Trong hệ thống giáo điển Phật-đà, cả Nam truyền và Bắc truyền đều có
những bài kinh, đoạn kinh nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ
rất là sâu sắc và cảm động.
Có những trang kinh đức Phật chỉ dạy phương pháp báo đáp ân đức sâu dày
của song thân một cách thiết thực nhất. Có nghĩa là đức Phật đã chỉ bày
cách báo ân chân chánh, hợp đạo lý, có lợi ích trong đời hiện tại và mai
sau.
Hay nói rõ hơn, đức Phật đã đưa ra tiêu chuẩn đối với một người con được
gọi là hiếu đạo thì phải hội đủ cả hai mặt sự và lý. Sự là hình thức báo
đáp bên ngoài, là lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều
thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm
cho cha mẹ phiền lòng. Lý là chăm lo đời sống tâm linh cho cha mẹ, hướng
cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phước lành, tu theo Chánh đạo; là
làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhơn quả, thoát ngoài
vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát
trong hiện tại và tương lai.
Nói cách khác, giúp cho cha mẹ có một đời sống hiền thiện chính là hiếu
hạnh, là phát tâm báo ân. Còn như để cha mẹ làm điều tà ác, không tu
dưỡng đạo đức là bất hiếu.
Theo quan điểm Phật giáo, thiện có nghĩa là không sát sanh, không trộm
cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời độc
ác, không nói lời phù phiếm, không tham, không sân, không si, có chánh
kiến.[18]
Ngược lại là bất thiện. Mà tham, sân, si
chính là gốc rễ của bất thiện.
Cho nên người tu học Phật pháp phải thấy rõ điều này để biết cách áp
dụng lời Phật dạy vào đời sống sinh hoạt của chính mình, để mỗi ngày bớt
tham, sân, si, thăng tiến trên đường đạo. Được như vậy mới thật sự là
người con hiếu đạo.
Trong đạo Phật, vấn đề hiếu đạo được đề cập nhiều trong kinh tạng Pali
của Phật giáo nguyên thủy và Hán tạng của hệ phái Bắc tông như: kinh
Trường Bộ, kinh A Hàm, kinh Báo Ân, kinh Vu Lan Bồn, kinh Hiếu Tử, kinh
Tâm Địa Quán...
Ở đây, chúng tôi sưu tập lại một số ít trong rất nhiều pháp thoại đức
Phật thuyết về công ơn cha mẹ và cách thức đáp đền của con cái đối với
cha mẹ hầu chia sẻ cùng các bạn.
“Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu,
Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu.”
(Kinh Nhẫn Nhục)
“Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ
thân này nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã
uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển.”
(Kinh Tương Ưng)
“Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết
được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi
xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang,
thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả
được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi
nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân đó
khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng
Chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:
– Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin
tưởng Tam bảo.
– Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.
– Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng về đường
thiện.
– Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chánh
kiến.
Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với Chánh pháp, khiến cha mẹ
không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong
tương lai.”
(Kinh Tăng Nhất A Hàm)
“– Cung kính và vâng lời cha mẹ.
– Phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu.
– Giữ gìn thanh danh truyền thống gia đình.
– Bảo vệ tài sản cha mẹ để lại.
– Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời.”
(Kinh Trường Bộ)
“Vô thỉ là luân hồi. Này các tỳ kheo, không dễ gì tìm được một chúng
sanh trong một thời gian dài này lại không một lần nào làm mẹ, làm cha.”
(Kinh Tương Ưng)
“Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Bao nhiêu đời
kiếp ta từ đó mà sanh ra, nên chúng sanh trong sáu đường là cha mẹ của
ta cả.”
(Kinh Phạm Võng)
“Này các thầy tỳ-kheo! Nếu người nào biết ơn và đền ơn, cho dù ở cách xa
ta ngàn dặm, nhưng ta vẫn xem người đó như đứng hầu gần bên ta. Còn nếu
như người nào không biết ơn và đền ơn, cho dù người đó có đứng hầu gần
bên ta nhưng ta vẫn xem họ cách xa ngàn dặm.”
(Kinh Tăng Nhất A Hàm)
“Nếu có người muốn được vua Phạm Thiên ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha
mẹ, vua Phạm Thiên đã có ở trong nhà. Muốn có Đế Thích ở trong nhà, hãy
hiếu dưỡng cha mẹ, Đế Thích sẵn ở trong nhà. Muốn được tất cả thiên thần
ở trong nhà, chỉ cúng dường cha mẹ, tất cả thiên thần đều ở trong nhà.
Cho đến muốn cúng dường Thánh Hiền và Phật, chỉ cúng dường cha mẹ, các
vị Thánh Hiền và Phật đều ở trong nhà.”
(Kinh Tạp Bảo Tạng)
“Phật hỏi các thầy sa-môn: ‘Con nuôi cha mẹ, lấy cam lồ trăm vị làm thức
ăn, dùng thiên nhạc làm vui tai, sắm y phục hảo hạng mặc nơi thân, vai
cõng cha mẹ đi khắp bốn phương, suốt đời phụng dưỡng như vậy, đáng gọi
là hiếu chăng?’
“Các thầy sa-môn thưa: ‘Người này là đại hiếu.’
“Phật dạy: ‘Chưa gọi là hiếu.’
“Phật bảo các thầy sa-môn: ‘Xem người thế gian không có hiếu thảo, chỉ
thế này mới gọi là hiếu: Hãy khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, thọ Tam quy,
giữ Ngũ giới. Dù cha mẹ sớm mai thọ trì quy giới, chiều về cõi chết, đối
với ơn nặng cha mẹ nuôi dưỡng, cũng gọi tạm đền.”
(Kinh Hiếu Tử)
“Mẹ hiền còn sống là mặt trời
giữa trưa chói sáng,
Mẹ hiền khuất bóng là mặt trời đã lặn.
Mẹ hiền còn sống là mặt trăng sáng tỏ,
Mẹ hiền khuất rồi là đêm tối âm u.
(Kinh Tâm Địa Quán)
“Vui thay hiếu kính Mẹ,
Vui thay hiếu kính Cha,
Vui thay kính Sa môn,
Kính bậc Thánh, vui thay!
(Kinh Pháp Cú)
“Có hai hạng người, này các tỳ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế
nào là hai? Là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ,
làm vậy cho đến trăm tuổi, nếu đấm bóp, thoa nước tắm rửa, thoa gội, và
dầu tại đấy có tiểu tiện, đại tiện, như thế, này các tỳ-kheo, cũng chưa
làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các tỳ-kheo, cha
mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng con khôn lớn, giới
thiệu con vào đời.”
(Kinh Tăng Chi I)
“Làm con đối với cha mẹ đem chút lễ mọn cúng dường thì được phước vô
lượng, trái lại làm ít điều bất thiện đối với cha mẹ tội cũng vô lượng.”
(Kinh Tạp Bảo Tạng)
“Thế Tôn lấy một ít đất để trên đầu ngón tay rồi hỏi các thầy tỳ-kheo,
đất trên đầu ngón tay ta nhiều hay đất trên quả địa cầu này nhiều?
– Bạch Đức Thế Tôn! Đất trên đầu ngón tay Như Lai so với đất trên quả
địa cầu thì quá ít.
– Cũng vậy, này các tỳ-kheo, những chúng sanh hiếu kính với cha mẹ thì
quá ít, như đất trên đầu ngón tay của ta, còn những chúng sanh không
hiếu kính với cha mẹ lại quá nhiều như đất trên địa cầu.”
(Kinh Tương Ưng)
“Những đứa con bất hiếu, sau khi chết bị đọa vào địa ngục A-tỳ, lửa dữ
thiêu đốt, ăn hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi, gươm đao đâm chém...
ngày đêm chết sống muôn lần, đến trăm ngàn kiếp không ngừng một giây, sự
hình phạt tại A-tỳ ngục, rất nặng nề ngỗ nghịch song thân.”
(Kinh Báo Hiếu)
“Ta trong nhiều kiếp quá khứ, nhờ từ tâm hiếu thuận, cúng dường cha mẹ,
do công đức đó, nên sinh lên các từng trời thì làm Thiên đế, xuống nhân
gian thì làm Thánh Vương.”
(Kinh Hiền Ngu)
“Thuở Phật còn tại thế có một vị chư thiên đến hỏi: ‘Bạch Đức Thế Tôn,
làm sao để có được vận may?’
“Phật đáp: ‘Phụng dưỡng cha và mẹ là vận may tối thượng.’”
(Kinh Hạnh Phúc)
“Ta trải qua nhiều kiếp tu hành thành đạo là nhờ công ơn của cha mẹ nuôi
dưỡng.”
(Kinh Phân biệt)
“Thờ trời đất quỷ thần không bằng có hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là hai
vị thần minh cao nhất trong các thần minh.”
(Kinh Tứ Thập Nhị Chương)
“Hiếu hạnh đứng đầu trăm hạnh tốt. Hiếu cảm đến trời thì mưa hòa gió
thuận, hiếu cảm đến đất thì muôn vật hóa sinh, hiếu cảm đến người thì
mọi phúc tăng trưởng.”
(Khế kinh)
“Ơn cha lành như núi Thái, nghĩa mẹ hiền sâu hơn biển cả. Nếu ta ở trong
đời một kiếp, nói công ơn cha mẹ không thể hết.”
“Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế, gặp thời không có Phật, khéo thờ cha
mẹ tức là thờ Phật vậy.”
(Kinh Tâm Địa Quán)
“Cha mẹ là Phạm Thiên,
Bậc đạo sư đời trước,
Xứng đáng được cúng dường,
Vì thương đến cháu con,
Do vậy bậc hiền trí,
Đảnh lễ và tôn trọng,
Dâng thức ăn nước uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp cùng tắm rửa.
Với sở hành như vậy,
Đời này người hiền khen,
Đời sau hưởng thiên lạc.”
(Kinh Hạnh Phúc)
“Thế Tôn lại bảo A-nan,
Ơn cha nghĩa mẹ mười phần phải tin.
Điều thứ nhất giữ gìn thai giáo,
Mười tháng trường chu đáo mọi bề.
Thứ hai sanh đẻ gớm ghê,
Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần.
Điều thứ ba thâm ân nuôi dưỡng,
Cực đến đâu, bền vững chẳng lay.
Thứ tư ăn đắng uống cay,
Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con.
Điều thứ năm lại còn khi ngủ,
Ướt mẹ nằm khô ráo phần con.
Thứ sáu sú nước nhai cơm,
Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê.
Điều thứ bảy không chê ô uế,
Giặt đồ dơ của trẻ không phiền.
Thứ tám chẳng nở chia riêng,
Nếu con đi vắng cha phiền mẹ lo.
Điều thứ chín miễn con sung sướng,
Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam.
Tính sao có lợi thì làm,
Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm.
Điều thứ mười chẳng ham trau chuốt,
Dành cho con các cuộc thanh nhàn.
Thương con như ngọc như vàng,
Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái sơn.”
(Kinh Báo Ân)
“Này các Tỳ Kheo, sữa mẹ mà các Thầy thọ nhận nơi người mẹ từ vô lượng
kiếp đến nay còn nhiều hơn nước của đại dương. Quý thầy nên biết sữa của
người mẹ là những giọt máu kết tinh thành những dòng sữa ngọt truyền qua
cho con, mỗi ngày đứa con bụ bẫm lớn lên đã rút tỉa tàn phá thân hình
người mẹ khô gầy héo mòn, chết sớm cũng vì con.”
(Kinh Tương Ưng)
“Người con nào giàu có mà không biết hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ, đó là
cửa ngõ đưa đến bại vong.”
(Kinh Đại Vân)
“Người nào muốn báo ơn nghĩa to lớn của cha mẹ, không có cách nào hơn là
phát tâm Bồ-đề cầu giác ngộ, rồi tìm cách hướng dẫn người thân của mình
và chúng sanh đồng phát tâm Bồ-đề, đó là cách báo ân rốt ráo.”
(Kinh Phương Tiện Phật Báo Ân)
“Người con chí hiếu dù có gặp đại nạn như tai trời, ách nước, địa
chấn... cũng sẽ thoát hiểm một cách an toàn. Nếu giàu thì được hưởng
trọn vẹn gia tài không bị nghịch cảnh, chướng duyên, nội nghịch ngoại
thù, luật vua phép nước, trộm cướp mất mùa... Nếu nghèo thì đời sống
trong sạch thanh nhàn, trời người yêu thương, danh thơm xông khắp, không
bị cảnh nợ nần khổ sở, ít bịnh tật, được tăng tuổi thọ... Sau khi chết
được sanh thiên.”
(Kinh Hạnh Phúc)
“Giữa các loài hai chân,
Chánh giác là tối thắng.
Trong các loài con cái,
Hiếu thuận là tối thắng.”
(Kinh Tăng Chi I)
Như trên, chúng ta đã thấy đức Phật dạy thật cụ thể, rõ ràng về ơn cha
nghĩa mẹ và những phương cách báo hiếu thông thường mà ai cũng có thể
làm được.
Rất mong rằng tất cả chúng ta đều ghi lòng tạc dạ, luôn nhớ nghĩ đến ân
nghĩa sinh thành sâu dày thâm trọng của cha mẹ để tìm cách đáp đền trong
muôn một!