Giảng về niệm Phật Tam muội
Niệm Phật tam-muội còn gọi là Bảo Vương tam-muội, là vua trong các Tam-muội. Phàm là các Tam-muội Thiên, Viên, Quyền, Thật, không Tam-muội nào là chẳng phát xuất từ Tam-muội này, không thứ nào chẳng quy về môn Tam-muội này. Bởi vì Niệm Phật tam-muội là yếu chỉ chí viên chí đốn, là phương tiện thiện xảo để lợi ích khắp cả ba căn.
Tâm tánh chúng sinh chỉ là một mà thôi. Nhưng cái nhất tâm ấy, vốn dĩ có đủ cả hai môn Chân như và Sinh diệt. Tùy duyên nhưng bất biến thì gọi là Chân như môn; bất biến mà tùy duyên thì gọi là Sinh diệt môn.
Nương vào Chân như môn nói ra Viên đốn giáo, nương theo Sinh diệt môn, nói ra Thiên quyền giáo. Lìa Chân như, vô Sinh Diệt thì Quyền ấy là Quyền trong Thật, nên mới có thể vì Thật lập bày Quyền. Lìa Sinh Diệt, vô Chân như thì Thật ấy là Thật trong Quyền, nên mới có thể khai Quyền hiển Thật. Vì Thật lập Quyền, có ba Giáo: Tạng, Thông, Biệt. Khai Quyền hiển Thật thì chỉ có mỗi Viên giáo.
Bốn Giáo Quyền Thật (Tạng, Thông, Biệt, Viên) không Giáo nào chẳng phải là pháp môn niệm Phật, tức là: niệm tự Phật, niệm tha Phật, song niệm tự tha Phật (niệm cả tự lẫn tha Phật). Ước theo bốn Giáo, lập thành mười hai loại Niệm Phật tam-muội. Thêm nữa, bốn thứ Tam-muội như Thường Hành v.v... cùng tên là niệm Phật. Mỗi một Tam-muội đều có đủ mười hai thứ, cộng thành bốn mươi tám thứ.
Hơn nữa, niệm tha Phật thì hoặc là niệm tướng hảo, niệm pháp môn, niệm Thật tướng. Theo đó, các pháp niệm tự Phật, song niệm cũng có thể chia làm ba loại như vậy. Nói gộp khắp cả bốn loại Tam-muội, bốn Giáo thì thành ra một trăm bốn mươi bốn thứ. Mỗi một thứ lại có vô lượng cảnh, quán sai biệt, chẳng thể nói hết. Nhưng một pháp Trì danh phát xuất từ kinh Di-đà, không thuộc trong số những Tam-muội đã kể ở trên. Quán kinh dạy: “Nếu ông chẳng thể niệm đức Phật ấy thì hãy nên xưng Vô Lượng Thọ Phật”, tức là xưng danh vậy.
Pháp môn Trì danh này tựa hồ chỉ dành cho căn cơ Trung, Hạ, nhưng lại là pháp tối viên, tối đốn. Bởi lẽ, danh hiệu được trì niệm ấy, bất luận là hiểu hay chẳng hiểu, bản thể của nó không chi chẳng phải là Nhất cảnh Tam đế; tâm trì niệm chẳng luận là đạt hay không đạt, bản thể của nó không chi chẳng phải là Nhất tâm Tam quán.
Xin thử nói xem: Sáu chữ Di-đà là do danh mà lập danh, là do tâm mà lập danh, là do vì cả danh lẫn tâm mà lập danh, hay chẳng phải do tâm, chẳng phải do danh mà lập danh? Nếu do danh mà lập danh thì danh nên tự trì, cần gì phải đợi tâm trì? Lại nữa, nếu danh có thể tự trì, can dự chi đến tâm? Nếu do tâm mà lập danh, tâm này vốn đã có danh thì nếu lúc chẳng trì, sao danh chẳng hiện? Nếu vừa do tâm, vừa do danh mà lập danh thì danh tự có danh, cần gì phải đợi tâm? Tâm cũng tự có danh, cần gì phải đợi nơi danh?
Hơn nữa, danh tự ấy phần nào thuộc danh, phần nào thuộc tâm? Vả nữa, lúc chẳng trì, dù phân nửa danh thuộc về danh chẳng tồn tại, thì lẽ ra phân nửa danh thuộc về tâm phải tồn tại. Lúc tách ra đã là không, lúc hợp lại sao lại là có? Nếu phi danh phi tâm mà lập danh thì đã phi danh phi tâm sao lại còn có danh hiệu Di-đà?
Suy xét danh như vậy thì tánh của danh hiệu là không, duyên sinh huyễn có. Tánh của một danh hiệu chính là tánh của hết thảy danh hiệu. Danh hiệu chính là Trung đạo Thật tướng của Pháp giới. Nêu lên một danh hiệu liền gồm thâu tất cả, không một pháp nào ở ngoài danh hiệu cả. Cảnh được niệm đã như thế thì quán trí năng niệm cứ dựa theo đó mà suy.
Hơn nữa, ba cảnh này gộp chung lại gọi là Diệu giả. Chỉ nêu chánh báo đã gồm cả y báo, nêu hóa chủ đã gồm cả đồ chúng, nêu giả danh liền gồm cả thật pháp. Một câu danh hiệu trọn khắp cõi Tam thiên vậy.
Hơn nữa, ba pháp quán này gọi gộp chung lại là không bởi kiếm tâm chẳng được. Thêm nữa, nếu danh là tâm, cái gì mới là danh? Nếu danh chẳng phải tâm, sao tâm trì được danh? Nếu tâm là danh, cái gì mới là tâm? Nếu tâm chẳng phải là danh, danh ăn nhập gì đến tâm? Trong khoảng giữa, chẳng phải là, chẳng phải không là, đó chẳng phải là trung hay sao? Câu nói của ngài Hổ Khê nói: “Cảnh là Diệu giả, Quán là không. Cảnh, Quán cùng tiêu chính là trung. Không chiếu chưa hề có sau trước. Nhất tâm viên tuyệt trọn chẳng còn dấu vết!” là nói về ý này.
Ngộ lý này mà Trì danh thì một xưng, một niệm liền viên đốn Vô Thượng Bồ-đề. Nếu chưa ngộ nhưng lần chuỗi nhớ số khắng khít suốt năm thì chưa từng lúc nào chẳng ngầm hợp đạo mầu, hoàn toàn thuộc trong diệu cảnh, diệu quán. Huân tập lâu ngày, tánh đức dần dần hiển lộ: “Như người ướp hương, thân có mùi thơm. Chẳng nhọc phương tiện, tự được tâm khai”. Đấy chính là lý do vì sao chư Tổ Liên Tông cực lực hoằng dương. Ai là người có trí mà lại bỏ pháp này, tìm cầu ngõ quanh nào khác nữa ư?