiều lá từ cây bồ đề rụng xuống đầu chúng tôi.
Theo tài liệu về Phật giáo của Ấn Độ,
trước khi Hoàng đế Asoka trở thành một vị Phật tử, ông đã sai người chặt
cây bồ đề, lấy gỗ để làm lễ tế lửa cho một hoạt động tôn giáo khác.
Điều kỳ lạ là từ đống tro tàn của gỗ cây bồ đề này, một cây bồ đề con đã
được mọc ra với cành lá lung linh như long vũ. Hoàng đế Asoka kinh ngạc
và ngài đã vội vã cúng gốc cây bồ đề cũ, cho gốc cây tắm sữa. Một điều
kỳ lạ nữa lại diễn ra. Sáng hôm sau, từ gốc cây bồ đề này, những cành
mới của cây bồ đề đã vươn cao đúng bằng cây bồ đề khi chưa chặt lấy gỗ.
Sau đó, Hoàng đế Asoka trở thành một vị Phật tử. Ông đều đặn đến viếng
thăm cây bồ đề và ân hận về hành vi trước kia của mình. Thế nhưng Hoàng
hậu (vợ của Hoàng đế Asoka) lại ghen tị với cây bồ đề. Bà ta sai người
hầu chặt cây bồ đề đi. Hoàng đế Asoka lại mang sữa đến tắm cho cây bồ đề
và cây lại mau chóng hồi phục như cũ. Sau này, một vị cháu của Asoka
đến viếng thăm cây bồ đề và đã tổ chức xây tường đá xung quanh gốc cây
để bảo vệ cây. Bức tường đá này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Sử sách của Ấn Độ còn ghi lại sự kiện
trong thế kỷ thứ sáu, một cuộc chiến tranh đã làm tổn hại đến cây bồ đề,
nhưng nó cũng được hồi phục lại với sữa của 1.000 con bò.
Thiền sư Thích Huyền Diệu kể với chúng
tôi rằng, vào thế kỷ thứ VII, Trần Huyền Trang - nhà sư trẻ đời Đường
Thái Tông của Trung Quốc - đã đi bộ tới đây tầm sư học đạo. Nhà sư ra đi
năm 21 tuổi, đến năm 38 tuổi tức là sau 17 năm, mới trở về Trung
Quốc. Chuyến đi của nhà sư Trần Huyền Trang qua 128 nước lớn nhỏ lúc
bấy giờ, riêng thời gian đi về phải mất 4 năm, ở Ấn Độ học đạo 13 năm.
Khi về nước, nhà sư phải dùng 24 con ngựa để chở 657 bộ kinh Phật, 150
linh cốt Phật và 6 tượng Phật. Sau đó, trong 19 năm, ông dịch xong 75 bộ
kinh Phật. Khi ông mất, có đến một triệu người đi đưa tang và 30.000
phật tử dựng lều cử tang gần mộ. Người đời sau dựa vào chuyện ấy, lấy
Trần Huyền Trang làm nhân vật chính, viết nhiều tiểu thuyết, nhiều vở
kịch; trong đó nổi tiếng nhất là bộ tiểu thuyết "Tây du ký" của nhà văn
Ngô Thừa Ân. Trong đó, Trần Huyền Trang được hóa thân vào nhân vật Đường
Tăng.
Thiền sư Thích Huyền Diệu cho chúng tôi
biết: Ngày xưa việc đi đến Bốt Ga-y-a gặp rất nhiều khó khăn, còn bây
giờ đến Bồ Đề Đạo Tràng thật dễ dàng. Du khách có thể đi bằng đường bộ,
đường sắt và đường hàng không. Sân bay Bốt Ga-y-a chỉ cách Bồ Đề Đạo
Tràng hơn 10 ki-lô-mét. Từ Việt Nam nếu đi bằng đường không đến Bốt
Ga-y-a chỉ mất khoảng nửa ngày.
Theo thiền sư Thích Huyền Diệu, cây bồ
đề ở Bồ Đề Đạo Tràng từ lâu đã trở thành trung tâm chính của nơi thờ tự
lễ lạy của khách hành hương, được coi như là một biểu tượng của sự phát
triển Phật giáo. Tại Ấn Độ có hàng triệu cây bồ đề, nhưng chỉ có cây bồ
đề tại Bốt Ga-y-a, nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo là được mọi người, từ
các vị Quốc vương, các vị lãnh đạo các nước, chư vị tăng ni, Phật tử
khắp các nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng. Ai đến đây cũng mong mỏi có
một lá bồ đề, vì tin rằng lá của cây chứa đựng sự linh thiêng, màu
nhiệm và sự tuệ giác của chư Phật. Để có lá của cây bồ đề linh thiêng
tặng cho các Phật tử Việt Nam, thầy trò thiền sư đã phải thức thật
khuya, dậy thật sớm nhặt lá về ép khô rồi gửi tặng về Việt Nam. Trong
đoàn của chúng tôi, mỗi người cũng được thiền sư tặng một lá bồ đề ép
trong một tờ giấy rất đẹp có chữ ký của thiền sư Thích Huyền Diệu.
Xung quanh cây bồ đề linh thiêng và chùa
Bồ Đề Đạo Tràng có rất nhiều người địa phương bán lá cây bồ đề ép khô,
họ nói là của cây bồ đề mà Phật Thích Ca đã ngồi dưới gốc, nhưng theo
các nhà sư ở Bồ Đề Đạo Tràng thì đó không phải là lá cây bồ đề linh
thiêng nói trên mà là lá của rất nhiều cây bồ đề trong khuôn viên Bồ Đề
Đạo Tràng, được chiết hoặc gieo từ hạt cây bồ đề nơi Phật Thích Ca ngồi
dưới gốc. Du khách mua các lá bồ đề này, nếu có yêu cầu sẽ được các nhà
sư của chùa Bồ Đề Đạo Tràng lau trên tượng Đức Phật Thích Ca. Các thành
viên trong đoàn Việt Nam chúng tôi ai nấy cũng đều mua lá bồ đề về làm
quà và đều được các nhà sư của chùa Bồ Đề Đạo Tràng dùng lá bồ đề lau
Đức Phật Thích Ca.
»
Kỳ sau: Ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật.
Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ
( QĐND)