Tịnh độ
Pháp ngữ của Đại sư Ngẫu Ích
Tác giả: Như Hòa
30/05/2553 03:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Dạy tạ tại chi
 
   Một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta quá khứ không khởi đầu, vị lai không kết thúc, hiện tại không ngằn mé, tìm chẳng thể được, nhưng chẳng thể nói là không; ứng dụng thiên biến vạn hóa, nhưng chẳng thể nói là có. Tam thế chư Phật, hết thảy chúng sinh đều không hai thể. Hư không mười phương, sát trần sai biệt đều là tướng phần được hiện trong tâm ta mà thôi. Vì thế, bốn loại Tịnh độ đều chẳng ở ngoài tâm, nên gọi là “duy tâm”. Nếu bảo Cực Lạc chẳng phải là tâm thì hóa ra Tây Phương ở ngoài tâm ư? Nhưng tâm ta đâu phải chỉ hạn cuộc trong Đông phương!

   Có người bảo: “Các pháp hữu vi đều như mộng, như huyễn”, chẳng biết rằng tâm tánh chẳng thể bảo là hữu vi, cũng chẳng thể bảo là vô vi. Do mê nên vô vi trở thành hữu vi, có Tam giới, luân hồi, nhân quả, ví như mộng, huyễn, bọt nước, bóng dáng, sương, chớp. Nếu phản mê quy ngộ thì hữu vi lại biến thành vô vi, như mộng được tỉnh, như huyễn trở về gốc, như bọt tan thành nước, như bóng dáng quy về thể chất, sương chẳng khác tính ướt, ánh chớp chẳng khác thường quang. Nay niệm Phật cầu sinh Tịnh độ chính là phản mê quy ngộ, chí viên, chí đốn, giống hệt như những chuyện: mộng, huyễn... quy về.

   Nhưng nếu luận trên phương diện đối đãi thì kiếm sống chốn Ta-bà là càng tăng thêm mộng, cầu sinh Tịnh độ là tỉnh mộng; chẳng thể chẳng cầu sinh. Nếu luận theo tuyệt đãi thì hoặc nghiệp cảm Tam giới chính là ác mộng, niệm Phật sinh về Tịnh độ chính là hảo mộng, cũng chẳng thể chẳng cầu sinh.

   Nếu lại có kẻ bảo: “Ngay nơi đây chính là Tịnh độ, cần gì đến Tây Phương?” thì liền vặn ngay: “Ngay lúc này đã ấm no, cần chi phải ăn cơm, mặc áo? Ngay nơi đây chính là phú quý, cớ gì phải kinh doanh, đỗ đạt? Ngay đây đã là học vấn, cớ gì phải đọc sách? Ngay nơi đây chính là đế kinh, cần gì phải lên mạn Bắc? Pháp thế gian đã chẳng bỏ được một mảy nào, sao lại muốn bỏ một mình pháp xuất thế?”.

   Nếu suy nghĩ sâu xa lẽ này thì đối với chuyện sinh về Tịnh độ cả ngàn con trâu cũng không kéo lại được. Tổ sư Thiên Như nói: “Ngộ rồi chẳng nguyện vãng sinh, chẳng dám chắc lão huynh đã ngộ!”. Dù đức Thích-ca sống lại cũng chẳng sửa được câu này!