Có thể bạn đã nghe ai đó nói rằng bạn nên giữ chánh
niệm trong mọi lúc, mọi nơi, dù khi bạn ở nhà hay trong văn phòng, dù
khi đi trên xe buýt hay xe riêng hoặc đi nhờ xe của người khác, v.v…Bạn
có thể giải thích lời khuyên này như muốn nói rằng lúc nào bạn cũng phải
giữ cho tâm tập trung trên hơi thở của bạn. Thực ra trong lúc lái xe,
nếu bạn chỉ lo giữ tâm trên hơi thở thì có khả năng bạn sẽ rơi vào một
số vấn đề, chẳng hạn như mất sự chú ý trong lúc lái xe hay quên cả việc
đang lái xe của mình và bạn có thể sẽ bị tai nạn.
Có
khi bạn lại nghĩ “luôn luôn chánh niệm” có nghĩa là chỉ chú ý đến bất
cứ điều gì bạn đang làm trong lúc đó. Tất nhiên, đây là những gì mà bất
luận một người có đủ nghiêm túc trong công việc của mình đều làm một
cách bình thường. Một nghệ nhân, một hoạ sĩ, ca sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, tư
tưởng gia, diễn thuyết gia, xạ thủ, đầu bếp, v.v… khi làm việc, lúc nào
cũng phải hết sức chú ý đến những điều họ làm.
Chẳng
phải chỉ con người làm điều đó. Chắc chắn bạn cũng từng để ý thấy những
con mèo chăm chú hoàn toàn vào con mồi của nó để làm sao bắt cho được
chúng mà không đánh động con mồi do phạm một sai lầm nào. Cọp, beo, sư
tử, và cá sấu rất là chú ý đến những gì chúng sắp bắt. Có thể bạn đã
từng nhìn thấy những con cò hay sếu đứng chết một chỗ hàng giờ đồng hồ
để bắt một con cá. Những con chó chăn cừu hết sức chú ý đến sự di chuyển
của các con cừu để khi bọn này lạc hướng chúng có thể chạy thật nhanh
đến dẫn dắt bầy cừu đi lại cho đúng hướng. Tiếc thay chẳng có con mèo,
con cò, hay con chó chăn cừu nào có thể đoạn trừ được lòng tham lam, dục
vọng, v.v…, của chúng, hoặc tu tập được chút ít tuệ giác nào do sự chú
tâm đơn thuần vào các đối tượng của chúng như vậy.
Cho
dù lúc nào bạn cũng chú tâm đến những gì bạn đang làm cũng sẽ không
diệt được tham, sân và si. Thực sự, đây chính xác là những gì bạn làm
trong thiền vắng lặng hay thiền định. Dù mỗi lúc bạn chỉ chú tâm đến một
đối tượng bạn cũng không thể loại trừ được những phiền não trong tâm
của bạn. Bạn có thể tập trung tâm trên một đối tượng duy nhất trong năm
mươi năm và tuy vậy phiền não trong tâm bạn vẫn còn nguyên xi không thay
đổi. Một người có thể giữ hết thảy mọi giới luật. Người khác có thể học
thuộc lòng tất cả kinh điển. Ai đó có thể đắc định. Hoặc một người có
thể suốt cuộc đời sống độc cư. Tất cả trong họ có thể đinh ninh rằng
mình đã kinh nghiệm được sự giải thoát tối thượng khỏi mọi phiền não,
điều mà không một người bình thường nào có thể đạt đến rồi. Nhưng thực
sự chẳng ai trong họ có thể có được kinh nghiệm đó nếu không tiêu diệt
mọi phiền não trong tâm. Do đó, ngoài tất cả những gì họ đã hành họ còn
phải loại trừ hết những bất tịnh trong tâm để chứng nghiệm hạnh phúc của
sự giải thoát khỏi mọi loại khổ đau.
Cái
được xem là thiếu đối với việc chú tâm hoàn toàn vào một đối tượng duy
nhất trong mọi lúc này là trí tuệ. Sự chú tâm hoàn toàn của bạn cần phải
kết hợp với như lý tác ý. Như lý tác ý là gì? Đó là sự tác ý hay hướng
tâm có ba thiện căn đi kèm. Ba thiện căn đó là gì? Đó là vô tham (bố
thí), vô sân (tâm từ), và vô si hay trí tuệ. Điều này có nghĩa rằng khi
bạn chú tâm tới một điều gì bạn phải luôn luôn cố gắng chú tâm không có
tham, sân, si, mà với tư duy về bố thí, từ ái và trí tuệ. Ba tư duy này
gọi là ba thiện căn; còn tham, sân, và si là ba bất thiện căn. Đừng để
cho tâm bạn bị tác động bởi các bất thiện căn này khi bạn chú tâm vào
một việc gì. Hãy để cho tư duy vô tham, tâm từ và trí tuệ ngự trị tâm
bạn trong lúc chú tâm vào bất cứ một điều gì.
Khi
bạn chú tâm vào việc rửa nồi niêu soong chảo, có thể bạn không cần phải
có chút tâm từ, lòng quảng đại hay trí tuệ nào đối với chúng. Bạn tu
tập chánh niệm không phải cho nồi niêu soong chảo, mà cho các hữu tình
chúng sinh. Bạn phải chú tâm đến bất kỳ ý nghĩ nào liên quan đến chính
bạn, hoặc đến một chúng sinh nào đó. Có sự quán niệm trong lúc mặc áo
quần, trong lúc ăn uống, trong lúc nói chuyện với người khác, trong lúc
nghe tiếng, trong lúc thấy một vật, trong lúc đi đứng hay lái xe.
Khi
bạn chú tâm trọn vẹn với như lý tác ý hoặc với sự quán niệm như vậy,
tham, sân, si của bạn sẽ mất dần đi, bởi vì trong như lý tác ý vô tham,
từ ái, và trí tuệ hoạt động. Những ý nghĩ quảng đại, từ ái và trí tuệ có
năng lực làm giảm thiểu tham, sân, và si trong lúc bạn dự phần vào bất
kỳ hoạt động nào. Khi chú tâm vào điều gì, không có như lý tác ý hay
khéo suy xét, có thể bạn sẽ làm tăng trưởng tham, sân, si một cách không
chủ định. Chẳng hạn khi bạn nhìn một vật. Vật đó có thể là một vật hấp
dẫn, đẹp đẽ hoặc vừa mắt bạn, hay nó cũng có thể là một vật không hấp
dẫn, khó ưa. Vào lúc đó nếu bạn không như lý tác ý, cuối cùng bạn có thể
nuôi dưỡng tham hoặc sân với đối tượng hay có thể bạn có những ý niệm
hoàn toàn lầm lẫn về đối tượng. Bạn có thể nghĩ rằng vật ấy hay đối
tượng ấy là thường thay vì nhận ra nó là vô thường, lạc thay vì khổ,
hoặc hữu ngã thay vì vô ngã.
Ở
đây có lẽ bạn sẽ hỏi làm thế nào những ý nghĩ hào phóng, rộng rãi của
bạn lại có thể loại trừ được những ý nghĩ đầy tham lam muốn dính mắc vào
đối tượng hay chấp thủ vào nó như vậy. Khi bạn nhận thức đối tượng với
tham ái, tâm bạn sẽ dính mắc vào nó chứ không mở rộng cho bất kỳ một ý
nghĩ buông bỏ tham ra được. Bạn không muốn rời mắt khỏi đối tượng. Thực
sự, vào lúc đó tâm bạn tạm thời bị mù quáng không thấy bất kỳ một ý
tưởng hào phóng nào cả. Cho dù bạn có muốn buông bỏ sự dính mắc vào nó
thì bạn làm thế cũng chỉ với sự miễn cưỡng hay bất đắc dĩ lắm mà thôi.
Bạn có thể cảm thấy rằng mình thật hào phóng. Nhưng sự hào phóng ấy chỉ
là để hoàn thành tham vọng của bạn, chẳng hạn như được lại một cái gì,
hay được mọi người công nhận, hay trở nên nổi tiếng nhờ hành động hào
phóng đó. Tham có chất keo dính cực mạnh trong nó. Ngay cái tiếp xúc ban
đầu với đối tượng khả ái tâm đã dính cứng vào nó. Buông bỏ đối tượng ấy
đau chẳng khác nào như cắt đứt chân tay hay cắt đứt thịt da của thân
bạn, vì thế mà bạn không thể buông bỏ đối tượng đó khỏi tâm.
Đây
là chỗ bạn thực sự cần đến như lý tác ý. Đây là chỗ bạn phải học cách
thấy ra tính chất vô thường, bất toại nguyện (khổ) và vô ngã trong đối
tượng bạn đang nhìn. Như lý tác ý của bạn chỉ ra cho thấy chẳng có đối
tượng nào bạn nhận thức, chẳng có cảm thọ hay cảm xúc nào liên quan tới
đối tượng ấy giữ nguyên được như vậy dù chỉ trong hai sát-na liên tiếp.
Bạn sẽ không có cái cảm giác ấy nữa sau đó. Bạn thay đổi, đối tượng bạn
nhận thức cũng thay đổi. Với như lý tác ý bạn sẽ thấy rằng mọi thứ đều
vô thường. Tri kiến hiểu biết về vô thường này cho phép bạn buông bỏ cảm
giác bực bội của mình ra. Khi bạn, với trí tuệ, thấy ra những gì bất
toại nguyện đều vô thường, thì bạn thấy được sự liên hệ giữa bất toại
nguyện và tham. Khi bạn dính mắc vào một đối tượng vô thường bạn sẽ thất
vọng với sự thay đổi của đối tượng mà bạn đã quá dính mắc vào đó. Khi
bạn có như lý tác ý bạn sẽ thấy rằng cái gì vốn vô thường và bất toại
nguyện đều không có tự ngã.
Tới
đây bạn có thể nghĩ “Chà! bởi lẽ đối tượng này sẽ thay đổi, ta phải
nhanh chóng và khéo léo tận dụng đối tượng này ngay bây giờ và hưởng thụ
nó nhanh chừng nào tốt chừng ấy trước khi nó biến mất. Ngày mai nó sẽ
không còn nữa”. Ở đây bạn phải nhớ gấp thì sót. Nếu bạn đưa ra một quyết
định vội vàng và làm một cách ngu ngốc, dại dột, về sau bạn sẽ hối
tiếc. Chẳng hạn, có khi bạn bị cuốn hút vào một người và vội theo cô ta
hay anh ta mà không tìm hiểu kỹ về họ, và rồi sau đó bạn sẽ phát hiện ra
rất nhiều khuyết điểm nơi con người ấy. Trong một quyết định vội vã như
vậy thường không có sự chú niệm. Bạn không thể đánh thắng vô thường và
bạn cũng không thể chặn đứng nó bằng bất kỳ một nỗ lực điên rồ nào.
Khi
(chánh) niệm của bạn đã được khéo tu tập, lúc đó ngay cả khi vội gấp
bạn cũng đưa ra được quyết định đúng đắn. Điều duy nhất được xem là sáng
suốt khi lao vào chiến đấu với vô thường là biết lui lại và kiểm tra
xem tâm mình có thực hiện quyết định ấy với như lý tác ý hay không. Khi
bạn có chánh niệm bạn sẽ biết cách làm thế nào để tận dụng khoảnh khắc
hiện tại sao cho bạn sẽ không cảm thấy hối tiếc về sau. Bất kỳ một quyết
định nào bạn thực hiện với chánh niệm sẽ làm cho bạn hạnh phúc và bình
yên và không bao giờ khiến bạn phải hối tiếc về sau.
Luôn
luôn nhớ rằng chánh niệm là trạng thái tâm tràn đầy quảng đại (vô
tham), từ ái (vô sân), và trí tuệ cùng với bi, hỷ và xả. Bất cứ lúc nào
bạn chú tâm tới một điều gì bạn phải tự hỏi xem tâm bạn có đầy đủ những
yếu tố này không. Nếu không, có nghĩa là bạn không có chánh niệm.
Khi
bạn có sự rộng lượng hay vô tham trong tâm bạn sẽ buông bỏ được bất kỳ
cảnh sắc, âm thanh, mùi, vị, sự xúc chạm hoặc ý tưởng hấp dẫn nào không
một chút do dự. Tất nhiên bạn vẫn phải nhìn nhận chúng là hấp dẫn trong
nghĩa quy ước. Biết rằng chính do sự hấp dẫn của những trần cảnh ấy mà
người ta bị dính mắc vào chúng, bị hệ lụy vào chúng. Họ càng vướng mắc
vào chúng sâu dày chừng nào thì khổ đau của họ càng dày sâu chừng ấy.
Khi bạn có từ ái trong tâm bạn sẽ không cố gắng cự tuyệt hay xua đuổi
bất kỳ một cảnh sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và ý nghĩ nào nếu chúng
có không đáng ưa, không hấp dẫn. Một cách chánh niệm bạn nhận thức
chúng với tư duy về vô thường. Khi một cảnh sắc, âm thanh, mùi, vị, sự
xúc chạm, hoặc ý nghĩ nào có vẻ đồng nhất với tự ngã, hãy nhìn vào nó
như một khái niệm không thực đã ăn sâu vào tâm trí bạn do nhân duyên qua
nhiều đời nhiều kiếp quan niệm sai lầm và nhìn vào nó với trí tuệ.
Chánh
niệm không phải là sự thận trọng. Nó cũng không phải là sự khôn lanh.
Bất cứ người nào cũng có thể thận trọng và khôn lanh được cả. Một người
đi trên một sợi dây cáp cao cách mặt đất gần trăm mét tất phải thận
trọng. Cứ nhớ những vận động viên thể dục đã lập được đủ mọi loại kỳ
tích về thăng bằng xem. Vô số những con người liều lĩnh đã trèo lên
những ngọn núi dốc đứng, nhảy qua những gềnh đá, những nơi trơn trợt,
những con sông, v.v…, phải rất thận trọng. Nhiều tên trộm rất khôn lanh
và mưu trí hơn cả cảnh sát. Những người buôn bán ma tuý, những tay trộm
cướp nhà băng, những kẻ tội phạm giết người rất là khôn lanh, ma mãnh.
Nhưng chẳng có ai trong họ có thể được xem là có chánh niệm.
Chánh
niệm là trạng thái tâm tự phản tỉnh trên chính nó không để bị vướng vào
tham, sân, và si, những gốc bất thiện gây khổ đau cho bản thân, cho
người khác và cho cả hai.
Khi
chúng ta khuyên người ta đừng nuôi dưỡng oán giận có người sẽ hỏi lại
chúng ta làm thế nào bạn có thể sống mà không từng oán giận? Đây là phép
lạ của sự chánh niệm. Khi bạn thực hành chánh niệm bạn có thể biết cách
làm những điều khó khăn nhất một cách dễ dàng. Không để cho mình bị tức
giận, tham đắm, hay lầm lẫn (si mê) là việc rất khó. Do thường xuyên tu
tập chánh niệm bạn biết cách sống không oán giận, tham lam, hay si mê
lầm lẫn. Hơn nữa sống chánh niệm khó hơn là sống dễ duôi thất niệm, và
bạn biết cách làm cái điều khó khăn ấy dễ dàng hơn là làm điều dễ. Vì lý
do đó Đức Phật nói:
“Đối với người tốt, làm điều thiện là dễ;
Đối với người xấu, làm điều ác là dễ;
Điều thiện thật khó làm với người xấu,
Điều ác với bậc Thánh còn khó hơn.” (Ud.84)
Và:
“Cái mà lúc ban đầu khó khăn nhất sẽ trở nên dễ do thường xuyên thực hành”(Ud.61).
Tác giả: Bhante Henepola Guṇaratana
Việt dịch: Tỳ kheo Pháp Thông