Tịnh độ
Pháp ngữ của Đại sư Ngẫu Ích
Tác giả: Như Hòa
30/05/2553 03:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bàn về niệm Phật Tam muội
 
   Ông Chương Khiết Chi ở Toàn Thành kể rằng cha mình là cụ Vũ Hành, suốt đời thực sự tu hành, lâm chung ngồi niệm Phật qua đời, và mẹ ông ta là bà Vũ Thạc Nhân , thừa dịp ấy thọ Tam quy, Ngũ giới, chánh niệm nhân duyên qua đời tốt đẹp. Ông xin tôi dạy cho một lời để trang nghiêm Tịnh độ.

   Kinh Tịnh Danh dạy: “Nếu muốn tịnh cõi nước thì hãy tịnh tâm mình”. Hai vị trên tâm đã tịnh thì lẽ đâu cõi nước chẳng tịnh? Vả nữa, Cư sĩ lòng hiếu chẳng khuyết, quy hướng sâu xa nơi pháp môn, tâm lại tịnh thì có đâu cõi nước lại chẳng càng thêm tịnh? Đâu cần phải đợi tôi nói, nhưng tôi đành tạm nói thôi.

   Sách Diệu Tông Sao ghi: “Ngũ trược nhẹ thì cõi Đồng Cư thanh tịnh, khéo hiểu không thì cõi Phương Tiện thanh tịnh, viên chứng Tam quán thì cõi Thật Báo thanh tịnh, chứng rốt ráo thì cõi Thường Tịch thanh tịnh”. Ôi, đạo Tịnh độ hệt như đường lớn nên chẳng khó biết; nhưng lý Tịnh độ hệt như biển cả há có thể trong một bước rảo khắp hết nổi sao? 

   Xét ra, do người đã khuất tập khí Ngũ trược nhẹ ắt phải tịnh được cõi Đồng Cư. Còn như để tịnh các cõi Phương Tiện, Thật Báo, Tịch Quang thì kế sách khéo léo hoàn toàn phải nhờ vào lòng hiếu của ông. Cư sĩ hãy nên quan sát kỹ: Một niệm hiếu thuận đây là ở trong, ở ngoài, hay ở khoảng giữa? Là quá khứ, hiện tại hay vị lai? Là xanh, vàng, đỏ, trắng ư? Là dài, ngắn, vuông, tròn chăng? Là tự sinh, do cái khác sinh, cùng sinh hay không do nhân gì mà sinh ư? Là có, là không, cũng có cũng không hay chẳng có chẳng không? Quán như thế rồi chẳng giữ lấy tâm, chẳng chấp lấy pháp, hiểu rõ bản thể của lòng hiếu chính là không, là giả, là trung.

   Do là không nên Kiến Tư được tịnh, do là giả nên Trần sa tịnh, do là trung nên vô minh tịnh. Do ba hoặc đã tịnh nên ba cõi cũng tịnh. Ba cõi trong tâm mình đã tịnh thì ba cõi trong tâm cha mẹ cũng tịnh theo, bởi không có cha mẹ ở ngoài tâm.

   Như quán một niệm suy nghĩ về chữ hiếu, tùy ý thanh tịnh được ba hoặc; quán hết thảy thiện niệm, hết thảy ác niệm, hết thảy vô ký niệm  cũng đều như thế cả. Đấy gọi là Giác Ý tam-muội, còn gọi là Niệm Phật tam-muội.

   Vì biết tự tâm chính là không nên được thấy Hóa thân Phật. Biết tự tâm là giả nên được thấy Báo thân Phật. Biết tự tâm là trung nên được thấy Pháp thân Phật. Như quán tự tâm thấy được ba (thân) Phật thì niệm ba Phật cũng chính là hiển phát ba đức của tự tâm (Pháp thân, Giải thoát, Bát-nhã). Bởi thế mới nói: Quán Thật tướng của thân thế nào thì cũng quán Phật thế ấy. Quán Thật tướng của Phật thế nào, quán thân thế ấy. Chúng sinh và Phật chẳng hai, cha con cùng một thể. Người độ, kẻ được độ đều chẳng thể nghĩ bàn.

   Dè dặt chớ nên nói: Chỉ quan tâm đến cái có trước lúc cha mẹ chưa sinh. Nếu ông nói đến cái có trước khi cha mẹ chưa sinh ấy thì đã sớm có vô biên sinh tử. Chỉ nhìn suốt thấu nơi một niệm hiện tiền thì nào có cái gì là do cha mẹ sinh đâu? Bởi thế mới nói: “Thập thế cổ kim, thủy chung chẳng lìa ý niệm ngay hiện tại”. Trọn khắp trước mắt, không pháp nào thừa. Hãy suy nghĩ chín chắn!