Tịnh độ
Pháp ngữ của Đại sư Ngẫu Ích
Tác giả: Như Hòa
30/05/2553 03:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nói với dựng liên
(còn gọi Bí Quyết Cầu Sinh Tịnh độ) 
 
   Mùa Đông năm Quý Mùi, tôi giảng kinh Pháp Hoa tại Phổ Đức, Cư sĩ Lý Thạch Lan quên cả tuổi già, đến quy y trước hết. Lúc ấy, cụ vẫn còn phàm tình cầu có con, tôi răn: “Thanh tịnh lòng dục”. Ba năm sau, tâm cầu con chuyển biến, tạc tượng Phật, sáng tối luyến mộ, nhất ý cầu sinh Tịnh độ. Tôi bảo cụ: “Chuyện sinh sản của thế gian máu mủ tạp loạn, sao gọi là tịnh được? Chỉ có liên hoa hóa sinh mới là sự sinh nở thanh tịnh”. Tôi đặt biệt hiệu cho cụ là Dựng Liên (mang thai sen). Tôi lại khuyên cụ hãy nhớ yếu quyết để làm bằng cứ. Cổ nhân nói: “Ái chẳng nặng, chẳng sinh Ta-bà. Niệm bất nhất, chẳng sinh Cực Lạc”. Cư sĩ đã chẳng cầu con nữa thì lòng ái đã nhẹ, lại còn có thể tạc tượng Phật thì niệm đã chuyên nhất.

   Lại còn có yếu quyết là: Không chi khẩn thiết bằng hai câu “tâm này là Phật, tâm này làm Phật”. Bởi lẽ, Chiên-đàn chẳng qua chỉ là gỗ trong thế gian mà thôi, đốt thì thành than, chạm trổ liền thành tượng, chẳng phải là tùy tâm mà thành hay sao? Đã tạo thành tượng rồi, sáng tối lễ bái, chiêm ngưỡng, sáng tối giữ trong tâm, trong mắt, ngoài tâm không Phật thì chẳng phải là cái tâm ấy chính là Phật hay sao?

   Nếu biết tượng Phật khắc chạm ấy đích xác là “tâm làm, tâm là” thì sẽ biết Cực Lạc, Di-đà cũng chỉ là “tâm làm, tâm là” mà thôi! Nếu biết Cực Lạc, Di-đà là “tâm làm, tâm là”, sẽ biết mười phương Tam thế hết thảy chư Phật cũng rành rành là “tâm làm, tâm là”. Nếu biết hết thảy chư Phật là “tâm làm, tâm là” thì biết hết thảy Tịnh độ cũng rành rành là “tâm làm, tâm là”.

   Dùng nhân thanh tịnh duy tâm để nuôi dưỡng tịnh quả duy tâm, vô sinh nhưng lại sinh, sinh chính là vô sinh. Vin vào bằng cứ ấy mà vẫn phải đọa nghi thành là chuyện nhất định không bao giờ có. Nếu ngộ được yếu quyết này rồi mà vẫn bảo pháp môn Tịnh độ chẳng phải là chí đốn, chí viên thì lại càng là điều không thể có!