Dạy chúng tâm
Đại đức Chứng Tâm hỏi tôi về tâm yếu. Tôi thưa: “Tâm yếu không gì bằng niệm Phật”. Ngài Thọ Xương nói: “Tâm niệm Phật chính là Phật”. Bởi lẽ, một niệm tâm hiện tiền là vô tánh duyên sinh, duyên sinh vô tánh.
Vì tâm ấy vô tánh duyên sinh nên hễ nghĩ đến danh thì lòng toàn là danh, nghĩ đến lợi thì bụng đầy cả lợi. Thậm chí ngày làm gì, đêm mộng nấy, không thứ gì chẳng phải là điều ý niệm đã chuyên chú vào. Mười giới thăng trầm đều do đây cả.
Bởi niệm tâm hiện tiền là duyên sinh vô tánh nên đang trong lúc lăng xăng tạo tác, chất chứa thiện ác, đột nhiên buông xuống thì hết thảy pháp đều trọn chẳng thể được. Nhưng nếu chấp chặt vào nơi “chẳng thể được” ấy thì lại bị rớt vào hầm sâu vô vi, chẳng chứng được bản thể vô chướng ngại của Pháp giới, chẳng thể khởi công dụng vô chướng ngại của Pháp giới. Vì thế, niệm Phật cầu sinh Tịnh độ mới chính là pháp môn Đại thừa viên đốn chẳng thể nghĩ bàn!
Niệm Phật thì có gì là khác đâu! Dùng ngay một niệm duyên sinh vô tánh này để niệm danh hiệu Phật vô tánh duyên sinh kia đó thôi! Danh hiệu Phật đã là vô tánh duyên sinh thì dù duyên sinh cũng vẫn là vô tánh. Bởi vậy, niệm một tiếng thì có một tiếng danh hiệu Phật hiển hiện. Niệm mười, trăm, ngàn, vạn tiếng thì có mười, trăm, ngàn, vạn danh hiệu Phật hiển hiện. Lúc chẳng niệm thì vắng lặng.
Niệm đã là duyên sinh vô tánh thì vô tánh chẳng ngại gì duyên sinh. Còn nếu chẳng niệm Phật chỉ e lại sinh bao thứ tạp niệm. Dù chẳng sinh tạp niệm cũng sợ đọa trong lỗi mòn vô vi. Vì thế, phải dùng Phật hiệu để phát sinh cái niệm của mình, khiến mình niệm niệm chẳng lìa Phật hiệu. Đấy chính là ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm, tâm này làm Phật, tâm này là Phật, có thể nói là dùng Phật để chứng tâm, mà cũng có thể nói là dùng tâm để chứng Phật, hoặc nói là dùng Phật chứng Phật, dùng tâm chứng tâm cũng đều được. Rất thẳng tắt, ổn thỏa, thích đáng, liễu nghĩa cực viên đốn, chẳng thể nghĩ bàn, các pháp môn khác chẳng thể sánh bằng được.
Nếu thật sự tin được như vậy, thẳng một bề mà niệm thì chư Phật sẽ hiện tướng lưỡi rộng dài để chứng thực cho. “Nếu ai chuyên niệm Di-đà Phật thì gọi là vô thượng thâm diệu thiền. Khi chí tâm tưởng tượng thấy Phật thì là pháp bất sinh bất diệt”. Lời chân thành từ nơi kim khẩu chẳng tin được sao?