Lâm Tỳ Ni, phạn ngữ là Lumbini, xưa kia là khu vườn
xinh đẹp của kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Hiện nay vị trí khu vườn này nằm
trên phần đất của Nepal, tiếp giáp biên giới, chỉ cách Ấn Độ khoảng 30
Km. Lâm Tỳ Ni , nơi đản sinh một Đức Phật, nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp
Sơn, các sách thường ghi cách thành Ca Tỳ La Vệ cũ khoảng 15 km, rất có
thể là đường chim bay, trên thực tế phải đi vòng bằng đường lộ nhựa
khoảng 40km.
1. Chùa Việt Nam, nơi hội ngộ loài chim quý
Chim Hồng Hạc. Ảnh: Tâm Bửu
Khoảng 9 giờ sáng, trên đường đến vườn Lâm Tỳ Ni, đoàn chúng tôi có
viếng thăm Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa Việt Nam, chùa quốc tế đầu
tiên trên đất Phật thuộc Nepal, do hòa thượng Huyền Diệu sáng
lập. Hòa thượng là một tu sĩ Việt Nam đầu tiên kêu gọi Phật giáo các
nước khôi phục lại thánh tích Phật giáo ở Nepal và Ấn Độ trong thời
cận đại. May mắn thay, tại ngôi chùa này, lần đầu tiên tôi gặp được
vài con chim hồng hạc đang đi trong khuôn viên chùa. Trước kia tôi
chỉ biết được loài chim này qua tác phẩm Khi Hồng Hạc Bay Về,
tác giả Người Làm Vườn, tức bút danh của hòa thượng Huyền Diệu. Sau
đó, vào năm 2005 tôi có dịp chiêm bái đất Phật một lần, kính viếng
hòa thượng nhưng cũng không có cơ hội gặp loài chim quý hiếm này. Hôm
nay, tại khuôn viên chùa chúng tôi nhận thấy có khoảng ba con hồng
hạc đang đi lang thang trong ao nước cạn. Không thể bỏ qua cơ hội,
chúng tôi ghi một vài hình ảnh thực về loài chim này. Chúng cao
khoảng 1,6m, chân khẳng khiu như cò, nhưng lớn gấp trăm lần cò, cổ
cũng vậy. Đặc biệt là vùng cổ có viền đỏ, vì vậy mọi người gọi chim
này là chim hồng hạc (chim hạc cổ đỏ). Chúng rất dạn dĩ, hiền lành,
không thấy sợ người, chắc quen ở chùa có nhiều khách hành hương thăm
viếng và ngắm nhìn chúng. Nó cũng có những vũ điệu đặc trưng như loài
chim công hay những loại chim khác. Khi chúng tôi đến thấy chúng dạo
những vũ khúc rất tự nhiên, rất sinh động. Chúng thích đời sống ẩm
ướt, cho nên trong khuôn viên chùa có vũng nước to, cạn để dành riêng
cho chúng sinh hoạt hàng ngày. Sau khi quan sát và ghi hình lưu
niệm, đoàn chúng tôi vào bên trong lễ Phật, tham quan quanh khu vực
chùa và tiếp tục lên đường đến vườn Lâm Tỳ Ni, cách chùa khoảng 3km.
2. Vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni (Lumbini), nơi Phật đản sanh
Quang cảnh vườn Lâm Tỳ Ni.
Ảnh: Sưu tầm
Lâm Tỳ Ni là một trong bốn thánh tích được xem như quan trọng nhất
của Phật giáo, gọi là tứ động tâm. Tứ động tâm gồm: Lâm Tỳ Ni thuộc
Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) thuộc Ma
Kiệt Đà (Magadha), Lộc Uyển nơi chuyển pháp luân xứ Ba La Nại
(Benares), và Câu Thi Na (Kushinagar) thuộc cộng hòa Malla (bang
Bihar ngày nay), nơi đức Phật nhập Vô Dư Niết Bàn. Bốn thánh tích
trọng đại này được cô đọng trong bốn câu rất dễ nhớ:
“Đản sanh Ca Tỳ La
Thành đạo Ma Kiệt Đà
Thuyết pháp Ba La Nại
Niết Bàn Câu Thi Na”.
Lâm Tỳ Ni, phạn ngữ là Lumbini, xưa kia là khu vườn xinh đẹp
của kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Hiện nay vị trí khu vườn này nằm trên
phần đất của Nepal, tiếp giáp biên giới, chỉ cách Ấn Độ khoảng 30 Km.
Lâm Tỳ Ni , nơi đản sinh một Đức Phật, nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp
Sơn, các sách thường ghi cách thành Ca Tỳ La Vệ cũ khoảng 15 km, rất
có thể là đường chim bay, trên thực tế phải đi vòng bằng đường lộ
nhựa khoảng 40km.
Theo phong tục Ấn Độ, người con gái sắp đến ngày sinh nở phải trở
về quê mẹ, hoàng hậu Ma Da cũng không ngoại lệ. Trên đoạn đường về
quê, khi ngang qua khu vườn Lâm Tỳ Ni, bà cảm thấy tâm trạng thư thái
nhẹ nhàng, niềm vui lâng lâng khó tả giữa những tiếng chim đủ loại
reo hót trên các cành cây như đón chào bà, một thánh mẫu đang mang
thánh thai. Ánh bình minh tỏ rạng, những tia nắng hồng ban mai xuyên
qua các cành cây cổ thụ để lại những vệt sáng dài trên cỏ, làm long
lanh những giọt sương dường như còn đang say ngủ trong buổi sáng êm ả
đẹp trời. Trong lúc đang say sưa ngắm nhìn cảnh vật quanh khu vườn,
giữa bao kì hoa dị thảo, bỗng nhiên bà cảm thấy nhiệm vụ thiêng liêng
của người mẹ bắt đầu xảy ra và phải xảy ra tại nơi này. Bà liền với
tay nắm cành cây vô ưu để vững vàng trong giây phút chuyển dạ đột
ngột. Bà liền cho thị nữ căng màng, trải một nơi nằm tạm thời cho giờ
phút thiêng liêng, sự chờ đợi nức lòng của cả chư thiên và loài
người, hay đúng hơn chính là sự mong mỏi của vua Tịnh Phạn và toàn
dân kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Bà hạ sinh một hoàng nam khôi ngô tuấn tú,
một đấng trượng phu xuất cách được biểu hiện ngay từ lúc sơ sinh.
Tương truyền rằng, khi sinh thái tử, lúc đó trái đất rung chuyển bảy
lần, nhạc trời rềnh vang cả hư không, muôn chim bay lượn khắp trời,
cây cối trong vườn xinh tươi hẳn lên và đức Bồ Tát hạ sinh từ hông
phải của mẹ, bước đi bảy bước, mỗi bước đều có hoa sen đỡ chân. Ngài
dõng dạt tuyên ngôn: “Thiên Thượng Thiên Hạ, Duy Ngã Độc Tôn, Vô
Lượng Sinh Tử, Ư Kim Tận Hỷ”[1] - Trên trời dưới trời, sự giác
ngộ là trên hết. Mọi trói cột của sanh tử, đời này đoạn diệt hết.
Sau đó, đoàn tùy tùng đưa bà hồi kinh, trước sự đón rước mừng vui,
reo hò của thần dân trong kinh thành. Và người vui mừng tột độ không
ai khác hơn là vua Tịnh Phạn, một người đã ngày đêm khẩn cầu để có
được hoàng nam xứng đáng kế thừa vương vị. Lúc ấy vào ngày trăng tròn
tháng Vesak Ấn Độ, tương đương rằm tháng tư âm lịch, năm 623 (hoặc
624) trước kỷ nguyên Tây lịch.
Hiện nay, tại vườn Lâm Tỳ Ni vị trí quan trọng nhất đang được xây
kín lại để chống xói mòn và hư hoại. Bên trong là những nền gạch cũ
mục, một vài chỗ phải được chống đỡ để khỏi bị sụp đổ. Những vết tích
cổ xưa như dấu chân vẫn còn in trên đá, được xác định là vị trí lúc
Đức Phật đản sinh. Trên bờ tường gạch kề bên dấu chân Phật, cách mặt
đất khoảng 3m có một bức phù điêu rất xinh đẹp khắc hình hoàng hậu Ma
Da trong tư thế đứng đang đưa tay vịnh cành cây vô ưu, phía trước có
hình thái tử đản sinh và xung quanh có những thị nữ đang đứng hầu.
Quang cảnh xung quanh Lâm Tỳ Ni ít nhiều cũng có bàn tay chăm sóc
của con người. Bên cạnh nền gạch cũ còn sót lại, một vài cây xanh
vươn mình che bóng mát khiêm tốn trong khoảng trống giới hạn; vài
khóm hoa cùng đua sắc màu trong bầu trời xuân tươi đẹp. Bao nhiêu đó
cũng làm cho khu thánh địa Lâm Tỳ Ni gợi lên được sức sống tiềm ẩn,
cố chờ đợi sự huy hoàng sẽ được lập lại tại khu thánh địa này, nơi
đánh dấu sự ra đời của bậc vĩ nhân.
3. Trụ đá Vua A Dục (Asoka)
Thạch trụ vua A Dục. Ảnh: Tâm Bửu
Lâm Tỳ Ni, vườn ngự uyển với bao kì hoa dị thảo, đẹp đẽ lạ thường
hôm nào không còn nữa, giờ đây chỉ còn lại một vài cây cỏ lác đác
quanh khu vực và một vài phế tích được tìm thấy bởi các nhà khảo cổ.
May mắn thay cho người con Phật chúng ta, cho những người muốn tìm
hiểu về sự thật Phật giáo, một thánh tích dù không còn nguyên vẹn, nhưng
nó đã chứng thật với lịch sử, vẫn hiên ngang với trời đất, vẫn tự
hào với tất cả mọi tôn giáo được tô vẽ bằng huyền thoại. Đặc biệt
nhất là trụ đá của vua Asoka, một vị vua Phật tử đã làm rạng danh
Phật pháp trong suốt triều đại của ông, khoảng thế kỷ thứ III trước
kỷ nguyên Tây lịch. Nhờ những thạch trụ và các dòng chữ còn ghi lại
trên bia ký, mà mọi người còn biết được vị trí chính xác của các
thánh tích Phật giáo, đồng thời cũng là những bằng chứng xác thực cho
Phật giáo ngày nay và mãi đến ngàn sau. Nội dung của bia ký được
khắc trên trụ đá này bằng chữ Brahmi, đại khái như sau: “Vào năm thứ
20 kể từ khi vua Piyadassi (vua A Dục) đăng quang, chính ông thân
hành đến đây để chiêm bái, cúng dường. Bởi đức Phật Thích Ca, thánh
nhân của dòng Sakyā được sinh ra nơi này. Ông cho dựng trụ đá để đánh
dấu nơi đản sinh của Phật. Dân làng tại Lâm Tỳ Ni được giảm thuế,
chỉ đóng một phần tám sản phẩm thu hoạch”.
Đoàn chúng tôi làm lễ trước thạch trụ, tưởng niệm đến sự kiện đản
sinh của đức từ phụ Thích Ca hơn 2500 năm về trước, nguyện cầu cho
thế giới hòa bình, chúng sinh an cư lạc nghiệp và nguyện Phật pháp sẽ
được trùng hưng nơi Ấn Độ, cái nôi của Phật giáo khắp cả năm châu.
4. Hồ nước và cội Bồ Đề
Cách trụ đá khoảng 50 m có một cái
hồ nước vuông, bên cạnh hồ nước có một cây Bồ Đề rất lớn. Được tương
truyền rằng, tại đây hoàng hậu Ma Da đã tắm trong hồ nước này sau khi
lâm bồn. Chúng tôi thiết nghĩ, hồ nước này xưa kia chỉ là hồ đất,
nhưng nay được xây dựng lại bằng xi măng và có các cấp bậc đi xuống
đáy hồ một cách dễ dàng. Nước hồ trong xanh và mặt hồ yên tĩnh nên
luôn phản chiếu các cảnh vật xung quanh, dù cách xa như ngôi nhà bao
bọc khu khai quật phế tích hay những cành lá Bồ Đề vươn dài trên bờ
hồ đều phản chiếu một màu xanh biếc dưới bầu trời trong yên ả. Ngồi
dưới tàng cây Bồ Đề râm mát bên bờ hồ, chúng ta cảm thấy thật dễ chịu
và nên thơ làm sao! Rất tiếc, chúng tôi không phải nhà thơ nên không
thể xuất vài vần thơ làm kỷ niệm. Và rồi thời gian không cho phép
nán lại lâu hơn nữa, đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường đến Câu Thi Na
(Kusinagar), nơi đức Thế Tôn nhập Vô Dư Niết Bàn.
[1]
Kinh Trường A hàm I.