1.
Tối nào ngoại cũng thắp nhang ngoài bàn thờ ông thiên và thành tâm vái
lạy. Tôi đoán biết là ngoại đã không cầu xin gì cho ngoại hay khấn vái
chung chung cho các con cháu của ngoại nữa. Mà lần này, bắt đầu từ đây,
ngoại chỉ riêng dành nguyện cầu trời Phật phò hộ cho má tôi mau hết
bịnh. Nhất là sau lần nhập viện chót để mổ, bác sĩ biểu đem má tôi về
nhà “thích gì cho ăn đó, không cần kiêng cử nữa!”.
Má tôi bị ung thư tụy giai đoạn cuối, cả nhà giấu nhẹm, giấu luôn ngoại.
Nhưng hình như linh tính của một bà mẹ đã báo trước những chuyện chẳng
lành sắp sửa xảy ra cho gia đình nên dù mần gì mần, ngoại cũng lầm thầm
cầu nguyện.
Ngoại cũng không quên nhắc chừng má tôi “ráng ăn đi con cho mau lại sức”
và hay gợi lại những kỷ niệm xa gần, nói chuyện này nọ để má tôi phấn
khởi trong lòng mà kéo dài thêm cuộc sống.
Ai dè, đâu được hai tháng ổn ổn là má tôi trở bịnh. Má biếng ăn hơn. Cơn
đau nội tạng hoành hành làm quằn quại thân tâm má và làm cho ngoại phải
sùi sụt kêu trời. Má tôi gầy mòn trông thấy rõ.
Mỗi ngày ngoại vẫn nấu nồi cháo, đun ấm nước sôi... Ngoại giành làm mọi
thứ cho má tôi vì sợ không còn dịp để dốc cạn lòng yêu thương nữa. Má
tôi cũng cố nuốt chút cháo, húp miếng súp cho ngoại vui mà cũng để tia
hy vọng cuối cùng không tàn lụi.
Cho tới một ngày... chưa đầy sáu tháng như lời bác sĩ nói thì má tôi đã
ra đi, trút gánh đau thương mà về cõi vĩnh hằng. Ngoại vật vã kêu gào
thảm thiết. Ngoại nấc không thành tiếng. Chết lặng! Cảnh “tre già khóc
măng non” cào xé lòng người.
Năm đó, tuổi ngoại đã ngoài tám mươi!...
2.
Suốt ba tháng quân trường đều đặn, cứ mỗi sáng chủ nhật là má lên thăm
tôi. Lần nào má cũng đem theo các món ăn mà tôi ưa thích. Má nhìn ngó
rồi nắm tay tôi âu yếm hỏi han, dặn dò từng ly từng tí. Tôi cũng hỏi
thăm sức khỏe của má nhưng chỉ qua loa.
Hai tháng trôi nhanh, nhờ học tập tốt nên tôi được “đề xuất” lên chỉ huy
cho về “đột xuất” một ngày thăm gia đình. Sự bất ngờ đó đã nhân niềm vui
của má lên gấp bội. Nhưng sau cái “hạnh phúc” ấy tôi đã bắt gặp trong
ánh mắt của má dường như có điều gì đang lo lắng. Ừ! Thấy vậy thì biết
vậy, hình như tôi cũng chẳng mấy bận tâm. Vô tình thật.
Hôm mãn khóa huấn luyện má đã theo tôi đến đơn vị mới. Tôi sợ má đi xa
sẽ mệt nên kêu thôi. Má dịu ngọt: “Hổng sao đâu! Má muốn biết nơi ăn
chốn ở của con thế nào để má yên tâm.” Tôi thỏ thẻ: “Con sẽ cố gắng chấp
hành tốt công tác để vài ba tháng được về thăm má một lần. Má khỏi lên
thăm con chi cho cực.”
Tôi về đơn vị mới được hơn bốn tháng thì ở nhà má lâm bịnh. Sợ tôi lo
nên má không cho hay biết gì. Ngay cả lần tôi về “tranh thủ” vừa rồi má
cũng im ru. Mãi đến khi thấy cơ thể quá suy hao, không cam chịu nổi nữa
rồi thì má mới điện thoại nhắn tôi về. Tôi xin phép đơn vị trở về lo cho
má.
Tôi đưa má đi điều trị nhiều nơi, nhiều chỗ, hết bác sĩ này đến thầy
thuốc nọ, cả tây lẫn ta, rồi vào nằm chữa trị ở nhiều bệnh viện lớn trên
thành phố mà bệnh tình cũng chẳng giảm thuyên. Tới khi phát hiện ra
chính xác căn bệnh thì cũng là lúc má tôi kiệt sức tàn hơi.
Than ôi! Cái việc mơ hồ về bệnh trạng hồi ấy đã khiến má phải đi loanh
quanh, lòng vòng đến trễ tràng không còn cứu chữa kịp nữa, sau này tôi
mới biết chính là do sự bạc phước vô phần, là nghiệp quả của nhiều kiếp
gây tạo ở quá khứ xa xưa!...
3.
Chị yêu anh, ba má không đồng ý. Nhưng vì thương con, ba má đã lấy buồn
làm vui mà chấp thuận cho anh chị nên vợ nên chồng.
Hôm chị sanh, má đem chị về nhà chăm sóc. Ba mỗi ngày vẫn chỉ bảo, nhắc
nhở anh làm cái này cái nọ lúc chị còn trong tháng. Ba biểu anh đi kiếm
chặt mấy nhánh dâu đem về giắt xung quanh chỗ chị nằm để em bé không bị
giựt mình (?). Ba dặn dò đủ thứ. Dĩ nhiên là ba nhắc nhở không thường
xuyên và kỹ lưỡng như má. Đàn ông mà!
Hôm bé được đầy tháng, ba tự tay ẵm bé lên nhà trên. Để bé nằm yên giữa
đi-văng, ba đến trước bàn thờ thành kính đốt nhang khấn vái...
Ba thương chị, thương cháu nhiều hay ít thì tôi không rõ. Tôi chỉ biết
là ba cũng thường lo lắng, sốt ruột mỗi khi chị đi đâu về trễ. Rồi ba
cũng bực mình, cằn nhằn, rầy la, buồn giận khi nói chị không nghe lời...
Chị là con riêng của má.
4.
Em điện thoại cho tôi mà chẳng nói được câu nào. Khóc tức tưởi. Tôi biết
là em đang đau lắm vì ít khi nào em khóc than kể lể. Tôi nghe em nức nở,
lòng lặng đi. Những giọt nước mắt tủi thân tủi phận được dịp tuôn tràn,
chảy xuống bờ môi mặn đắng.
Có anh bạn bảo là anh cũng đang hồi hộp lo sợ cho một điều hiển nhiên
của kiếp sống là ai rồi cũng chết. Không phải nghĩ cho anh mà là lo lắng
cho cha mẹ già. Anh cũng không ít lần an ủi “chuyện gì đến sẽ đến, phải
chấp nhận đón lấy hai nỗi đau cùng cực ấy để rồi thôi!”
Tôi ngậm ngùi. Chỉ những ai bất hạnh sớm mất mẹ cha mới thấu hiểu nỗi
đau đó dài ngắn thế nào, lớn nhỏ ra sao. Chứ như tôi thấy thì cái gì
cái, nỗi đau mồ côi nó âm ỉ tê buốt lòng ghê gớm lắm! Nhất là khi gặp
phải thói đời đen bạc, thế thái nhân tình mà không có cha mẹ bên cạnh vỗ
về, chia sẻ thì niềm đau tan tác cả tâm can.
Để rồi đây đó bên đời xuôi ngược, nỗi tủi buồn muôn năm cũ như chực chờ
trỗi dậy mỗi khi thấy bạn bè còn có cha mẹ để ấp ủ yêu thương. Vậy thì
hỡi ôi! Cái xót xa tấc dạ ấy đâu chỉ có một, hai lần mà là nó sẽ kéo dài
dai dẳng suốt một đời cù bất cù bơ.
5.
Trưa. Khách khứa đến chia buồn đã vãn đi ít nhiều. Chị thắp thêm nhang
trước quan tài anh rồi lẳng lặng bồng con ra nhà sau đưa ngủ.
Ầu... ơ...
Con ơi con ngủ đi con,
Con khóc làm mẹ héo hon tấc lòng.
Chiều chiều chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau.
Ầu… ơ…
Tôi quay lưng bước đi chỗ khác, không dám nghe trọn bài ru vì sợ không
cầm được nước mắt. Đứa bé mười tháng tuổi, khóc đã rồi nín, rồi chìm vào
giấc ngủ say trong lời ru buồn xé ruột của mẹ nó.
Anh vẫn nằm im trong cỗ quan tài. Bất động. Lạnh lẽo. Bình yên?
Thật không ai ngờ tới được, mới mấy bữa nay thôi, anh còn khoe với đám
bạn đủ điều về đứa con gái đầu lòng dễ cưng mà anh vừa có được sau hơn
mười năm lấy vợ. Anh nói với tụi bạn là “sắp tới ngày thôi nôi của con
tao, tụi mầy nhớ tới nhà làm một chầu quắc cần câu luôn nghen!”
Trước đó, hàng xóm còn thấy anh bồng con hát nghêu ngao ngoài vườn. Mỗi
khi con khóc, anh cằn nhằn chị không biết dỗ con. Anh giành phần hát ru
con ngủ.
Con ngủ đã giấc rồi con thức dậy. Con đòi bú, con chơi…
Còn anh, xế trưa hôm qua anh đã đi vào giấc ngủ thiên thu. Thảm thương.
Đau đớn.
6.
Hoàn cảnh không cho nó tự do bộc lộ cảm xúc trước mặt bá quan văn võ. Nó
cũng không cho mình cái quyền được tuôn trào nước mắt thản nhiên giữa
thanh thiên bạch nhật. Không ai ngăn cấm nhưng mà nó ngần ngại, sợ làm
ảnh hưởng đến tập thể. Ấy vậy mà có lúc nó cũng vô tư làm rơi giọt lệ
sầu. Ồ! Thói quen thôi.
Thường thì nó vẫn âm thầm nén chặt niềm đau, chôn vùi thương nhớ. Nó chỉ
dám nghẹn ngào những khi lặng lẽ một mình, hoặc trong phòng riêng, hoặc
khuất sau chái nhà.
Ngày giỗ ba, rồi sau này là ngày giỗ má, nó thường dành chút thời giờ để
tưởng nhớ. Lần nọ, hồi má còn sống, khi nuôi má bịnh ở nhà thương, nó đã
cúng giỗ ba trong đó. Mấy món cơm canh chay đạm bạc, đơn lẻ, vội vàng
được bày ra bên góc hành lang, đầy một góc lòng, nó cúi đầu lâm râm khấn
vái.
Tối hôm đó, nó nhờ người nuôi bệnh kế bên dòm chừng má nó giùm một chút.
Nó tranh thủ kêu xe ôm chở tới ngôi chùa gần nhất để lạy Phật cầu siêu
cho ba và cầu an cho má. Cũng là thói quen.
Nó dư biết là tâm hương quyện với lòng thành sẽ có “giá trị” gấp trăm
ngàn lần kiểu cách hình thức bên ngoài. Thế nhưng, nếu không thể hiện
chút gì đó của tấc lòng thì nó chẳng yên bụng. Nó sẽ cảm thấy thiếu
thiếu cái gì đó nếu như bỏ qua phần lễ nghi tưởng niệm.
7.
Lúc sinh thời, mỗi khi thấy tôi làm biếng học là má lại tỉ tê gạn hỏi lý
do, rồi dỗ dành khuyên lơn nhắc nhở. Má ít khi la mắng hay đánh đòn mà
chỉ nhỏ nhẹ phân tích thiệt hơn, chỉ dạy điều hay lẽ phải. Má cũng
thường hay nhắc lại câu nói của ông ngoại từ cái thời xa xưa năm nẳm năm
nào thuở má còn cắp sách.
Má nói ngoại luôn tha thiết như vầy: “Ba má thất học nên nghèo. Khi ba
má chết không có của để lại cho các con. Ba má chỉ cho các con cái chữ
để sau này tự nuôi sống bản thân.”
Không những má nhắc lại y chang lời của ngoại mà còn “mở ngoặc” cặn kẽ
thêm rằng: “Dẫu ba má có của để lại mà con cái không có ăn học, không
biết cách làm ăn, giữ gìn thì sớm muộn gì cũng tiêu tan hết. Chi bằng
tụi con ráng học cho có trình độ để sau này còn có chữ nghĩa để bán mà
nuôi thân.”
Tất nhiên, hồi ấy anh em tôi ngoan ngoãn vâng lời. Nhưng con đường mà
tôi chọn lại rẽ sang một hướng khác, nó hoàn toàn mới mẻ đối với gia
đình tôi, cả hai bên họ hàng nội ngoại. Má tôi như đoán biết hoài bão
của tôi nên đã bao phen ngăn cản, cũng như luôn âm thầm dòm ngó, canh
chừng tôi. Má tôi lo ngại.
Rồi cái ngày muôn người như một đều không dám đối diện, không dám luận
bàn, không dám nghĩ tới (trừ các bậc thức giả, nhà tu hành) lù lù xuất
hiện: Cái chết. Ai rồi cũng sẽ đến, ai rồi cũng phải qua, má tôi ra đi
vĩnh viễn. Má ngỡ ngàng giã biệt dương gian khi chưa kịp tới cái tuổi mà
người đời gọi là hưởng thọ. Anh em tôi hốt hoảng, bàng hoàng với nỗi đau
không một lời rên siết.
Ai đó đã nói “khi nỗi đau khổ đã đến tột cùng thì nước mắt chỉ chảy vào
mà không thể tiết ra.” Hẳn là như vậy!
Để rồi bây giờ và mãi về sau, cho tới ngày vô thường réo gọi thì có lẽ
nỗi nhớ niềm thương hai đấng sinh thành mới thôi ray rứt âm ỉ trong lòng
anh em tôi.
8.
Anh lập gia đình và đã có được hai con. Nhà anh ở cách nhà ba ruột chỉ
một cái sân của nhà bên cạnh. Ba anh sống với người vợ kế cũng có hai
đứa con. Anh thì ít tới lui qua lại.
Nghe anh bịnh, ba anh lo lắng, má kế cũng nóng lòng. Gia đình anh lục
đục, cơm không lành canh không ngọt, vợ anh lớn tiếng chửi mắng anh, ba
anh buồn thấu ruột. Mỗi khi nghe tiếng đứa con dâu ong óng vọng sang, ba
anh liền vô buồng đóng chặt cửa lại giấu hàng nước mắt.
Anh đi làm xa, ba anh sốt ruột ngóng trông. Bình thường, thỉnh thoảng vợ
anh cũng sang chơi, nói dăm ba câu “xã giao” thăm hỏi. Ba anh thì vẫn
như ngày nào, luôn niềm nở với con cháu. Có hai đứa cháu nội tới lui, ba
anh thấy an ủi tuổi già.
Ba anh thương tụi cháu thấy rõ. Ba anh cũng thương anh quá chừng quá đỗi
vậy. Nhiều người hàng xóm chê trách anh “bất hiếu”, ba anh cười phớt lờ
thông cảm: “Nó đi làm tối ngày chớ có rảnh rang gì! Tánh nó vậy!” Ba anh
chưa một lần buông lời than thở về anh.
Anh vẫn thản nhiên đi đi lại lại ngang nhà. Có khi thấy ba anh ngồi
trước hàng ba thì cũng ghé vào thăm hỏi ba điều bốn chuyện rồi đi. Những
lần ấy, ba anh sung sướng cả ngày.
Anh có nỗi khổ tâm của mình? Anh không thích má kế? Chẳng hề gì! Mà má
kế có ghét bỏ gì anh đâu. Anh ốm đau một tay bà lo liệu. Bà lại đứng ra
cưới vợ cho anh, rồi chỉ dẫn vợ anh cách làm ăn buôn bán. Thế thì... tại
vì sao nữa? Anh vẫn còn ông già ruột kia mà! Dù gì thì anh cũng không
nên dửng dưng với ba anh. Tội lắm.
Lúc ba anh mất, anh đang đi làm xa. Má kế cho người tìm vợ chồng anh về
để tang.
Anh bước vô nhà. Lặng im.
Hôm đưa ba anh đi chôn, anh đã bật khóc. Giọt nước mắt đau thương gì rồi
cũng sẽ khô đi và dòng lệ kia cũng sẽ được lau sạch, nhưng nỗi mất mát
và sự nuối tiếc ăn năn này sẽ dày vò xâu xé suốt đời anh.
9.
Cô Như Đức kể lại rằng trên chuyến xe khách hôm ấy có một bà cụ đi chung
với con gái, con rể và cháu ngoại. Xe chật chội, người ngồi phải ép sát
vào nhau. Bà giành đứa cháu ngoại ngồi với mình để cho má nó được thong
thả, thoải mái.
Chiếc xe đò chạy hụt hơi tìm rước khách. Ai nấy đều làm thinh, gật gù,
mệt mỏi trông cho mau tới nhà. Chỉ có bà là không hề mệt mỏi gì ráo,
tỉnh queo, hết lo nhắc đứa này tới nhắc đứa kia. Xức dầu, coi chừng giỏ
xách, đừng thò tay ra ngoài... Lúc nào bà cũng không yên.
Đến một cái chợ nhỏ, người mẹ mua bánh cho con trai con gái, chỉ lo cho
các con ăn uống mà quên bẵng bà mẹ mình. Tới chừng chợt nhớ thì chị mới
mời một tiếng: “Má ăn bánh, má!”
Rồi tới chỗ bà mẹ xuống trước, con cháu hình như còn đi đâu đó mới về
nhà sau. Bước xuống xe rồi bà còn lăng xăng chạy mua chai nước suối gởi
lên cho cháu.
Cô Như Đức trông thấy sự việc ấy, lòng ngậm ngùi!