Phật Đà và Giê Su – Một so sánh (Holger Kersten)
Holger Kersten
03/04/2012 12:34 (GMT+7) Kích cỡ chữ:
| Holger Kersten |
Holger
Kersten sinh năm 1951 ở Magdeburg (Cộng Hòa Dân Chủ Ðức cũ). Năm 1962
gia đình ông di trú sang Cộng Hòa Liên Bang Ðức. Trong các năm 1973 -
74 ông thực hiện những chuyến đi đầu tiên về phương Ðông. Ông đã đến
Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Afghanistan. Từ 1974 đến 1979, ông học tập để trở
thành một giảng sư tôn giáo ở một Trường đại học thuộc giáo hội Tin Lành
Freiburg (Hắc Lâm). Sau đó ông lưu trú nhiều tháng ở Ấn Ðộ để nghiên
cứu khoa học. Cho đến 1982 ông là giáo sư môn giáo dục tín ngưỡng ở một
trường hướng nghiệp gần Freiburg. Kể từ đó ông là tác giả và cộng tác
viên tự do của nhiều tờ báo thuộc nhóm Thời Ðại Mới. Ông đi nhiều, phần
lớn hướng về phương Ðông. Nơi ở chính thức của ông là Freiburg.
Bài dịch này, nhan đề của người dịch, là trích đoạn chương hai của tác phẩm Jesus lived in India – his unknown life before and after the crucifixion, bản
dịch Anh ngữ (nguyên tác Ðức ngữ của Nxb Droemer/Knaur, Munich 1983)
xuất bản bởi Element Book Ltd., Longmead, Shaftesbury, Dorset SP7
8PL, England.
Người dịch Giê Su có phải là một người Do Thái chính thống không?
Sự
kiện cho rằng Giê Su có thể chính là hiện thân của lý tưởng phát khởi
từ Ấn Ðộ thời Phật giáo Mahayana (Ðại thừa), vừa mới nảy sinh ở thời
ngài, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Ngay cả ở những chi tiết nhỏ nhặt
nhất, ngài cũng tượng trưng cho những đặc tính của lý tưởng Bồ Tát vừa
mới tượng hình ở thế kỷ thứ ba trước C.N., khi Phật giáo thay đổi từ
giáo lý Hinayana (Tiểu thừa) của các tu sĩ nặng tính ích kỷ thành một
tôn giáo đại chúng sinh. Sự hiện hữu trần tục của một Bồ Tát hoàn toàn
được xác định ở sứ mệnh của ngài là bậc cứu thế, bậc phải hướng dẫn tất
cả chúng sinh đi theo chánh đạo để được giải thoát khỏi những đau khổ
trần gian. Mặc cho
tất cả mọi cố gắng bôi đen nguồn gốc thật sự của những lời giảng của
Giê Su và mặc cho tính chất phong thánh mạnh mẽ trong các sách Phúc âm,
chúng ta vẫn tìm thấy nhiều hơn một trăm đoạn văn chỉ rõ nguồn gốc của chúng từ trong Phật giáo nguyên thủy mà ra. Trước
khi nói đến điểm ấy, đầu tiên rất cần chỉ ra rằng Giê Su không bao giờ
là một người Do Thái chính thống như người ta hay trình bày về ngài.
Sự chết, gia đình, phụ nữ, trẻ em – hãy lấy bốn thí dụ, bốn thực tế này
làm các tiêu chuẩn giúp chúng ta phân biệt về cơ bản cái tôn giáo gọi
là “thành tựu của tín ngưỡng cổ đại” khác với chính tín ngưỡng này về
nhiều yếu tố quyết định như thế nào.
Người ta cho rằng Giê Su đã
triệt hạ tất cả những gì là thiêng liêng đối với văn hoá Do Thái. Nổi
bật hơn tất cả là về sự chết và về gia đình. Trong bốn câu tiếp nhau
Thánh Luke thuật lại Giê Su chuộng tự do và chủ trương việc chôn cất
đơn giản như sau: “ngài phán cùng kẻ khác rằng: Ngươi hãy theo ta. Kẻ
ấy thưa rằng: Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã. Nhưng Ðức Chúa
Giê Su phán rằng: Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; còn ngươi, hãy đi rao
giảng nước Ðức Chúa Trời.”(Luke/Lu-ca: 9, 59 – 60). Cả những liên hệ
gia đình cũng chỉ là thứ yếu: “Có kẻ khác nữa thưa rằng: Lạy Chúa, tôi
sẽ theo Chúa, song xin cho phép tôi trước về từ giã người trong nhà
tôi. Ðức Chúa Giê Su phán rằng: Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đàng
sau, thì không xứng đáng với nước Chúa Trời.” (Lu-ca: 61 - 62). Lời
giảng và hành vi của Giê Su hễ đụng chạm đến các vấn đề liên hệ gia
đình là lại xúc phạm tình cảm của người Do Thái, như tác giả Do Thái
Montefiore đã nhận xét: “ Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ,
vợ con, anh em, chị em mình... thì không được làm môn đồ ta.” (Lu-ca:
14, 26). Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai
hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta.” (Matthew/Ma-thi-ơ:
10, 37). “Khi Ðức Chúa Giê Su còn phán cùng dân chúng, thì Mẹ và anh em
ngài đến đứng ngoài, muốn nói cùng ngài. Có người thưa cùng ngài rằng:
Ðây này, mẹ và anh em thầy ở ngoài, muốn nói cùng thầy. ngài đáp rằng:
Ai là cha mẹ ta, ai là anh em ta? ngài giơ tay chỉ các môn đồ mình mà
phán rằng: Này là mẹ ta cùng anh em ta !” (Ma-thi-ơ: 12, 46 - 49). Tên
Giê Su đã được đặt cho những cuộc “thập tự chinh nhằm bảo vệ gia đình”
lại chính là tên của người đã phải trốn chạy khỏi gia đình luôn luôn
tìm cách ràng buộc mình. Và
cuối cùng chính Mathew, người rao giảng phúc âm cho dân Do Thái, đã
trích dẫn một câu nói của Giê Su, độc đáo trong suốt thời cổ đại và phỉ
báng đối với đạo Do Thái: “Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái
với mẹ , dân với bà già.” Và ông nói thêm, giống Freud sau này một
cách kỳ lạ: “và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình.”
(Ma-thi-ơ: 10, 35 - 36). Ngày nay có niềm tin rộng rãi cho rằng thái độ
của Giê Su đối với các quan hệ gia đình và việc ngài chống lại đức tin
bất khả xâm phạm của phong hoá thời ấy tượng trưng cho một hiện tượng
độc nhất vô nhị. Nhưng chẳng phải đây chính là lời dạy phải hướng đến
hoàn toàn dứt bỏ tự ngã và đạt đến viên mãn trong tư tưởng và trong hành
động hay sao? Ðể được thoát khổ, con người phải giải thoát mình khỏi
tất cả mọi xu hướng cá nhân và vượt qua tất cả mọi giới hạn vị kỷ. Chừng
nào mà con người chưa thể giải phóng mình khỏi những ước vọng trần tục
thì anh ta vẫn mãi chìm đắm trong kiếp luân hồi. Giê Su không quan tâm
chút nào đến những luật lệ vô nghĩa, vô ích và trống rỗng, và thường
xuyên vi phạm pháp chế Do Thái. Việc ngài bỏ qua luật Sa bát (ngày nghỉ
cuối tuần của người Do Thái) một cách quá rõ ràng cuối cùng đã đưa ngài
thẳng đến giá thập tự.
Phật Đà và Giê Su - Một so sánh Trước
khi giáng thế, Ðức Phật là một đấng tâm linh đang ở giữa các thánh
thần trên thượng giới. ngài xuống cứu độ chúng sinh trên thế gian là do
ý nguyện riêng của mình. Cũng giống như Chúa trong Kinh Thánh, ngài
được sinh ra bằng phép lạ. Các thiên thần loan báo ngài là vị cứu thế
và báo trước với mẹ ngài. “Tin vui sẽ đến với bà, hỡi Hoàng hậu Maya,
bà sẽ được ân sủng và hạnh phúc, vì đứa con bà sinh ra không phải là
người phàm!” Cũng có một Simeone của Phật giáo. Asita
(A-tư-đà) già nua thánh khiết báo trước ngày sinh Ðức Phật cũng giống
hệt như Simeone già lão kính sợ Thượng đế báo trước việc sinh Chúa Cứu
Thế. Ðược Thượng đế dẫn dắt, nhà tiên tri ngay trước giờ chết của mình,
đã đến bên hài nhi, bồng ẵm lên và tràn đầy hạnh phúc tiên tri như
vầy: “Người này là vô song, người cao cả hơn tất cả mọi người... cậu bé
này sẽ đạt đến đại ngộ; là người nhận biết gì là thánh khiết nhất và
phát khởi bánh xe pháp luân, là người thương xót và chăm lo cho an lạc
của chúng sinh. Ðạo của người sẽ lan đi khắp nơi.” Simeone cũng bế hài
nhi lên và nói: “Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua
đời bình an, theo như lời ngài: Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của
ngài, mà ngài đã sắm sửa đặng làm ánh sáng trước mặt muôn dân, soi khắp
thiên hạ, và làm vinh hiển cho dân Israel là dân ngài.” (Lu-ca 2: 29 -
32). Ngay cả những nhà nghiên cứu cẩn trọng nhất cũng tin rằng mô típ
này bắt nguồn thẳng từ Phật giáo. Ở trường học, thái tử thông
thạo tất cả mọi loại sách vở. Một lần ngài làm một chuyến du hành
ngắn, bị lạc và người ta tìm thấy ngài đang ngồi thiền định. Giê Su năm
mười hai tuổi tranh luận uyên bác với những học giả Do Thái trong một
đền thờ đang lúc cha mẹ đi tìm. Những điểm tương tự này rõ ràng đã
không được người ta lưu tâm. Khoảng năm 30 tuổi, nghĩa là cùng
tuổi với Chúa trong Kinh Thánh, Ðức Phật bắt đầu lên đường hành đạo.
Trong lúc ăn chay và cầu nguyện, ngài bị ma quỉ cám dỗ cũng y như Giê
Su bị quỉ dụ dỗ sau kỳ chay kéo dài bốn mươi ngày đêm. Chúng ta cũng
biết chuyện Zoroaster bị cám dỗ và cùng một mô típ này, rất phổ biến ở
Ðông phương, lại cũng xuất hiện trong truyện truyền kỳ về các vị thánh
Thiên Chúa giáo.
Giống như Giê Su, Ðức Phật lang thang khắp nơi
với các môn đồ trong cảnh nghèo đói, trao đổi với họ bằng các châm
ngôn, hình ảnh, ngụ ngôn. Giống như Chúa trong Kinh Thánh, Phật cũng có
mười hai đồ đệ chính. Hai môn đồ đầu tiên là hai anh em, lại hoàn toàn
trùng hợp với hai môn đồ đầu tiên của Giê Su. Những tùy tòng đầu tiên
của Phật đang ngồi dưới một cây bồ đề (biểu tượng của Phật giáo) khi
ngài lên tiếng gọi, và Giê Su cũng thế, gặp một trong những sứ đồ đầu
tiên dưới một gốc cây bồ đề. Cả Phật lẫn Chúa đều có một môn đồ yêu quí
và một tên phản bội. Và tên phản bội Devadatta của Phật bị thất bại cơ
mưu, cũng giống như Judas cuối cùng nhận lấy kết quả tồi tệ. Cũng
kịch liệt như Giê Su khi phê phán các người Pharisees (tín đồ giáo
phái Pha-ri) , những giáo đồ chính thống giáo ở thành Thora, Ðức Phật
đả kích luật lệ lễ nghi bề ngoài của những người Bà-la-môn là những tín
đồ chính thống của Kinh Vệ-đà: “Là con đẻ của trò buôn bán chữ nghĩa,
các tu sĩ này chuyên giăng mắc giáo điều và có mặt ở nơi sinh ra đủ mọi
tội ác.” Tương tự, Giê Su nói về dân Pha-ri-si như sau: “Bọn ấy buộc
những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn
động ngón tay vào. Thế mà họ làm việc gì cũng cố để cho người ta
thấy.” (Ma-thi-ơ: 23, 4 - 5). Cũng cùng một cách như Phật vạch mặt người
Bà-la-môn: “Trong lúc chải chuốt vẻ bên ngoài, trong lòng các ngươi
chỉ là củi mục mà thôi”, Chúa Giê Su lột trần chân tướng bọn Pha-ra-si:
“Các ngươi giống như mồ mả tô trắng bên ngoài cho đẹp, mà bề trong thì
đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy.” (Ma-thi-ô: 23,27). Giống như
Phật chống lại lễ tế sống của người Bà-la-môn, Chúa cũng chống lại lễ
hiến máu của người Do Thái. Và hệt như Phật kết án những lễ nghi tắm rửa
cũng như những quan niệm nông cạn về thanh khiết và uế tạp, Chúa Giê
Su cũng có chung những điều nghi ngại như vậy.
Tư tưởng Phật giáo trong những lời giảng của Giê Su Chúng
ta đều biết mối liên hệ chặt chẽ giữa những lời giảng về đạo đức của
Phật Đà và của Chúa Giê Su. Cả hai ngài đều cấm sát sinh, trộm cắp, nói
dối và gian dâm. Cả hai đều bắt tôn kính người già lão. Cả hai đều đề
cao sự bình an trong tâm hồn. Cả hai đều muốn vượt thắng cái ác bằng
cái thiện, đều dạy yêu thương kẻ thù địch mình, khuyên can con người
đừng xây dựng của cải thế gian mà hãy hướng tới từ bi bác ái. Những
điểm giống nhau thật là rất nhiều, thậm chí một số lời giảng còn trùng
hợp nhau từng chữ một. Phật Đà tự gọi mình là “Con của Người” cũng
giống như Giê Su và có khi gọi mình là “Tiên tri”, “Thầy” và “Chúa tể”.
Thế gian gọi Phật là “Con mắt của thế giới” và “Ánh sáng vô song” tương
ứng với tên gọi Giê Su “Ánh sáng của thế giới” và “Ánh sáng chân
thật”. Ðức Phật hiểu rõ chính mình và vai trò của mình cũng
không ít hơn Chúa trong Kinh Thánh. Như Phật nói: “Ta biết Thượng đế và
cõi thượng giới của ngài và đường dẫn đến ngài. Ta biết ngài vì ta đã ở
niết bàn và sinh ra từ đó.” Hoặc Phật nói: “Những ai tin ta và yêu mến
ta thì chắc chắn sẽ được lên cõi cực lạc – Những ai tin ta thì có thể
chắc chắn là sẽ được cứu độ.” Câu nói này thật giống lời hứa của Chúa
Giê Su theo Thánh Giăng: “Ai nghe lời ta mà tin đấng đã sai ta, thì
được sự sống đời đời...” (John /Giăng: 5, 24). Hoặc câu khác: “Kẻ nào
tin ta thì sẽ sống.” (Giaêng: 11, 25).
Phật bảo các môn đồ:
“Những ai có tai để nghe, thì hãy để cho tai được nghe”. ngài thực hiện
nhiều phép lạ, người bệnh được chữa lành, người mù được sáng mắt,
người điếc lại nghe được, người què đi đứng thẳng thắn. ngài vượt qua
sông Hằng lũ lụt như Giê Su vượt qua hồ. Và khi các môn đồ của Giê Su
thi hành phép lạ, họ đã có những người đi trước là các môn đồ của Phật
rồi. Chẳng hạn Thánh Peter đi trên mặt nước thì một đồ đệ của Ðức Phật
đã thực hiện trước kia. Và cũng y như Peter bị chìm ngay khi đức tin
lung lay, đồ đệ của Phật cũng bị chìm khi thức tỉnh ra khỏi thiền định.
Và cũng như Thánh Peter được Chúa cứu, đồ đệ của Phật nhờ lại tập
trung quán tưởng về Thầy của mình mà khỏi chết. Tân Ước mô phỏng những
hiện tượng này là hiển nhiên, vì thật ra ý niệm gán cho những tín đồ
với đức tin mạnh mẽ có khả năng đi trên mặt nước là hoàn toàn xa lạ đối
với người Do Thái, trong lúc phổ biến từ lâu ở Ấn Ðộ. Phật
cũng như Giê Su không bao giờ thi thố phép lạ chỉ cốt để gây cảm xúc.
Như Phật nói với một Yogi (thầy tu Yoga) sau hai mươi lăm năm khổ tu đã
đạt tới khả năng đi qua sông không ướt gót chân: “Nhà ngươi quả thật
đã phí thời gian cho việc làm đó, trong lúc chỉ cần một đồng xu trả
công cho người chèo thuyền chở ngươi“. Tuy vậy, sau này, trong Phật
giáo Mahayana phép lạ đóng vai trò cũng áp đảo như trong Thiên Chúa
giáo và Hồi giáo. Quần chúng thuộc mọi tôn giáo đều có xu hướng tin vào
quyền phép và những bảo đảm của thế giới khác hơn là tinh thần và tâm
linh. Họ muốn điều gì đó được làm cho họ chứ không phải là thông qua họ.
Ðến đây tôi muốn nêu lên một trong những trùng hợp kỳ lạ giữa
kinh sách Ấn Ðộ và Kinh Tân Ước, đó là truyện “Vật cúng nhỏ mọn của
người đàn bà góa”. Trong truyện Phật giáo, bọn người giàu có dâng cúng
những vật quí giá trong một lễ hội tôn giáo. Một goá phụ nghèo nàn
chẳng có gì ngoài hai đồng xu. Ðó là tất cả những gì bà có nhưng bà đã
dâng cúng với lòng hoan hỉ. Nhà tu nhận biết tấm lòng cao quí của bà và
khen ngợi bà mà không đếm xỉa gì đến những vật cúng đường khác. Truyện
này trùng với Tân Ước theo Thánh Mác: “Ðức Chúa Giê Su ngồi đối ngang
với cái rương đựng tiền dâng, coi dân chúng bỏ tiền vào thế nào. Có lắm
người giàu bỏ nhiều tiền cũng có một mụ goá nghèo kia đến bỏ hai đồng
tiền ăn một phần tư xu. ngài bèn kêu môn đồ và phán rằng: Quả thật, ta
nói cùng các ngươi, mụ goá nghèo này đã bỏ tiền vào rương nhiều hơn hết
thảy những người đã bỏ vào. Vì mọi kẻ khác lấy của dư của mình bỏ vào,
còn mụ này nghèo cực lắm, đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi
mình.” (Mark/Maùc: 12, 41 - 44). Ngoài ý tưởng nền tảng của
hai truyện kể có liên quan với nhau, cần nhắc đến những chi tiết nổi
bật sau: cả hai truyện đều viết về một người đàn bà; cả hai bà đều
nghèo; cả hai bà đều hy sinh ở giáo đường; cả hai bà đều hy sinh tất cả
những gì mình có; cả hai bà đều chỉ có hai đồng tiền xu; cả hai bà đều
được người ngoại cuộc ngợi khen; hy sinh của cả hai bà đều được đánh
giá cao hơn mọi vật dâng cúng của bọn nhà giàu. Với truyện này nữa, kết
luận rằng Kinh Thánh Thiên Chúa giáo viết dựa theo truyện kể có trước
là khó tránh khỏi. Những điểm tương đồng giữa Phật giáo và
Thiên Chúa giáo vẫn tiếp tục sau khi hai ngài qua đời. Huyền thoại và
truyền thuyết đã lý tưởng hóa hai vị Phật Đà và Giê Su ngay sau đó đã
được tôn sùng lên hàng thượng đẳng, cao hơn tất cả các thánh thần khác.
Thế gian dựng nên vô số những điều thần bí. Trong cả hai tín ngưỡng,
lúc ban đầu đều không tổ chức giáo hội, mà chỉ là cộng đồng đồng tâm
đồng chí. Một cuộc tranh luận về học thuyết đã chia rẽ Tiểu thừa và Đại
thừa, những người bảo thủ khổ hạnh và những lực lượng cấp tiến trong
cộng đồng Phật giáo rộng lớn cũng tương đồng với cuộc đấu tranh giữa
phe Thiên Chúa giáo Do Thái bảo thủ và những hội đoàn Thiên Chúa giáo
cấp tiến. Cả hai tôn giáo đều đã triệu tập hội đồng tông đồ, một ở
Jerusalem và một ở Rajayriha. Và cũng như những tu sĩ Phật giáo chính
thống minh định giáo lý ở Hội đồng Pataliputra (năm 241 trước C.N.) sau
khi Ðức Phật qua đời khoảng 250 năm, các tu sĩ Thiên Chúa giáo chính
thống cũng định đặt các giáo điều của mình ở Hội đồng Nicaca (năm 325)
sau khi Giê Su khuất bóng khoảng 300 năm.
Những
trích dẫn Kinh Thánh (Bible) đều là nguyên văn từ Kinh Thánh Cựu Ước và
Tân Ước (Vietnamese Bible, Edition No. 7, Printed in Hong Kong 1961,
British & Foreign Bible Society). Để tiện cho việc tham khảo, mỗi
tên thánh trong ngoặc đơn dùng lần đầu đều được người dịch ghi chữ Anh
và chữ phiên âm trong Kinh Thánh, thí dụ Mark/Mác: 12, 41-44. Số trước
dấu phẩy là số của đoạn, các số sau dấu phẩy là số của câu, có ghi rõ
trong các sách Kinh Thánh.
Nguyễn Phan Thịnh dịch
Theo talawas
|